Social Icons

Pages

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM: “THANH ĐẢNG LÀ THANH TRỪNG, ĐẤU ĐÁ NỘI BỘ”

“Thanh đảng” và “Thanh trừng, đấu đá nội bộ” là hai vấn đề khác nhau, nhưng các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại đánh tráo khái niệm, tìm sợi dây vô hình để liên kết điều đó lại với nhau, nhằm xuyên tạc quan điểm của V.I.Lênin, phủ nhận nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng và kết quả công tác xây dựng chỉnh đống đảng trong thời gian qua. Bài viết trên cơ sở vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên cơ sở đó đưa ra các luận cứ để phản bác quan điểm sai trái cho rằng “Thanh đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ”.

Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề “Thanh đảng” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, kịp thời rà soát, sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Hiện nay, Đảng ta đang tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, đặc biệt là xử lý nghiêm minh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại cho rằng đó là những cuộc “thanh trừng, đấu đá nội bộ”. Chính vì vậy, nhận thức rõ vấn đề “Thanh đảng” trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời là cơ sở để đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

1. Nhận diện quan điểm sai trái “Thanh đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ”

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, tập trung “Thanh đảng”, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đưa những người không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi đảng, góp phần làm cho đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại lấy cớ cho rằng đó là những cuộc “thanh trừng, đấu đá nội bộ”. Luận điệu trên rất tinh vi, thâm độc, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, làm mất niềm tin trong nội bộ Đảng và nhân dân. Bản chất, mục đích của quan điểm “Thanh đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ” là nhằm xuyên tạc quan điểm “Thanh đảng” của V.I. Lênin; xuyên tạc nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng; phủ nhận kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn của Đảng ở Việt Nam. Thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị rất xảo quyệt, thông qua một số hội, nhóm “xã hội dân sự” và các cá nhân tự xưng là những “nhà dân chủ, nhân quyền”, “vì dân, vì nước”… bằng những bài viết, các video, clip trên các blog, mạng xã hội facebook, youtube… có nội dung đề cập đến việc xử lý một cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật để suy diễn chủ quan, thổi phồng, tô vẽ, thậm chí xuyên tạc trắng trợn, chúng lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc thành chuyện “thanh trừng, đấu đá nội bộ”. Từ một số vụ việc suy thoái, thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp, cường điệu hóa cho rằng, toàn bộ cán bộ, đảng viên của Đảng đều rơi vào tình trạng suy thoái, thoái hóa, biến chất và khẳng định đó là “bản chất”, là căn bệnh nan y, kinh niên của do chế độ độc đảng cầm quyền mà dẫn đến điều đó, do vậy các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc cho rằng thực chất của việc “Thanh đảng” là “thanh trừng, đấu đá nội bộ”. Trước đây, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hay công kích Đảng ta không chú trọng “Thanh đảng”, hoặc thờ ơ, bao che cho các hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhưng bây giờ, khi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được đẩy mạnh, nhiều “củi khô” lẫn “củi tươi” bị đốt thì các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại trơ tráo xuyên tạc đó là “thanh trừng, đấu đá nội bộ”.

2. Phản bác quan điểm “Thanh đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ”

Quan điểm “Thanh đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ” là hoàn toàn sai trái, vì vậy việc nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết hiện nay, đồng thời chúng ta cũng có đầy đủ các luận cứ về mặt lý luận, luận cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn để phản bác quan điểm trên của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị:

Về mặt lý luận

Việc tiến hành “Thanh đảng”, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đưa những người không còn đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo của Đảng ta về quan điểm Thanh đảng” của V.I. Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về “thanh lọc” đội ngũ đảng viên, chứ không phải là như các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc đó là “thanh trừng, đấu đá nội bộ”.

Khi đề cấp đến vấn đề “Thanh đảng” V.I. Lênin đã khẳng định đó là tất yếu khách quan, là quy luật phát triển của các đảng cộng sản: “Rõ ràng là vấn đề thanh đảng đã trở thành một công tác nghiêm chỉnh và vô cùng quan trọng” [1]. Về các nguyên nhân đảng cộng sản phải tiến hành “Thanh đảng”, V.I. Lê nin đã chỉ rõ, khi đảng giành được chính quyền, trở thành đảng cầm quyền thì nhiệm vụ chính trị của đảng đã có sự phát triển, đòi hỏi phải “Thanh đảng” để xây dựng đảng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới: “Ngày nay… mặt trận quân sự đã nhường chỗ cho mặt trận kinh tế, vì chúng ta đã chuyển sang chính sách kinh tế mới... Để thực hiện việc cải thiện đó chúng ta phải gạt bỏ ra khỏi đảng những phần tử xa rời quần chúng (cố nhiên không cần nói đến những phần tử làm ô danh đảng trước quần chúng)” [2]. Mặt khác, do vị trí của đảng cầm quyền đã làm cho một số kẻ cơ hội, vì sự hấp dẫn của đảng, đã tìm mọi cách luồn lách, chui vào đảng, dẫn đến tình trạng bè cánh, phe nhóm trong đảng. Bên cạnh đó, một số người cộng sản khi có chức quyền đã tha hoá, biến chất, mắc bệnh kiêu căng, quan liêu, tham nhũng và ăn hối lộ. Do đó, theo V.I. Lênin: “Những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không, chúng ta không cần. Đảng độc nhất nắm chính quyền trên thế giới quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đảng viên, đến việc thanh trừ “bọn luồn lọt vào đảng” ra khỏi hàng ngũ mình, chứ không phải quan tâm là làm tăng thêm số lượng đảng viên”[3].

Mục đích “Thanh đảng” là nhằm kịp thời đưa những người không đủ tiêu chuẩn khỏi đảng; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng; tăng cường mối liên hệ giữa đảng với quần chúng và để có đội ngũ đảng viên và tổ chức đảng đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mới: “Đảng là một khối tự nguyện, nếu như nó không tẩy sạch khỏi bản thân nó những đảng viên tuyên truyền quan điểm chống đảng, thì nó không thể tránh khỏi tan rã, trước tiên tan rã về tư tưởng, sau tan rã cả về vật chất” [4]. Về đối tượng “Thanh đảng”, V.I. Lênin đã chỉ ra một số đối tượng cần thiết phải đưa ra khỏi đảng: Thứ nhất, đó là cần thanh trừng những phần tử men-sê-vích cũ ra khỏi đảng. Theo V.I. Lênin, “Trong tất cả những người men-sê-vích tham gia đảng từ sau thời gian đầu năm 1918, ta có thể lưu lại trong đảng, chẳng hạn, nhiều lắm là một phần trăm và cũng còn sẽ phải thẩm tra từng người một trong số những người còn lưu lại đó, ba hay bốn lần” [5]. Vì bọn chúng chỉ là những tên cơ hội khôn khéo thích ứng chui vào trào lưu chính trị của giai cấp công nhân, chứ không thật thà đi cùng đường với những người cộng sản, nó thù ghét chủ nghĩa xã hội và luôn luôn sẵn sàng đứng vào hàng ngũ kẻ thù. Thứ hai, phải gạt ra khỏi đảng những kẻ làm ô danh đảng, những kẻ lợi dụng chức quyền để ăn cắp của công, làm giàu bất chính... Bọn họ thực chất là những tên lưu manh chính trị, phi nhân tính, không những không thể để cho nó đội lốt cộng sản mà còn phải trừng trị trước pháp luật một cách nghiêm khắc. Thứ ba, phải đưa ra khỏi đảng những phần tử xa rời quần chúng, những bọn “làm quan”, những kẻ bị quan liêu hoá. Bọn người này si mê quyền lực, hám danh vọng, độc đoán, chuyên quyền, dối đảng, dối trên, lừa mị cấp dưới và nhân dân. Bọn quan liêu hoá là con dao cắt đứt mối liên hệ máu thịt giữa đảng và nhân dân, làm cho dân xa đảng, đảng mất dần quần chúng, vì thế không thể để lại chúng trong hàng ngũ đảng. V.I. Lênin khẳng định: “Cần phải đưa ra khỏi đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hoá, không trung thực, nhu nhược và những người men-sê-vich, tuy “bề ngoài” đã được phủ một lớp sơn mới nhưng trong tâm hồn thì vẫn là men-sê-vich” [6].

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và “thanh lọc” đội ngũ đảng viên. Theo Người: “Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng” [7]. Vì vậy, “... một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chân chính” [8]. Đối với vấn đề “thanh lọc” đảng viên, theo Người là rất quan trọng và cần thiết, bởi thực tiễn có những đảng viên vào Đảng vì động cơ không trong sáng, vì mục đích thăng quan, phát tài: Đối với các hạng đảng viên: Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước. Song Đảng có rất đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng. Thí dụ: có người tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào...” [9]. Mặt khác, theo Người phải tiến hành “thanh lọc” đảng viên bởi một số người sau khi vào Đảng đã thoái hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của Đảng: Có những đảng viên vì cách mạng thắng lợi, vì được quần chúng ủng hộ, vì gây được ít nhiều uy tín trong quần chúng, mà sinh ra say sưa. Rồi họ hoá ra huênh hoang, kiêu ngạo, quan liêu, hủ hoá, mất hết tư cách cách mạng. Đảng cần phải hết sức ngăn ngừa hiện tượng ấy, phải kịch liệt chống lại nó; phải tẩy những phần tử đã hủ hoá ra khỏi Đảng và cơ quan chính quyền, để giữ gìn tính trong sạch của Đảng và của chính quyền. Mỗi đảng viên phải ghi nhớ rằng: Đảng cách mạng của vô sản không thể tha thứ sự hủ hoá” [10]. Do vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, Đảng “…phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn. Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng” [11].

Về mặt chính trị - pháp lý

Việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn chú trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, tích cực rà soát, sàng lọc và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng. Đặc biệt, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, trong đó đã khẳng định: “Đề cao tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tính chiến đấu, tự phê bình, phê bình và nâng cao trách nhiệm đảng viên trong sinh hoạt chi bộ. Các cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên ngay từ các chi bộ, kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng bằng các hình thức thích hợp”. Ngày 12/4/2021, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 02-HD/BTCTW về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, cũng đã khẳng định: “Việc rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng phải thực hiện thường xuyên; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, minh bạch. Lấy phát hiện, kịp thời giáo dục, giúp đỡ đảng viên là chính; đồng thời, kiên quyết đưa đảng viên có vi phạm đã được giáo dục, giúp đỡ nhưng không tiến bộ ra khỏi Đảng; tuyệt đối không được thành kiến hoặc lợi dụng để trù dập đảng viên vì động cơ cá nhân”. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đã chỉ rõ: “Một bộ phận đảng viên ... phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật”.

Mặt khác, đoàn kết thống nhất là một trong những nguyên tắc quan trọng trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Điều lệ Đảng đã khẳng định: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy, việc xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm hoàn toàn dựa trên cơ sở chính trị, pháp lý là các văn bản của Đảng và để tăng cường hơn nữa sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng chứ không có chuyện “thanh trừng”, “đấu đá” trong nội bộ Đảng.

Về mặt thực tiễn

Thực tiễn từ năm 1919 đến 1921 đối với Đảng Bôn-sê-vich đã chú trọng tiến hành “Thanh đảng”, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng. V.I. Lênin đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành nhiều đợt thanh lọc đảng viên. Tiêu biểu là từ tháng 5 đến tháng 9-1919, Đảng đã tiến hành đăng ký, sàng lọc lại đảng viên, đưa những phần tử cơ hội, trục lợi ra khỏi Đảng. Năm 1921, Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga tổ chức Đại hội lần thứ X, quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP). Nhận thấy sự tồn tại của nhiều phe phái trong Đảng, có nguy cơ cản trở quá trình thực hiện đường lối kinh tế mới, V.I. Lê-nin chỉ thị cho toàn Đảng tiến hành một cuộc thanh lọc đảng viên triệt để. Trong đợt thanh lọc này, có 170.000 người (chiếm 25%) bị đưa ra khỏi Đảng. Nhờ đó, Đảng mạnh lên rất nhiều, thành phần xã hội của Đảng được cải thiện, quần chúng thêm tín nhiệm Đảng, tình đoàn kết và tinh thần kỷ luật của Đảng được tăng lên. Bên cạnh đó, thực tiễn tan rã của Đảng Cộng sản ở Liên Xô vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã đặt ra một câu hỏi rằng tại sao hơn 20 triệu đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô lại trở thành một khối bàng quan, thờ ơ trước số phận của đảng mình, trước số phận của đất nước và nhân dân mình như vậy. Thực tiễn đã cho thấy, Đảng Cộng sản ở Liên Xô mặc dù có số lượng đảng viên tăng gấp nhiều lần, nhưng có nhiều đảng viên không còn giữ được vai trò tiên phong và có nhiều phần tử cơ hội chui vào Đảng, nhưng Đảng lại không chú trọng “Thanh đảng”, dẫn đến mất vai trò lãnh đạo.

Thực tiễn “thanh trừng, đấu đá nội bộ” thì phải kể đến chế độ tay sai, bán nước ngụy Sài Gòn, một chế độ được Việt Tân và các tổ chức phản động ngợi ca hết lời và tỏ ý vô cùng tiếc nuối, dù nó đã chết gần 48 năm. Điển hình như năm 1963 một cuộc đảo chính do các tướng lĩnh ngụy Sài Gòn như: Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim cùng các thuộc cấp thực hiện với sự giúp sức của Hoa Kỳ vào ngày 01/11/1963 đã thanh toán, tiêu diệt đối thủ là anh em Diệm, Nhu, Cẩn, xóa cái gọi là “nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam”; chuyển vai trò lãnh đạo sang “Hội đồng quân sự” do Dương Văn Minh đứng đầu. Sau sự kiện anh em Ngô Đình Diệm bị giết, chỉ trong thời gian từ 1964 đến 1965 đã có 5 cuộc đảo chính khác, mà sự kiện mở màn là cuộc chỉnh lý đầu năm 1964. Cuộc “chỉnh lý” năm 1964 của ngụy tặc là một cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 30/01/1964 do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu nhằm loại bỏ vai trò lãnh đạo của Hội đồng quân sự do Dương Văn Minh đứng đầu. Tiếp theo cuộc “Chỉnh lý” ngày 19/12/1964, lại diễn ra một cuộc đảo chính khác do tướng Nguyễn Khánh, tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ và tướng lục quân Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy. Kết quả, Nguyễn Khánh và Hội đồng Quân lực mới được thành lập, gồm các tướng đã tham gia vào cuộc đảo chính, đã khôi phục lại quyền kiểm soát dân sự vào ngày 07/01/1965 với một chính phủ do Trần Văn Hương dẫn dắt. Tuy nhiên, Trần Văn Hương không thể thành lập được một “Chính phủ” hữu hiệu và Hội đồng Quân lực đã tiếp tục đảo chính lật đổ Hương vào ngày 27/1, đồng thời đưa Nguyễn Khánh lên nắm quyền. Chỉ sau hơn 3 tuần nắm quyền, Nguyễn Khánh cũng đã lại bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính khác vào ngày 18/02/1965 do Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu. Tới 12/06/1965, một cuộc đảo chính nữa lại nổ ra, khi Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ lại lật đổ chính phủ do Phan Huy Quát (anh trai của giáo sư sử học Phan Huy Lê) đứng đầu. Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng còn Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng.

Thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng Cộng Sản Việt Nam rất chú trọng vấn đề “thanh đảng”. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện quyết tâm cao độ làm trong sạch Đảng, tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Sai phạm trong đảng viên, cán bộ, tổ chức đảng là “không có vùng cấm”, “không ai đứng trên, đứng ngoài pháp luật” mà phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh, theo Điều lệ Đảng, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội chứ không phải là “thanh trừng, đấu đá nội bộ”. Trong năm 2022, Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 1.894 tổ chức đảng, 6.204 đảng viên; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với hơn 17.400 tổ chức đảng cấp dưới. Ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị kiểm tra về thu, chi ngân sách, sản xuất kinh doanh đối với hơn 2.038 tổ chức đảng. Về thi hành kỷ luật tổ chức và đảng viên, theo báo cáo, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 231 tổ chức đảng, thi hành kỷ luật 8.926 đảng viên. Trong đó, Bộ Chính trị thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng (khiển trách 1, cảnh cáo 9), 5 đảng viên (khiển trách 1, cảnh cáo 4); Ban Bí thư thi hành kỷ luật 8 tổ chức đảng, 28 đảng viên; 6 Ủy viên Trung ương bị thi hành kỷ luật, trong đó Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng 3 người, Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo 3 người.

Thực tiễn suốt tiến trình xây dựng và phát triển, để đảm bảo vai trò lãnh đạo và xứng đáng là đội tiền phong, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng cách mạng; là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chứ không phải trong Đảng có sự mất đoàn kết, “thanh trừng, đấu đá nội bộ” như các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xuyên tạc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Đoàn kết là là một truyền thống quý báu và đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Đảng Cộng sản là một bộ phận trong hệ thống chính trị nhưng là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân, cho nên “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”. Đảng tuyệt đối không thỏa hiệp với những xu hướng bè phái, âm mưu gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ. Cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”, để không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng; là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về xây dựng Đảng; là phát huy vai trò gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ những luận cứ trên, có thể khẳng định “Thanh đảng” là vấn đề rất đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Những luận cứ trên, còn là cơ sở phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị cho rằng: “Thanh đảng là thanh trừng, đấu đá nội bộ”.  “Thanh đảng” là vấn đề tưởng trừng rất đơn giản và dễ thực hiện của các tổ chức đảng, nhưng không phải vậy. Thực tiễn cho thấy, đây là việc làm thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhưng đòi hỏi sự thận trọng, kiên quyết, kiên trì, “không có điểm dừng” và “không có vùng cấm”. Trên cơ sở nghiên cứu, quán triệt quan điểm của V.I. Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề “Thanh đảng”, đối với mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, nhận thức đúng đắn bản chất, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, từ đó nêu cao trách nhiệm trong công tác xây dựng chỉnh đốn đảng, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng.

 Vũ Xuân Trường

#SQCT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Bí thư (2019), Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, số 28-CT/TW ngày 21/01, Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”, số 21-KL/TW ngày 25/10, Hà Nội.

3. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới, số 21-NQ/TW, ngày 16/6, Hà Nội.

4. Ban Tổ chức Trung ương (2021), Hướng dẫn về tiêu chí, quy trình rà soát, phát hiện, giáo dục, giúp đỡ, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, số 02-HD/BTCTW, ngày 12/4, Hà Nội.

5. Bộ Chính trị (2022), Kết luận về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, số 12-KL/TW, ngày 6/4, Hà Nội.

6. Hồ Chí Minh (1947), “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.301, 302

7. Hồ Chí Minh (1949), “Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.296.

8. Hồ Chí Minh (1953), “Thường thức chính trị”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.280, tr.289.

9. V.I. Lênin (1905) “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”, Lênin toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, tr.126

10. V.I. Lênin (1921), “Thư gửi P. A. Dalutxơki, A. A. Xôntxơ và tất cả các ủy viên bộ chính trị về vấn đề thanh đảng và những điều kiện kết nạp vào đảng”, Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, tr.349

11. V.I. Lênin (1921), “Vấn đề thanh Đảng”, Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, tr.150-154



[1] V.I. Lênin (1921), “Vấn đề thanh Đảng”, Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, tr.151

[2] V.I. Lênin (1921), “Vấn đề thanh Đảng”, Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, tr.152

[3] V.I. Lênin (1919), “Nhà nước của công nhân và tuần lễ Đảng”, Lênin toàn tập, tập 39, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, tr.255

[4] V.I. Lênin (1905) “Tổ chức Đảng và văn học Đảng”, Lênin toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2005, tr.126.

[5] V.I. Lênin (1921), “Vấn đề thanh Đảng”, Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, tr.153.

[6] V.I. Lênin (1921), “Vấn đề thanh Đảng”, Lênin toàn tập, tập 44, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2006, tr.154.

[7] Hồ Chí Minh (1947), “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.301.

[8] Hồ Chí Minh (1947), “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 302.

[9] Hồ Chí Minh (1947), “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr. 294.

[10] Hồ Chí Minh (1949), “Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.296.

[11] Hồ Chí Minh (1953), “Thường thức chính trị”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.280, tr.289.

1 nhận xét:

  1. Mọi người dân hãy tỉnh táo, cảnh giác trước những luận điệu sai trái và đấu tranh vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa