Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, vì vậy, sự lãnh đạo
đúng đắn của Đảng đòi hỏi phải có cương lĩnh, đường lối đúng đắn. Tính đúng đắn
chính là xuất phát từ thực tiễn và khi thực tiễn thay đổi cũng phải thay đổi
cho phù hợp, đó chính là tính cách mạng và khoa học.
Quy định số 07 và Quy định 102 của Bộ Chính trị như nêu ở trên,
tuy đã góp phần tạo bước ngoặt trong phòng, chống tham nhũng nhưng thực tiễn đã
mới hơn, tham nhũng đã tinh vi hơn, nhiều hình thức hơn nên vẫn cần có những quy
định mới, kịp thời để “bịt” hết lỗ hổng. Chính vì vậy, ngày 6/7 vừa qua, thay
mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định
số 69-QD/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế quy định số 07
và 102.
Đây là một bước tiến mới trong việc cụ thể hoá, để “bịt” các lỗ
hổng phát sinh trong thời gian qua. Đó là sự kịp thời mang tính cách mạng, tính
khoa học, tính thực tiễn.
Ở đây, Quy định số 69-QD/TW đã cụ thể hoá các hình thức kỷ luật
với những vi phạm mà thời gian vừa qua nổi lên như một xu hướng, một mối đe
doạ, một thách thức nguy hiểm.
Tình trạng chạy chức chạy quyền kiểu “mua quan bán chức”; tình
trạng tạo điều kiện để vợ (chồng), bố, mẹ, con, con dâu, con rể, anh, chị, em
ruột mình hoặc bên vợ (chồng) hoặc người khác thực hiện dự án, kinh doanh ngành
nghề thuộc lĩnh vực, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách, theo dõi trái quy định
nhằm trục lợi… là những hành vi tinh vi để tham nhũng.
Những sai phạm như: Dùng công quỹ của Nhà nước, tập thể hoặc
tiền, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ để giao
dịch, biếu xén, hối lộ hoặc sử dụng trái quy định; Kê khai tài sản, giải trình
biến động tài sản, nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực; Nhờ người khác
đứng tên hoặc đứng tên hộ người khác mua bất động sản, tài sản có giá trị nhằm
trục lợi, che giấu kê khai tài sản, thu nhập… cũng xử lý bằng cảnh cáo hoặc cách
chức.
Có một tội danh làm nhức nhối dư luận thời gia qua, đó là
vấn nạn “hoa hồng” trong các vụ làm ăn. Vụ Việt Á là điển hình cho tội tham
nhũng dạng này, thực tế đây cũng là hành vi đưa và nhận hối lộ.
Ở ta, việc nhận “hoa hồng” đôi khi bị hiểu như một điều tất
nhiên, đó chính là sự nguy hiểm. Chính điều này đã làm băng hoại đạo đức, làm
méo mó các quan hệ. Không có “hoa hồng” không nhận được dự án. Và ở chiều ngược
lại, không có “hoa hồng” không thực hiện dự án.
Những tệ nạn kiểu này, trong Quy định 69 lần này được quy định
hình thức xử lý khá cụ thể. Những tội danh như: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi
giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù
lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận "hoa hồng" hoặc môi
giới đưa, nhận "hoa hồng" trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi
thực thi công vụ…đều bị thi hành kỷ luật đảng rất nặng: Khai trừ ra khỏi Đảng.
Cuộc sống luôn phát triển, xã hội luôn phát triển và đôi khi
những tiêu cực cũng phát triển theo. Nó là những mặt trái, mặt đối lập và vẫn
luôn tồn tại. Vấn đề là chúng ta biết phát hiện và có chế tài để ngăn chặn.
Quy định mới, kịp thời là một chỉ dấu mới, một khung pháp lý cho
các cơ quan chức năng, cho toàn dân trong công cuộc đấu tranh với vấn nạn này.
Bản quy định đã nói rất rõ những hành vi cụ thể và áp dụng chế tài nào, giúp
mọi người có thể “định giá” được mức độ nguy hiểm của từng hành vi.
Ngay cả những hành vi mà từ trước chỉ mới đề cập, mới dự báo thì
nay trong Quy định mới cũng đã nói rất rõ. Việc chủ trì, tham mưu, đề xuất,
tham gia ban hành chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục trái quy định tạo lợi
ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ nhằm mục đích trục lợi lần này được chỉ đích danh
là hành vi tham nhũng và kèm theo là chế tài xử lý rất nặng. Những ai vi phạm
phải chịu hình thức khai trừ khỏi đảng. Những người lạm dụng, lợi dụng chức vụ,
quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để làm
trái quy định, trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực
cũng đều bị xử lý.
Hy vọng những quy định mới sẽ đặt một dấu mốc mới trong công
cuộc phòng, chống tham nhũng để những người có ý đồ, có dã tâm nhìn vào đã thấy
“không dám tham nhũng”, “không thể tham nhung”. Và cũng để các cơ quan chức
năng, người dân có công cụ để giám sát.
Những quy định mới, kịp thời cùng với quyết tâm phòng, chống
tham những từ Trung ương sẽ tạo thêm niềm tin để người dân giám sát với phương
châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Và khi công cuộc phòng, chống
tham nhũng với chỗ dự vững chắc từ sức mạnh của nhân dân, công cuộc đó sẽ thành
công.
Cuộc chiến chống tham nhũng được nhân dân ta hết lòng ủng hộ
Trả lờiXóa