Social Icons

Pages

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

 Làm gì để giữ vững chủ quyền quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa ?

Đ
ối với Việt Nam, các thế lực thù địch lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị của nước ta. Điều này đang thách thức nghiêm trọng chủ quyền chính trị (quyền tự quyết về mô hình, thể chế chính trị) của Việt Nam.

Toàn cầu hóa là thuật ngữ dùng để mô tả sự tăng lên về mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, văn hóa và người dân, diễn ra thông qua thương mại xuyên biên giới về hàng hóa và dịch vụ, công nghệ và các dòng vốn đầu tư, con người và thông tin.

Một trong những mặt trái của toàn cầu hóa đó là những tác động tiêu cực đối với chủ quyền quốc gia. Nói đến chủ quyền quốc gia là nói đến quyền lực tối cao của quốc gia trong việc quyết định các vấn đề đối nội và đối ngoại. Tác động tiêu cực của toàn cầu hoá đối với chủ quyền quốc gia thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau:

Tác động đến chủ quyền chính trị: Toàn cầu hóa làm suy giảm quyền lực của chính phủ và nhà nước - quốc gia trong việc quản lý, điều hành nền kinh tế (nhất là đối với quản lý kinh tế vĩ mô). Cùng với các mối quan hệ kinh tế xuyên biên giới và sự hình thành các tổ chức, thiết chế kinh tế quốc tế và các chuẩn mực kinh tế toàn cầu, các quốc gia đã, đang và tiếp tục sẽ không còn được tự quyết một số vấn đề về kinh tế đối ngoại của mình.

Chẳng hạn, khi các quốc gia tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì phải tuân thủ các quy định, nguyên tắc trong thương mại quốc tế do WTO đề ra thay vì hành động theo ý chí riêng của mình. Cùng với đó, toàn cầu hóa cũng làm suy yếu quyền lực quốc gia trong việc tự quyết thể chế, cấu trúc chính trị. Rõ ràng, chính trị ngày càng bị định hướng bởi thị trường và khi mở cửa nền kinh tế để tham gia vào toàn cầu hóa thì nền chính trị trong nước cũng phải thích nghi với những áp lực từ thị trường xuyên quốc gia. Ví dụ, khi các nền kinh tế cùng tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu thì các quy định về thương mại quốc tế mà đã được các tổ chức kinh tế quốc tế thông qua phải được nội luật hóa thành luật pháp quốc gia của các nước thành viên (nghĩa là đồng bộ hóa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế) hoặc các quốc gia buộc phải cải cách về kinh tế, chính trị để thuận lợi hóa việc trao đổi, buôn bán hàng hóa, dịch vụ với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, toàn cầu hóa còn dẫn đến sự nhất thể hóa về chính trị mà sự hình thành Liên minh châu Âu (EU) là bằng chứng rõ ràng nhất. Sự ra đời của các thể chế, cấu trúc chính trị quốc tế đã góp phần quản lý, điều tiết các mối quan hệ xuyên quốc gia thông qua việc tạo ra một tiến trình xây dựng thể chế mà ở đó tổ chức mới là người quyết định các vấn đề chung liên quan đến tất cả các thành viên.

Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch còn lợi dụng quá trình toàn cầu hóa để đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị của nước ta. Điều này đang thách thức nghiêm trọng chủ quyền chính trị (quyền tự quyết về mô hình, thể chế chính trị) của Việt Nam.

Tác động đến chủ quyền kinh tế: Các mối quan hệ thương mại quốc tế, đầu tư và các mạng lưới kinh tế do các tập đoàn xuyên quốc gia tạo ra là một trong các đặc trưng của toàn cầu hóa kinh tế. Do đó, có thể nói các tập đoàn xuyên quốc gia mới là chủ thể chính vận hành hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu; các quốc gia đóng vai trò điều tiết, quản lý vĩ mô và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư quốc tế (bằng chứng là các hiệp định thương mại tự do mà các nước tham gia nhằm mục đích chính là thuận lợi hóa hoạt động thương mại quốc tế - vốn chủ yếu do các tập đoàn xuyên quốc gia thực hiện). Cùng với đó là sự phát triển, mở rộng hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia, chủ quyền về tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia cũng ngày càng suy giảm. Thực tế cho thấy phần lớn quyền khai thác, kinh doanh các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược như dầu mỏ, kim loại quý hiếm,… chủ yếu thuộc về các tập đoàn xuyên quốc gia. Ngoài ra, hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia hiện nay cũng đang thách thức khả năng thu thuế của các chính phủ trên thế giới. Điều này có nghĩa là làm suy yếu khả năng quản lý, vận hành nền kinh tế của các chính phủ.

Với nhận thức toàn cầu hóa là xu thế lớn, tất yếu của thời đại và muốn phát triển chúng ta không thể đứng ngoài quá trình đó, Đảng ta đã chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa “độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế” - thực chất là bảo vệ chủ quyền quốc gia trong hội nhập quốc tế. Chủ trương này đã cho thấy, Đảng ta đã nhận thức rõ những nguy cơ, thách thức của toàn cầu hóa đối với chủ quyền quốc gia.

Trước tình hình mới, để bảo vệ chủ quyền quốc giatrong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần phải có những giải pháp đồng bộ:

Một là, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Về mặt lý luận và cả thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh đó là con đường đúng đắn, là sự lựa chọn của lịch sử và phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân ta. Thực tế cho thấy, để giữ vững độc lập, tự chủ thì cần bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa và kiên quyết đấu tranh chống lại những âm mưu lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo hay pháp trị… để can thiệp vào đời sống chính trị của nước ta. Liên quan đến vấn đề chế độ xã hội chủ nghĩa thì chúng ta tuyệt đối không cho phép bên ngoài can thiệp hay tranh cãi.

Hai là, chủ động tham gia xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới, đồng thờixây dựng các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế. Hiện nay, chúng ta đã tham gia khoảng hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng nhất. Để bảo đảm chủ quyền quốc gia, Việt Nam cần chủ động tham gia xây dựng các chuẩn mực mới trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc chính đáng, phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - chính trị của đất nước và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ba là, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước đối với nền kinh tế đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý các vấn đề xuyên biên giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của các mối quan hệ xuyên quốc gia và những thách thức từ các tập đoàn xuyên quốc gia đặt ra, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật cùng các cơ chế quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để quản lý hoạt động của các tập đoàn xuyên quốc gia cũng như nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế xuyên biên giới.

Bốn là, chúng ta cần đổi mới nhận thức và có cách tiếp cận toàn diện đối với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế không chỉ có tác động tiêu cực đối với chủ quyền quốc gia mà còn có tác động ở chiều ngược lại đó là góp phần củng cố độc lập, chủ quyền quốc gia. Chúng ta sẽ không thể giữ vững độc lập, tự chủ trong tình trạng đối đầu hoặc bị cô lập. Ngoài ra, thông qua việc tham gia vào các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới sẽ giúp chúng ta khẳng định vai trò, vị trí của mình trong nền chính trị thế giới. Nguyên tắc cơ bản nhất trong quan hệ quốc tế đó chính là nguyên tắc chủ quyền, do đó, khi tham gia nền chính trị quốc tế nghĩa là các quốc gia cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia của nhau và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Dona Đoàn

2 nhận xét:

  1. Chủ động tham gia xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực và thế giới, đồng thời xây dựng các chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.-K10

    Trả lờiXóa