Social Icons

Pages

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

 Quan điểm của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và được hoàn thiện qua các kỳ đại hội Đảng. Đại hội XII xác định mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Để cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm trên, những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, như “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; “Chiến lược Quân sự Việt Nam”; “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; “Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia”; “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”. Cùng với đó, Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quốc phòng, an ninh: Luật Quốc phòng (sửa đổi năm 2018), Luật An ninh quốc gia, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Công an nhân dân (sửa đổi năm 2018), Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015,... Đây là bước tiến quan trọng, nhằm thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng. Đồng thời, cũng là căn cứ để chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống, tạo thế và lực mới cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Một dấu mốc rất đáng chú ý: Năm 2013, Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 2013) quy định nhiều nội dung mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, có quy định về quyết định điều, cử lực lượng quân đội tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và để khắc phục những hạn chế, bất cập sau 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005, Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng xây dựng Dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ năm, ngày 8-6-2018. Trong đó, có những nội dung quan trọng được sửa đổi, bổ sung, như: Kiên định và làm rõ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ quốc phòng, khẳng định nguyên tắc hoạt động quốc phòng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; quy định về Hội đồng Quốc phòng và an ninh; bổ sung yếu tố văn hóa, đối ngoại trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực khu vực phòng thủ; kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng; thể chế hóa quan điểm của Đảng về hội nhập quốc tế,... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiếp tục xây dựng, sửa đổi các luật chuyên ngành, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng.

Cùng với việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý tập trung, thống nhất đối với sự nghiệp quốc phòng được thực hiện nghiêm túc; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng được nâng lên. Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ, thể hiện ở chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Việc xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng được đẩy mạnh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch vẫn tăng cường các hoạt động chống phá, nhất là trước thềm Đại hội XIII của Đảng. Tình hình nói trên đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trong khi đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng mặc dù đã được xây dựng tương đối đầy đủ, nhưng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, có nội dung chưa phù hợp..., cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần quán triệt và thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm của Đảng ta về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Điều lệ Đảng và các văn kiện đại hội Đảng. Trong đó, nêu bật nguyên tắc: “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh”. Đây là nguyên tắc cơ bản, quy định chức năng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, từ việc xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện đ­ường lối, chủ trương chiến l­ược về quốc phòng, an ninh đến xây dựng các kế hoạch mang tính chiến lược của quốc gia.Thực tiễn lịch sử dân tộc ta kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, quân và dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và ngày nay đang tiếp tục lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, cần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân có hệ thống, đồng bộ, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương.


1 nhận xét: