Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

 PHÊ PHÁN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Một trong những giải pháp trong phIòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đó là thực hiện tự phê bình và phê bình, là một trong những việc làm cần thiết để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ chế độ. Tuy nhiên các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức rêu rao rằng tự phê bình và phê bình trong Đảng thực chất chỉ nhằm “thổi phồng ưu điểm”, “che giấu khuyết điểm”, cốt yếu để “tâng bốc”, “bợ đỡ” và “lấy lòng nhau” mà thôi, mục đích của tự phê bình và phê bình là “thanh trừng, đấu đá phe phái trong Đảng”. Bằng lý luận và thực tiễn bài viết góp phần phê phán các quan điểm trên.

Công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây đã được đẩy mạnh, thu được những kết quả đáng ghi nhận, được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Lợi dụng vào một số hạn chế, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã đưa ra những luận điệu sai trái. Nhận diện, phản bác những quan điểm sai trái để luôn vững tin vào quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

1. Nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị qua một số luận điệu

Các thế lực thù địch đã viện cớ vào những hạn chế, khuyết điểm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng trong công tác kiểm tra, giám sát, tự phê bình và phê bình để chúng đưa ra một số luận điệu:

Thứ nhất, chúng cho rằng tự phê bình và phê bình trong Đảng Cộng sản Việt Nam là “thổi phồng ưu điểm”, “che giấu khuyết điểm”, cốt chỉ để “tâng bốc”, “lấy lòng nhau”

Thứ hai,  tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi thường được tiến hành theo kế hoạch, theo định hướng, chỉ đạo bị động từ cấp trên, mang tính đối phó “dĩ hòa vi quý”; rằng, về cơ bản khi sinh hoạt, kiểm điểm, biểu quyết, xin ý kiến đều có tình trạng “nhất trí cao”, “đồng thuận xuôi chiều”.

Thứ ba, tự phê bình và phê bình trong Đảng trên thực tế là những cuộc “hạ bệ”, “thanh trừng”, “đấu đá phe phái” giữa các cá nhân bất đồng chính kiến, giữa các nhóm lợi ích trong nội bộ Đảng

Qua các luận điệu trên có thể thấy: âm mưu của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị là cố tình khoét sâu, thổi phồng, xuyên tạc các vụ việc đã được Đảng, Nhà nước ta xử lý; đồng thời, chúng còn tinh vi đánh tráo khái niệm, lấy hiện tượng để đánh đồng bản chất, triệt để lợi dụng một vài vụ việc để đổ lỗi cho Đảng, cho cả tổ chức; trong khi đó lại cố tình rêu rao, khuếch trương những “thành tựu” của các đảng “dân chủ” thực hiện “đa nguyên, đa đảng”... Thực chất đây là những luận điệu có ý đồ chính trị xấu, hoặc chí ít cũng là không đúng tầm, không đầy đủ, không chính xác, xem xét, đánh giá, nhận định phiến diện, cố tình xuyên tạc, phủ nhận mục đích, bản chất nguyên tắc và hoạt động tự phê bình và phê bình của Đảng ta, hòng làm giảm sức chiến đấu, mất đoàn kết nội bộ Đảng, gây hoang mang, mất niềm tin trong quần chúng nhân dân vào Đảng, chính quyền, từng bước kích động một bộ phận quần chúng nhẹ dạ biểu tình, chống phá chế độ.

2. Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngay từ khi ra đời đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, tư tưởng về tự phê bình và phê bình đã được hình thành trong học thuyết của V.I.Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Lênin cho rằng, sự nghiệp cách mạng mà giai cấp vô sản tiến hành là vô cùng khó khăn, phức tạp. Tiến hành cuộc cách mạng để giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền đã khó, nhưng tổ chức đời sống mới, xây dựng chế độ xã hội mới - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa - còn khó khãn gấp nhiều lần. Chính vì thế, sai lầm, khuyết điểm là không thể tránh khỏi: “Bắt tay vào một sự nghiệp mới có ý nghĩa toàn thế giới thì làm sao mà không thất bại, không sai lầm được!”[1]. “Không có một nhà hoạt động chính trị nào mà trong bước đường hoạt động của mình lại không trải qua những thất bại này hay những thất bại khác”[2]. Việc chính đảng cách mạng dám thẳng thắn chỉ ra và thừa nhận sai lầm, khuyết điểm không những không làm quần chúng xa rời đảng, mà trái lại còn là một trong những cách tốt nhất để thể hiện phẩm chất của đảng, qua đó tãng cường sức tập hợp, lôi cuốn quần chúng. “Đảng công nhân phải đưa ra cho toàn thể nhân dân và nhất là cho toàn thể quần chúng vô sản một mẫu mực về sự phê bình có tính tư tưởng, cương quyết và dũng cảm. Như vậy và chỉ như vậy, chúng ta mới lôi cuốn được quần chúng tham gia thật sự vào cuộc đấu tranh cho tự do...”[3].

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Lênin, trong quá trình tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[4]. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Mỗi đảng viên trước hết tự mình phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Hơn nữa, nếu biết tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được. Người nhấn mạnh: “Muốn đoàn kết chặt chẽ trong Đảng, ắt phải thống nhất tư tưởng, mở rộng tự phê bình và phê bình”[5].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, “các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa”[6]. Người chỉ rõ: Tự phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”[7], là sẵn sàng thừa nhận trước mọi người những khuyết điểm, hạn chế của mình để bản thân cũng như mọi người tìm cách sửa chữa, khắc phục. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, củng cố và tăng cường đoàn kết nội bộ. Còn phê bình là “nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”[8] ; là tham gia góp ý kiến và nêu cách thức để sửa chữa khuyết điểm cho đồng chí mình “Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”[9]. Trong quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình, cần phải khách quan, trung thực, công tâm và công khai, “không đặt điều”, “không thêm bớt”. Khi góp ý, phải thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý, làm cho người được góp ý “tâm phục, khẩu phục”. Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, phải có thái độ kiên quyết, “ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Nếu làm hời hợt, quanh co, chiếu lệ, sai - đúng không rõ ràng sẽ tạo môi trường cho khuyết điểm tồn tại và phát triển nặng thêm. Phải có thái độ khen chê đúng mức thì mới giúp người có khuyết điểm sửa chữa; đồng thời, giúp người khác thấy đó mà đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Khuyết điểm sớm được sửa chữa sẽ dễ hơn khi để trở thành căn bệnh trầm kha.

Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình và thực tiễn cho thấy: Tự phê bình và phê bình trong Đảng là hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên chủ động chỉ ra ưu điểm để phát huy và vạch rõ khuyết điểm để khắc phục, nhằm làm cho đảng viên và tổ chức đảng luôn giữ vững vaỉ trò người chỉến sĩ tiên phong, người lãnh đạo. Tự phê bình và phê bình phải làm thường xuyên, liên tục, nghiêm túc ở từng đảng viên. Toàn thể đảng viên cần nêu cao tính tự giác, tính chiến đấu, tính nêu gương, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, phải chú ý làm rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, phải kết hợp chặt chẽ cả hai mặt tự phê bình và phê bình để mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể rút kinh nghiệm cho chính mình, khắc phục những khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu nhau, tìm ra điểm yếu của nhau để chê bôi. Phê bình và tự phê bình là để cho tính dân chủ trong Đảng tốt hơn, kỷ luật cao hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm hơn, làm cho mỗi tổ chức mạnh hơn, lãnh đạo tốt hơn.

Tuy nhiên, để tự phê bình và phê bình có kết quả, đúng mục đích, có ý nghĩa đối với từng đảng viên thì tự phê bình và phê bình phải được thực hiện đúng phương pháp, nghiêm túc, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, mềm dẻo, khéo léo để đảng viên có khuyết điểm nhận ra khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn để tiếp thu các ý kiến phê bình, định hướng đúng đắn cách sửa chữa khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ đúng đắn, mang tính chất xây dựng, có tình đồng chí giúp đỡ lẫn nhau; phải công khai trực tiếp. Mỗi đảng viên cần tự biết tự phê bình mình trước, rèn luyện phê bình mình trước rồi phê bình người khác sau; đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo cần gương mẫu tự phê bình trước, toàn thể đảng viên đều phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Mỗi đảng viên tự đặt ra phương pháp để kết hợp chặt chẽ phê bình và tự phê bình với sửa chữa khuyết điểm. Làm tốt những điều này thì chất lượng tự phê bình và phê bình sẽ nâng lên và đó cũng là thể hiện quy luật phát triển của Đảng.

3. Tự phê bình và phê bình - vũ khí sắc bén trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”[10]. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo đang diễn ra rất quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn liên quan đến cán bộ, đảng viên được phát hiện và đưa ra xét xử, thể hiện rõ quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý tham nhũng, tiêu cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt với quyết tâm chính trị rất cao và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khoá XIII) toàn Đảng tiến hành cuộc tự phê bình và phê bình được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản, từ Trung ương đến cơ sở, từ trong cấp ủy đến mọi cán bộ, đảng viên, đạt được nhiều kết quả tích cực, đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.  Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”[11].

Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp. Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo. Cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì giai đoạn 2012 - 2022, bình quân đạt tỷ lệ 34,7%. Công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở cũng được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; nhiều địa phương, bộ, ngành đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “tham nhũng vặt”. Đi đôi với việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Tuy nhiên, ở một số cấp ủy, tổ chức đảng trong phê bình vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, tâm lý ngại va chạm, nhất là phê bình cấp trên. Cá biệt, còn hiện tượng thiên về phê bình, coi nhẹ tự phê bình hoặc tự phê bình nhưng chỉ tập trung phân tích, luận giải những ưu điểm, kết quả, thành tích, chưa nói thẳng, nói thật, nói hết, còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận. Ở một số nơi còn hiện tượng lợi dụng phê bình để chỉ trích, phê phán với động cơ, cách làm không trong sáng, v.v. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã cho rằng: “Nói là tự phê bình và phê bình chứ vẫn ca ngợi nhau là chính, chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa dám nói thẳng, cũng e dè, nể nang với trăm thứ lý do, nhất là sợ bị trù dập, cho nên cứ bùng nhùng thế thôi, đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”. Trung bình chủ nghĩa không vươn lên là kém tính chiến đấu”[12].

Theo Tổng Bí thư, để khắc phục hiện tượng trên cần phải nêu cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, “Chiến đấu ở đây không phải là “đấm đá”, đây là đấu tranh chống lại những tiêu cực, những cản trở sự phát triển của chúng ta ngay từ trong Đảng và trong xã hội, trong mỗi con người chúng ta”[13]. Trong vấn đề phê bình các đảng viên bình thường, nhất là các đồng chí đã mắc sai lầm đến mức phải kỷ luật thì phê bình họ không khó lắm. Nhưng đối với các đồng chí lãnh đạo ở cương vị “có chức, có quyền”, nhất là các đồng chí đó lại mắc bệnh quan liêu, gia trưởng, phong kiến thì việc đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm cả về phẩm chất lẫn năng lực của các đồng chí đó thật là khó khăn. Ở các cơ quan, đơn vị cán bộ phụ trách mắc các bệnh trên thì thường là cán bộ, đảng viên, quần chúng sợ sệt không dám phê bình người phụ trách, hoặc nể nang, e dè, bỏ qua cho xong chuyện, nhất là của người phụ trách; quyền làm chủ tập thể chỉ là hình thức, tiếng nói của những người dám thẳng thắn đấu tranh thường bị coi là “tiêu cực”; thường xảy ra những hiện tượng cơ hội chủ nghĩa, thói nịnh hót, bợ đỡ, gió chiều nào che chiều ấy, “kéo bè, kéo cánh” gây mất đoàn kết; thường không tránh khỏi hiện tượng trù dập tinh vi hoặc trắng trợn đối với cán bộ dám thẳng thắn đấu tranh.

Trong rất nhiều thang thuốc để phòng, chống và đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, thì tự phê bình và phê bình là thang thuốc hữu hiệu nhất. Đó là “vũ khí” để chữa bệnh chủ nghĩa cá nhân, nên mỗi người, mỗi tổ chức cần phải sử dụng thường xuyên, nghiêm túc như “rửa mặt hằng ngày” để gột rửa sạch những vết tích, tàn dư của chế độ cũ, để trừ bỏ mọi thói hư, tật xấu trong người. Vì tự phê bình và phê bình là “vũ khí” sắc bén, nên cá nhân, tổ chức sử dụng vũ khí đều phải dùng đúng chức năng, công năng, đúng hoàn cảnh, thời điểm... mới bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ”, “cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn”, “cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”, nên khi tiến hành vừa “phải kiên quyết, ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt” vừa "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Còn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng cho rằng: “Sự yêu thương đồng chí của những người cộng sản không có nghĩa là bao che, tha thứ lỗi lầm, khuyết điểm của đồng chí mình; trái lại, người cộng sản thường xuyên giúp đỡ đồng chí mình giữ vững phẩm chất cách mạng và nâng cao không ngừng trình độ hiểu biết và năng lực công tác”[14].

Tự phê bình là quá trình tự soi chính bản thân mình, nên khi soi phải đồng thời “nêu ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình”. Đối với khuyết điểm của bản thân thì phải thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Việc tự đánh giá những ưu điểm và khuyết điểm này sẽ giúp bản thân: Một mặt, thấy được “cái hay”, “cái dở” của mình; mặt khác, làm cơ sở cho những người xung quanh đóng góp ý kiến, nhằm sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phê bình là để giúp người, nên cũng phải đồng thời “vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm” của đồng chí mình, để có lỗi thì sửa, có ưu điểm thì phát huy. Trong khi phê bình, việc vừa tham gia góp ý kiến và chỉ ra cách thức, biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế, sai lầm để ngày càng tiến bộ; vừa cổ vũ, động viên đồng chí mình phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt... sẽ góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động của mỗi tổ chức.

Để vũ khí tự phê bình và phê bình thực sự phát huy tác dụng, thì người phê bình người khác không chỉ phải luôn khách quan, trung thực, công khai, thẳng thắn, chân thành, có tình, có lý mà còn phải cung cấp thông tin, dẫn chứng chính xác, “không đặt điều”, “không thêm bớt” làm cho người được góp ý tâm phục, khẩu phục. Khi phê bình, cần lựa chọn phương pháp thích hợp trong lời nói, giọng nói, cách nói, nhất là phải phát ngôn đúng nơi, đúng chỗ; tránh kiểu ba phải, thành kiến, xu nịnh, dựa dẫm, “thói đạo đức giả” và nhất là tránh dùng lời lẽ mỉa mai, chua cay, “đâm thọc”, gây khó chịu, khó tiếp thu, gây tự ái hoặc hiểu nhầm cho người bị phê bình. Còn người bị phê bình cũng cần phòng và tránh sự bức xúc, mất bình tĩnh, phản ứng gay gắt dẫn đến to tiếng, phát ngôn thiếu văn hóa hoặc có thái độ thách thức, khiêu khích người đang phê bình mình; nhất là cần tránh việc nhận khuyết điểm nhưng không tâm phục, khẩu phục, nên chỉ nhận qua loa, cho xong chuyện mà không quyết tâm sửa chữa, thậm chí vẫn tiếp tục mắc lại những khuyết điểm cũ. Riêng đối với những ý kiến góp ý chưa đúng, cần phải giải trình thì người bị phê bình cũng nên bình tĩnh, mềm dẻo, khiêm tốn và cầu thị... Trong khi thực hiện, cả người tự phê bình lẫn người phê bình đều phải tránh động cơ vụ lợi, thành kiến cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi; lợi dụng phê bình để đả kích, cường điệu khuyết điểm, phủ nhận ưu điểm nhằm hạ uy tín, hạ bệ lẫn nhau, gây mất đoàn kết nội bộ.

Như vậy, có thể khẳng định, thực hiện tự phê bình và phê bình là “vũ khí” sắc bén trong trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mục đích để làm cho Đảng càng mạnh, càng phát triển chứ không phải như một số luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng tự phê bình và phê bình là “thanh trừng, đấu đá phe phái trong Đảng”.

Để phát huy “vũ khí” tự phê bình và phê bình trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần làm tốt một số biện pháp sau:

Một là, duy trì và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị, với sinh hoạt Đảng. Việc chuẩn bị tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức vừa phải có sự chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy cấp trên, với phương châm “trị bệnh cứu người”, “thuốc đắng dã tật”, vừa phải được tiến hành chu đáo, nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; phải gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, với các chỉ thị và kết luận của Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... để làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là một quy luật phát triển của Đảng, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng. 

Hai là, tự phê bình và phê bình là quá trình tự soi, tự sửa, tự cứu mình và giúp người, vì sự tiến bộ của mỗi cá nhân và sự phát triển vững mạnh của tổ chức, nên các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa, chứ không chờ “có việc” mới tiến hành, có khuyết điểm mới phạt... Phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và phát huy dân chủ; đề cao tính tự giác, trách nhiệm, thái độ, phương pháp tự phê bình và phê bình đúng đắn, phù hợp để “vũ khí” này trở thành động lực cho mọi sự phát triển, tạo được sự biến đổi về chất trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức Đảng, nhân nguồn sức mạnh nội sinh trong từng cá nhân, trong từng tổ chức lên như cây nảy lộc, đơm hoa, kết trái.

Ba là, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng vừa cẩn trọng vừa kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm. Đồng thời, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu trong tự phê bình và phê bình theo nguyên tắc tiến hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp uỷ, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Cấp trên gương mẫu tự kiểm điểm trước để cấp dưới noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp uỷ viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Trong kiểm điểm, cấp dưới phải mạnh dạn phê bình cấp trên. Tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng, để nguyên tắc tự phê bình và phê bình không chỉ bảo đảm chất lượng, hiệu quả mà còn góp phần làm tăng uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu mỗi tổ chức.

Qua những minh chứng trên, có thể thấy những hạn chế, khuyết điểm trong tự phê bình và phê bình của Đảng đó chỉ là hiện tượng, những hiện tượng này chỉ là thiểu số, không phản ánh về bản chất, mục đích, ý nghĩa chính trị và nhân văn của tự phê bình và phê bình, càng không thể là cái cớ, là lý do để các thế lực phủ nhận những kết quả của hoạt động tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức đảng các cấp trong thời gian qua./.

Vũ Thành Huyến

#SQCT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, Hà Nội.

2. Bộ Chính trị (2022), Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II.

5. Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5.

6. Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 9.

7. V.I. Lênin (2005), Lê-nin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14.

8. V.I. Lênin (2005), Lê-nin toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 44.

9. Nguyễn Phú Trọng (2020), Bài phát biểu về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020, Hà Nội.

10. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.



[1] V.I. Lênin, V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 44, tr.188.

[2] V.I. Lênin, V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 44, tr.187.

[3] V.I. Lênin, V.I. Lênin Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 14, tr.301.

[4] Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.301

[5] Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.368.

 

[6] Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.273.

[7] Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.307.

[8] Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.307.

[9] Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.272.

[10] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.523.

[11] Nguyễn Phú Trọng, Bài phát biểu về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, Hà Nội, 2020.

[12] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.293.

[13] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.293.

[14] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.488.

1 nhận xét:

  1. Trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta; chúng ta cần bình tĩnh xem xét và xử lý thông tin chuẩn xác, tránh mắc mưu của chúng.

    Trả lờiXóa