Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang tích cực, chủ động lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là nội dung được cả xã hội quan tâm vì nó liên quan đến tinh thần đổi mới dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên.
Cơ sở chính trị xây dựng Nghị định đã rõ
Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Cụ thể, ngay từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng nêu rõ, cần loại bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Đây là tinh thần của đổi mới khơi dậy động viên, khích lệ cán bộ mang hết khả năng sức lực để cống hiến thật nhiều cho đất nước.
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, với tinh thần đổi mới được xác định một cách cụ thể hơn, rõ hơn là cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”, cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định, một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Nội dung trên chính là sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng, thể hiện nhận thức mới, cao hơn, cụ thể hơn với cụm từ “khuyến khích”, “bảo vệ”, bảo vệ ở đây chính là bảo vệ cái đúng của cán bộ, đảng viên và chính là bảo vệ Đảng.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Trung ương đã ban hành Quy định số 214 và Quy định số 89, nội dung tập trung vào yêu cầu về năng lực và uy tín, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm và vì dân phục vụ.
Kết luận số 14/2021 của Bộ Chính trị đã thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay.
Trong kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xác định: “Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung”.
Vì vậy, thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã xác định thúc đẩy thể chế để đổi mới, sáng tạo là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế để phát triển.
Đổi mới, sáng tạo luôn là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của cán bộ vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
Việc xây dựng Nghị định này cũng đồng thời thể chế hóa, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo như: Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; chính sách thu hút, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ; các quy định khuyến khích về thi đua, khen thưởng, về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, về khuyến khích phong trào thi đua, sáng tạo trong quần chúng…
Nhiều vấn đề mới nảy sinh dễ gây rủi ro
Nhiều vấn đề mới nảy sinh dễ gây rủi ro khiến cho cán bộ còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại sợ bị xem xét trách nhiệm.
Theo lý giải của Bộ Nội vụ, thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, vướng mắc do một số quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa hoàn thiện. Thậm chí nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ hoặc liên thông, không còn phù hợp với thực tiễn. Nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Điều này khiến cho cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng còn chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại, sợ bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật khi có khuyết điểm.
Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ: Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được khuyến khích bằng các hình thức như: Được tuyên dương, biểu dương trước tập thể cơ quan, đơn vị và được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ; được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc được bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp. Cơ quan quản lý trực tiếp của cán bộ có hình thức ghi nhận, áp dụng và nhân rộng, bảo vệ kết quả đổi mới, sáng tạo; tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất và tinh thần, các hình thức khuyến khích khác phù hợp với tổ chức, hoạt động, địa bàn của cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác.
Dự thảo Nghị định cũng quy định, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trường hợp cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định đồng ý thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể là khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo, trong trường hợp cấp bách, khẩn cấp để bảo vệ lợi ích chung, để hạn chế thiệt hại hoặc việc thực hiện có thể gây thiệt hại thì cán bộ có trách nhiệm báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được báo cáo của cán bộ, người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm tổ chức họp tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức để cho ý kiến về việc cho cán bộ thực hiện hoặc thực hiện thí điểm đề xuất. Cuộc họp phải được ghi nhận thành biên bản. Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, người đứng đầu có văn bản trả lời đồng ý hay không. Trường hợp không đồng ý cho thực hiện đề xuất thì phải nêu rõ lý do.
Trường hợp cần thiết khi có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục hoặc dừng thực hiện hoặc thực hiện thí điểm thì cán bộ phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp cán bộ không chấp hành thì phải chịu mọi trách nhiệm do mình gây ra theo quy định.
Trường hợp cán bộ thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp.
Đó là cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại.
Mặt khác, cán bộ nếu có hành vi lạm dụng đề xuất được phê duyệt để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người có hành vi cản trở, gây khó khăn cho cán bộ trong quá trình thực hiện đề xuất, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị định còn quy định về trách nhiệm của cán bộ; trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu cơ quan quyết định cho phép thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan.
Bộ Nội vụ khẳng định, việc ban hành Nghị định này là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung; đồng thời góp phần ngăn ngừa, xử lý cán bộ lợi dụng chủ trương trên để làm trái, vụ lợi./.
#sqct
Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.-K10
Trả lờiXóabạn nói rất chính xác
Xóa