Social Icons

Pages

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

 ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG DIỄN BIẾN HÒA BÌNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

           Văn học, nghệ thuật (VHNT) là một mặt trận tư tưởng, văn hóa hàng đầu của Đảng, là diễn đàn để Đảng ta định hướng tuyên truyền, lãnh đạo tư tưởng chính trị đối với Nhà nước và xã hội. Chính vì vậy, hiện nay các thế lực thù địch, cơ hội, phản động luôn tìm cách chống phá trên nhiều lĩnh trong đó có văn học nghệ thuật nhằm thúc đẩy “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước thường đẩy mạnh thực hiện các phương thức, thủ đoạn sau:
          Trước hết, chúng sử dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các diễn đàn công khai để xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với lĩnh vực văn học - nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Chúng vu cáo Đảng ta bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ, áp đặt tư tưởng, quan điểm sáng tạo văn học, nghệ thuật; trấn áp những văn nghệ sĩ đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, nhất là khi ta xử lý những đối tượng cực đoan, chống đối chế độ mà chúng gọi là “những nhà bất đồng chính kiến”. Một bộ phận văn nghệ sĩ, trí thức cho rằng, sở dĩ hiện nay không có tác phẩm hay, ngang tầm thời đại là do “đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc. Các tác phẩm phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, “Sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học, nghệ thuật”… đồng thời chúng cổ vũ, tán đồng quan điểm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đối lập văn nghệ với chính trị. Thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật chúng thổi phồng những thiếu sót của Đảng, Nhà nước; đi sâu khai thác đời tư một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Qua đó làm dao động tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của ta.

          Bên cạnh đó, chúng ra sức bôi nhọ, đả kích các nhà phê bình văn học, văn nghệ sĩ, trí thức có quan điểm tốt, xuyên tạc họ là những “bồi bút” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là những “con rối” trên diễn đàn văn chương. Đồng thời, đề cao các tác phẩm của những văn nghệ sĩ, trí thức có lối suy nghĩ cực đoan, quá khích, cho rằng đây là “luồng gió mới” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở Việt Nam đã dũng cảm thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đối tượng cố tình xuyên tạc, đòi “xét lại” cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, theo họ là “trung thực hơn” với nguồn tư liệu phong phú từ 02 phía. Trong đó, có những tác phẩm văn học đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến, làm lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân.

          Ngoài ra, chúng tổ chức “trao giải thưởng”, trả nhuận bút cao, khích lệ tính hám danh của một số văn nghệ sĩ, lôi kéo họ vào các hoạt động chính trị và sáng tác bất lợi cho an ninh quốc gia và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Triệt để khai thác, thu thập những bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật có quan điểm nghệ thuật lệch lạc, bị phê phán mạnh mẽ trong nước để đưa ra đăng tải, phát hành ở bên ngoài trên các tạp chí, nhà xuất bản của các tổ chức phản động người Việt lưu vong. Nhiều tác phẩm mang nặng tính thị trường, tô đậm mặt trái, tiêu cực của cuộc sống hiện tại; đi sâu kể lể những tiêu cực trong xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường, phim truyện trinh thám, hình sự với những tình huống ly kỳ, rùng rợn, tình yêu dễ dãi… Trong lĩnh vực ca nhạc có khuynh hướng nhấn mạnh sự hưởng thụ, bi lụy, mất mát, chia ly trong tình yêu. Bên cạnh đó, một số chương trình ca nhạc mang nặng tính giải trí mà quên các chức năng về nâng cao nhận thức chính trị, thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân.

          Đặc biệt, chúng thông qua các chương trình mang tính hợp tác quốc tế mời đích danh một số văn, nghệ sĩ của ta ra nước ngoài tham quan, trao đổi, biểu diễn, sáng tác… để thông qua đó tiếp cận, tuyên truyền, tác động tư tưởng, thậm chí gài bẫy khống chế, bắt tham gia vào các hoạt động chống đối chế độ, xây dựng họ thành những “ngọn cờ” trong giới văn nghệ sĩ, là những “hạt nhân” để phát triển “lực lượng dân chủ” trong nước. Thông qua số này xây dựng các trang web và blog trên mạng internet, thực chất là các dạng báo điện tử tư nhân đưa nhiều thông tin sai trái; thành lập các hội nhóm, thiết lập các diễn đàn “dân chủ” theo quan điểm của phương Tây, chống phá Đảng, Nhà nước, bênh vực cho những phần tử chống Đảng, chống chế độ. Có thể thấy, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch rất tinh vi, thâm độc. Chúng sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, cách tiến hành khác nhau để “thọc sâu” vào những chỗ hở, điểm sai, mặt hạn chế của ta trong việc quản lý hoạt động văn học, nghệ thuật nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào nước ta và tiến tới xóa bỏ hệ thống tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhận diện được những âm mưu đó, chúng ta cần tập trung đấu tranh bằng những giải pháp sau:

          Một là, nâng cao vai trò của lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

          Đảng và Nhà nước cần phải có cái nhìn đúng đắn về vai trò của văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong quá trình đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” từ đó đề ra những quan điểm, đường lối, nghị quyết, chỉ thị,... gắn với hoạt động văn học nghệ thuật, tạo môi trường thuận lợi cho những ấn phẩm hay, xuất sắc ra đời; đảm bảo quyền tự do sáng tạo của các văn nghệ sĩ trên tinh thần không đi ngược lại với những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quyền lợi chính đáng của Nhân dân và lợi ích quốc gia; tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện chế độ chính sách trọng dụng nhân tài, đãi ngộ, tôn vinh trí thức văn nghệ sĩ tương xứng với tài năng và những đóng góp của họ với đất nước. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý văn hóa, những người liên quan đến lĩnh vực văn hóa (đặc biệt là lĩnh vực văn học, nghệ thuật), làm cho họ trở thành “cầu nối” có mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với lực lượng văn nghệ sĩ. Tăng cường quản lý các tác phẩm, bài viết, video,… được phát tán trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội; kịp thời phát hiện những tác phẩm có biểu hiện sai trái, lệch lạc đi ngược lại những quan điểm của Đảng về phát triển văn học nghệ thuật ở nước ta và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; định hướng, chỉ rõ những luận điểm, nhận diện thủ đoạn, chiêu bài nguy hiểm của các thế lực thù địch; phối hợp hoạt động giữa các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể đi đầu giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng như đối với các tổ chức, hiệp hội văn học, nghệ thuật. Cần biểu dương những tác giả, tác phẩm ở các loại hình văn học, nghệ thuật có giá trị đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, theo phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý các loại hình văn học nghệ thuật được phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là trên phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, internet, mạng xã hội… Tổ chức các lực lượng đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT. Tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ được sáng tạo, sáng tác những tác phẩm có giá trị đối với đời sống xã hội. Thực hiện tốt Luật Sở hữu trí tuệ…

          Hai là, nâng cao vai trò của lực lượng văn nghệ sĩ đối với văn học nghệ thuật.

          Văn nghệ sĩ là một bộ phận thiết yếu của đội ngũ trí thức Việt Nam lực lượng sáng tạo đặc biệt, quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; đóng góp vào việc phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng việc sáng tạo những công trình văn học nghệ thuật (VHNT) có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

          Trước những yêu cầu thách thức mới, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam cần phải nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tư cách, trau dồi tài năng, tâm huyết với lao động nghệ thuật để xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trong xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn, góp phần bồi đắp nền văn hóa mới, kiến tạo chủ thể con người mới nhằm ổn định và phát triển đất nước mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào cộng đồng nhân loại tiến bộ, văn minh. Văn nghệ sĩ Việt Nam cần cảnh giác trước những âm mưu chống phá, lôi kéo của những thế lực thù địch nấp dưới danh nghĩa đảm bảo “quyền con người trong xã hội dân chủ, dân sự”. Mặt khác, không chạy theo xu hướng thương mại hóa, hạ thấp các giá trị căn cốt và bền vững, đích thực của tác phẩm VHNT, không để lợi nhuận, đồng tiền chi phối trên hết, trước hết. Văn nghệ sĩ cần giữ vững bản lĩnh của người nghệ sĩ chân chính vì lợi ích tối cao của dân tộc mà tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động nghề nghiệp, tâm nguyện đồng hành cùng nhân dân, hướng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Cần đấu tranh, phê phán, khắc phục những hạn chế, tiêu cực, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, thói háo danh ở một bộ phận văn nghệ sĩ gây phản cảm, bức xúc trong xã hội.

          Thứ ba, nâng cao vai trò của công chúng khi tiếp nhận và đánh giá các tác phẩm văn học nghệ thuật

          Tác giả – tác phẩm – công chúng, đó là cái tam vị tạo nên sự nhất thể cho đời sống của nghệ thuật. Ba yếu tố này ràng buộc lẫn nhau, chế định lẫn nhau, đặt điều kiện cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử của bất cứ một nền nghệ thuật nào. Công chúng chính là đối tượng trực tiếp tiếp nhận các tác phẩm và cũng là lực lượng khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật cho tác giả. Chính vì thế công chúng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật nhất là trước tình hình mới, phức tạp như hiện nay.

          Trước hết, công chúng cần nâng cao trình độ nhận thức về vai trò và các hình thức của văn học nghệ thuật tác động tới đời sống xã hội: Âm nhạc, mỹ thuật, múa, điện ảnh, sân khấu… để có cái nhìn khách quan khi đánh giá những tác phẩm sáng tạo nghệ thuật này. Cần quan tâm nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận, thưởng thức các loại hình văn học nghệ thuật. Phát huy vai trò của nhân dân trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa trong các loại hình văn học nghệ thuật. Đồng thời, không ngừng giáo dục nâng cao nhận thức, trình độ hưởng thụ các loại hình văn học nghệ thuật, cũng như khả năng tiếp thu, chọn lọc những tác phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Đấu tranh chống lại các tác phẩm văn học nghệ thuật thực dụng, đồi trụy, bạo lực, phản văn hóa, không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đạo lý của con người Việt Nam. Nâng cao năng lực nhận thức “sức đề kháng” của các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ, cũng như các văn nghệ sĩ trước các luận điệu sai trái, thù địch.  Khi tiếp nhận những sáng tác mới cần hết sức tỉnh táo với những thông tin được đề cập; chủ động phát hiện những tác phẩm có quan điểm lệch lạc, “lầm đường lạc lối”, đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp, nhân văn của dân tộc. Đặc biệt, công chúng cần tích cực đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch đăng đàn trên các trang mạng xã hội, blog cá nhân, trang web… nhằm lợi dụng những tác phẩm văn học nghệ thuật để hạ bệ uy tín và sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực này.

          Có thể nói, “Diễn biến hoà bình” là chiến lược cực kỳ thâm độc và nham hiểm của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng văn hóa, kinh tế xã hội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, trong đó tư tưởng văn hóa (trọng tâm là văn học nghệ thuật) được xác định là mặt trận hàng đầu, là khâu đột phá và có ý nghĩa quyết định trong tổng thể chiến lược này. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân đều phải tự trang bị cho mình những kiến thức, nhận định rõ ràng, kĩ năng thuần thục để không bị chi phối. Tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng và trong xã hội cùng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, nhất định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta sẽ đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ của kẻ địch, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bạch Tuấn Vũ

#SQCT

2 nhận xét:

  1. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý văn hóa, những người liên quan đến lĩnh vực văn hóa, làm cho họ trở thành “cầu nối” có mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với lực lượng văn nghệ sĩ.-K10

    Trả lờiXóa
  2. Mọi người dân Việt Nam phải luôn nêu cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những phần tử phản động

    Trả lờiXóa