Social Icons

Pages

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

BỆNH CÔNG THẦN - BIỂU HIỆN CỦA SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ TRONG ĐẢNG HIỆN NAY

Bệnh “công thần” là một trong những thói hư, tật xấu, và là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị ở một số cán bộ, đảng viên, nó không chỉ làm méo mó hình tượng người cán bộ mà còn gây ra những tác động xấu đến toàn xã hội khiến quần chúng nhân dân nghi ngờ, hiểu sai lệch về tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Nhận diện biểu hiện của căn bệnh “công thần” và đề xuất các giải pháp đấu tranh có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.

          1. Nhận diện biểu hiện bệnh “công thần” và những tác hại của chúng

          Công thần được hiểu là những người có công lao, đóng góp to lớn cho một cơ quan, tổ chức chính trị hay rộng hơn là cho cả một triều đại, thời đại nhất định nào đó. Bệnh công thần là để chỉ những người có tư tưởng dựa vào công lao, đóng góp của mình mà sinh ra kiêu ngạo, đòi hỏi đãi ngộ quá đáng và khi không được đáp ứng họ có những phản ứng tiêu cực, gây ra những tác động xấu cho xã hội. Nói về bệnh công thần trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bệnh công thần thì tỏ ra như thế này: Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng; cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ”(1).

Thực trạng bệnh công thần trong Đảng thời gian qua đã được các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, phê phán nhiều bởi một số cán bộ, đảng viên được Đảng, Nhà nước, Quân đội bao bọc, nuôi ăn học và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp và có vị thế cao trong xã hội nhưng sau đó đã có biểu hiện “trở cờ”, suy thoái về tư tưởng chính trị, có suy nghĩ, lời nói và hành động không nhất quán, tự cao, tự đại, tự cho nhận thức, hiểu biết của mình là chân lý, không phản ánh bản chất, sự toàn diện của sự việc. Quá đáng hơn, có cá nhân còn tự cho mình quyền phán xét lịch sử, công bố cái gọi là “sự thực” dẫn tới tiết lộ thông tin bí mật nhà nước, gây ảnh hưởng tới lợi ích của Đảng, tạo ra sự nghi ngờ, thiếu niềm tin ở quần chúng nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, uy tín, danh dự của các nhân. Biểu hiện của bệnh công thần thường gặp đó là: nói, làm, viết trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; coi thường kỷ cương, kỷ luật Đảng, bất chấp pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, quy định của địa phương; vi phạm kỷ luật phát ngôn, vi phạm 19 quy định những điều đảng viên không được làm và 27 biểu hiện suy thoái chính trị tư tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng năm 2016 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có việc nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu... Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nghị quyết cũng nhấn mạnh, Trung ương Đảng và hệ thống chính quyền Nhà nước không cho phép để các phần từ chống đối “kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước...”(2).

Như vậy, công thần được ví như là một căn bệnh, người bệnh khi bị nhiễm loại “siêu vi rút” này thì tác hại mà nó gây ra là đặc biệt nguy hiểm bởi những người mắc bệnh này thường là những cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Họ là những người có công, đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước, Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, có uy tín với nhân dân, với đồng chí, đồng đội, có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội. Những lời nói, ý kiến, bài viết của họ thường được dư luận xã hội quan tâm, nhiều người coi trọng, tin tưởng đón nhận. Chính vì vậy, khi cá nhân đã bị nhiễm bệnh công thần, kiêu ngạo rồi thì phát ngôn không đúng, hành xử thiếu tính chuẩn mực và điều đó không phải lúc nào quần chúng ai cũng có thể nhận biết, cũng hiểu bản chất vấn đề nên thường dễ tin, phát ngôn theo, gây tác hại xấu lan truyền trong dư luận, làm phân tâm, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Ở một góc độ khác, căn bệnh này hình thành và phát triển trong chính nội bộ Đảng, từ trong đồng chí, đồng đội nên rất nguy hiểm và khó đấu tranh loại trừ.

Tính nguy hại của bệnh công thần còn được thể hiện ở tính lập lờ giữa cái đúng và sai, người bị nhiễm bệnh thường huyễn hoặc, nguỵ biện cho hành vi sai trái của mình. Biểu hiện rõ nhất là trong thời gian qua, một bộ phận nhân sĩ, trí thức đã lợi dụng vấn đề đấu tranh phản biện xã hội, thư ngỏ lấy ý kiến tập thể gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay lợi dụng vấn đề tự phê bình và phê bình của Đảng trong đấu tranh với những cái sai, cái xấu; viện cơ công bố sự thực, tôn trọng sự thực nhưng thực chất đằng sau các ý kiến trên là những âm mưu, thủ đoạn chính trị và không mang tính chất xây dựng. Phê và tự phê không đúng bản chất, đưa ra thông tin không đầy đủ, thiếu tính khách quan, toàn diện, thực chất các ý kiến kiến nghị là chỉ trích vai trò lãnh đạo của Đảng, sự yếu kém của bộ máy chính quyền Nhà nước. Trên thực tế, trong quá trình lãnh đạo, Đảng, Nhà nước ta luôn biết lắng nghe, tôn trọng các ý kiến phản hồi, mong muốn đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần đấu tranh cách mạng, phát huy năng lực tự phê bình và phê bình, tăng cường phản biện xã hội để thúc đẩy đất nước đi lên và ngày một tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, những đấu tranh, phê bình và phản biện xã hội phải mang tính khách quan, trên tinh thần xây dựng, có trách nhiệm cao chứ không phải là sự phán xét hồ đồ, tuỳ tiện, vô trách nhiệm và thiếu căn cứ.

2. Giải pháp đấu tranh ngăn chặn bệnh công thần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để phòng, chống bệnh công thần có hiệu quả và đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị cần nhiều nội dung và phương thức khác nhau như thông qua thể chế (nghị quyết, quy định, điều lệ, nguyên tắc của Đảng; pháp luật của Nhà nước); bằng sự nêu gương của cán bộ, nhất là của cán bộ cấp cao; bằng sự kiểm tra, giám sát của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị... Tuy nhiên, ngoài những phương thức trên cần tập trung vào một số giải pháp chính như sau:

Một là, đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân, kiêu ngạo, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính khiêm tốn của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những cán bộ, đảng viên cấp cao. Cơ sở xã hội của chủ nghĩa công thần chính là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Do chủ nghĩa cá nhân mà đẻ ra các tư tưởng sai lệch khác. Trước hết là tư tưởng công thần. Do công thần sinh ra kiêu ngạo, kèn cựa, địa vị”(3). Còn cơ sở tư tưởng của chủ nghĩa công thần là chủ nghĩa cơ hội - khuynh hướng tư tưởng của những kẻ chỉ quan tâm tới lợi ích cá nhân, lợi dụng phong trào để “vinh thân, phì gia”. Những kẻ có tư tưởng công thần thường kích động, lôi kéo, bè phái, lợi ích nhóm, tập hợp những phần tử bất mãn chế độ, cùng phe cánh để viết đơn, thư, kiến nghị… vừa để đòi quyền lợi, vừa “mặc cả với Đảng”. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”(4). Khi đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, những kẻ có tư tưởng công thần sẽ coi thường quần chúng, đề cao vai trò cá nhân, tự coi mình là những người “khai sơn phá thạch”, “không ai giỏi bằng ta, không ai làm bằng ta” và luôn khoe khoang, tung hô huyễn hoặc bản thân dẫn đến xa rời lợi ích của Đảng và quần chúng nhân dân. Do đó, để ngăn chặn bệnh công thần, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải đấu tranh chống lại những biệu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, mở rộng đấu tranh tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên trên. Cán bộ, đảng viên cấp trên phải là những người gương mẫu, trách nhiệm, ham học hỏi, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân nhất là rèn luyện đức tính khiêm tốn, hy sinh lợi ích vì quần chúng nhân dân đúng với tư tưởng: “Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân… không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư”, và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”(5).

Hai là, xây dựng và phát triển nền văn hoá, con người Việt Nam tiên tiến. Đất nước Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đã đạt được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu kinh tế và hội nhập quốc tế trong thời gian qua là không thể phủ nhận, Việt Nam đang đứng trước thời cơ và vận hội mới. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, tư tưởng và đạo đức con người nghiêm khắc mà nhìn vẫn bộ lộ nhiều mặt đáng lo ngại đến mức báo động. Môi trường văn hóa xấu độc không ngừng len lỏi làm cho một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên bị suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống điều này gây ra trở ngại trong quá trình đấu tranh chống lại thói kiêu ngạo, bệnh công công thần. Do đó, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng môi trường văn hoá, con người Việt Nam tiên tiến trên tư duy: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa(6)Môi trường tốt sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, trong đó có căn bệnh kiêu ngạo, công thần.

Đại hội XII (2016) của Đảng đã nêu một số nội dung xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới, thực hiện tốt sẽ khắc phục được biểu hiện công thần như: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Đối với đội ngũ đảng viên tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc”(7); “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niêm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(8).

Như vậy, nếu biết quan tâm làm sạch môi trường văn hoá xấu độc, chăm lo công tác xây dựng cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác tốt, có mục tiêu, lý tưởng cách mạng trong sáng và ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ pháp luật tốt sẽ là cơ sở quan trọng để đấu tranh chống lại bệnh công thần, kiêu ngạo.

Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa…”(9). Vì vậy, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng cũng cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục trong đó lấy xây dựng là cơ sở để phòng chống. Muốn công tác xây dựng Đảng đạt kết quả, thì phải đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện, kiện toàn các quy định về công tác cán bộ, tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng… Đấu tranh ngăn chặn bện công thần cần tập quán triệt việc chấp hành những quy định về kỷ luật phát ngôn, quy định những điều đảng viên không được làm và 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong Đảng. Đặc biệt kiểm soát chặt chẽ lợi dụng hoạt động xuất bản, báo chí, hoạt động phản biện xã hội trên không gian mạng và các hình thức hoạt động như thư ngỏ… hòng che đậy những hoạt động sai trái, vi phạm quy định trong Đảng.

Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay phải tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị, chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10-2016) của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tiếp tục quán triệt và thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về đấu tranh phòng chống tham nhũng trong Đảng. Vì có như vậy mới đấu tranh có hiệu quả để chống các biểu hiện tiêu cực ở trong Đảng, trong đó có bệnh kiêu ngạo, công thần.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh với những hành vi sai trái, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định, điều lệ Đảng đảm bảo không lương nhẹ, không có vùng cấm đối với cá nhân vi phạm.

Công tác xử lý cán bộ vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thời gian quan là rất kiên quyết. Đã có hàng ngàn đối tượng vi phạm phải xử lý kỷ luật, không kể là các tướng lĩnh, các thứ trưởng, bộ trưởng, các Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng hay cao hơn là Uỷ viên Bộ Chính trị. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đều đảm bảo tính công bằng trước pháp luật, căn cứ vào hành vi, mức độ vi phạm mà xử lý đúng quy định. Kết quả của công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không chỉ góp phần làm trong sạch đội ngũ, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân, được dư luận xã hội ủng hộ mà còn góp phần răn đe, ngăn chặn các hành vi vi quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó có bệnh công thần.

Bệnh công thần trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là vô cùng độc hại, nó hình không chỉ hình thành và phát triển ở trong nội bộ của Đảng, từ các đồng chí, đồng đội mà còn ở trong những người đã và đang giữ chức vụ cao trong chính quyền, có trình độ kiến thức, có nhiều kênh thông tin, nhiều mối quan hệ và sức ảnh hướng lớn trong xã hội. Do đó, ngăn chặn, đẩy lùi bệnh công thần là điều hết sức quan trọng và cần thiết của Đảng ta hiện nay, nó không chỉ làm trong sạch Đảng mà còn ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, tạo ra sức đề kháng chống lại quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay./.

Vũ Đức Tho

#SQCT

Tài liệu tham khảo

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 7, tr.33.

(2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 04 – NQ/TW, ngày 30 tháng 10 năm 2016, Hà Nội.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 10, tr.588.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5, tr.326.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 13, tr.67.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 12, tr.604.

(7)(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr.41, tr.115-116.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.672.

1 nhận xét:

  1. Căn bệnh suy thoái là căn bệnh phải được phát hiện và điều trị từ sớm; nếu phát hiện muộn sẽ không điều trị được

    Trả lờiXóa