Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Đừng đánh cược mạng sống vào bác sĩ Facebook, Google

Trên thế giới, thông tin giả liên quan đến sức khỏe đang được cảnh báo ở mức “rất tệ hại”. Còn trong nước ta, thông tin giả sức khỏe đang phát tiển chóng mặt với sự “trợ lực” của mạng xã hội, tạo ra những hệ lụy khó lường.
Có một bác sĩ kể câu chuyện khá chua chát như sau: Một bệnh nhân nữ bị tiểu đường hơn tám năm, nhờ ông chữa mà đường huyết 3 năm nay rất ổn định. Lần tái khám gần đây, đột nhiên đường huyết tăng vọt. Bà khẳng định vẫn uống thuốc, tập thể dục đều đặn và không thay đổi chế độ ăn. Gặng hỏi mãi thì bà mới rụt rè cho biết: “Thú thật với bác sĩ, hai tháng nay, mỗi ngày tôi ăn thêm nửa quả dưa hấu vì con tôi xem trên mạng thấy có người bảo trong dưa hấu có chất trị được bệnh tiểu đường”!
Bác sĩ… Facebook, Google
Ai có dùng mạng Internet chắc không lạ với những thông tin có thể gây hại. Kiểu như bệnh nhân bị đột quỵ lại có lời khuyên chích máu 10 đầu ngón tay và cạy miệng đổ nước gừng thay vì đưa đến bệnh viện(!) Hay thông tin của nhóm “phản đối chủng ngừa” (anti-vaccination movement) đang lan tràn rộng rãi trên mạng với những lập luận quá ư… khôi hài đối với giới chuyên môn.
Cũng trên mạng xã hội, thời gian gần đây “bùng nổ” những thông tin chia sẻ, và cả những ý kiến nhiều chiều về việc dùng những bài thuốc dân gian (bao gồm cả thuốc nam, thuốc bắc, thuốc thảo dược theo công thức của người dân tộc…) , những bài thuốc đặc trị chưa được kiểm chứng, và cả những phương pháp trị liệu cho các bệnh thông thường cho đến bệnh nan y như ung thư.
Lại có nhiều phương pháp trị bệnh không cần bác sĩ đã được chia sẻ và áp dụng như: detox giảm cân, “lowcarb” trị béo phì (tức chế độ ăn Low-Carbohydrate, hạn chế gần như tuyệt đối lượng đường, tinh bột trong khẩu phần ăn, còn lại ăn không hạn chế đạm – thịt, đậu, trứng… và chất béo), mật vịt chữa tiểu đường, thực dưỡng chữa được ung thư…
“Hot” nhất là thuốc “từ hạt nano vàng” chữa ung thư của một nhà khoa học trong nước sản xuất, bán đến 15 triệu đồng/chai cho người uống, dù mới chỉ được thử nghiệm trên chuột!
Dẫu những thông tin lan truyền trên mạng xã hội không có giá trị về mặt y khoa nhưng người ta hết hồn vì số lượt thích (like), chia sẻ (share), nhận xét (comment) lên đến hàng ngàn hàng vạn.
Cần tỉnh táo với thông tin trên mạng xã hội
Lĩnh vực sức khỏe luôn là mảnh đất rất màu mỡ cho thông tin giả xuất hiện. Vì vậy, các nhà chuyên môn y dược như bác sĩ, dược sĩ, phải luôn dựa trên quan điểm “y học thực chứng” hay “y học có chứng cứ” (evidence-based medicine, viết tắt EBM) trong thực hành y dược, tức phải biết chọn công cụ tìm tin hữu hiệu để tìm đúng thông tin trị liệu bằng thuốc đáng tin cậy. Các loại thuốc hay một phương thức trị liệu nào đó phải trải qua những nghiên cứu gọi là thử nghiệm lâm sàng (tức thử trên người) khoa học đúng bài bản mới được áp dụng vào điều trị.
Vì sức khỏe và tính mạng người bệnh, họ không dùng một cách tùy tiện những bài thuốc dân gian (bao gồm cả thuốc nam, thuốc bắc, thuốc thảo dược…), những bài thuốc đặc trị chưa được kiểm chứng, và cả những phương pháp trị liệu nếu như không có kiểm chứng cứ khoa học.
Ở đây, xin có đôi điều nói về các bài thuốc dân gian. Các bài thuốc dân gian là kinh nghiệm dùng thuốc của người xưa truyền lại. Chính nhờ có các bài thuốc dân gian mà các sách thuốc cổ mới được xây dựng, nhằm đúc kết, hệ thống hóa lại. Tuy nhiên, có một nhược điểm đối với các bài thuốc dân gian là do truyền miệng, từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác, đưa đến việc “tam sao thất bản”.
Do đó, xen lẫn những bài thuốc là kinh nghiệm đưa đến hiệu quả có tác dụng trị bệnh thật sự, vẫn có những bài thuốc là kinh nghiệm đã bị thổi phồng thật ra không hiệu quả, thậm chí dựa vào mê tín, thần bí hóa.
Trong ngành dược nước ta hiện nay có đặt ra một nhiệm vụ là sưu tầm, phát hiện các bài thuốc dân gian để kiểm tra thật giả, tốt xấu, thậm chí nghiên cứu về mặt khoa học, thử nghiệm lâm sàng nhằm chọn ra các bài thuốc dân gian có giá trị, bổ sung vào vốn y học cổ truyền của nước ta. Ta cần cảnh giác với các bài thuốc dân gian lan truyền trên mạng hiện nay, được đề cao thái quá là chữa được ung thư là không đáng tin cậy.
Cần nhận thức rằng việc tự dùng thuốc hay áp dụng một phương thức chữa, ngừa bệnh qua thông tin trên mạng internet, hoặc theo lời đồn đại, truyền miệng đang trở nên đáng lo ngại ở phạm vi toàn cầu. Người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn y dược luôn phải thận trọng sàng lọc thông tin đáng tin cậy để sử dụng (chuyên môn gọi là “thực hành y học thực chứng”). Dược phẩm luôn gắn liền với kinh doanh, không loại trừ nhiều thông tin về dược phẩm đã “bị nhiễu” chỉ vì mục đích lợi nhuận.
Đối với người dân xin có lời khuyên đừng bao giờ dùng thông tin trên internet hay theo lời mách bảo để tìm cách chẩn đoán bệnh và tự chữa bệnh. Nhiều người mỗi khi lo lắng về sức khỏe của mình là cứ vào mạng để tìm bệnh, thấy trường hợp nào giống như các triệu chứng mình có là cứ y như toa thuốc trên mạng mua về sử dụng, không cần đến bác sĩ. Việc vào các địa chỉ mạng để tìm và tự mua thuốc về uống là cực kỳ nguy hiểm.

1 nhận xét: