Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là phạm trù phản ánh mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa lãnh đạo, chỉ huy và phục tùng. Tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội là một nội dung cơ bản biểu hiện bản chất cách mạng của Quân đội ta, trong đó lãnh đạo, chỉ huy giữ vai trò quyết định vì: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, còn chiến sĩ là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng trong thực hiện thắng lợi mọi công việc. Bác Hồ từng căn dặn: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng, thì không làm được gì”, và “Các chú dù là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm”.
Tình đồng chí, đồng đội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt,
vừa là thuộc tính bản chất của một quân đội cách mạng, vừa là một trong những
cơ sở tạo nên sức mạnh của quân đội.
Mối quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ trong QĐND
Việt Nam được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, chiến
đấu, trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta. Một mặt, nó dựa trên chủ nghĩa
Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách
và pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy
định của quân đội; mặt khác, dựa trên tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí,
đồng đội sâu sắc, đoàn kết gắn bó chặt chẽ keo sơn như ruột thịt trong “lúc
thường cũng như lúc ra trận” giữa những con người cùng chung lý tưởng, mục
tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ cao cả của người quân nhân cách mạng-một nhiệm vụ
hết sức nặng nề, nhưng rất vinh quang và cao quý: Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì
độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh, công
bằng, dân chủ, văn minh. Đó là nguồn sức mạnh vô biên để bộ đội ta vượt qua mọi
khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Yêu cầu, nhiệm vụ đó cũng
đòi hỏi cán bộ phải luôn luôn làm kiểu mẫu cho chiến sĩ học tập, noi theo;
chiến sĩ phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ
gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.
Tấm gương cán bộ thể hiện trước hết ở sự quan tâm
thiết thực và chu đáo đến đời sống tinh thần và vật chất của bộ đội. Trong thư
gửi Hội nghị chính trị viên tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối
với bộ đội, chính trị viên phải săn sóc luôn luôn đến sinh hoạt vật chất của
họ: Ăn, mặc, ở, nghỉ, tập luyện, công tác, sức chiến đấu. Về mặt tinh thần,
phải săn sóc để nâng cao kỷ luật, bài trừ hủ hóa, phát triển văn hóa và đường
lối chính trị trong bộ đội”. Có chăm lo đến đơn vị, hòa mình với vui, buồn của
người lính, đồng cam cộng khổ với bộ đội thì bộ đội nhất định tin và nghe theo.
Bác nói: “Đối với binh sĩ, thì lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, quần áo,
nhất nhất phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ
thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh,
họ sẽ hăng hái đánh”. Và Người khẳng định: “Cán bộ có coi đội viên như chân
tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc”.
Quan tâm đến cuộc sống của đơn vị hằng ngày một
cách chu đáo đã là một tấm gương. Song người cán bộ còn phải làm cho mọi hành
vi, lời nói của mình trở nên mẫu mực để bộ đội noi theo. Nhiều lần, Chủ tịch Hồ
Chí Minh nhắc nhở cán bộ phải làm gương cho chiến sĩ, không loại trừ ở cấp chức
nào. Người chỉ rõ: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải
săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống
như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn
cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được
kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân
chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”.
Khi cán bộ lãnh đạo, chỉ huy mẫu mực, hết lòng
chăm lo xây dựng đơn vị, tôn trọng và thương yêu cấp dưới như “chân với tay”
thì cấp dưới sẽ kính trọng, coi lãnh đạo, chỉ huy của mình “như đầu như óc”,
như người thân; từ đó họ sẽ mang hết khả năng của mình để thực hiện chỉ thị,
mệnh lệnh một cách tự giác và có hiệu quả cao nhất. Trái lại, nếu cán bộ không
làm “mực thước” cho cấp dưới, quan liêu, hách dịch, thì chắc chắn cấp dưới sẽ
xa lánh họ; chỉ thị, mệnh lệnh mà họ đưa ra sẽ được cấp dưới tiếp thu một cách
khiên cưỡng, hiệu quả thấp, thậm chí bị chối bỏ. Bởi vậy hơn ai hết, lãnh đạo,
chỉ huy cơ quan, đơn vị phải thực sự xứng đáng là người anh, người “chị hiền”
tận tụy chăm lo cho tập thể, cho từng chiến sĩ. Cán bộ phải là hạt nhân đoàn
kết thống nhất, thật sự làm cho cấp dưới kính trọng, tin tưởng.
Khi được xem như một tấm gương về đức và tài cho
chiến sĩ, người cán bộ quân đội sẽ luôn là biểu tượng cho họ phấn đấu học tập
rèn luyện noi theo. Đó chính là làm nảy sinh nhu cầu về mặt xã hội của người
lính, tạo ra động lực mạnh mẽ cho quân nhân vươn lên, làm cơ sở để giáo dục
trong quân đội nói chung, giáo dục đạo đức nói riêng đạt kết quả tốt.
Cần thấy rằng, mối quan hệ giữa cán bộ với chiến
sĩ không chỉ biểu hiện qua việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ giữa lãnh đạo,
chỉ huy và phục tùng mà còn được biểu hiện ra qua tình đồng chí, đồng đội-một
giá trị đạo đức cao đẹp mang ý nghĩa xã hội-chính trị sâu sắc, thấm đượm tính
nhân văn, chứa chan tình yêu thương con người. Khó có thể tìm thấy ở đâu tình
cảm đồng chí, đồng đội sâu sắc, gắn kết chặt chẽ, trong sáng như tập thể quân
nhân, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, ác liệt.
Tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn từ sự thống nhất
các lợi ích giai cấp của người lao động. Trong từ “đồng chí”, “đồng đội”, sự
bình đẳng về chính trị, về nghĩa vụ quân nhân, tình anh em, tình bạn chiến đấu
được bày tỏ sâu sắc và vô cùng súc tích. Trong quân đội, do tính chất và ý
nghĩa xã hội-chính trị của hoạt động quân sự, tình đồng chí, đồng đội có điều
kiện củng cố vững chắc và không ngừng phát triển; trở thành đặc trưng không thể
thiếu trong lối sống của mỗi quân nhân và tập thể quân nhân.
Biểu hiện của tình đồng chí, đồng đội là sự tin
cậy lẫn nhau và quên mình vì nhau, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng
như lúc chiến đấu. Với mỗi người quân nhân, tình đồng chí, đồng đội còn biểu
hiện ở “tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, nhận khó khăn về mình,
nhường thuận lợi cho đồng đội, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với nhau những nỗi vui
buồn; ở sự thẳng thắn, trung thực; không làm ngơ trước những thiếu sót, khuyết
điểm trong thái độ, hành vi của đồng đội; biết ngăn đồng chí khỏi những việc làm
sai trái, giả dối; biết giữ nguyên tắc với mình và những người xung quanh,
trong việc lớn cũng như việc nhỏ; không dung hòa với những biểu hiện vô đạo
đức, thói kẻ cả, kiêu ngạo.
Tình thương yêu đồng chí, đồng đội được tôi luyện,
thiết lập vững chắc trong QĐND Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và cho đến nay, trở thành nét đẹp truyền
thống, thành bản chất không thể phai mờ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội
Cụ Hồ, là một trong những nhân tố “gốc” cấu thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng
của Quân đội ta.
Đơn vị là nhà. Cán bộ chiến sĩ đều là anh em. - K10
Trả lờiXóaCác cán bộ đều coi các chiến sỹ như đứa em trong nhà vậy
XóaQuan hệ tích cực giữa cán bộ - chiến sĩ là yếu tố cơ bản tạo nên sự tin tưởng, hợp tác lẫn nhau, bầu không khí tâm lý - xã hội lành mạnh, từ đó góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu của tập thể. - K10
Trả lờiXóaĐoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp-k10
Trả lờiXóa