Social Icons

Pages

Thứ Hai, 21 tháng 6, 2021

PHONG CÁCH LÀM BÁO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÌ LỢI ÍCH ĐẤT NƯỚC VÀ NHÂN DÂN

 

Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian trau dồi vốn tiếng Pháp để hoạt động cách mạng. Tại đây, ngày 18-6-1919, Người đã ký tên Nguyễn Ái Quốc khi thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị Versailles. Bản Yêu sách gây tiếng vang và được Báo “Dân Chúng”, Báo “Nhân Đạo” đăng tải. Bản Yêu sách còn được đăng trên “Nghị Xã Báo” xuất bản ở Thiên Tân (Trung Quốc). Như vậy, bài báo đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản Yêu sách của nhân dân An Nam đăng trên 3 tờ báo nói trên.

Ngày 2-8-1919, bài “Vấn đề bản xứ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo “Nhân Đạo” đã nhắc lại những nguyện vọng trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam là chính đáng. Sau này, những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các tờ báo ở Pháp và Liên Xô từ năm 1921-1924 được các đồng chí của Người ở Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa tập hợp thành tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” do Thư quán lao động (Libraire du Travail) xuất bản ở Paris vào năm 1925.

Từ một người yêu nước và có hoài bão to lớn là giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Chính chủ nghĩa Mác-Lênin mà Người được tiếp cận trước hết qua báo chí đã tạo nên sự biến đổi vĩ đại ấy. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận ra báo chí là một phương pháp hiệu quả để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc đời mới cho nhân dân Việt Nam.

Đặc biệt, những tờ báo do Người sáng lập trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có tác động to lớn trong việc kêu gọi nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia cách mạng. Theo thống kê, từ năm 1922 lúc còn ở Pháp đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Người đã tham gia sáng lập những tờ báo cách mạng: “Người Cùng Khổ” (năm 1922); “Quốc tế Nông dân” (năm 1924), “Thanh Niên” (năm 1925); “Công Nông” (năm 1926); “Lính Kách Mệnh” (năm 1927); “Việt Nam Tiền Phong” (năm 1927), “Thân Ái” (năm 1928); “Đỏ” (năm 1930); “Việt Nam Độc Lập” (năm 1941); “Cứu Quốc” (năm 1942).

Năm 1923, tại Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham gia sáng lập Báo “Quốc tế Nông dân”.

Năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, sau khi về Trung Quốc hoạt động theo lệnh của Quốc tế Cộng sản, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức. Cũng năm 1925, Người sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Bởi vậy, Người chủ trương phải lập một tờ báo cho Hội, đó là Báo “Thanh Niên” do Người sáng lập, ra số 1 vào ngày 21-6-1925, trụ sở ở số nhà 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình xuất bản các tờ báo: “Công Nông” (từ tháng 12-1926 đến đầu năm 1928), “Lính Kách Mệnh” (từ đầu năm 1927 đến đầu năm 1928) và nguyệt san “Việt Nam Tiền Phong” (ra số đầu vào năm 1927). Người cũng sáng lập tờ “Thân Ái” tại Thái Lan vào năm 1928. Tờ này là cơ quan ngôn luận của Hội Thân Ái, Chi hội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Việt kiều ở Thái Lan.

Ngày 3-2-1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị thành lập Đảng tại Cửu Long (gần Hương Cảng, Trung Quốc). Thực hiện quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Tạp chí “Đỏ” được xuất bản. Người chính là người sáng lập và chủ biên đầu tiên của tạp chí. Tạp chí “Đỏ” số 1 ra mắt bạn đọc ngày 5-8-1930.

Đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, chỉ đạo Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng thành lập Mặt trận Việt Minh, sau đó, Người cho lập Báo “Việt Nam Độc Lập” vào năm 1941 và Báo “Cứu Quốc” vào năm 1942. Những tờ báo này có tác động to lớn trong việc kêu gọi nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại kho tàng đồ sộ với hơn 2.000 bài báo. Theo thống kê, Người có hơn 170 tên gọi, bút danh và bí danh, trong số này, 2/3 được Người sử dụng trong các tác phẩm báo chí của mình. Bởi vậy, nói về duyên nợ của mình với báo chí cách mạng, tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 16-4-1959), Người đã nhớ lại: “Về nội dung viết, mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và CNXH. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”(1) .

Do đó, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam (9-1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”(2) và nhấn mạnh “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”(3). Khắc ghi lời dạy của Người, nền báo chí cách mạng và những người làm báo nước ta đã không ngừng phát triển và trưởng thành, góp phần phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

1.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 419.

2.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616.

3.          Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 616.

 


3 nhận xét:

  1. Những di sản mà Bác để lại sẽ mãi trường tồn và xanh tươi cho đến tận các thế hệ mai sau-k10

    Trả lờiXóa
  2. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà báo vĩ đại với rất nhiều bút danh và hàng ngàn bài báo đề cập đến các vấn đề rộng lớn của cách mạng, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người đã để lại một di sản báo chí quý báu, kết tinh thành các giá trị bền vững và phong cách báo chí mẫu mực, độc đáo để chúng ta học tập, noi theo. - K10

    Trả lờiXóa
  3. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa