Social Icons

Pages

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, GÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG


Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” (sau đây gọi tắt là Cuốn sách) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gióng lên một hồi chuông thức tỉnh, cảnh báo, răn đe nghiêm khắc mọi cán bộ, đảng viên phải gìn giữ phẩm chất, tư cách người cách mạng. Tác phẩm được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động; thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm làm trong sạch bộ máy Đảng, luôn được Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa của Đảng và chế độ ta”[1]. Theo đó, việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Quan điểm đó xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra; từ vị thế, uy tín của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng; từ đòi hỏi Đảng phải không ngừng trong sạch, vững mạnh, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang, đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm cho nội bộ mất đoàn kết, không phải “giữa các phe cánh”, mà việc làm cần thiết để thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội... Với lẽ đó, Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như “ngọn đuốc soi đường” cho toàn Đảng, toàn dân kiên quyết, kiên trì quét sạch tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ công lý, sự nghiệp cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

1. Từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Tổng Bí thư trong Cuốn sách

Tìm về lịch sử ở nước Nga - Xô Viết vào năm 1921, tình hình kinh tế - xã hội lúc này vô cùng rối ren, khủng hoảng đã làm cho quần chúng chán nản, bất bình. Nhận thức rõ điều đó, V.I.Lênin chỉ ra: Thanh đảng là liều thuốc để Đảng (Bônsêvích) hồi sinh trong tình trạng nguy cấp. Người thẳng thắn: “những người cộng sản có chức quyền đã tha hoá, bệnh kiêu căng cộng với sự thiếu kiến thức, bệnh tham nhũng và ăn hối lộ đã làm cho họ biến thành những ông quan liêu “nửa quê mùa, nửa quý tộc”, thích nói về chính trị mà không tổ chức những công việc thực tiễn”[2]. Nói cách khác, những người cộng sản đã từng anh dũng, gan dạ, kiên cường trong chiến tranh nay xuống cấp về đạo đức, yếu kém về năng lực, trình độ; nguy hiểm hơn, những kẻ cơ hội luồn lách vào trong Đảng; bộ máy quan liêu, kiêu ngạo, xa dân, tham nhũng và ăn hối lộ... đang dẫn Đảng đến nguy cơ tan rã. Theo V.I.Lênin, Đảng Cộng sản (b) Nga đang có 3 kẻ thù “nội xâm” phá hoại là: tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, nạn thất học và nạn hối lộ.

Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng cộng sản; lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để Đảng ta thực sự xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả và vĩ đại là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Bệnh tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh diễn đạt trong một thuật ngữ chung nhất là “tham ô”. Người chỉ rõ bản chất của tham ô là hành vi lấy của công làm của tư; là gian lận, tham lam, hay “tham ô là trộm cướp”. Trong “Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Người đã chỉ ra “những lầm lỗi rất nặng nề” của cán bộ cần phải ra sức sửa chữa đó là: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Trong đó, Người đặc biệt cảnh báo và lên án hành vi “lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức...”[3].

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, Cuốn sách ra đời với mục đích hệ thống hóa quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, khái quát thành một số vấn đề có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Toàn bộ giá trị lý luận và thực tiễn của Cuốn sách chính là vũ khí sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Đồng thời, góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; lan tỏa quyết tâm to lớn của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với nhiệm vụ trọng yếu này.

Với phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”[4] trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, bằng ngôn từ dung dị mà khái quát, dân dã mà sâu sắc, thâm thúy, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta kiên quyết nêu lên yêu cầu từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến cơ sở, từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên… phải muôn người một ý chí, quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cả hệ thống chính trị cũng như từng người dân trong các mối quan hệ đa chiều phải thông suốt trong nhận thức, mạnh mẽ trong hành động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tính kiên quyết của phương châm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc và trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt không chỉ có giá trị định hướng, chỉ đạo mà còn như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tính kiên trì của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện ở chỗ: cuộc đấu tranh chống “nội xâm” này không phải lúc nào cũng suôn sẻ; trái lại, thường xuyên gặp nhiều khó khăn, phức tạp và có nhiều điểm khác về chất so với đấu tranh chống ngoại xâm. Bởi lẽ, đối tượng đấu tranh không là lực lượng đối lập hiện hình, mà là những “ung nhọt” tồn tại trong chính đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Đó là những mặt yếu, những cái xấu xa, bỉ ổi; những hành vi sai trái, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên; là những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, còn nhiều kẽ hở; là những giọng điệu xuyên tạc, hành động gây cản trở, công kích cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Tuy không “khói súng”, song đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn mang tính đối kháng “một mất - một còn”; giữa một bên là kỷ luật nghiêm minh của Đảng, pháp luật của Nhà nước với một bên là những phần tử tha hóa, biến chất sẵn sàng chà đạp tất cả. Theo đó, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có tính kiên trì: “Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo khắc phục tình trạng sợ sai, không dám làm, làm việc cầm chừng, phòng thủ trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”[5].

Thật vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ khẳng định sức mạnh kỷ luật của Đảng, mà còn không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ đối với bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào nếu lòng dạ không trong sáng; nói và làm trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là biện pháp cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không tham lam, không hám danh lợi, bổng lộc. Từ đó, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của toàn xã hội; động viên, khích lệ, cổ vũ nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định một cách dứt khoát: “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh”[6].

Rõ ràng, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian qua; không những tạo dấu ấn nổi bật, mà còn củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, với mục đích cao cả: “vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm, làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”[7].

2. Những luận điệu xuyên tạc trắng trợn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta

 Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Internet, mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức phản động đã “mượn gió bẻ măng”, “đục nước béo cò”. Chúng lợi dụng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc trắng trợn, bóp méo sự thật. Các thế lực phản động cho rằng “cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích”; vu cáo Đảng, Nhà nước ta đang “ở thế lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý “chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị”. Hay chúng lợi dụng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất được phát hiện trong thời gian gần đây, liên quan đến vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, vụ kit test Việt Á, những chuyến bay giải cứu ở Bộ Ngoại giao... các thế lực phản động đã lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp rằng “toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước Việt Nam đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất”. Chúng trắng trợn rêu rao “đó là bản chất, căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền”.

Nhiều tổ chức phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông nước ngoài và các chương trình có phát sóng bằng tiếng Việt như RFA, VOA, RFI, BBC... tán phát nhiều bài viết, hình ảnh xuyên tạc, công kích, đả phá kịch liệt chủ trương của Đảng khi thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng “phủ nhận sạch trơn” những kết quả về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; bịa đặt rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã “phát động chống tham nhũng, suy thoái nhưng đều thất bại, không thành công”, tệ nạn ngày càng tăng. Từ đó, số này đưa ra quan điểm, “để chống tham nhũng, tiêu cực thì Việt Nam cần thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, kiểm soát quyền lực. Chúng kêu gọi “Việt Nam phải thay đổi thể chế mới có thể chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất”.

Cá biệt, ngày 24/6/2022 trên trang RFA (Đài Á châu tự do) đã đăng bài viết với cái gọi là “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết đổi trắng thay đen, trắng trợn đưa ra luận điệu: “Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”. Tiếp nữa, Đài VOA (Tiếng nói Hoa Kỳ) rêu rao: “Vì sao “lò” chống tham nhũng đang cháy mà hàng loạt cán bộ cao cấp vẫn không sợ?”; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam thực chất là việc “các phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam tranh chức, tranh quyền, triệt hạ nhau dưới vở kịch chống tham nhũng”. Chúng hồ đồ quy chụp rằng, “trên thế giới này, không có quốc gia nào mà người dân lại phải còng lưng đóng thuế để nuôi nhiều cơ quan chống tham nhũng đến vậy”... Hoặc “Ở Việt Nam hơn 10 năm qua, càng chống tham nhũng thì càng tham nhũng, vụ tham ô sau lớn hơn vụ tham ô trước”...  Trắng trợn hơn, có đối tượng còn đưa ra luận điệu xuyên tạc, suy diễn vô căn cứ rằng, “chính quyền Việt Nam đẻ ra tham nhũng rồi còn thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chỉ khổ người dân”; không cần thiết và tốn tiền, tốn của nuôi bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, chúng hô hào, kêu gọi: Muốn chống tham nhũng thì phải “đa nguyên, đa đảng”, phải thay đổi chế độ, phải thực hiện cái gọi là “xã hội dân sự” cho người dân...

Nguy hiểm hơn, các thế lực thù địch ra sức phủ nhận nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và quyết tâm của người đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Từ khi ra mắt Cuốn sách, các trang chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam không từ thủ đoạn gian manh, xảo quyệt nào. Nực cười và khôi hài nhất là trên trang Chân Trời Mới Media xuất hiện bài viết “Chống tham nhũng bằng “sách” là sự thất bại của luật pháp?”. Chúng tìm đủ mọi lý lẽ để xuyên tạc Cuốn sách, rằng “Ông Trọng ra sách là “mị dân”, là “quảng bá bản thân”. Thâm độc hơn, chúng phủ nhận giá trị của Cuốn sách với lời lẽ thô thiển, ngu ngốc, chống tham nhũng phải “chống bằng biện pháp mạnh tay, chứ chống bằng “sách” là sự thất bại của luật pháp Việt Nam”. Bài viết trên tung ra một luận điệu núp bóng nặc danh của một “cựu biên tập viên từng làm việc ở nhà xuất bản Công an nhân dân” rằng, “khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã yêu cầu sửa đổi luật pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì chuyện giờ đây Đảng lại yêu cầu toàn Đảng, toàn dân phải đọc sách viết về quan điểm phòng, chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để biết cách phòng, chống tham nhũng”... 

3. Bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta và giá trị Cuốn sách của Tổng Bí thư

Nên nhớ rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất là hiện tượng mang tính xã hội, nó tồn tại ở nhiều quốc gia, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị nào, chế độ đa đảng hay một đảng lãnh đạo. Nguyên nhân là do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra: “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực”[8]. Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng. Ở Việt Nam, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 xác định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Tất nhiên, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Tổ chức Minh bạch quốc tế (AI) cho rằng, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó, đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng lãnh đạo, tam quyền phân lập, do giai cấp tư sản lãnh đạo. Thực tế là, ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Brazil, Colombia, Malaysia... tình trạng tham nhũng đã xuất hiện ở chính các nguyên thủ quốc gia. Các quốc gia thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng” đều theo thể chế đa đảng, không do đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo.

Do đó, việc RFA, VOA, Chân Trời Mới Media cũng như các thế lực thù địch trắng trợn xuyên tạc, rêu rao về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta và giá trị Cuốn sách của Tổng Bí thư là hoàn toàn sai với thực tế. Đó là sự quy chụp, suy diễn, bậy bạ, vô căn cứ. Âm mưu của chúng nhằm gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, gây lầm tưởng tham nhũng phức tạp là do chế độ một đảng lãnh đạo, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đồng thời, thông qua đó, các đối tượng nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, Nhà nước; gây tâm lý hoài nghi, dao động, thiếu niềm tin.

Thực tế cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã luôn nhận thức rõ tính nguy hiểm của tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất trong đội ngũ cán bộ. Đảng, Nhà nước ta luôn kiên quyết, kiên trì, loại bỏ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng ra khỏi đời sống xã hội. Minh chứng rõ nhất là các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc xử lý nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” đã được thể hiện rõ kết quả trong báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Những con số biết nói “đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 29 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng”[9]. Do vậy, những luận điệu cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của cán bộ trong Đảng, Nhà nước ta là phổ biến, là “căn bệnh kinh niên, nan y không thể chữa trị của chế độ độc đảng cầm quyền” hay đó là cuộc “đấu tranh, thanh trừng nội bộ giữa các phe phái”… là hoàn toàn sai trái, phản động.  Đó là những luận điểm cố tình bôi đen, xuyên tạc nhằm làm sai lệch bản chất, ý nghĩa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta; cố tình lấy cớ để chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ ta.

Không phải ngẫu nhiên, quyết tâm của Tổng Bí thư - người đứng đầu Đảng ta về sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh đầy cam go, thử thách để chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là yêu cầu “phải xây dựng các quy chế quản lý nội bộ của Đảng; các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”[10] trong Cuốn sách lại nhận được sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các chính khách, học giả, đại biểu Quốc hội, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả trong và ngoài nước. Rõ ràng, “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”[11]; mà hạt nhân của sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tổng Bí thư là tính nhân văn trong kỷ luật Đảng.

Cuốn sách ra đời và được đón nhận nồng nhiệt không chỉ là “một minh chứng thể hiện sự nhất quán, kiên định, phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam, của người đứng đầu Đảng về xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh nói chung, về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng cùng những giải pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng hiệu quả”[12]. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải gương mẫu rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ấy vậy mà, các phần tử bất mãn, phản động còn trắng trợn rêu rao “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức” và cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam “không thể thành công nếu không thay đổi thể chế chính trị, chấp nhận đa nguyên, đa đảng”... Tất cả chỉ là chiêu trò thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng đến đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong Cuốn sách cũng là những trăn trở, tâm huyết, quyết tâm của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Tổng Bí thư chỉ ra, cần gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải chú trọng nêu gương trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Một sự thật hiển nhiên là sự trăn trở, tâm huyết và quyết tâm của Tổng Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Cuốn sách đã tạo nên sự hấp dẫn, đón nhận của bạn đọc trong nước và quốc tế. Sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội của Cuốn sách là thực tiễn đã được kiểm chứng, không phải bàn cãi. Đồng thời, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm “làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”[13]; càng không phải là sự dàn xếp, tranh giành quyền lực hay thanh trừng phe phái trong Đảng. Nhà báo Hàn Quốc Jung Rina từng khẳng định: “Tôi đã xem nhiều bài viết và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng, tôi thấy ông đưa vào nhiều yếu tố đạo đức và đạo lý, ông cho biết chống tham nhũng không chỉ là tiêu trừ một quốc nạn mà còn có ý nghĩa giáo dục xã hội, giáo dục con người. Điều này là rất đúng với một xã hội Á Đông vốn coi trọng đạo đức, coi đạo đức là cái gốc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Chính qua việc đề cao đạo đức, đạo lý, nhấn mạnh đến việc giáo dục con người thanh liêm mà nhằm được vào cái gốc của vấn đề, phòng ngừa được hành vi tiêu cực”[14]. Hay Trang tin Times of India, ngày 09/7/2022 của Ấn Độ đánh giá “Chống tham nhũng là vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy rõ công cuộc chống tham nhũng cần là một tiến trình không ngừng nghỉ và là một yếu tố quan trọng để ứng phó với những thách thức trong giai đoạn tới. Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo khi tham nhũng là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu”[15].

Như một tất yếu khách quan, giá trị của Cuốn sách là không thể phủ nhận. Những tư tưởng cốt lõi, những bài học kinh nghiệm thể hiện trong Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, mà còn cho thấy những trăn trở, tâm huyết của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, bằng lương tri và danh dự, sự công tâm và khách quan, chúng ta kiên quyết khẳng định: “thành quả chống tham nhũng những năm qua ở Việt Nam là đáng để tự hào”[16]./.

Đỗ Ngọc Hanh
#sqct

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.93.

[2] Tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, V.I.Lê-nin đã báo cáo “chúng ta có 18 bộ dân uỷ, trong đó có ít nhất là 15 bộ quá kém, không tìm đâu ra các vị bộ trưởng dân uỷ tốt...”, có đến 120 ban thuộc Hội đồng bộ trưởng, trên thực tế chỉ cần 16 ban.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65.

[4] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2023, tr.207.

[5] Sđd, tr.205.

[6] Sđd, tr.100.

[7] Sđd, tr.28.

[8] Sđd, tr.15.

[9] Sđd, tr.117-118.

[10] Sđd, tr.46.

[11] Sđd, tr.13.

[12] Văn Thị Thanh Mai, Không thể xuyên tạc cuốn sách của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, tiêu cực, https://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/khong-the-xuyen-tac-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-ve-chong-tham-nhung-tieu-cuc-143740

[13] Sđd, tr.14.

[14] Sđd, tr. 607 - 608.

[15] https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/ChanakyaCode/ vietnams-anti-corruption-campaign-progress-and-challenges/ ?source=app&frmapp=yes.

[16] TS. Vijay Sakhuja, Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ) Dẫn theo Phim tài liệu “Chống giặc nội xâm và góc nhìn quốc tế”.

1 nhận xét:

  1. Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ; do đó phải chống tham những triệt để.

    Trả lờiXóa