Social Icons

Pages

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

 Phê phán luận điểm sai trái cho rằng “Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo”

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là một quyền luôn được thực thi, không thể chối bỏ. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục rêu rao luận điệu cho rằng: Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, biểu hiện ở việc chúng cho rằng Nhà nước can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo; xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng cố tình nêu ra những luận điểm vu cáo này nhằm chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, kích động quần chúng tín đồ nổi dậy chống đối chính quyền, gây mất ổn định chính trị - xã hội, đồng thời tạo cớ can thiệp vào nội bộ nước ta.

Chúng ta có thể bác bỏ sự phi lý, xuyên tạc của những quan điểm sai trái, phản động bằng những luận cứ sau đây:

Luật pháp quốc tế và của nhiều quốc gia đều quy định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân, nhưng vẫn phải chịu sự điều chỉnh của Nhà nước. Cụ thể: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 16/12/1966, tại Điều 18 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền tự do này bao gồm việc tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, tự do thể hiện tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong tập thể với nhiều người khác, một cách công khai hoặc thầm kín dưới hình thức thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và giảng đạo. Không một ai có thể bị ép buộc phải làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ”[1]. Tuy nhiên, các quyền này vẫn “bị giới hạn bởi những quy định pháp luật và khi những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”[2]

Tương tự như vậy, Công ước châu Âu về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản (ECHR) tại Điều 9 ghi rõ: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo, tín ngưỡng và quyền tự do thể hiện tôn giáo, tín ngưỡng của mình thông qua hành vi thờ phụng, thuyết giảng, thực hành và tuân thủ giáo luật một mình hoặc với một nhóm, ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng” và cũng khẳng định “bị luật pháp giới hạn nếu điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ, phục vụ an ninh công cộng, bảo vệ trật tự trị an, sức khỏe, chuẩn mực đạo đức chung hoặc các quyền và sự tự do của người khác”[3]. Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo và hoạt động tôn giáo phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng. Ngay từ trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng và trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật”[4]. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc và thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định, được pháp luật thừa nhận và thực thi trong thực tế. Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo; người chưa thành niên... phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác”. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và ổn định, phát triển xã hội, Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm: “Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi”. Những quy định về hạn chế quyền tự do tôn giáo trong luật pháp về tôn giáo của Việt Nam nêu trên hoàn toàn phù hợp, tương thích với luật pháp quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phải có giới hạn, quyền ấy sẽ bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội, môi trường, chứ không như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Sau hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó lĩnh vực tôn giáo, hoạt động của các tôn giáo về cơ bản đảm bảo đúng pháp luật theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Nhà nước ta thực hiện chính sách tiến bộ xem tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Các tôn giáo đều có những đóng góp nhất định trên nhiều phương diện của đời sống xã hội; tín đồ các tôn giáo tồn tại đan xen với nhau, không có tôn giáo nào giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước đã nỗ lực bảo đảm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự, trở thành ngày lễ chung của cộng đồng như: lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành;… Các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo. Đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào tôn giáo được chăm lo; các nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết.

Những thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đó là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời là những bằng chứng để bác bỏ mọi sự xuyên tạc, bóp méo của những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí hoặc phản động.


[1][2]Văn kiện quốc tế về quyền con người, Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000, tr. 212.

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo.

Linh Ngọc

2 nhận xét:

  1. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc và thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc để tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.-K10

    Trả lờiXóa