Social Icons

Pages

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

“CHỮA BỆNH”… PHƯƠNG PHƯỞNG!


“Bệnh” phương phưởng liên quan trực tiếp tới những hạn chế về cách làm của người cán bộ, đảng viên. Nó cũng liên quan trực tiếp tới những hạn chế trong cách nghĩ, cách nói và cả sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.

Lâu nay, trong thực hiện, thực thi nhiệm vụ nhìn chung đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp luôn nêu cao cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức mọi mặt; có lập trường, tư tưởng vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng, mục tiêu của Đảng;

năng động, sáng tạo, tích cực, chủ động thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; lấy sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, nói đi đôi với làm là phương châm hành động, tác phong công tác. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo, mẫu số chung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ.

Trên thực tế, trước tác động từ nhiều mặt của cuộc sống, một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nhận thức và hành động còn mang tư tưởng phương phưởng, làm việc thì cầm chừng, không sâu sát, cụ thể, không nắm chắc nội dung công việc, không kiên quyết, thiếu triệt để, khi nhận và thực thi nhiệm vụ tính kế hoạch không cao; có tư tưởng “làm cho xong” không quan tâm hiệu quả công việc, quá trình thực hiện nhiệm vụ thiếu kiểm tra, giám sát… dẫn đến hiệu quả công việc thấp, thiếu sức thuyết phục thậm trí gây ra tác hại khôn lường, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức. Nguy hiểm hơn, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân.

Biết vậy, nhưng để phê bình góp ý lại không hề đơn giản, mặc dù đó là minh chứng của những biểu hiện sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác, không tự giáo dục, học tập; né tránh, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không có ý thức, trách nhiệm cao hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Nhưng họ không tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình về hiệu quả trong công việc được giao. Cùng với đó, họ luôn đặt cái “tôi” lên hàng đầu nên quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của quần chúng; thiếu gương mẫu, nói thường không đi đôi với làm, thậm chí vi phạm kỷ luật.

Khi được góp ý, phê bình họ tìm đủ mọi cách đổ lỗi cho mọi nguyên nhân, nói quanh rồi soi mói hạn chế của người khác để “dìm” họ xuống, tự tay “túm tóc” nâng mình lên và mắc bệnh thành tích, háo danh thích được đề cao, ưa phỉnh nịnh.

Như vậy, “bệnh” phương phưởng không chỉ mang màu sắc cá nhân, mà còn đe doạ tới sự trong sạch vững mạnh của tổ chức cơ sở đảng, lòng tin của quần chúng với Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đi ngược lại và thui chột sự phát triển.

Để “chữa bệnh” phương phưởng trước hết tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thấu triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy[1] để cách tổ chức, triển khai công việc đều vì lợi ích của quần chúng; cách làm nào không phù hợp với quần chúng thì tư duy, khắc phục và sửa chữa.

Đối với cấp ủy, tổ chức Đảng, cần chú trọng đổi mới nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên nỗ lực học tập, công tác hiệu quả, có nhiều đóng góp, cống hiến cho tập thể. Song cùng, phải xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tạo nguồn phát triển phù hợp, đánh giá đúng trình độ, năng lực công tác, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, thay thế những cán bộ yếu kém, bằng những cán bộ có đủ đức và tài, có năng lực quản lý, chuyên môn tốt, giàu tinh thần nhiệt huyết vì sự phát triển mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Tổ chức Đảng các cấp thường xuyên tăng cường quản lý, cùng với đó coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ; kịp thời khen thưởng, kiên quyết phê bình, kỷ luật cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao mà không hoàn thành.

Trong sinh hoạt cấp uỷ đảng các cấp phải thật sự phát huy dân chủ, bảo vệ ý kiến đóng góp đúng người, đúng việc tạo tâm lý cho người phê bình không còn tấm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm. Khi ấy, mới tạo ra những “liều thuốc” đặc trị để dần triệt tiêu những mầm mống vẫn phát sinh hằng ngày ở một bộ phận cán bộ, đảng viên “làm được ít, suýt ra nhiều”, lối làm việc “chỉ tay năm ngón”.

“Chữa bệnh” phương phưởng ở mỗi cán bộ, đảng viên là người chủ trì, phải nắm chắc kế hoạch cấp trên, cụ thể hoá để xây dựng kế hoạch cấp mình thật khoa học, triển khai thực hiện phải cụ thể, tỉ mỉ, chặt chẽ, nghiêm túc và quyết đoán. Trong mọi tình huống phải làm chủ được tình hình, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người phụ trách phải rõ ràng, thường xuyên kiểm tra, giám sát, bám nắm tình hình để đưa ra quyết định đúng đắn. Đồng thời, phát hiện uốn nắn, xử lý nghiêm các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, hách dịch, xa rời quần chúng.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự khiêm tốn, cầu thị. Ngay trong trong nhận thức phải không ngừng tự giáo dục, tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác để “thạo việc mình, biết việc trên”; luôn có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, thẳng thắn phê bình việc; không sa vào bệnh thành tích, háo danh, nói không đi đôi với làm, phô trương, che giấu khuyết điểm.

“Đả thông tư tưởng” để cán bộ, đảng viên “mắc bệnh” phương phưởng nhận thức được tác hại của nó, ý thức được công việc mình làm. Từ đó, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách làm việc và năng lực công tác.

Tự soi, tự sửa để mỗi hành động, việc làm phải nắm chắc, hiểu sâu không rơi vào lối “trống giong, cờ mở” hô hào hoạt động mà không biết định hướng, hướng dẫn cụ thể dẫn đến vô hình trung lòng nhiệt huyết, tinh thần “hăng hái” lại trở thành nguyên nhân dẫn đến hạn chế của cơ quan, đơn vị mình. Cán bộ đảng viên phải “miệng nói tay làm” sẽ là hành động thuyết phục nhất để nêu gương, thuyết phục.

Thực hiện đúng quy định về kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách nhiệm vụ được phân công đảm nhiệm, đi đôi với xử lý nghiêm những trường hợp mất dân chủ, vu cáo, xúc phạm, nhận xét đánh giá tùy tiện người khác, đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo, phê bình, góp ý.

 Đại hội XIII (01-2021) của Đảng đề ra mục tiêu tổng quát phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng đề ra những mục tiêu cụ thể và hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để thực hiện, trong đó khẳng định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”[2]. Theo đó, mỗi hành động của cán bộ, đảng viên phải lấy niềm tin, sự yêu mến của người dân làm thước đo hiệu quả công việc. “Chữa bệnh” phương phưởng là cách thuyết phục sâu sắc và bền vững để dân tin, dân yêu.



[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr.279

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Tập II, tr. 226.

1 nhận xét: