“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.” Đó là mong ước lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời mình để thực hiện mong ước đó.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước nhà bị xâm lược, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một dân tộc mất độc lập, người dân mất tự do. Nỗi đau ấy, cùng với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, đã trở thành nguồn lực vô tận, thôi thúc người thanh niên mới vừa tròn 21 tuổi quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Ngày 2/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra bến Nhà Rồng xin việc. Ngày 3/6/1911, anh được nhận vào làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin.
Ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, anh theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh ba mươi năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Chính hành trình này đã giúp Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt.
Vì thế, Người đã đến với chủ nghĩa Marx-Lenin một cách tự nhiên, như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Và trong ba mươi năm đó, có biết bao “phong ba, bão táp” nhưng không ngăn nổi, không làm chùn ý chí, mong muốn: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr. 112).
Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta.
Đó là sự kết hợp chủ nghĩa Marx-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc.
Đó là việc xây dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta.
Đó là việc xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức phức tạp trong các quan hệ quốc tế.
Đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy tác dụng, đưa tới những thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước ta. Ðó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước do dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Ðó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ðó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Ðó là thắng lợi bước đầu với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế mà nhân dân ta đang tiến hành.
Với những thắng lợi đó, Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên thế giới. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển rất tươi sáng.
Có thể khẳng định, cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu nhân dân tha thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị.
Bác để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Ðảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng, sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói và cách làm việc.
Trong những ngày tháng này, đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác.
Cuộc đời và sự nghiệp của Bác là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam./.
Tất cả mọi việc làm của Bác Hồ đều vì dân, vì nước; chúng ta phải học tập và làm theo
Trả lờiXóaMọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.
Trả lờiXóa