Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

             KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA                     ĐẢNG ĐỐI VỚI PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Thời gian qua, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng. Thế nhưng, với âm mưu và thủ đoạn xấu xa, các lực lượng thù địch, chống phá đã và đang cố tình suy diễn, phủ nhận hoàn toàn kết quả đó. Gần đây, chúng chủ ý cho rằng: Tham nhũng là hệ quả của việc Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và toàn xã hội; đồng thời cho rằng kết quả chống tham nhũng thực chất chỉ là sự tung hô, mị dân; trong khi phần việc này chính là một cuộc thanh trừng nội bộ. Tất cả những luận điệu đó không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo quyết định của Đảng đối với sự thắng lợi của việc phòng, chống tham nhũng.

1. Làm mới chiêu trò cũ

Mới đây, RFA đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết lật lọng, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, rồi hiến kế, cho rằng: Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không? Trên cơ sở đó bài viết bày tỏ sự tâm huyết, chủ ý hiến kế: Ở Việt Nam muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi hoàn toàn cái cơ chế này. Phải có sự cạnh tranh giữa các đảng phái để họ nhìn vào cái đảng đang điều hành đất nước. Nhiều lập luận chủ ý vu cáo Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị, rồi “khéo” hiến kế một cách nghĩa hiệp.

Một số bài viết khác lại phủ nhận kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta khi cho rằng, Đảng, Nhà nước đã phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, không thành công, tệ nạn ngày càng gia tăng. Bởi bới chỗ nào cũng ra tham nhũng, sờ đến đâu thì kỷ luật cán bộ đến đấy. Nêu ra luận cứ cho những nhận định đó, chúng viện dẫn một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, rồi quy chụp hiện tượng thành bản chất, quy chụp những sự vụ đơn lẻ thành lỗi hệ thống. Không ít bài viết cho rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thoái hóa, biến chất”. Họ vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ một đảng cầm quyền. Từ đó, các tác giả bồi bút này hiến kế, cần thay đổi chế độ, cần thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực, kêu gọi phải thay đổi thể chế thì mới có thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Thực tiễn cho thấy, những ngụy biện, suy diễn trên là hoàn toàn thiếu cơ sở; hòng gây nhiễu loạn thông tin dư luận, gây bất lợi cho công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở Việt Nam. Bởi vì, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, tồn tại ở các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Có nghĩa, ở bất cứ nơi nào có quyền lực và quyền lực chính trị mà bị tha hóa, lạm dụng thì nơi ấy sinh ra tham nhũng. Nói đến nhà nước là nói đến quyền lực - một quyền lực to lớn, thậm chí vô biên và vô song, theo đó, sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực có nguy cơ bị “tha hóa” là điều dễ xảy ra; tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Tham nhũng là “căn bệnh” của nhà nước, có nhà nước là có tham nhũng, có chăng chỉ khác nhau ở mức độ nghiêm trọng. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

Lịch sử nhân loại cho thấy, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Không ít các quốc gia theo chế độ đa đảng, tình trạng tham nhũng diễn ra trong hệ thống công quyền đã trở thành mối nguy hại lơn, thậm chí đã leo đến tận các nguyên thủ quốc gia như Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan, Brazil, Colombia, Malaysia…. Từ năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) hàng năm (dựa trên dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác). Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số CPI năm 2021 cho thấy, bên cạnh những quốc gia đạt tiến bộ, có tới 124 quốc gia có hành động chống tham nhũng trì trệ, trong khi số quốc gia suy giảm các cải thiện đang gia tăng[1].

Để phòng, chống tham nhũng, các quốc gia đều xây dựng nên các chiến lược quốc gia với thái độ và phương thức tiến hành rất quyết liệt, mạnh mẽ. Ví như, Trung Quốc ban hành các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong cán bộ Đảng và Nhà nước. Luật Chống tham nhũng (năm 1989) của Singgapore cho phép tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc tài sản đó. Thái Lan yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên. Một số nước như Brazil, Colombia, Singgapore... và nhiều quốc gia khác còn thiết lập các đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng... Thực tế đó cho thấy, quốc gia nào, chế độ nào, thời kỳ nào cũng đều sinh ra tham nhũng và vấn nạn này hoàn toàn không phải là con đẻ của chế độ một đảng lãnh đạo.

Do đó, việc các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là “căn bệnh nan y”, chỉ xảy ra ở các quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo hay ở quốc gia do một đảng lãnh đạo, cầm quyền là hoàn toàn không đúng với thực tế, là sự quy chụp, suy diễn. Âm mưu của chúng là nhằm tạo nên sự nghi ngờ, hoang mang, dao động, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin.

2. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng là nhất quán

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta chứng minh, cùng với quyết tâm xây dựng bộ máy nhà nước dựa trên pháp trị, các triều đại phong kiến Việt Nam rất quan tâm đến việc phòng, chống tham nhũng. Hơn một ngàn năm trước, Triều Lý (1009 - 1225) đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Đến Triều Lê Sơ, Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng. Các triều đại kế tiếp, việc chống tham nhũng được coi trọng, mặt khác, việc chiêu mộ, sử dụng bậc hiền tài, trong sạch được đề cao. Khi quan lại đã tham ô, thì việc định tội không phân biệt giàu nghèo, chức to hay chức nhỏ. Nhờ đó, người tốt có chỗ dựa, được tin dùng; bọn tham quan, kẻ xấu xa khó tìm đất sống; nạn tham nhũng bị đẩy lùi. Các quy định chặt chẽ được ban hành (như trong Luật Hồi tỵ) để ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam còn lưu truyền một lễ hội quan trọng thường được tổ chức dịp đầu năm - Lễ hội “Thề không tham nhũng”. Điều đó nói lên quyết tâm của cha ông ta trong việc phòng, chống tham nhũng, với những tấm gương được lịch sử vinh danh như: người thầy mẫu mực “vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292 - 1370) thời Trần dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém đầu 7 tên gian thần; Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) thời Mạc, đã dâng sớ xin Vua chém đầu 18 tên gian thần, lộng thần...

Tham nhũng là mối nguy hại từ bên trong đe dọa đến sự tồn vong của chế độ phải kiên quyết được ngăn chặn, đẩy lùi như cảnh báo của V.I.Lênin: “Kết án bọn ăn hối lộ nhẹ đến mức lố bịch như thế, mà lẽ ra phải xử bắn chúng, đó là một hành động đáng sỉ nhục đối với một người cộng sản và một người cách mạng. Phải đưa các đồng chí đó ra truy tố trước tòa án dư luận và khai trừ họ ra khỏi đảng, vì chỗ đứng của họ là ở bên cạnh bọn Kêrenxki hay bọn Máctốp, chứ không phải ở bên cạnh những người cộng sản cách mạng”[2]. Thực tế cho thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức rõ tính nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ; đồng thời thể hiện rõ quyết tâm chính trị rất cao và kiên quyết phòng, chống, khắc phục tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đảng viên và cán bộ nhà nước. Trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người đã chỉ ra 6 “lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa đó là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, kiêu ngạo. Trong đó, Người đặc biệt cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức…”[3].Trong suốt quá tình hoạt động cách mạng, Người luôn xem tham nhũng, tham ô là một loại giặc nội xâm đặc biệt nguy hại. Cách đây hơn 70 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội biển thủ của công, ăn cắp của công biến thành của tư, ăn chơi một cách kỳ lạ và giữ nguyên quyết định xử tử hình. Quyết định đó thể hiện đầy đủ về tính nghiêm minh của pháp luật và minh chứng cho quyết tâm rất cao của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham nhũng.

Quán triệt tinh thần đó, Đảng, Nhà nước ta luôn coi tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm”, một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội. “Những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay”; góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”[4]. Qua hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta nhận thức đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm trong sạch đội ngũ đảng viên là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[5]. Đảng ta cũng xác định phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng. Kết hợp giữa xây và chống, phòng ngừa gắn liền với xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất được Đảng, Nhà nước ta tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm thuộc diện Trung ương và địa phương quản lý đều đã bị xử lý về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất. Kết quả đánh giá tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 được Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 30/6/2022 vừa qua cho thấy: Tính trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang[6]. Đây quả thật là những con số biết nói và là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng cộng sản Việt Nam không khoan nhượng với “giặc nội xâm” và trong chế độ một đảng lãnh đạo, tham nhũng luôn bị đấu tranh loại bỏ đến cùng. Quyết tâm của Đảng ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thể hiện rõ trong lời phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”[7].

Kết quả phòng chống tham nhũng giúp Việt Nam không ngừng ổn định, phát triển, tạo thế và lực của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, từ kết quả phòng, chống tham nhũng, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa được nâng lên. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến còn kéo dài với nhiều gian khổ, hiểm nguy nên tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để thực hiện điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần “tự phê bình” và “phê bình”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, xem đó là “thang thuốc hay nhất”, “thang thuốc thánh” để phòng, chống tham nhũng như Bác Hồ đã căn dặn. Thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực nhà nước gắn với xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có như vậy thì Đảng mới vững mạnh, trưởng thành, được nhân dân tin yêu, hoàn thành sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc giao phó./.

    Trần Chiến

#SQCT

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2023. 



[1] Nguồn: https://thanhtra.com.vn/quoc-te/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-2022-viet-nam-tiep-tuc-tang-diem-thuoc-nhom-nuoc-co-tien-bo-noi-bat-206757.html

[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 346.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 65.

[4] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 193.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội

[6] Nguồn: https://baochinhphu.vn/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-10-nam-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-102220630102535596.htm

[7] Nguồn: https://dangcongsan.vn/thoi-su/cong-tac-kiem-tra-giam-sat-phai-duoc-tien-hanh-thuong-xuyen-toan-dien-cong-khai-dan-chu-428011.html

1 nhận xét: