PHÊ PHÁN, BÁC BỎ QUAN ĐIỂM “NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ CHỈ LÀ LÝ THUYẾT, THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC NÀY CHỈ DẪN ĐẾN TẬP TRUNG QUAN LIÊU, ĐỘC TÀI, MẤT DÂN CHỦ”
Các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, trong đó, chúng lập luận và kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ-nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng. Bài viết phân tích các cơ sở khoa học bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về nguyên tắc tập trung dân chủ.
Nhằm chống phá
cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt
động “diễn biến hòa bình”, trong đó, chúng không từ thủ đoạn nào để tấn công
vào nguyên tắc tập trung dân chủ-nguyên tắc cơ bản trong xây dựng tổ chức và hoạt
động của Đảng Cộng sản Việt Nam, hòng làm cho Đảng suy yếu và đổ vỡ nếu không
kiên định, vững vàng.
Luận điệu xuyên tạc
Từ sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước
Đông Âu, cùng với những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nguyên tắc tập trung
dân chủ ở một số tổ chức đảng và đảng viên, các thế lực thù địch, phản động, cơ
hội chính trị đã công khai đưa ra những quan điểm sai trái và kêu gọi Đảng ta từ
bỏ nguyên tắc này. Không khó để bắt gặp những luận điệu xuyên tạc về
nguyên tắc tập trung dân chủ. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị
rêu rao rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ là “lý thuyết”, chứ không tồn tại
trong thực tế vì tập trung và dân chủ là 2 mặt
đối lập, không thể kết hợp trong một nguyên tắc. Nếu tập trung tất yếu sẽ dẫn
đến triệt tiêu, thu hẹp dân chủ. Ngược lại, muốn dân chủ phải từ bỏ tập trung.
Tập trung và dân chủ là hai mặt “không thể dung hòa”. Cùng với đó, chúng lập
luận rằng, nếu đặt “tập trung” đứng trước, “dân chủ” đứng sau, thì có nghĩa
là tập trung chính là
mục đích, còn dân chủ chỉ
là phương tiện; thực hiện nguyên tắc tập trung
dân chủ chỉ dẫn đến tập trung quan liêu, độc tài, mất dân chủ (!), từ đó chúng
“khuyên” Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ nguyên tắc này “càng
sớm, càng tốt” để thực sự có “dân chủ”, “sáng tạo”(!). Đây là luận điệu
hết sức thâm độc nằm trong âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù
địch, phản động, cơ hội chính trị, nhằm làm cho Đảng ta từ bỏ nguyên tắc cốt
lõi nhất trong tổ chức và hoạt động, từ đó tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng ta, kêu gọi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xóa bỏ sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội.
Luận cứ phê phán, bác bỏ
Những quan điểm trên thể hiện sự thù địch, phá hoại
theo kiểu “nói lấy được” và không dựa trên cơ sở khoa học nào. Chúng
ta có đủ lý lẽ để phê phán, bác bỏ.
Một là, phải chăng nguyên tắc
tập trung dân chủ chỉ là “lý thuyết”?
Sự thật là, tập trung dân chủ không
phải là nguyên tắc tổ chức của riêng Đảng Cộng sản Việt Nam mà là nguyên tắc tổ
chức cơ bản được đề cập trong học thuyết Mác-Lênin về chính đảng cách mạng của
giai cấp công nhân, được đúc rút từ thực tiễn lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào công
nhân trên toàn thế giới.
Trước khi công bố “Tuyên ngôn
của Đảng cộng sản” (năm 1848), từ tháng 6/1847, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thành
lập “Liên đoàn những người cộng sản”. Ngày 17/11/1852, sau thời gian truyền bá
chủ nghĩa Mác, Liên đoàn tuyên bố tự giải tán sau “vụ án những người cộng sản”
ở Cô-lô-giê. Vào những năm 20 của thế kỷ XIX, trước sự ra đời của những chính
đảng đầu tiên của giai cấp tư sản công nghiệp như Đảng Bảo thủ Anh (1818), Đảng
Dân chủ Mỹ (1828), Đảng Cộng hoà Mỹ (1854)... và đều đã trở thành đảng nắm giữ
chính quyền, C.Mác và Ph.Ăngghen đã ý thức rõ sự cần thiết phải hình thành tổ chức quốc tế của giai cấp
công nhân để tổ chức phong trào cho có hiệu quả. Với sự hỗ trợ đắc lực của Ph.Ăngghen,
năm 1864, C.Mác đã thành lập “Hội liên hiệp lao động quốc tế”. Đến Đại hội La-Hây
(7/1872), Quốc tế I đã lập tổ chức bí mật mang tên “Liên minh dân chủ xã hội
chủ nghĩa” nhằm thúc đẩy giai cấp công nhân các nước giành chính quyền, đã cử
ra cơ quan lãnh đạo Trung ương là “Tổng hội lao động quốc tế” do C.Mác là ủy
viên thường trực. Quá trình đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã hình thành nên những tư
tưởng cơ bản về đảng cộng sản. Mặc dù C.Mác và Ph.Ăngghen chưa gọi
nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản là tập trung dân chủ, nhưng tư tưởng xây dựng
một đảng vô sản trên cơ sở những nội dung cốt lõi của nguyên tắc tập trung dân
chủ đã được các ông thể hiện rõ trong “Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản”
từ năm 1847. Theo đó, Điều lệ quy định: “Tất cả hội viên của Liên đoàn đều bình
đẳng; cơ quan lãnh đạo các cấp của Liên đoàn từ chi bộ đến Đại hội Liên đoàn do
bầu cử lập ra”, “Các ủy viên ban chấp hành khu bộ và Ban chấp hành trung ương
được bầu hằng năm, có quyền được bầu lại và có thể bị những người bầu ra mình
bãi miễn bất cứ lúc nào”[1].
Đây chính là những nội dung của chế độ dân chủ trong nguyên tắc tập trung dân
chủ mà ngày nay Đảng ta đang thực hiện. Đồng thời, Điều lệ cũng chỉ rõ Liên
đoàn là một tổ chức chặt chẽ theo chế độ tập trung; Đại hội Liên đoàn hàng năm
là tổ chức có vị trí, quyền lực cao nhất của Liên đoàn. Điều lệ ghi rõ: “Về cơ
cấu, Liên đoàn gồm chi bộ, khu bộ, tổng khu bộ, Ban chấp hành trung ương và Đại
hội”[2];
“Đại hội có quyền lực lập pháp đối với toàn Liên đoàn; các khu bộ của một nước
hoặc một tỉnh phải phục tùng một tổng khu bộ; các tổng khu bộ phải báo cáo công
tác với cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội, còn giữa các kỳ đại hội thì báo
cáo với Ban chấp hành trung ương. Hội viên của Liên đoàn phải phục tùng các nghị
quyết của Liên đoàn”[3];
“không tham gia vào mọi tổ chức - tổ chức chính trị hoặc tổ chức dân tộc - chống
cộng sản”[4];
“Vô luận như thế nào cũng không thể tha thứ cho cái tình trạng mỗi thôn xã, mỗi
thành phố và mỗi tỉnh gây ra những trở ngại mới trên con đường hoạt động cách
mạng, bởi vì hoạt động cách mạng chỉ có thể phát huy toàn bộ lực lượng của mình
trong điều kiện thực hiện nguyên tắc tập trung mà thôi. Quyết không tha thứ hành
động lợi dụng cái gọi là quyền tự trị, tự do của địa phương. Việc thực hiện chế
độ trung ương tập quyền hết sức chặt chẽ là nhiệm vụ của một Đảng cách mạng
chân chính”[5].
Năm 1876, tại Đại hội
Philadelphia, khi thấy rõ nhu cầu phải xây dựng chính đảng ở từng nước tư bản,
Quốc tế I đã tuyên bố tự giải tán. Sau đó, các đảng Xã hội đầu tiên đã ra đời ở
châu Âu như: Đảng Xã hội Đức (1869), đảng Xã hội Ý, Đảng Xã hội Ba Lan (1892),
Đảng Lao động Anh (1893), Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga (1898), Đảng Xã hội
Pháp (1908). Đến năm 1889, Quốc tế II được khôi phục. Tháng 4/1890, Quốc tế II
họp đại hội tại Paris, ra nghị quyết thành lập Cục Quốc tế xã hội chủ nghĩa gồm
đại diện các đảng tới tham gia đại hội. Tới năm 1914, nội bộ ban chấp hành Quốc
tế II không thống nhất về thái độ đối xử với bọn trùm đế quốc gây chiến tranh
chia sẻ thế giới nên cũng tự ý ngừng hoạt động.
Riêng
trong nội bộ Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ II
(1903) khi thông qua Cương lĩnh và Điều lệ Đảng đã phát sinh nhiều ý kiến khác
nhau. Về Điều lệ, nếu như số đông đảng viên (đứng đầu là V.I.Lênin) chủ trương
đảng viên phải hoạt động trong một tổ chức của Đảng thì số ít đảng viên (đứng
đầu là Mactôp) cho rằng đảng viên chỉ cần tán thành cương lĩnh tối thiểu và ủng
hộ Đảng về vật chất. Do điều lệ Đảng chưa có hình thức ràng buộc nào cụ thể,
cuộc đấu tranh giữa nhóm đa số (Bôn-sê-vich) và thiểu số (Men-sê-vich) kéo dài
từ đó cho tới ngày đánh đổ Nga hoàng vào tháng 2/1917.
Chính trong cuộc đấu tranh dai
dẳng chống nhóm Men-sê-vich, nhìn lại lịch sử phong trào công nhân kể từ ngày C.Mác
và Ph.Ăngghen thành lập “Liên đoàn những người cộng sản”, đồng thời từ thực
tiễn xây dựng Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga, V.I.Lênin đã xây
dựng, luận chứng và áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc tất
yếu trong xây dựng và hoạt động của đảng cách mạng của giai cấp công nhân. “Tập trung dân chủ” được nêu lên lần đầu tiên với tích cách là một nguyên tắc chính thức của Đảng tại Hội nghị Tam-mec-pho của những người Bônsêvích (1905). Nghị quyết nêu rõ: “Thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ
là một nguyên tắc không thể tranh cãi được và cần phải
thực hiện nguyên tắc bầu cử rộng rãi các trung tâm lãnh đạo. Các cơ quan này có
đủ mọi quyền hạn trong việc lãnh đạo tư tưởng, thực tiễn. Các cơ quan đó phải
báo cáo các hoạt động của mình một cách thật công khai, chặt chẽ và có thể bị
bãi miễn”. Nguyên tắc tập trung dân chủ được chính thức đưa vào Điều lệ của
Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga tại Đại hội IV (1906). Đây
chính là sự thay đổi mang tính bước ngoặt, làm cho Đảng Công nhân dân chủ xã
hội Nga thoát khỏi tình trạng vô chính phủ, tập trung được ý chí và hành động
và vượt lên trên hàng loạt chính đảng ở Nga lúc đó.
Sau
thành công của cách mạng Tháng Mười, Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga đã hoàn toàn đoạn tuyệt với phái Men-sê-vich,
mở Đại hội VII vào cuối năm 1918, đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga. Sau khi lãnh
đạo cách mạng đánh bại những phản ứng của bọn bạch vệ và cuộc vũ trang can
thiệp của phe đế quốc, năm 1919, tại Matxcơva, V.I.Lênin đã thành lập Quốc tế
III lấy tên là Quốc tế Cộng sản với điều kiện gia nhập là lấy “tập trung dân
chủ” làm nguyên tắc tổ chức cơ bản để xây dựng các Đảng cộng sản. V.I.Lênin
chỉ rõ: “Các đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc
tập trung dân chủ”[6]. Ngay sau đó, các đảng xã hội ở châu Âu đều gạt bỏ những
phần tử cơ hội, lần lượt gia nhập Quốc tế III và tự đổi tên thành đảng cộng
sản. Ở châu Á, các đảng cộng sản cũng được thành lập sau khi Quốc tế Cộng sản
ra đời như Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921), Đảng Cộng sản Nhật (1922), Đảng
Cộng sản Việt Nam (1930). Các đảng cộng sản đều thừa nhận và đưa nguyên tắc tập
trung dân chủ vào điều lệ, góp phần đắc lực vào việc ổn định nội bộ của các
đảng, tạo ra sự nhất trí đủ sức vượt qua những thời kỳ phong ba bão táp mà vẫn
không bị phân liệt.
Cũng
từ thực tiễn cho thấy, chừng nào, ở đâu, nguyên tắc tập trung dân chủ được kiên
định và thực hiện nghiêm cách thì khi đó, ở đó, chính đảng cách mạng của giai
cấp công nhân sẽ thống nhất ý chí và hành động, có được sức mạnh to lớn đủ để
tạo nên những kỳ tích lịch sử. Ngược lại, chừng nào, ở đâu, nguyên tắc tập
trung dân chủ bị xem nhẹ hoặc thực hiện một cách hình thức, thì khi đó, ở đó sẽ
dẫn đến tình trạng phân liệt, thậm chí là tan rã. Những kẻ phản bội Đảng đều
bắt đầu từ việc tìm cách phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng
tổ chức và hoạt động của Đảng. Hãy nhìn vào những gì diễn ra ở Liên Xô và các
nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để thấy rõ điều
này. Một đảng có bề dày lịch sử truyền thống cách mạng như Đảng Cộng sản Liên
Xô, nhưng sai lầm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đặt cá nhân
(tổng bí thư, lúc bấy giờ là Giooc-ba-chốp) cao hơn tập thể (Ban Chấp hành
Trung ương), lấy quan điểm của cá nhân chi phối hoạt động của toàn Đảng (Trong
Báo cáo tại Đại hội XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 7/1990,
Giooc-ba-chốp công khai bài xích nguyên tắc tập trung dân chủ và Điều lệ Đảng
do Đại hội thông qua chính thức xóa bỏ nguyên tắc quan trọng nhất về tổ chức và
hoạt động của Đảng), coi nhẹ tập trung, thống nhất trong Đảng, nhấn mạnh một
chiều về dân chủ, để cho phần tử cơ hội lũng đoạn, chia rẽ tổ chức đảng, khiến
Đảng bị tan rã, từ đó kéo theo sự đổ vỡ của thể chế Nhà nước Xôviết - một thể
chế với những ưu việt mà nhà nước tư sản chưa bao giờ có được. Đó thực sự là
bài học rất đau xót trong lịch sử phong trào công nhân quốc tế.
Ngược
lại, ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình phát triển, Đảng Cộng sản Việt
Nam luôn “kiên định”, “giữ vững”, “thực hiện đúng”, “thực hiện nghiêm” nguyên
tắc tập trung dân chủ, nên Đảng giữ vững và phát triển được
tổ chức, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp,
đảm bảo cho Đảng làm tròn vai trò “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ
thật trung thành của nhân dân”, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác, để “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế
như ngày nay”[7].
Như vậy, có thể khẳng định, tập
trung dân chủ là nguyên tắc được đúc kết từ thực tiễn phong trào công nhân quốc
tế, không phải “lý thuyết” như lời rêu rao của những kẻ có “thâm thù” với đảng
cộng sản và chủ nghĩa xã hội.
Hai là, có
phải “thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ dẫn đến tập trung quan liêu,
độc tài, mất dân chủ”?
Chúng ta đều
biết, bản chất của nguyên tắc
tập trung dân chủ là một thể
thống nhất biện chứng của hai thành tố là tập trung và dân chủ. Tập
trung trên nền tảng dân chủ và
dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung,
tập trung và dân chủ luôn đi đôi với nhau.
Tập trung trên nền tảng dân
chủ là tập trung gắn với dân chủ,
được quyết định trên cơ sở dân chủ, để thực thi dân chủ. Các cơ quan
lãnh đạo đều do bầu cử dân chủ lập lên. Quyền lực của cơ quan lãnh đạo là quyền
lực do đảng viên giao phó. Đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng do các
cuộc hội nghị của Đảng thảo luận quyết định, do đảng viên tập trung ý kiến, trí
tuệ, kinh nghiệm mà thành. Đó là sự tập trung do toàn thể đảng viên tạo lập
lên, không phải do bất kỳ ai tự ý quyết định, là sự tập trung dựa trên sự thống nhất ý chí, hành động, lợi
ích và trách nhiệm của đa số được hình thành một cách tự giác chứ
không phải thứ tập trung được thiết lập một cách hình thức, cưỡng bức phục vụ
lợi ích của một nhóm người, một cá nhân. Nó đối lập với tập trung quan liêu,
độc đoán chuyên quyền, lạm dụng quyền lực, trấn áp cấp dưới, trấn áp đảng viên,
địa phương chủ nghĩa, hình thành đẳng cấp trong Đảng.
Dân chủ dưới sự chỉ đạo của
tập trung là dân chủ có mục đích, có định hướng, có lãnh đạo, có
tổ chức, hướng tới tập trung, bảo vệ và giữ gìn sự thống nhất. Các đảng
viên được tôn trọng và bảo vệ quyền bình đẳng trong bàn bạc, thảo luận, quyết
định các công việc của Đảng nhưng phải trong khuôn khổ tổ chức, phải chấp hành
kỷ luật Đảng, phục tùng nghị quyết của Đảng, cá nhân phải phục tùng tổ chức, thiểu
số phải phục tùng đa số, cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Sự tự do phát huy
mọi sáng kiến, kinh nghiệm của đảng viên, của các tổ chức đảng phải nhằm tập trung cao nhất trí tuệ, hành động
của toàn Đảng hướng vào việc thực hiện mục tiêu, lí tưởng chung của Đảng. Nó
đối lập với dân chủ cực đoan, dân chủ vô chính phủ, dân chủ hình thức vì lợi
ích cá nhân, bè phái, địa phương chủ nghĩa, sẽ biến Đảng thành câu lạc bộ bàn
cãi suông, phân tán, mất đoàn kết.
Tập trung và dân chủ liên
hệ, ràng buộc, phụ thuộc nhau, thống nhất với nhau, thành tố này lấy thành tố
kia làm tiền đề tồn tại cho mình, hai thành tố không tách rời nhau. Tập trung
và dân chủ luôn chế ước, điều chỉnh, đòi hỏi lẫn nhau, luôn tồn tại trong một
chỉnh thể. Từ trong bản chất, nguyên tắc tập trung dân chủ đã loại bỏ hoàn toàn
khuynh hướng độc đoán, quan liêu, đồng thời cũng loại bỏ khuynh hướng vô chính
phủ, dân chủ cực đoan phá hoại sự thống nhất của Đảng.
Nhìn lại
lịch sử, chế độ tập trung dân chủ được V.I.Lênin vận dụng và phát triển thành
nguyên tắc tập trung dân chủ nhằm xây dựng một đảng cách mạng kiểu mới, trước hết
là Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga (sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô) và sau
đó là các đảng trong Quốc tế III, mà Đảng Cộng sản Việt Nam, từ năm 1930 đã là
một chi bộ của Quốc tế này. V.I.Lênin chỉ rõ: “Cần phải hiểu
rõ rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan
liêu chủ nghĩa và mặt khác càng khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”[8]
hay “Không có gì sai lầm bằng việc lẫn lộn chế độ tập trung dân chủ với chủ
nghĩa quan liêu và với lối dập khuôn máy móc”[9].
Một cách dân dã, dễ hiểu hơn, Chủ tịch
Hồ Chí Minh – Người sáng lập, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Từ tiểu
tổ đến đại hội đều theo cách dân chủ tập trung. Nghĩa là có việc gì ai cũng
được bàn, cũng phải bàn. Khi bàn rồi thì bỏ thăm, ý kiến nào nhiều người theo
hơn thì được. Ấy là dân chủ. Đã bỏ thăm rồi thì giao cho hội uỷ viên làm, khi
ấy thì tất cả hội viên phải theo mệnh lệnh hội ấy. Ấy là tập trung. Ai không
nghe lời thì uỷ viên có quyền phạt”[10]; “Bất cứ
về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa
số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”[11].
Người khẳng định:
“Tập trung trên nền tảng dân chủ. Cơ quan lãnh đạo của Đảng
có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, phương sách, nghị quyết của
Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên
phải tuân theo. Thế là tập trung. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân
chuyên chính, nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ. Nghĩa là:
1. Các cơ quan lãnh đạo đều do quần chúng đảng viên bẩu cử
lên.
2. Phương châm, phương sách, nghị quyết của Đảng đều do
quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành. Rồi lại do
các cuộc hội nghị của Đảng thảo luận giải quyết chứ không ai tự ý độc đoán.
3. Quyền lực của cơ quan lãnh đạo do quần chúng đảng viên
giao phó cho chứ không phải tự ai tranh giành mà được”[12].
“Dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung. Ở trong Đảng, mọi
đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng
quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của đảng, trái nghị quyết và trái kỷ
luật của đảng. Quyết chống không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung
tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn.
1. Chỉ có cơ quan lãnh đạo có quyền khai các cuộc hội nghị.
2. Tất cả các nghị quyết của Đảng phải do cơ quan lãnh đạo
chuẩn bị kỹ càng rồi giao cho các cấp thảo luận, không được làm qua loa, sơ
sài.
3. Khi bầu cử các cơ quan lãnh đạo trong Đảng, phải xem
xét kỹ lưỡng để lập danh sách những đảng viên ứng cử.
4. Toàn thể đảng viên phải theo đúng Đảng chương thống nhất,
kỷ luật thống nhất của Đảng. Toàn thể đảng viên phải theo sự lãnh đạo thống nhất
của Trung ương”[13].
Như vậy, trong từng yếu tố “dân chủ” và “tập trung” đã có một sự
hoà quyện, chuyển hoá tương ứng, “tập trung” không hề mâu thuẫn với “dân chủ” mà nó
thống nhất với nhau.
Sự thống nhất giữa tập trung và dân chủ không phải là sự gán ghép chủ quan, duy
ý chí mà được hình thành một cách khách quan do chúng đều có chung cơ sở kinh
tế - xã hội, đều thuộc bản chất giai cấp công nhân, đều cần thiết cho sự tồn
tại, hoạt động, phát triển của Đảng, đều dựa trên sự thống nhất lợi ích trong
Đảng, có những đặc trưng, đặc điểm, yêu cầu giống nhau, có chung môi trường vận
động, đều là phương thức để thực hiện và bảo vệ quyền lợi của Đảng, giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và chế độ xã hội chủ nghĩa. Từ trong bản chất,
nguyên tắc tập trung dân chủ không hề có sự đối lập hay tách rời giữa “tập trung” và “dân chủ” như những lời xảo biện của những kẻ
tự xưng là “nhà dân chủ”,
“trí thức”, “học giả”.
Thực tiễn luôn là chân lý cao nhất. Do
vậy, để thấy được sự xảo biện trong luận điệu xuyên tạc cho rằng thực hiện
nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ dẫn đến tập trung quan liêu, độc tài, mất dân
chủ, không gì xác đáng hơn là nhìn vào thực tiễn.
Trước hết, nhìn sang các nước phương
Tây – “miền đất hứa” của những “nhà dân chủ cuội”, bề ngoài thì các đảng chính
trị có vẻ được tự do, bình đẳng tranh cử để trở thành đảng cầm quyền, nhưng
thực chất bên trong, cũng chỉ có một vài đảng lớn được sự ủng hộ của các thế
lực tư bản độc quyền mới giành được vai trò chấp chính. Cụ thể hơn là ở Mỹ, ai
cũng thấy rằng, gần 250 năm qua, kể từ khi nước Mỹ ra đời, chỉ có hai đảng
(Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ), hai đảng lớn nhất của giai cấp tư sản lũng
đoạn thay nhau cầm quyền. Tuy là hai đảng, nhưng không ai có thể tìm thấy sự
khác nhau về bản chất, về lập trường giai cấp và hệ tư tưởng giữa chúng; nếu có
khác thì chỉ ở tên gọi và một số chính sách rất nhỏ mà thôi. Trong khi đó, Đảng
Cộng sản Mỹ- đảng đại diện và đấu tranh không mệt mỏi vì quyền lợi của hàng
triệu công nhân Mỹ, có không ít thời kỳ bị loại ra ngoài vòng pháp luật, các
đảng viên của đảng luôn bị đe dọa, ám sát, khủng bố; luật pháp Mỹ khoanh hoạt
động của Đảng Cộng sản Mỹ trong không gian chính trị chật hẹp và ngột ngạt, đến
cơ may phát triển còn chưa có, nói gì đến cái gọi là dân chủ trong đấu tranh
giành địa vị cầm quyền. Nhìn rộng ra ở nước Mỹ, bên cạnh “một xã hội” với những
người có cuộc sống xã hoa, hòa nhoáng, thì vẫn còn tồn tại “một xã hội” hoàn
toàn khác hẳn với hàng chục triệu người phải sống trong sự bất công, nghèo đói,
bệnh tật, thất nghiệp. Đó là “nền dân chủ đích thực” hay là tự tay tát vào mặt
mình của những kẻ luôn tụng ca về nền dân chủ tư sản!
Trong khi đó, hãy nhìn sang Việt Nam
- đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo,
luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, xử lý tốt mối quan hệ giữa mở
rộng dân chủ với tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Thực tế, hơn 90 năm
qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện Nhà nước thực sự
của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thực hiện “dân biết, làm bàn, dân làm,
dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, “nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu
ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các
cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy
ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải
phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng
Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung”[14]. Dân chủ vừa là bản chất vừa là động lực;
đồng thời, cũng chính là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo nhân dân kiên định xây dựng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều
của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng
chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung
ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại,
quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[15]. Cùng với thời gian, chế độ dân chủ ở Việt
Nam ngày càng hoàn thiện hơn, gắn với kỷ luật, kỷ cương; được thể chế hóa bằng
pháp luật, được pháp luật bảo đảm và được phổ biến đến mọi người dân. Đảng Cộng
sản Việt Nam xác định rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta,
vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng
bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện
trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với
kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật,
được pháp luật bảo đảm”[16].
Trên thực tế, mọi chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách,
pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, vì lợi ích của
nhân dân.
Sự thật vẫn luôn là sự thật và bản thân nó chứa đựng
chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt, chà đạp lên nó. Thực
tiễn phong trào công nhân quốc tế, thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính thực tiễn ở những nước tư bản là lời
đáp trả đanh thép đối với luận điệu hoàn toàn ngụy biện, sai trái, xuyên tạc về
nguyên tắc tập trung dân chủ với ý đồ hạ thấp uy tín, xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để
tiếp tục kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh,
hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045./.
Đỗ Đình Mạnh
#SQCT
#BảovệnềntảngtưtưởngcủaĐảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng
sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội,
2. Hồ Chí
Minh (2011), Toàn tập, tập 2, 3, 6, 8,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. V.I.Lênin
(2005), Toàn tập, tập 36, 41, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4. C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[1] C.Mác và
Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr. 735,
[2] C.Mác và
Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr. 733
[3] C.Mác và Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr. 734
[4] C.Mác và
Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr. 732
[5] C.Mác và
Ph.Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.
124 -125.
[6] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, tập 41, tr.34.
[7] Đảng Cộng
sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập II, tr. 322.
[8] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 36, tr.193
[9] V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
tập 36, tr.185
[10] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự
thật, Hà Nội, tập 2, tr.335
[11] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự
thật, Hà Nội, tập 3, tr.7.
[12] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập
8, tr.286
[13] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập
8, tr.287
[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự
thật, Hà Nội, tập 8, tr.263-264
[15] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia-Sự
thật, Hà Nội, tập 6, tr.232
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, Tập I,
tr.84 - 85
Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.
Trả lờiXóa