Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

 Chiến thắng 30/4/1975-nghệ thuật kết thúc chiến tranh

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc 21 năm kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng bằng chiến thắng 30/4/1975. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là điển hình về nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ và chọn thời cơ để kết thúc chiến tranh, hoàn thành mục tiêu hòa bình, thống nhất đất nước

Thời cơ

Lịch sử dân tộc đã chứng minh, trong thuật dùng binh, thời cơ là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Muốn có thời cơ, thì phải biết tạo thời cơ. Khi thời cơ đến thì phải tận dụng và tranh thủ, không được bỏ lỡ.

Nguyễn Trãi, nhà chiến lược lớn thế kỷ XV, gửi thư cho Vương Thông (1427) vạch rõ nguy cơ bại vong nếu quân Minh vẫn ngoan cố giữ thành chờ viện binh và khẳng định: Người giỏi dùng binh là ở chỗ biết rõ thời thế. Được thời, có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yếu lại thành nguy; sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng bàn tay[1].

Thời cơ cách mạng cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong bài Học đánh cờ:

Lạc nước, hai xe đành bỏ phí

Gặp thời, một tốt cũng thành công[2].

Gặp thời chính là vấn đề nắm thời cơ, đó là lúc cùng xuất hiện những điều kiện thuận lợi trên mọi lĩnh vực, tạo ra một bước ngoặt mới. Trong quá trình thực hiện mục tiêu chiến lược đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, việc tạo và nắm thời cơ đã được Đảng thực hiện tài tình, chủ động kết thúc chiến tranh vào một thời cơ thuận lợi nhất, giành thắng lợi vẻ vang nhất.

Thời cơ chiến lược sau 20 năm chiến đấu

Sau Hiệp định Paris, Hoa Kỳ và đồng minh phải rút khỏi Việt Nam trong 60 ngày. Đến ngày 29/3/1973, những người lính viễn chinh Hoa Kỳ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Trong năm tài chính 1974, Hoa Kỳ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn 650 triệu đô-la [3].

Tháng 8/1974, sự kiện Watergate làm rúng động đời sống chính trị-xã hội Hoa Kỳ, khiến Richard Nixon phải từ chức. Gerald Ford kế nhiệm, đặt vấn đề ổn định nội bộ lên hàng đầu. Hoa Kỳ chủ trương cắt giảm viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, khiến cho chính quyền và quân đội Sài Gòn, tồn tại chủ yếu nhờ viện trợ nước ngoài, rơi vào khó khăn. Nguyễn Văn Thiệu thừa nhận sự cắt giảm viện trợ của Hoa Kỳ đã khiến cho quân đội Sài Gòn mất 60% tiềm năng chiến đấu[4].

Trước tình hình này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/1974 đi đến nhận định quan trọng về vấn đề thời cơ chiến lược: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. …Mỹ thì đã thua, đang rút ra, trước mắt muốn giữ tình hình miền Nam ổn định trong một số năm để nguỵ quyền tiếp tục đứng vững và Mỹ có thời gian vượt qua những khó khăn lớn về kinh tế và chính trị trong nước. Riêng lực lượng so sánh giữa ta và nguỵ thì ta đang ở thế thắng, thế tiến lên; trái lại, vì thất bại liên tiếp thế và lực của nguỵ, cả về chính trị và quân sự, đang xuống dốc. Xét tất cả các mặt nói trên, chúng ta khẳng định đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc dân chủ, đồng thời giúp Lào và Campuchia hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài thời cơ này, không có thời cơ nào khác” và quyết định: “đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975 - 1976[5].

Yếu tố bất ngờ

Bất ngờ nhằm buộc đối phương bị động đối phó những tình huống ngoài dự tính. Bất ngờ là yếu tố quan trọng để tạo ưu thế, phát huy sức mạnh của ta, khoét sâu chỗ yếu và hạn chế chỗ mạnh của đối phương, nhằm tranh thủ thời cơ tốt để tiến công.

Đảng phán đoán “Mỹ không còn khả năng quay lại” và xác định: “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay” [6].

Khi cuộc họp bàn về tình hình cách mạng miền Nam đang diễn ra thì tin giải phóng Phước Long (6/1/1975) báo về. Phước Long được giải phóng là minh chứng cho thấy sự rệu rã của chính quyền Sài Gòn, cũng là phép thử cho khả năng can thiệp trở lại của Hoa Kỳ. Quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 hoặc chậm nhất là năm 1976 đã được Bộ Chính trị đưa ra ngay tại Hội nghị tháng 1/1975 này.

Đối phương bất ngờ với đòn nghi binh hoàn hảo-chiến dịch Tây Nguyên. Khi đó, ở Tây Nguyên, Quân Giải phóng có 2 sư đoàn: sư đoàn bộ binh 10 bám ở Kon Tum, sư đoàn 320 bám ở Nam Pleiku. Nghi binh đánh lừa cho địch lầm tưởng ta đánh Kon Tum, Gia Lai, nhưng thực tế ta điều quân xuống phía Nam Tây Nguyên, chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột. Lực lượng chính cơ động xuống phía Nam Tây Nguyên. Mở đầu, ta đánh đường 19, 14, 21 nhằm chia cắt, bao vậy. Ta chọn Buôn Ma Thuột là đánh vào mục tiêu hiểm yếu nhất. Khi mất Buôn Ma Thuột, rung chuyển cả Sài Gòn, lan tới Nhà Trắng và Lầu Năm Góc.

Chính quyền Sài Gòn tiếp tục bị bất ngờ với những đòn tiến công liên tục, thọc sâu, bao vây, đập tan lá chắn phòng ngự kiên cố nhất ở phía Bắc, giáng đòn phủ đầu, đập tan kế hoạch phòng ngự co cụm mới của địch trong chiến dịch Trị Thiên-Huế. Chớp thời cơ thần tốc, không cho đối phương kịp trở tay, tạo thế trận bao vây địch như thiên la, địa võng, sử dụng bộ binh cơ giới trong hành tiến để tấn công.

Ngày 25/3/1975, Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công Đà Nẵng. Ngày 26/3, chiến dịch Đà Nẵng khai hỏa, sau 2 ngày, ta đã đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch. Hỏa lực được bổ sung, sáng 28/3, quân ta áp sát thành phố Đà Nẵng từ nhiều hướng. Tiến công bằng hành tiến với bộ binh trên xe tăng và dùng hỏa lực xe tăng bắn phá đội hình của địch.

Trước nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt, quân đội Việt Nam Cộng hòa tan rã, mạnh ai nấy chạy. 15h ngày 29/3/1975, ta làm chủ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Ngày 23/4/1975, hai ngày sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức, nhận thấy vận mệnh chính trị của chính quyền miền Nam Việt Nam là không thể cứu vãn, tại Trường Đại học New Orleans, Tổng thống Gerald Ford phải thừa nhận trong sự tuyệt vọng: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với Hoa Kỳ”[7].

Thời cơ quyết định

Thời cơ quân sự và chính trị để giải phóng Sài Gòn đã đến. Ta quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa. Các lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này. Thần tốc, bất ngờ, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng phá tan mưu đồ củng cố lực lượng của địch, sức chiến thắng như chẻ tre, nén đau thương tiến về phía trước.

Những trọng điểm tiến công trong mùa Xuân năm 1975 cho thấy sự đúng đắn của Đảng trong việc xác định thời cơ tiến công, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính những sự bất ngờ đó đã làm cho thời cơ mới liên tiếp xuất hiện. Thời cơ cách mạng đó do chính nhân dân Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo ra và biết nắm lấy. Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng phản ánh tinh thần cách mạng triệt để không ngừng. Phải tranh thủ thời gian, tiến công địch vào lúc chúng đã hoang mang suy sụp. Tập trung lực lượng áp đảo trên những mục tiêu chủ yếu, trong từng lúc và trên từng hướng, để nhanh chóng tạo thời cơ mới, kịp thời tận dụng thời cơ đó, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác cho tới khi kết thúc chiến tranh, toàn thắng vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

-----------------

[1] Nguyễn Trãi: Quân trung từ mệnh tập.

[2] Hồ Chí Minh: Nhật ký trong tù, Nxb. Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, 2020, tr.33.

[3] CIA: Suplemental response to part I of NSSM 213: The South Vietnamese Economy and US aid (secret sensitive), DCI/NIO 027-75, Jan 7, 1975, p.1.

[4] Trung tâm lưu trữ quốc gia II: Về đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua tài liệu chính quyền Sài Gòn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.307.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.35, tr 177, 178, 179, 185.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.35, tr 179-180.

1 nhận xét:

  1. Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

    Trả lờiXóa