Social Icons

Pages

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

AI LÀ NGƯỜI VI PHẠM TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM

Tôn giáo là những nội dung liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị - xã hội của một đất nước, đến cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, hiện nay các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo đề chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định chính trị - xã hội nơi có đồng bào các tôn giáo sinh sống, bên cạnh đó một số đối tượng lợi dụng tin ngưỡng, tôn giáo để trục lợi... Vì vậy giải quyết vấn đề tôn giáo là một trong những nội dung cơ bản trong quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hộ chủ nghĩa.

Tôn giáo là những nội dung liên quan trực tiếp đến sự ổn định chính trị - xã hội của một đất nước, đến cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, hiện nay các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo đề chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định chính trị - xã hội nơi có đồng bào các tôn giáo sinh sống, bên cạnh đó một số đối tượng lợi dụng tin ngưỡng, tôn giáo để trục lợi... Vì vậy giải quyết vấn đề tôn giáo là một trong những nội dung cơ bản trong quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hộ chủ nghĩa. Nhận thức sâu sắc và nắm vững quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ giúp cho mỗi chúng ta có cơ sở khoa học và pháp lý đúng đắn, vững chắc để giải quyết khi tham gia hoặc đóng quân ở vùng đồng bào tôn giáo, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng vững chắc, dấu tranh với những âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo gây mất ổn định chính trị - xã hội, chống phá sự nghiệp cách mạng.

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Nhân dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhân dân Việt Nam từ ngàn xưa đến nay luôn coi trọng truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc, yêu nước thương nòi, tuy có đức tin khác nhau, nhưng không vì thế mà sinh ra hằn thù, chia rẽ. Tín đồ thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau luôn chung sống hòa hợp, cùng toàn dân đoàn kết trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Trong thời kỳ đất nước bị thực dân đế quốc đô hộ, các tôn giáo bị phân biệt đối xử, một số tôn giáo bị đàn áp. Chúng ngăn cản, khủng bố rất khốc liệt tinh thần yêu nước của đồng bào, nhiều vị chân tu bị bắt bớ, tù đày, thậm chí bị thủ tiêu vì yêu nước. Cũng như toàn dân tộc, tín đồ các tôn giáo sống trong cảnh lầm than, khổ nhục. Các tổ chức giáo hội bị đế quốc khống chế và thao túng. Chúng chia rẽ nội bộ từng tôn giáo, kích động bộ phận này chống bộ phận kia, tôn giáo này chống tôn giáo khác, người theo tôn giáo chống người không theo tôn giáo. Ai theo chúng thì được ưu đãi, dung dưỡng, ai không theo thì bị cấm đoán, thậm chí bị bức hại. Chúng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ dân tộc, biến mâu thuẫn của cả dân tộc Việt Nam với bọn xâm lược thành mâu thuẫn giữa những người hữu thần với những người vô thần, giữa những người cộng sản với các tôn giáo. Trong chế độ cai trị của đế quốc thực dân, nhân dân ta không hề có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Có chăng chỉ là “tự do” cho một số ít người “ôm chân, nấp bóng” quân xâm lược.

Thực tiễn giải quyết vấn đề tín ngưỡng tôn giáo của các triều đại phong kiến Việt Nam. Với tư duy mềm dẻo, lại luôn luôn phải lãnh đạo nhân dân chống các thế lực xâm lược hùng mạnh, nên phần lớn các nhà nước phong kiến Việt Nam đều nhận thức sâu sắc rằng, vấn đề bức xúc của dân tộc này, đất nước này không phải là vấn đề tôn giáo, mà là vấn đề bảo vệ nền độc lập dân tộc; và tôn giáo không đơn thuần là vấn đề tư tưởng, tâm linh của mỗi cá nhân, mà là vấn đề lực lượng, vấn đề đoàn kết dân tộc để đánh thắng kẻ thù xâm lược. Vì thế, về cơ bản các nhà nước phong kiến Việt Nam đều giải quyết đúng đắn vấn đề tôn giáo, góp phần quan trọng giữ cho đất nước vững bền và phát triển.

Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận sai lầm của các triều đại nhà Nguyễn trong nhận thức, giải quyết vấn đề tôn giáo nói chung và vấn đề Công giáo nói riêng. Vì nhiều lý do, có thời điểm nhà Nguyễn đã đồng nhất giáo dân với kẻ thù dân tộc. Chủ trương “giết dân theo đạo Thiên Chúa để trừ bè đảng của Pháp…” , nhà Nguyễn không những không thể “dồn quân Pháp, buộc chúng về giữ tàu thuyền, sau đó dùng hoả công để tiêu diệt ”, mà còn vô tình đẩy hàng triệu người dân vô tội vào thế đối lập với triều đình, đẩy nhiều nhà tu hành, linh mục, tín đồ tôn giáo tham gia các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình”, tạo thêm cả thế và lực cho thực dân Pháp tăng cường chiến tranh xâm lược nước ta, đưa cả dân tộc ta lâm vào cảnh nước mất, nhà tan, sống nô lệ lầm than.

Nhưng ngay sau khi đất nước được độc lập, và trong suốt tiến trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đời sống đồng bào tôn giáo, đến việc bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 03 tháng 9 năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, tôn trọng tự do tín ngưỡng là một trong vấn đề quan trọng của Nhà nước mới thành lập. Người nói: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo với đồng bào lương để thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”[1]. Người yêu cầu cán bộ phải quan tâm tới nguyện vọng của tín đồ, làm cho đồng bào tôn giáo được “phần xác ấm no, phần hồn thong dong”. Người dặn dò các giáo sĩ cần làm cho tổ chức tôn giáo thể hiện được vai trò tôn giáo của một nước độc lập, tránh cho thiên hạ có cảm tưởng rằng đồng bào tôn giáo còn chịu ách nô lệ của người nước ngoài trong lúc toàn dân ta đã thành công đòi lại được nền độc lập cho dân tộc. Người chỉ ra những ưu điểm của các tôn giáo, coi đó là điểm tương đồng với mục đích của toàn dân để động viên đồng bào các tôn giáo tham gia vào sự nghiệp chung của đất nước. Trong Sắc lệnh số 234/SL ngày 14 tháng 6 năm 1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, đã xác định rõ tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền lợi của nhân dân; khẳng định Chính phủ luôn luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện, không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo; giáo dân và các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân.

Qua các thời kỳ cách mạng, tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương nhất quán của Đảng, được Nhà nước thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật. Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, bảo hộ các nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục, đào tạo, ấn loát kinh sách, các văn hóa phẩm tôn giáo được nhập từ nước ngoài hoặc xuất bản trong nước. Các tôn giáo được đi tham dự các hội nghị quốc tế của tôn giáo; được mời, đón các đoàn tôn giáo nước ngoài vào thăm và làm việc; được khuyến khích tham gia hoạt động từ thiện xã hội như cứu trợ thiên tai, chăm sóc người tàn tật, người già cô đơn, người mắc các bệnh hiểm nghèo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật; tín đồ, giáo dân và các tổ chức tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Nhà nước luôn chủ trương đấu tranh và xử lý nghiêm mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích Tổ quốc và nhân dân.

Hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo đã đi vào cuộc sống, được các giáo hội, tu sĩ, chức sắc và tín đồ tôn giáo hoan nghênh. Hiện nay đã có hàng ngàn nơi thờ tự của các tôn giáo có hệ thống tổ chức đang sinh hoạt thường xuyên bình thường, nhiều nơi được sửa chữa hoặc xây mới. Nhiều ngôi chùa, nhà thờ Thiên chúa giáo, thánh thất Cao đài, thánh đường Hồi giáo, v.v. cùng hàng ngàn nơi thờ tự của các tín ngưỡng truyền thống trong nhân dân được tu bổ, tôn tạo. Đó là những biểu hiện rõ ràng nhất về quyền tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta; là thực tế không ai có thể phủ nhận được. Thực tiễn giải quyết tốt vấn đề tôn giáo dưỡi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều thành tựu: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo”[2].

Nhưng gần đây, các thế lực thù địch Việt Nam và những kẻ phản bội lưu vong liên tục tuyên truyền, vu khống, xuyên tạc tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Ở trong nước, một số người bất đồng chính kiến, một số kẻ cơ hội chính trị cũng a dua theo luận điệu của bọn phản động, đã tung tin, viết bài phản ánh sai sự thật về tình hình đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Họ, tất cả cùng một giuộc, đã cố tình phớt lờ những thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đã đề cập trên đây; rõ ràng dã tâm của họ không hề thay đổi, họ tìm mọi cớ, mọi cách để chống phá công cuộc đổi mới của đất nước ta, nhân dân ta đến cùng.

Đối chiếu những luận điệu “cáo buộc” của họ với sự thật lịch sử Việt Nam, chúng ta dễ nhận thấy đó là những lời vu khống trắng trợn! Họ cố tình quên những tội ác mà các thế lực ngoại bang đã gây ra cho dân tộc, cho đất nước, cho đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam. Rõ ràng, từ khi đất nước dược thống nhất, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã có biết bao đổi thay, khởi sắc. Từ tình cảnh nội bộ các tôn giáo chia năm xẻ bảy, đồng đạo ly tán, có khi hận thù xô xát, có lúc khai trừ, ra vạ tuyệt thông với nhau, đến nay đa số các tôn giáo thống nhất và đang có những bước phát triển mới, có nơi gọi là thời kỳ hoàng kim trong tôn giáo của họ. Từ những nơi thờ tự đổ nát, hoặc bị cô lập trong vòng kẽm gai của binh sĩ, cảnh sát Mỹ nguỵ trước đây, đến những chỗ sinh hoạt tôn giáo trang nghiêm hiện nay; từ những đội ngũ chức sắc tôn giáo pha tạp lúc trước, có người mặc áo lính, có địa phận còn bị cai quản bởi giáo sĩ người nước ngoài... đến những đội ngũ chức sắc trong sáng, thuần khiết ngày càng nhiều,... Thử hỏi rằng, thời gian qua, những tôn giáo ở Việt Nam được hay mất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?

Vậy ai là người đích thực vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam?

Ai đã biến nơi thờ tự thành đồn bốt, tháp canh, cưỡng ép giáo dân làm thành “hàng rào thịt” bao quanh các căn cứ quân sự, đẩy thanh niên tôn giáo ra làm bia đỡ đạn? Ai đã dội bom lên các chùa chiền, nhà thờ, thánh thất... nhằm biến miền Nam Việt Nam thành vùng oanh kích tự do và âm mưu đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Trách nhiệm về hàng vạn nơi thờ tự bị hủy diệt trong các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thuộc về ai?

Ai đã tác động tâm lý, tung tin thất thiệt, xô đẩy hàng chục vạn đồng bào công giáo bỏ quê cha đất tổ, bỏ lại ruộng vườn để theo “Chúa vào Nam”, gây ra cảnh gia đình ly tán, đàn chiên không có chủ chăn, các nơi thờ tự hương lạnh khói tàn? Ai đã khôi phục lại ruộng vườn, phục hồi sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, sửa chữa các nơi thờ tự, đảm bảo kinh nguyện bình thường, giúp cho nền đạo lành ngày càng phát triển?

Ai đã lên tiếng khi máu đổ sân chùa và các nơi thờ tự khác bị làm ô uế ở miền Nam trước đây, khi hàng loạt chức sắc, tín đồ các tôn giáo bị chế độ cũ bắt bớ giam cầm vì họ là người yêu nước? Khi hàng loạt các nhà sư, linh mục bị bắt đày ra Côn Đảo sao không thấy các tổ chức nhân quyền, các nhà nhân quyền nào lên tiếng phản đối? Rồi cho đến nay, vẫn xuất phát từ dã tâm xấu xa, một số thế lực thù địch Việt Nam, đã dung dưỡng, kích động cho những kẻ quá khích đem vũ khí, chất nổ, đô-la, tiền bạc, tài liệu kích động quần chúng hoạt động bất hợp pháp và đem sách báo xuyên tạc chế độ mới, kể cả máy in tiền giả vào những chốn trang nghiêm, tạo điều kiện cho số người xấu nấp sau nơi thờ phụng để phá hoại trật tự an ninh và ổn định xã hội,… Thử hỏi, đó là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay sao?

Bất cứ nhà nước nào cũng có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ sự ổn định và trật tự an toàn xã hội. Bất cứ sinh hoạt chính trị, xã hội nào trong một xã hội tự do và dân chủ cũng cần diễn ra trong khuôn khổ luật pháp. Theo đó, việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi công dân không được làm ảnh hưởng đến các tín ngưỡng, tôn giáo khác; không ảnh hưởng đến quyền tự do, dân chủ của công dân khác và không được ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Nước ta cũng như bất cứ quốc gia nào khác, có kỷ cương pháp luật, mọi công dân phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi hành động vi phạm luật pháp đều bị xét xử, nghiêm trị.

Trong các nơi lưu giữ phạm nhân hiện nay, có người là dân thường và cũng có người nguyên là cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước. Họ bị kết án không phải vì họ là dân thường, là cán bộ, đảng viên hay công chức nhà nước, mà vì họ đã vi phạm pháp luật. Thời gian qua, có người nguyên là tu sĩ, cũng có người vốn không phải là tu sĩ hay tín đồ một tôn giáo nào, đã có những hành vi xâm phạm trật tự an ninh xã hội, tán phát các tài liệu xuyên tạc để chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, có trường hợp gây rối chống người thi hành công vụ. Họ bị xử lý theo luật pháp vì họ có hành vi phạm pháp, chứ không phải vì họ không tín ngưỡng, tôn giáo, lại càng không phải vì họ theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào.

Những thế lực thù địch ở nước ngoài luôn tìm cách kích động số ít người xấu trong các tôn giáo để gây rối, gây mất trật tự trị an, nhằm phá hoại sự ổn định xã hội, nhưng khi pháp luật trừng trị thì chúng mượn cớ kêu la hò hét, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Đó là sự xuyên tạc thô bạo nhằm đổi trắng thay đen, che giấu âm mưu phản động mà sự thật đó là những hành vi vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu, thủ đoạn đó để cùng chung tay bảo vệ đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ổn định, tiến bộ của đất nước ta hiện nay.

Quan điểm của Đảng về tôn giáo được thể hiện trong các nghị quyết như: NQ số 24-NQ/TW, ngày 16/10/1990 của BCT, BCHTW Đảng khóa VI về việc Tăng cường công tác TG trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW,ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ Bảy BCH Trung ương Đảng khóa IX về Công tác tôn giáo; Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2018; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), XI(2011), XII(2016) và Văn kiện ĐHXIII (2021) của Đảng, biểu hiện cụ thể là: Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại lâu dài cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là, Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Ba là, nội dung cốt lõi của công tác TG là công tác vận động quần chúng. Bốn là, công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Năm là, mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”[3]. Đồng thời, Đảng khẳng định: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo”[4].

          Với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, nắm chắc quan điểm, chính sách tôn giáo là một góp phần quyết định đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý cán bộ, chiến sĩ khi tham gia giải quyết những điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đóng quân... Do đó, cần tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào nắm và thực hiện tốt chủ chương, chính sách của Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết, động viên đồng bào thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đổi mới nội dung, hình thức công tác dân vận cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, vùng, miền và đặc thù của mỗi tôn giáo; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia xây dựng cơ sở địa phương xã, thôn, bản vững mạnh; góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo; phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tôn giáo./.

Hoàng Khắc Trung


[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.8.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.45.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.50-51.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.141.

1 nhận xét:

  1. Mọi luận điệu xuyên tạc của bọn phản động và các thế lực thù địch đều có âm mưu xấu xa, thâm độc kèm theo. Vì vậy chúng ta phải cảnh giác và đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của bọn chúng.

    Trả lờiXóa