Việt Nam vừa được Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel & Leisure đưa vào danh sách điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch sau Covid-19. Tuy chịu tác động trực tiếp và nặng nề của đại dịch (ngành du lịch trong nước có thể thiệt hại từ 24-29 tỷ USD), nhưng Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phục hồi du lịch nhanh sau khi khống chế thành công dịch bệnh. Một trong những lợi thế lớn nhất đó là sự an toàn. Ngành du lịch trong nước đang tập trung khai thác lợi thế này, tranh thủ hiệu ứng truyền thông để quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến an toàn để kích cầu du lịch, tạo ra làn sóng du lịch mạnh mẽ thời hậu Covid.
The Nation, tạp chí hàng đầu của Mỹ, vừa có bài viết đánh giá Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, ghi nhận Việt Nam như một quốc gia an toàn nhất trong và sau dịch bệnh Covid. Còn Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie nhận xét Việt Nam luôn là một điểm đến an toàn đối với du khách quốc tế, nhất là sau những nỗ lực chống dịch bệnh thành công. Việc phòng chống dịch Covid hiệu quả đã mang lại sự tin tưởng, an tâm cho cộng đồng quốc tế, trong đó có các khách du lịch nước ngoài, rằng Việt Nam là một điểm đến có độ an toàn cao.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có một số chiến dịch kích cầu du lịch, nhưng khác với những đợt kích cầu du lịch trước đây, các biện pháp kích cầu du lịch ở thời điểm hiện tại đặt yếu tố an toàn ở vị trí số một. Mặc dù Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chưa quyết định bao giờ sẽ mở cửa đón du khách quốc tế trở lại Việt Nam, nhưng ngành du lịch đã bắt đầu chiến dịch quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện đến bạn bè quốc tế. Tổng cục Du lịch đang hoàn thiện các tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn; đưa thông điệp du lịch Việt Nam an toàn ra thế giới, trong đó đặc biệt quan tâm tới an toàn của du khách, hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ lưu trú... góp phần vừa chống dịch, vừa phục hồi ngành du lịch.
Trong những năm gần đây sự phát triển của du lịch Việt Nam có thể coi là “câu chuyện thần kỳ”. Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Trong vòng 3 năm 2015 – 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần so với kết quả tích lũy suốt 55 năm trước đó, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt gần 30%/năm. Tháng 2-2020, Tổ chức Du lịch thế giới thuộc LHQ công bố danh sách các quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới năm 2019, trong đó Việt Nam đứng thứ 7. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 3 về lượng khách du lịch quốc tế. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 18% so với 2018) và hơn 85 lượt khách nội địa (tăng 6%). Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Trong hai lần xếp hạng gần đây đã tăng lên 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước trên thế giới.
Việt Nam có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn nhờ có điều kiện địa lý tự nhiên đa dạng, phong phú, hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái, nền văn hoá đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời, nhiều di sản văn hoá, các làng nghề và các lễ hội truyền thống gắn với các nhóm dân tộc của cả nước, những con người hiền hòa, dễ mến, những món ăn có lẽ thuộc loại ngon nhất châu Á. Như một cựu binh Mỹ ở bang Florida nhận xét sau khi đi du lịch Việt Nam trở về: “Thật tuyệt vời! Các bạn đang ngồi trên đống vàng du lịch mà chưa thật sự khai thác được nó!".
Và còn hơn thế nữa, Việt Nam đang là một đất nước cực kỳ an toàn, một lợi thế quan trọng đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, nhất là sau những gì mà thế giới vừa trải qua với đại dịch Covid-19.
Đây chính là thời điểm để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng để có thể chuyển sang thời kỳ phát triển mới với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực trong một tương lai không xa./.
Đây chính là thời điểm để ngành du lịch chuẩn bị sẵn sàng để có thể chuyển sang thời kỳ phát triển mới với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ trong khu vực
Trả lờiXóa