XÂY DỰNG VĂN HÓA NÊU GƯƠNG CỦA GIẢNG VIÊN KHOA CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ, TRƯỜNG SĨ QUAN CHÍNH TRỊ HIỆN NAY
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Giảng viên Khoa công tác đảng, công tác chính bao gồm những sĩ quan có trình độ đại học trở lên, trực tiếp làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Do vậy, xây dựng văn hóa nêu gương của giảng viên trong Khoa tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học viên.
Nêu gương có vị trí, vai trò
quan trọng trong đời sống xã hội, một giá trị đạo
đức nhân văn sâu sắc của nhân loại và là đạo lý giáo dục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sinh thời,
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một tấm gương sống còn
có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1]; đối với cán bộ, đảng viên
Bác căn dặn: “Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng
viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục,
dân yêu”[2]. Xây dựng văn hóa nêu gương trong Đảng chính là một trong những
mấu chốt đẫn đến xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nhất là với những người đứng
đầu giữ cương vị lãnh đạo, quản lý đó là những người tiên phong gương mẫu trong
mọi lĩnh vực.
Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn
đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa đảng, xây dựng những giá trị chuẩn mực được
thể hiện trong các hoạt động của tổ chức Đảng và không bị tách rời với văn hóa
dân tộc, góp phần xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức..
Vì vậy, muốn xây dựng văn hóa Đảng, trước hết phải thực hành văn
hóa nêu gương của mỗi cán bộ đảng viên.
Xây dựng văn hóa nêu gương trong Đảng theo tinh thần Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức trách
nhiệm, đạo đức lối sống, vai trò tiên phong gương mẫu trong lời nói và việc
làm. Giảng viên Khoa Công tác đảng, công
tác chính trị là Đảng viên Đảng
Công sản Việt Nam, vừa có những nét chung của giảng viên
trong môi trường quân
đội, vừa có nét riêng là giảng viên Khoa chuyên ngành trực
tiếp trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học viên theo mục tiêu đào tạo trở
thành những chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Do vậy, xây dựng
văn hóa nêu gương của giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị có tác
động ảnh hưởng trực tiếp đến việc tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu của học viên.
Trong những năm qua, Nhiều giảng
viên của Khoa đã nêu cao trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện
các nhiệm vụ; trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và thực hiện các nhiệm vụ
của đơn vị... được Trường Sĩ quan Chính trị đánh giá cao, thực sự là tấm gương
sáng mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống, học tập, công tác để học viên noi
theo. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa nêu gương của một số giảng viên ở Khoa
có thời điểm chưa được quan tâm đúng mức, còn những hạn chế bất cập. Một số cán
bộ, giảng viên Khoa chưa tự giác nêu gương, chưa tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo
đức, lối sống, học tập nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công
tác, sinh hoạt. Cá biệt, có giảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý. Xây dựng văn hóa nêu gương của giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị cần thực hiện tốt một
số nội dung chủ
yếu như sau:
Một
là, xây dựng văn hóa nêu gương của giảng viên Khoa Công tác đảng,
công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ
giảng dạy và nghiên cứu khoa
học. Giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị phải là những người tiêu biểu về trình độ
chuyên môn và khả năng nghiên
cứu khoa học. Ở bậc đại học, cao đẳng, quá trình dạy học tiệm cận với quá trình nghiên cứu khoa
học. Do đó, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa
học gắn bó hữu cơ với nhau. Đảng ta luôn xác định cùng với
giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo
dục và khoa học là đầu tư cho sự phát triển nhanh và bền vững; tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ giúp giảng viên Khoa Công tác đảng, công
tác chính trị nâng cao trình độ sư phạm mà còn giúp họ thêm yêu nghề,
yêu người và say mê với sự nghiệp đã lựa chọn. Khi
khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đặc biệt, trong bối cảnh
Cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị tích cực tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa
học sẽ đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa, hiện
đại hóa. Năng lực sư phạm và nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Công tác
đảng, công tác chính trị
không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của quá trình công phu, nghiêm túc, khổ
luyện thường xuyên của giảng viên Khoa Công tác
đảng, công tác chính trị.
Để hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi giảng viên Khoa
Công tác đảng, công tác chính trị
phải nêu cao tinh thần say mê học tập, nghiên cứu, không ngại khó, ngại khổ,
năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có khát vọng cống hiến, có ý chí, nỗ lực
cao vượt qua khó khăn thử thách. Thực tiễn luôn vận động, phát triển nên cần phải vận dụng
sáng tạo tri thức đã được trang bị, do đó giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị chỉ có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi say mê tự học và có phương
pháp nghiên cứu tốt, đặc biệt phải làm chủ công nghệ thông tin và ngoại ngữ -
chìa khóa để hội nhập với thế giới. Quá trình tự học, giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị cần quán triệt và thực hiện tốt phương châm học
đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với đơn vị.
Nêu tấm gương sáng về tự học, giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị sẽ truyền cảm hứng, kinh nghiệm, phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học
cho học viên, tạo ra môi trường sư phạm tích cực, cổ vũ cán bộ, học viên hăng
hái thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Cống hiến vì sự nghiệp trồng người, xứng
đáng tấm gương sáng cho học viên noi theo.
Hai là, phải thực hiện nghiêm quy chế, quy định về giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học; gương mẫu, thị phạm trong lời
nói và việc làm. Quy chế, quy định
giáo dục - đào tạo, nghiên
cứu khoa học là căn cứ pháp lý để tiến hành các hoạt động của giảng
viên, nêu gương trong lĩnh vực này đòi hỏi giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị phải luôn tâm huyết với nghề, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp
trong công tác, thực hiện đúng quy chế, quy định trong giảng dạy, nghiên cứu
khoa học; phải tôn trọng, yêu mến, nhân ái, độ lượng, bao dung người học, “tất
cả vì học viên thân yêu”; phải công bằng trong đánh giá học viên, chống tiêu cực
trong thi cử và “bệnh thành tích” trong giáo dục. Đồng thời, phải miệt mài
trong lao động sư phạm để chắt lọc từ kho tàng tri thức của nhân loại thành những
kiến thức cần thiết nhất, hữu ích nhất cho người học. Quá trình đó luôn gắn với
sự tích cực, say mê nghề nghiệp và tìm cách đổi mới nội dung, chương trình giáo
dục, miệt mài với từng bài giảng, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng
sáng tạo trong hoạt động sư phạm. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết tâm
dạy thật tốt, có ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên. Hồ Chí Minh đã dạy: “Dù khó
khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Trên nền tảng giáo
dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn
hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do nhiệm vụ giáo dục và
đào tạo của Nhà trường đặt ra.
Ba
là, phải nêu gương về phẩm chất chính trị,
đạo đức, lối sống; chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội,
quy định của nhà trường, đơn vị. Trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và sự chống phá của các
thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên do thiếu bản
lĩnh chính trị đã dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây mất niềm tin của
nhân dân. Nguy hại hơn có những phần tử đã cấu kết với các thế lực thù địch, phản
bội lại lý tưởng cách mạng, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong
của Đảng và chế độ. Cho nên, giảng
viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị phải luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, không
hoang mang dao động trước mọi khó khăn, thử thách, nhất là trước những biến động
chính trị, xã hội, trước nhiệm vụ khó khăn, gian khổ để làm gương và định hướng
tư tưởng cho học viên. Bên cạnh đó, phải nêu gương về đạo đức, lối sống. Đó là,
luôn phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, khi có sự mâu thuẫn
giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể phải tự nguyện, tự giác hy sinh lợi
ích cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, cá nhân phải phục tùng tập thể; đối với giảng
viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị đó còn là biểu hiện của đạo đức cách mạng ở lĩnh vực đặc
thù - lĩnh vực quân sự. Trong
lĩnh vực quân sự, chuẩn mực của đạo đức cách mạng càng cần phải thực hiện triệt
để, bởi vì nó liên quan đến tinh thần, thái độ của quân nhân khi thực hiện nhiệm
vụ. Ở đó, mỗi quân nhân cũng như giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị không được phép “mặc cả” với tập thể, với người chỉ huy
mà chỉ có sự phục tùng tuyệt đối mệnh lệnh của cấp trên. Có như vậy, sức mạnh
chiến đấu của quân đội mới được duy trì ở trạng thái tốt nhất. Cùng
với đó, giảng viên Khoa Công tác
đảng, công tác chính trị phải nêu gương
trong chấp hành pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của nhà
trường, đơn vị, đó là mệnh lệnh không lời với học viên. Bản chất của pháp luật,
kỷ luật là có tính cưỡng chế, bắt buộc, song ở lĩnh vực nêu gương nó phải chuyển
hóa thành sự tự giác cao độ. Nếu chỉ dừng lại ở sự cưỡng bức khi có sự duy trì
của tổ chức, người chỉ huy trong chấp hành pháp luật, kỷ luật, quy định thì đó
chưa phải là nêu gương, mà mỗi giảng viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị phải luôn ý thức sâu sắc thực hiện nghiêm pháp luật,
kỷ luật, quy định mọi lúc, mọi nơi là biểu hiện của người cán bộ có văn hóa.
Trong thực hiện nhiệm vụ, phải luôn có ý thức tự giác phục tùng tổ chức, chấp
hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh và chỉ thị của cấp trên. Thực hiện phong cách
làm việc khoa học, giờ nào việc đấy, sinh hoạt, học tập, công tác gọn gàng,
ngăn nắp, sạch sẽ, giao tiếp lịch sự, chuẩn mực với cấp trên, cấp dưới, đồng đội
và nhân dân; lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo.
Bốn
là, xây dựng văn hóa nêu gương của giảng
viên Khoa Công tác đảng, công tác chính trị
nêu gương trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, đoàn kết nội bộ. Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng,
là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong sinh hoạt đảng, làm cho tổ chức đảng trong
sạch, đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh. Giữa tự phê bình,
phê bình và đoàn kết nội bộ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tự phê bình và
phê bình cốt thẳng thắn, chân thành tìm ra khuyết điểm của bản thân và đồng
chí, mục đích cũng là để nội bộ tổ chức đảng đoàn kết, thống nhất trong hành động.
Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình Đảng mới chóng phát
triển, công việc mới chóng thành công. Giảng viên Khoa Công tác
đảng, công tác chính trị
phải khéo phê bình đồng chí, đồng nghiệp. Phê bình là nhằm vạch rõ ưu điểm và
khuyết điểm của đồng chí, không phải là dịp để công kích lẫn nhau, nói xấu và
bôi nhọ danh dự, tìm cơ hội “hạ bệ” người mình không ưa. Phê bình phải có tình
đồng chí, thương yêu lẫn nhau. Phê bình là để giúp đồng chí sửa chữa khuyết điểm,
cho nên thái độ của giảng viên Khoa
Công tác đảng, công tác chính trị
phải thành khẩn, đúng mực. Kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt, việc tốt;
đấu tranh chống cái xấu. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, lợi dụng
phê bình để bôi xấu nhau không nên phê bình lấy lệ, càng không nên “trước mặt
không nói, xoi mói sau lưng”. Phê bình cũng phải thực chất, chống hình thức,
phê bình vu vơ, phê bình không có địa chỉ rõ ràng, phê
bình kiểu dĩ hòa vi quý.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của đời sống kinh tế, xã hội và
sự chống phá của các thế lực thù địch đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các mức độ, cấp độ khác nhau. Tình hình đó, đặt
ra yêu cầu phải tiếp tục bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên - những “cỗ
máy cái” trong sự nghiệp trồng người có đủ phẩm chất, năng lực, xứng đáng là
nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường, trong đó, xây dựng văn hóa nêu gương của họ là vấn đề hết
sức quan trọng, then chốt. Mặt khác, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới; sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào
tạo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và trước sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra những yêu cầu cao đối với đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên Khoa Công
tác đảng, công tác chính trị nói riêng. Vì vậy xây dựng văn hóa nêu gương của giảng viên
Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Sĩ quan Chính trị là một yêu cầu thường xuyên và cấp thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quy định 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, 2012.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày
15/5/2016 của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 2016.
3. Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Tập 1 Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.
4. Hồ Chí
Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.
[1] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Tập 1 Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.
[2] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.
việc nêu gương của cán bộ là cực kỳ quan trọng
Trả lờiXóa