Trước làn sóng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI và giao các cơ quan chức năng xây dựng ngay đề án thu hút dòng vốn quan trọng này. Thủ tướng cũng yêu cầu trong quá trình phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phải đặt mục tiêu thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, trở thành những điểm thu hút đầu tư, đón đầu dòng dịch chuyển vốn đầu tư khu vực và toàn cầu, biến thách thức thành cơ hội.
Thông tin cập nhật mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bốn lĩnh vực mà các tập đoàn lớn có xu hướng dịch chuyển dòng vốn là công nghệ thông tin và công nghệ cao; thiết bị điện tử, thương mại điện tử; logistics; hàng tiêu dùng và bán lẻ. Các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất, liên tiếp mở rộng và triển khai các dự án mới, và Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến an toàn, tiềm năng. Tuy nhiên, cơ hội không chỉ dành riêng cho chúng ta, bởi các quốc gia khác trong khu vực cũng đang hành động quyết liệt để đón cơ hội thu hút vốn chất lượng cao từ làn sóng dịch chuyển này. Nếu chậm chân, Việt Nam sẽ vuột mất cơ hội. Lợi thế vốn có về môi trường đầu tư an toàn, chi phí lao động rẻ cùng những giải pháp truyền thống như ưu đãi về thuế là chưa đủ. Trong bối cảnh mới, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh hơn để thu hút có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn quốc gia lớn có công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Việc thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI chính là đổi mới cách làm để đón bắt cơ hội đó. Thay vì ngồi chờ nhà đầu tư nước ngoài sang tận nơi tìm hiểu, đặt vấn đề hợp tác đầu tư như thông lệ trước đây, tổ công tác sẽ lên các phương án chủ động tìm hiểu xem nhà đầu tư cần gì để đàm phán, đáp ứng đúng điều nhà đầu tư cần, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Nói một cách khái quát, nhiệm vụ của tổ công tác đặc biệt là chủ động tìm được dòng vốn chất lượng, thu hút doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ trong thời gian tới. Sau hơn 30 năm mở cửa, hội nhập và cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn nhiều hạn chế. Giai đoạn này là bước ngoặt quan trọng để hướng tới mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới.
Muốn đón được đại bàng đến làm tổ trong cuộc “di cư” chuẩn bị diễn ra, bên cạnh thay đổi lớn về cách thu hút đầu tư, Việt Nam cần xây dựng được thể chế minh bạch, môi trường đầu tư thông thoáng và nhất là chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng, mặt bằng “sạch” ở quy mô lớn để sẵn sàng đón nhận các dự án khi nhà đầu tư quyết định rót vốn.
Muốn đón được các nhà đầu tư lớn, Việt Nam cần xây dựng được thể chế minh bạch, môi trường đầu tư thông thoáng và nhất là chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng
Trả lờiXóa