Social Icons

Pages

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

KHÔNG THỂ BẺ CONG LỊCH SỬ

 

Gần 50 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tới nay vẫn còn có những ý kiến sai lệch, xuyên tạc lịch sử. Họ cố tình khoét sâu những vết thương chiến tranh, chia rẽ dân tộc, đưa ra các luận điệu bẻ cong lịch sử bởi những động cơ, ý đồ xấu, những mưu đồ lợi ích của bản thân và các nhóm chống đối. Hành động này không chỉ là việc xét lại lịch sử mà còn là sự phá hoại tương lai.

Mỗi dịp tháng tư về, một số cá nhân, nhóm người Việt Nam ở nước ngoài lại đưa ra những cụm từ cũ rích, cố tình tô vẽ lại những quan điểm sai lầm như “tháng tư là tháng “vo gạo bằng nước mắt”, “mùa quốc hận - tháng tư đen”, hoặc đòi vinh danh chế độ tay sai “Việt Nam Cộng hòa”, thậm chí là đòi chia đôi lại đất nước giống như trước 1975. Một số đối tượng đưa lên mạng xã hội những quan điểm sai trái, coi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta “thực chất chỉ là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì đáng tự hào”. Đáng nói, một số người dù đã được nhân dân nuôi dưỡng, trải qua những năm tháng chiến tranh, giờ đây khi đã nghỉ hưu thì tự cho mình là người có quan điểm “cấp tiến”, tùy tiện phán xét quá khứ, cho rằng kỷ niệm ngày chiến thắng không phải là một việc “tử tế”.

Tất cả những việc làm đó hướng đến mục đích làm sai lệch lịch sử, đối tượng hướng đến là giới trẻ, những người sinh ra sau ngày 30/4/1975 vốn không phải trải qua những năm tháng chiến tranh đau thương, mất mát để thấu hiểu ý nghĩa của độc lập, thống nhất và hòa bình.

 Ý đồ những luận điệu sai trái này nhằm mang đến cách nhìn lệch lạc, cho rằng chiến thắng 30/4/1975 và sự nghiệp kháng chiến của dân tộc ta ròng rã mấy thập kỷ là cái giá phải trả quá đắt, là một sai lầm, làm cho dân tộc đau thương, chậm phát triển đất nước. Từ đó, các đối tượng hướng lái vấn đề, quy trách nhiệm cho Đảng ta, con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn. Đây là một nhận thức phi lịch sử, muốn phủ nhận chiến thắng của nhân dân ta, đồng thời phủ nhận cả lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và kiên trì xây dựng. Cách nhìn của các đối tượng xấu muốn đánh đồng người chiến thắng và kẻ thất bại, xóa nhòa mục đích, tính chất, bản chất sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Thực tế lịch sử đã chỉ rõ, sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn với hình thức chính thể “Việt Nam cộng hòa” trong cơn bão táp cách mạng giải phóng miền Nam 30/4/1975 là bằng chứng rõ ràng về sự phá sản, thất bại của chủ nghĩa thực dân mới, chủ nghĩa đế quốc.

Đó là sự phá sản, thất bại của các thế lực xâm lược bên ngoài hòng áp đặt ách thống trị, nô dịch, áp bức, bóc lột nhân dân ta ở miền Nam, được ngụy trang và biện minh bằng những lời lẽ tốt đẹp, những “học thuyết” và “chính sách” tô vẽ cho dân chủ, tự do, cho tiến bộ và phát triển đầy giả dối theo hệ giá trị của Mỹ.

Đã có rất nhiều tiếng nói từ những người ở phía bên kia chiến tuyến sau này thừa nhận sai lầm của họ và ghi nhận chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam cũng như chiến công của những người cộng sản.

Tướng Nguyễn Hữu Có, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Việt Nam cộng hòa, sau này trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “Chiến thắng 30/4 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam... Không còn chiến tranh, không còn bom rơi đạn nổ trên quê hương mình là điều lớn nhất mà việc kết thúc chiến tranh mang lại”.

Ngay cựu Thủ tướng Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ khi nhận xét về việc một số người gọi ngày 30/4 là “quốc hận” và đòi “phục quốc”, ông đã nói rằng: “Thống nhất xứ sở là nhiệm vụ lịch sử của mỗi một người con Việt Nam nhưng chúng tôi đã không làm được. Những người anh em phía bên kia đã làm được, phải chấp nhận đó là lịch sử và đất nước đã được thống nhất rồi. Vậy mà còn quay ra nói phục quốc? Nước Việt Nam có mất cho Tây đâu mà phục quốc?”.

Chiến thắng 30/4/1975 là sự khẳng định với toàn thể thế giới về ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất non sông. Khát vọng thống nhất non sông, bảo vệ chủ quyền đất nước là một sức mạnh vô song có thể giúp một dân tộc nhỏ, với tính chính nghĩa làm nên những chiến công hiển hách, vĩ đại.

Quá khứ phải lùi lại, lịch sử sang trang mới. Tuy nhiên, có những sự kiện lịch sử thời gian càng lùi xa càng tỏa sáng, càng nghiền ngẫm càng nhận ra những giá trị mới mẻ, vĩ đại, càng có sức lôi cuốn, là động lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong các chặng đường cách mạng tiếp theo. Ngày toàn thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những sự kiện huy hoàng như vậy.

Gần 50 năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, thời gian càng lùi xa, chiến thắng 30/4/1975 của dân tộc Việt Nam càng nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử. Các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ, sâu sắc hơn giá trị và bài học của chiến công chói lọi này.

Nhân dân Việt Nam luôn thiết tha, yêu chuộng hòa bình, khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc, không bao giờ mong muốn chiến tranh. Nhưng vì sinh mệnh và sự tồn vong của dân tộc, cũng như nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng đối với quốc tế mà nhân dân ta, cả hai miền Nam - Bắc, tiền tuyến và hậu phương buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bao thế hệ ông cha đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, tự do, mưu cầu hạnh phúc, bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống, thăm thú trong thanh bình, cùng chung tay xây dựng một đất nước ngày càng thể hiện cơ đồ, vị thế trên trường quốc tế.

Ai đó, vì bất cứ lý do gì, có tư tưởng lệch lạc, có hành vi gây mất ổn định, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là có tội với đất nước, với anh linh của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

 

7 nhận xét:

  1. Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta-k10

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

      Xóa
  2. Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”-k10

    Trả lờiXóa
  3. Đại thắng mùa xuân năm 1975, như nhận định của Đảng ta là một sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, làm nức lòng bạn bè và nhân dân tiến bộ khắp năm châu bốn biển. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội lần thứ IV cũng chỉ rõ: “Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của CNXH, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và CNHX”-k10

    Trả lờiXóa
  4. Nguyễn Minh Đạtlúc 10:17 29 tháng 4, 2022

    Chiến thắng 30/4/1975 là sự khẳng định với toàn thể thế giới về ý chí, nghị lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất non sông.-k10

    Trả lờiXóa
  5. đã là lịch sử thì không thể xuyên tạc

    Trả lờiXóa