Một trong những nguyên nhân chủ quan cơ bản gây nên tình trạng suy thoái
của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu
dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi. Mắc bệnh cá nhân
chủ nghĩa cũng là biểu hiện đầu tiên trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức,
lối sống.
Căn bệnh này ngày càng có những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây ra những hệ lụy tai hại, làm nhức nhối dư luận xã hội. Do đó, việc kịp thời nhận diện, vạch mặt chỉ tên những biểu hiện nổi cộm của nó là việc làm cấp thiết trong tình hình hiện nay.
Những biểu hiện không thể xem thường của bệnh cá nhân chủ nghĩa
Sinh thời, Chủ tịch
Hồ Chí Minh từng chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân, gồm: Bệnh
quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh
“hữu danh, vô thực”; bệnh cận thị (tức là chỉ chú ý đến cái nhỏ nhặt, vụn vặt,
không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tị nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh
kéo bè kéo cánh(1).
Ngoài những bệnh
nêu trên, những năm gần đây, bệnh cá nhân chủ nghĩa còn nảy sinh một số biểu
hiện không thể xem thường, nhất là các biểu hiện như cơ hội, thực dụng,
"mũ ni che tai", đề cao “cái tôi” cá nhân thái quá...
1. Cơ hội. Theo quan niệm thông thường, cơ hội thường được hiểu là biết tận
dụng thời cơ để hành động đạt mục đích, kết quả cao nhất. Tận dụng cơ hội tốt
để làm việc nghĩa, việc thiện là cử chỉ, hành động rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, thời
gian qua, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã lợi dụng những kẽ hở trong cơ chế,
chính sách, luật pháp và những sơ hở trong công tác quản lý, điều hành của bộ
máy công quyền, coi đó như thời cơ “đục nước béo cò” nhằm vơ vét tài sản, tiền
bạc của Nhà nước và nhân dân. Cũng xuất phát từ chủ nghĩa cơ hội mà sinh ra bao
thứ phiền toái: Nịnh hót, luồn lọt, tâng bốc nhau “một tấc lên trời”, kéo bè
kéo cánh, cục bộ địa phương, bao che khuyết điểm, dung dưỡng cái xấu, thậm chí
tiếp tay cho cả cái ác. Những kẻ cơ hội được người đứng đầu Đảng ta đã ví như
“con lươn, con chạch”-loài vật mà người ta hay liên tưởng đến những kẻ ra luồn
vào cúi, sống lươn lẹo, uốn éo, thoắt ẩn thoắt hiện, khó nắm bắt. Những biểu
hiện cơ hội này tuy không dễ “bắt tận tay, day tận mặt”, nhưng rất nguy hại.
2. Thực dụng. Từ “thực dụng” có nghĩa ban đầu là coi trọng tính ứng dụng trong
thực tế.
Sau này từ “thực
dụng” để chỉ những người luôn đề cao lợi ích vật chất, thậm chí coi đồng tiền
là chiếc “chìa khóa vạn năng” trong việc giải quyết mọi mối quan hệ xã hội.
Thiếu coi trọng ý nghĩa tinh thần và giá trị văn hóa, đạo đức nên những người
thực dụng sẵn sàng hạ thấp nhân cách bản thân để mưu cầu, trục lợi cho mình.
Một biểu hiện thực dụng khác ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là kén chọn chức
danh, nhắm tới vị trí công tác có thể “hái ra tiền”, thậm chí có tư tưởng “đầu
gà hơn má lợn”-tức là thà làm “quan nhỏ” mà có bổng lộc còn hơn là làm chuyên
viên, trợ lý ở cơ quan cấp trên chủ yếu sống bằng tiền lương. Thế nên, những
người này thường tìm mọi cách để không phải chuyển sang vị trí khác, kể cả vị
trí cao hơn, nếu vị trí đó không mang lại nhiều lợi ích vật chất cho họ.
3. “Mũ ni che tai”. Trong đội ngũ cán
bộ, đảng viên, nhiều người có bản lĩnh, phong cách và tư cách sống đàng hoàng;
sống nhân nghĩa, trung thực, không cầu cạnh, bon chen, ích kỷ, vụ lợi. Đó là
những vẻ đẹp đạo đức của những cán bộ, đảng viên chân chính.
Tuy nhiên, xuất
phát từ động cơ thiếu lành mạnh, một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay không
dám sống trung thực với chính bản thân. Thấy cái đúng không biết bảo vệ, thấy
cái sai không dám đấu tranh, họ thực hiện phương châm “im lặng là vàng” và “gió
chiều nào theo chiều ấy”. Trong sinh hoạt Đảng, họ hiếm khi tự giác, xung phong
phát biểu ý kiến, nếu có thì cũng chỉ nói dăm ba câu cho “phải phép”. Trước một
vấn đề nhạy cảm cần có sự quyết đoán, nhưng khi cơ quan lấy ý kiến và biểu
quyết, họ thường “ngó ngang, nhìn dọc” rồi mới giơ tay sau cùng. Thái độ dè
dặt, bạc nhược như thế cũng xuất phát từ thói ích kỷ cá nhân mà ra.
4. Đề cao “cái tôi” cá nhân thái quá. Đây là biểu hiện nổi cộm của bệnh gia trưởng, độc đoán, chuyên
quyền của một bộ phận cán bộ có chức quyền. Biểu hiện khá phổ biến là không ít
cán bộ nhận thức chưa thấu đáo, giải quyết không đúng mực mối quan hệ “tập thể
lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, mà thực chất là coi nhẹ, hạ thấp vai trò lãnh đạo
của tập thể, trong khi lại đề cao vị trí của bản thân, lợi dụng chức quyền của
mình để lèo lái, chi phối, thậm chí lấn át cả tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Trong giải quyết
các mối quan hệ với nội bộ tập thể hay khi phát biểu tại các buổi sinh hoạt
đảng, chính quyền, nhiều cán bộ lãnh đạo coi ý kiến của mình có sức nặng vượt
trội, còn ý kiến tham gia của người khác là chỉ là phụ, không quan trọng, nghe
rồi bỏ ngoài tai. Thực tế cho thấy, phần lớn những cán bộ lãnh đạo mắc sai
phạm, kể cả nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật trong thời gian qua đều ít nhiều
xuất phát từ thái độ, tác phong làm việc duy ý chí, áp đặt cá nhân, đề cao “cái
tôi” thái quá, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, không chịu
lắng nghe những lời đóng góp thẳng thắn của cán bộ, nhân viên cấp dưới và quần
chúng.
Quyết liệt đấu tranh đẩy lùi các biểu hiện cá nhân chủ nghĩa
Con người cá nhân
và xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau. Con người với tư cách là chủ thể
của xã hội mà hành động theo quy luật sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội
và ngược lại. Con người phát triển toàn diện và hài hòa trong chế độ XHCN là
con người biết kết hợp hài hòa giữa 3 lợi ích là cá nhân-tập thể-xã hội. Đảng
ta đã xác định lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp cho sự phát triển. Tuy
nhiên, việc tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân hay coi lợi ích cá nhân là động lực
duy nhất thì đó là tư tưởng cực đoan, dễ sa ngã vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.
Chúng ta xây dựng
chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh nhiều tàn dư lạc hậu của chế độ xã hội cũ chưa
bị xóa bỏ hoàn toàn, trong khi những cái mới, cái tiến bộ, văn minh của chế độ
xã hội mới chưa thực sự trở thành yếu tố bao trùm, chi phối đời sống tinh thần
của quốc gia-dân tộc. Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong tâm lý
nhân cách của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại,
đan xen nhiều đặc điểm tâm lý phức tạp. Đó là tâm lý tiểu nông manh mún, vụn
vặt của con người thời phong kiến; tâm lý quan liêu, bảo thủ của con người thời
bao cấp; tâm lý cơ hội, thực dụng, ích kỷ của con người thời kinh tế thị
trường. Các đặc trưng tâm lý đó chính là những bất cập, hạn chế trong nhân
cách, từ đó dẫn đến những thái độ, hành vi, việc làm mang nặng tính cá nhân chủ
nghĩa-một điều rất xa lạ với chuẩn mực nhân cách của con người Việt Nam trong
thời đại Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, trước
những tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập thế giới và nền kinh tế thị
trường, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức bị đảo lộn; thái độ tôn sùng vật chất,
coi trọng tiền bạc, danh vọng cũng khiến nhiều người sa vào vũng lầy của chủ
nghĩa cá nhân. Suy cho cùng, những biểu hiện như cơ hội, thực dụng, "mũ ni
che tai", đề cao “cái tôi” cá nhân thái quá, vừa là nguyên nhân sâu xa vừa
là hệ quả tất yếu của bệnh cá nhân chủ nghĩa nảy sinh, làm vẩn đục môi trường
văn hóa xã hội, làm mọt ruỗng văn hóa công quyền và đạo đức công vụ.
Trước thực trạng
đó, việc cần làm hiện nay là phải có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để
phòng, chống, đẩy lùi bệnh cá nhân chủ nghĩa. Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên
truyền, giáo dục mọi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những biểu hiện mới và tác
hại nghiêm trọng của bệnh cá nhân chủ nghĩa trong tình hình hiện nay. Quan tâm
chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên đề cao lòng tự trọng, văn hóa liêm sỉ, đây
là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc nhở: “Mỗi cán bộ,
đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng
cao nhận thức, trình độ, trở thành những con người có văn hóa, có liêm sỉ”(2).
Những người giàu lòng tự trọng, thấm nhuần các giá trị văn hóa tốt đẹp của ông
cha và những phẩm chất đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô
tư” sẽ tự phòng ngừa được bệnh cá nhân chủ nghĩa.
Nêu gương không chỉ
là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, mà còn là một trong những
phương pháp rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Vì
vậy, để góp phần đẩy lùi bệnh cá nhân chủ nghĩa, đội ngũ cán bộ, đảng viên,
nhất là người đứng đầu các cấp cần thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc
Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Những
điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của
Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất
là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 về
“Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng
viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên
Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Một biện pháp cần
phải làm thường xuyên, bền bỉ là thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả
nguyên tắc, chế độ tự phê bình và phê bình gắn với làm tốt công tác kiểm tra,
giám sát; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên mắc trọng
bệnh cá nhân chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của tổ
chức, cơ quan, đơn vị và lợi ích quốc gia-dân tộc.
Giải pháp căn cơ là
chăm lo, bồi dưỡng, đãi ngộ tương xứng cả về lợi ích vật chất và tinh thần cho
cán bộ, đảng viên phù hợp với từng cương vị công tác, công việc chuyên môn,
tính chất ngành nghề; đồng thời xây dựng môi trường làm việc dân chủ, nhân văn,
bầu không khí nội bộ trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị thật sự lành mạnh. Vì
suy cho cùng, bệnh cá nhân chủ nghĩa sẽ dần bị triệt tiêu khi chúng ta xây dựng
được nền tảng vật chất, văn hóa xã hội hội tụ những giá trị tiến bộ, văn minh
của thể chế chính trị ưu việt để góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa cá nhân,
tập thể và xã hội
(1) Hồ
Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG-ST, HN, 2011, tr.278.
(2) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ
Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 13-6-2021.
Những suy thoái đó ảnh hưởng lớn đến sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng; làm cho nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp bị biến đổi; hình thành những tập quán xấu, nếu không ngăn chặn thì rất nguy hiểm, khó khắc phục. Đây thực sự là những cảnh báo không thể xem thường. - K10
Trả lờiXóaChủ nghĩa cá nhân là căn bệnh rất nguy hiểm cần phải điều trị triệt để
Trả lờiXóa