Social Icons

Pages

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

BẢO VỆ, VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO

Tóm tắt: Tư tưởng Hồ chí Minh về đoàn kết tôn giáo là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Với tư duy sắc bén, tầm nhìn chiến lược và những việc làm cụ thể, Hồ Chí minh đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc giữa các tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, địa vị, tôn giáo; tạo nên nguồn sức mạnh to lớn góp phần quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược cách mạng, nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng và không ngừng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng, một bộ phận không thể tách rời. Người khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”[1]. Điều này chứng minh, đoàn kết tôn giáo là một nội dung rất quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, đã góp phần to lớn trong phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, làm nên thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Quan điểm, tư tưởng đó của Người đã trở thành cơ sở phương pháp luận cho mọi đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta về thực hiện đoàn kết tôn giáo giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

 1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo - một số nội dung cơ bản

1.1. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện lương giáo hoà hợp, đồng hành cùng dân tộc

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng là quan điểm nhất quán về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Hồ Chí Minh nhằm xây dựng đoàn kết tôn giáo, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền cơ bản của công dân. Mọi công dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, những người có tín ngưỡng tôn giáo đều được được quyền ứng cử và bầu cử mà không hề có một sự phân biệt, đối xử. Mặt khác, theo Hồ Chí Minh tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn thể hiện ở thái độ tích cực đấu tranh với những biểu hiện vi phạm quyền đó của công dân. Tín ngưỡng, tôn giáo là niềm tin thiêng liêng, giữ một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần và chi phối tâm tư, tình cảm, hành vi của đồng bào theo đạo. Vi phạm niềm tin tôn giáo là vi phạm tín đồ, là làm tổn hại, gây chia rẽ đoàn kết tôn giáo, là mắc vào âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thể hiện sự tôn trọng quyền cơ bản của con người, tôn trọng đức tin của mỗi người. Tuy có sự khác nhau về thế giới quan, niềm tin giữa những người có tôn giáo và những người không có tôn giáo, song không vì vậy mà đối đầu, nghi kỵ lẫn nhau, mà phải tôn trọng đức tin của mỗi người.

Theo Hồ Chí Minh đồng bào theo các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời dân tộc, là lực lượng không thể thiếu trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết các tôn giáo có vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, Hồ Chí Minh luôn quan tâm, động viên đồng bào lương cũng như giáo đoàn kết, thi đua góp công, góp sức trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ hoà bình, thống nhất Tổ quốc. Người bày tỏ lòng mong muốn đó và kêu gọi đồng bào: “Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[2].

Mặt khác, để xây dựng và củng cố đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh yêu cầu trong quan hệ giao tiếp, trong ứng xử hàng ngày, tuyệt đối không bao giờ được phép có lời nói hay việc làm xúc phạm đến niềm tin tôn giáo. Bởi lẽ, đối với các tín đồ tôn giáo, họ luôn coi đức tin là điều hết sức thiêng liêng. Mọi hành vi, thái độ thiếu tôn trọng hoặc xem thường, chế nhạo tín ngưỡng, tôn giáo là xúc phạm đến niềm tin của đồng bào, sẽ làm tổn hại đến đoàn kết tôn giáo, cũng là trái với pháp luật của Nhà nước ta.

Bên cạnh đó Người cũng chỉ ra tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời phải kiên quyết nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta: tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm đến tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những điều trái pháp luật, đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng.

1.2. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo và làm tốt công tác vận động quần chúng của Đảng

Đối với Hồ Chí Minh, thực hiện đoàn kết tôn giáo, đó không phải là khẩu hiệu hô hào, không chỉ lời nói suông, mà phải trở thành hành động cách mạng thiết thực, cụ thể. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ, dưới chế độ áp bức, bóc lột, đồng bào các tôn giáo không những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, mà còn bị áp bức, đè nén về tinh thần. Cho nên, đồng bào các tôn giáo cần phải được quan tâm, giúp đỡ đặc biệt. Theo Hồ Chí Minh, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu để xây dựng và củng cố đoàn kết lương giáo, là phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các tôn giáo.

Mặt khác, để tăng cường đoàn kết tôn giáo, theo Hồ Chí Minh, không chỉ dừng lại ở việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào mà cần phải thường xuyên thực hiện tốt công tác vận động quần chúng của Đảng, thông qua kiên trì tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho đồng bào tôn giáo, nắm vững và thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát huy tốt vai trò của chức sắc các tôn giáo để vận động giáo dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.3. Kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Để củng cố và tăng cường đoàn kết tôn giáo, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của cách mạng, vì lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, theo Hồ Chí Minh, một mặt phải kiên trì giải thích các quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cho đồng bào hiểu rõ để tự giác chấp hành, thực hiện. Mặt khác Hồ Chí Minh yêu cầu, cần phải thường xuyên, kịp thời phát hiện và đấu tranh vạch trần, chỉ rõ những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt mà kẻ địch thường lợi dụng. Từ đó, làm cho nhân dân thấy bản chất, mưu mô của chúng và tỏ thái độ kiên quyết đấu tranh với từng đối tượng. Bên cạnh đó cần đấu tranh vạch trần những biến tướng mới, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của chính quyền các cấp. Động viên các tầng lớp nhân dân luôn nêu cao cảnh giác cách mạng và tích cực phòng ngừa các thủ đoạn chống phá của kẻ địch, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội ở địa phương mình.

2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay

2.1. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục các quan điểm, chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà  nước ta

Đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào các tín đồ và chức sắc tôn giáo nói riêng phải nhằm nâng cao trình độ nhận thức, trình độ hiểu biết về các quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Theo đó công tác giáo dục, tuyên truyền phải thiết thực góp phần nâng cao trình độ dân trí nâng cao kiến thức, hiểu biết cơ bản về khoa học tự nhiên và xã hội, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Coi trọng giáo dục các giá trị văn hoá, nhân văn, nhân đạo tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy trong mỗi người dân tinh thần yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, ý thức đoàn kết cộng đồng, tinh thần tương thân, tương ái, khoan dung độ lượng và khơi dậy tính hướng thiện trong mỗi con người cùng hướng về một cội nguồn của Tổ quốc. Đồng thời phải nắm chắc đối tượng để xác định phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp, đặc biệt là đối với đồng bào có đạo. Muốn tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả đối với đồng bào các tôn giáo phải có hiểu biết nhất định về kinh sách, giáo lý, giáo luật…của các tôn giáo, biết khơi dậy những mặt tích cực, tiến bộ trong kinh thánh, giáo lý để giáo dục, động viên giáo dân trong thực hiện chủ trương “tốt đời, đẹp đạo”.

2.2. Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về tôn giáo, phát huy trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt công tác vận động quần chúng của Đảng

Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, là làm cho mọi công dân đều phải hiểu rõ rằng, pháp luật của Nhà nước ta không chống lại tôn giáo, mà bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân và được thực thi trên thực tế, nhưng đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh với những hành vi, biểu hiện lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Do vậy cần phải tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo.

Tăng cường quản lý của Nhà nước về tôn giáo phải bảo đảm tính toàn diện: quản lý về tổ chức, quản lý về hoạt động, sinh hoạt của tôn giáo theo đúng pháp luật, kể cả việc phong tước, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tôn giáo, đại hội, hội nghị của các tổ chức tôn giáo và xây dựng các cơ sở tôn giáo, kinh doanh, xuất nhập khẩu kinh sách tôn giáo, các hoạt động mạng tính quốc tế của các tổ chức, cá nhân về tôn giáo.

Tuy nhiên, vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc củng cố và tăng cường đoàn kết lương giáo, là phải làm tốt công tác vận động quần chúng. Công tác vận động quần chúng các tôn giáo đòi hỏi trước hết là phải nhận thức cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách về tôn giáo. Đồng thời, coi trọng giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức công dân gắn liền với việc quan tâm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của đồng bào có đạo, tạo điều kiện cho các tổ chức, tín đồ tôn giáo sinh hoạt theo đúng hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận. Quá trình vận động phải có phương pháp khoa học, thái độ phải mềm dẻo, linh hoạt và tế nhị, phải kết hợp chặt chẽ giữa việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng để vận động, thuyết phục, trách áp đặt chủ quan, hoặc máy móc, thô bạo, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác vận động quần chúng, gây trở ngại đến việc thực hiện đoàn kết tôn giáo.

2.3. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng có nhiều đồng bào theo đạo

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, là điều kiện, cơ sở quan trọng để không ngừng củng cố và tăng cường đoàn kết tôn giáo. Quan tâm và giải quyết đúng đắn nguyện vọng, nhu cầu chính đáng đời sống của quần chúng nhân dân nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng, là điều kiện quan trọng để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và với chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc quan tâm chăm lo đời sống cho các tầng lớp nhân dân, phải trên cơ sở động viên, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho họ. Có như vậy mới giúp cho đồng bào, nhất là đối với đồng bào có đạo, vùng sâu, vùng xa hoà nhập, gắn bó với cộng đồng. Đây chính là giải pháp vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài trong công tác tôn giáo.

Trong quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, cần phải biết cụ thể hoá thành các mục tiêu, nội dung, chương trình hành động phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền và đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, việc thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, thì mới có điều kiện nâng cao đời sống văn hoá, giúp cho đồng bào, nhất là đối với đồng bào có tôn giáo giảm dần sự lệ thuộc về tinh thần đối với các đấng siêu nhiên.

Như vậy, thường xuyên quan tâm chăm lo, không ngừng nâng cao cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân, cả đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, là thể hiện nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo: Chúa sẽ mang lại hạnh phúc cho bà con giáo dân nơi thiên đường, còn chúng tôi (những người cộng sản) sẽ mang lại hạnh phúc cho bà con giáo dân ngay ở nơi trần thế. Đó cũng là cơ sở khoa học, điều kiện tốt nhất để ngăn chặn sự xuyên tạc, vu khống, cùng những hành động truyền đạo trái phép của các thế lực thù địch, nhằm không ngừng củng cố và tăng cường đoàn kết lương giáo.

2.4. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng ngăn ngừa và xử lý kiên quyết mọi âm mưu, hành động của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để thực hiện đoàn kết, tập hợp lực lượng đông đảo cho cách mạng, phải phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán quan điểm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh với những hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của công dân, phản ánh nhu cầu đời sống tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân. Đảng, Nhà nước ta trước sau như một, không chỉ công nhận, thừa nhận, tôn trọng quyền chính đáng của công dân, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho mọi sinh hoạt của giáo dân và bảo vệ những quyền đó của họ bằng Hiến pháp và pháp luật.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định, thái độ kiên quyết của mình trước mọi âm mưu hành động lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, chia rẽ đoàn kết lương giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm thực hiện đoàn kết tập hợp mọi cá nhân và lực lượng trong toàn dân tộc phấn đấu vì mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt khác, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, song phải phân biệt rõ hai mặt: chính trị và tín ngưỡng tôn giáo. Nếu “tín ngưỡng” không trái với pháp luật thì được tôn trọng và bảo vệ. Ngược lại, nếu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động chính trị mưu đồ chính trị, cố ý làm trái pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân đều bị pháp luật nghiêm khắc trừng trị.

Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ng­ưỡng, tôn giáo, là phải đi sâu, đi sát giải quyết đúng đắn và hợp lý nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng theo đúng pháp luật quy định, là cơ sở để đấu tranh có hiệu quả việc lợi dụng tôn giáo. Đấu tranh chống lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo là phải kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao cảnh giác cách mạng với việc tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, đảm bảo quyền tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào được thực hiện thuận lợi.

Đặc biệt, coi trọng việc đấu tranh vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động thường lợi dụng để xuyên tạc, kích động, giúp cho quần chúng nhân dân phân biệt rõ phải, trái và luôn phải đề phòng, cảnh giác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào chế độ, tự giác tham gia tích cực đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tôn giáo, góp phần làm thất bại, vô hiệu hoá mọi sự phá hoại của các thế lực thù địch.

Thực tiễn cách mạng cho thấy, kẻ thù chưa khi nào từ bỏ ý đồ lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta. Trong bối cảnh hiện nay, lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế, các thế lực phản động quốc tế móc nối với các phần tử lưu manh, sùng đạo, phản động trong nước lập ra một số tổ chức tà đạo mới, trái pháp luật, một số phần tử cực đoan, phản động trong nước luôn tìm mọi cách để móc nối với một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, lợi dụng việc mở cửa, giao lưu văn hoá, tham quan du lịch, thông qua các hoạt động viện trợ nhân đạo, xây dựng nhà thờ, miếu mạo…để dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động giáo dân chống đối lại chính quyền các cấp. Đồng thời, các thế lực phản động cũng ngang nhiên phát hành các ấn phẩm mê tín, dị đoan; tổ chức truyền đạo trái phép và tổ chức phong tước, bổ nhiệm chức sắc trong tôn giáo trái quy định của Nhà nước.

Vì vậy, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững định hướng chính trị, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và đập tan mọi âm mưu gây lối, chia rẽ, lợi dụng tôn giáo thực hiện mục đích chính trị của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển hùng cường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

   #SQCT

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011.

          2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2016.

          3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2021.

          4. Nguyễn Xuân Trung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo - Giá trị lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận Chính trị, H2015.

          5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, 7, 8, 9, 10, 13, 14 Nxb Chính trị quốc gia, H2011.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, tr.224, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, tr.381, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011.

2 nhận xét:

  1. Thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thể hiện sự tôn trọng quyền cơ bản của con người, tôn trọng đức tin của mỗi người.-K10

    Trả lờiXóa