Social Icons

Pages

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

CÁC BIỂU HIỆN TIÊU CỰC TRONG CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

 

Tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là những thói hư, tật xấu, khuyết điểm, là nhận thức, thái độ, hành vi không lành mạnh, có tác dụng xấu của cán bộ, đảng viên, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích, uy tín của Đảng, có hại cho nhân dân, cản trở quá trình phát triển của xã hội. “Tiêu cực” có nội hàm rất rộng, với nhiều biểu hiện khác nhau cả trong nhận thức lẫn hành vi, với tính chất, mức độ khác nhau. Việc nhận diện các biểu hiện cụ thể của “tiêu cực” là không đơn giản, nhưng có thể khái quát lại, biểu hiện rõ nét nhất của “tiêu cực” là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã có chiều hướng thuyên giảm. Đánh giá của đầu nhiệm kỳ là “chưa đạt được mục tiêu đề ra”, “chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”, đến cuối nhiệm kỳ được đánh giá “đạt được kết quả toàn diện” tuy “còn diễn biến phức tạp”.

Báo cáo kết quả điều tra dư luận xã hội về “Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện tháng 11/2020 cho thấy, đa số người được hỏi (trên 50%) cho rằng những vấn đề, hiện tượng xấu, tiêu cực trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã giảm đi, đó là: Hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết trong chi bộ, đảng bộ, cấp ủy đảng (64%); Tham nhũng (58%); Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên và trong xã hội (58%); Kỷ cương, phép nước không nghiêm, “lệ to hơn luật” (56%); Quan liêu, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức (52%); Bè phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa (52%). 

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn hạn chế. Các biểu hiện tiêu cực diễn ra ở các cấp, ngành, các lĩnh vực, từ cán bộ cấp thấp đến cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Nghị quyết Đại hội XIII đã thẳng thắn chỉ ra: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ;…Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Những hiện tượng tiêu cực đó đã gây bức xúc trong xã hội. Trong các tiêu cực, cán bộ, đảng viên và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc nhiều trước một số tình trạng tiêu cực sau:

Một là, lợi ích nhóm. Đây là biểu hiện có trong tất cả các lĩnh vực; trong đó đáng lo ngại nhất là quản lý nhà nước đối với kinh tế, quản lý con người, công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. “Lợi ích nhóm” làm cản trở quá trình cải cách tư pháp, hành chính, từng bước làm vô hiệu hoá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm chệch định hướng phát triển, tăng sự phân hoá trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tiềm ẩn sự mâu thuẫn trong xã hội. “Lợi ích nhóm” từng bước làm tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức, sai lệch các chuẩn mực xã hội, gây mâu thuẫn nội bộ, làm xói mòn lòng tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tiêu cực trong công tác cán bộ. Các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ thường thấy là chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm... Biểu hiện là tình trạng đúng quy trình nhưng không chọn được những cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; hợp thức hóa quy trình bằng nhiều cách khác nhau diễn ra ngày càng nhiều. Tình trạng chạy chức, chạy quyền có phần tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn khác nhau, biểu hiện ngày càng phức tạp, khó nhận biết. Không ít người đứng đầu đã bất chấp nguyên tắc, quy trình, quy định để lạm quyền thực hiện công tác cán bộ theo ý của riêng mình. Trên thực tế, ở một số địa phương, đã có tình trạng cán bộ được bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm theo hiệu ứng domino, bổ nhiệm tràn lan… gây bức xúc trong xã hội.

Ba là, tình trạng tham nhũng “vặt”. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau; xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; hải quan; thuế; tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức… và nó “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý. Tham nhũng vặt tuy giá trị không lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp… Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, đạo đức của Đảng nói chung.

Bốn là, tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm, tình trạng hối lộ, đề cao đồng tiền, thực dụng chủ nghĩa. Các biểu hiện suy thoái liên quan đến thực thi quyền lực nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của cán bộ, đảng viên rất đa dạng, như nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi...

Năm là, tình trạng tha hóa đạo đức, lối sống, sống buông thả, hưởng lạc... Những hành vi này tác động không nhỏ đến dư luận xã hội, gây phản cảm trong nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào tính tiền phong, gương mẫu của người đảng viên, suy giảm uy tín của Đảng, Nhà nước.

Việc nhận diện đúng những biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, đảng viên là cơ sở hết sức quan trọng để có biện pháp phòng, chống hữu hiệu làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.


2 nhận xét:

  1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng, chống tiêu cực, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để phòng, chống tiêu cực. Trước mắt, cần tập trung xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu. - K10

    Trả lờiXóa