Social Icons

Pages

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

 QUAN ĐIỂM CỦA V.I. LÊNIN VỀ VẤN ĐỀ “THANH ĐẢNG” VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

V.I. Lênin (1870-1924) là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhà tư tưởng, lý luận chính trị kiệt xuất, người trực tiếp góp phần đưa chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý luận trở thành hiện thực. Trong di sản tư tưởng lý luận của Người về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân có rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều tư tưởng, luận điểm khoa học về vấn đề “thanh đảng”. Cùng với tư tưởng của Người, các hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành “thanh đảng” có ý nghĩa sống còn đối với Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga đương thời cũng như có giá trị hiện thực sâu sắc đối với công tác xây dựng và sàng lọc đội ngũ đảng viên của các đảng cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam.

V.I. Lênin trong cuộc đời hoạt động của mình không có những tác phẩm chuyên luận, đồ sộ viết về vấn đề thanh đảng, những tư tưởng của Người về vấn đề này được đề cập tới trong các bài nói chuyện, bài viết đăng trên các báo, tạp chí, tiêu biểu nhất là bài báo “Về vấn đề thanh đảng” (1921). Tiếp đến, tư tưởng về thanh đảng của Người được trình bày trong một vài tác phẩm khác như: “Làm gì” (1902), “Một bước tiến, hai bước lùi” (1904), “Hai sách lược của Đảng Dân chủ - xã hội trong cách mạng dân chủ” (1905), “Thà ít mà tốt” (1923),…

1. Quan điểm của V.I. Lênin về vấn đề thanh đảng

Vì sao phải thanh đảng?

Sở dĩ V.I. Lênin đặt ra vấn đề thanh đảng một cách kiên quyết và dứt khoát chỉ vài năm sau khi Đảng Cộng sản Nga trở thành đảng cầm quyền có cơ sở hiện thực bức thiết. Từ năm 1912, Đảng Công nhân Dân chủ xã hội Nga tách thành hai Đảng: Bôn-sê-vích, Men-sê-vích và đã xuất hiện những nhận thức tư tưởng khác nhau, thành phần xuất thân của đảng viên cũng khá phức tạp. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, một bộ phận những người Men-sê-vích xin ra nhập Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích. Từ đây, trong Đảng liên tiếp nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người Bôn-sê-vích (cũ) và những người Men-sê-vích xung quanh các vấn đề như: Hoà ước B-rét-li-tốp, chính sách thời chiến, chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I. Lênin, quan niệm về công đoàn về nhà nước, vấn đề chuyên chính vô sản, điều kiện và tiêu chuẩn kết nạp đảng,… Trong khi ấy, Đảng Cộng sản trở thành lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã thực sự “có chức”, “có quyền” và đã xuất hiện những tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng làm giảm uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) và nội chiến (1915 - 1921) làm nước Nga chịu hậu quả thiệt hại nặng nề về mọi mặt, nhất là các vấn đề xã hội, giai cấp. Nhiều công nhân ưu tú phải ra mặt trận hoặc kiếm sống tự do; ngược lại, nhiều phần tử xa lạ, có thành phần xuất thân phức tạp từ đủ mọi tầng lớp dân cư đã vào làm việc trong các xí nghiệp, hầm mỏ, rồi từ đây nhiều đối tượng đã chui vào Đảng làm cho chất lượng đảng viên có nhiều hạn chế.

Sau Cách mạng Tháng Mười, công tác phát triển đảng viên có nhiều thuận lợi, số lượng đảng viên tăng nhanh, một mặt góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; mặt khác, sự gia tăng quá nhanh và chạy theo số lượng đơn thuần của không ít tổ chức cơ sở đảng đã dẫn tới có những sai sót, ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ đảng viên.

Năm 1921, Đảng Cộng sản Nga tại Đại hội X quyết định chuyển sang thực hiện chính sách Kinh tế mới (NEP) do V.I. Lênin khởi thảo với nhiều chủ trương mang tính “đột phá”, đặt ra nhiều kỳ vọng nhưng cũng đầy rẫy khó khăn, thách thức, nhất là trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Nhận thấy sự tồn tại của các phe nhóm, các tư tưởng và xu hướng phân tán, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, biểu hiện “tha hóa quyền lực” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là những nguy cơ hiện hữu cho việc quán triệt, triển khai và thực hiện đường lối mới. Vì vậy, V.I. Lênin đã nghiên cứu và chuẩn bị “Nghị quyết về vấn đề thanh đảng” và được Đại hội X tán thành, triển khai thực hiện. Đồng thời, Người viết bài báo “Về vấn đề thanh đảng” giải thích rõ hơn vì sao phải thanh đảng, mục đích, đối tượng, hình thức và biện pháp thanh đảng để tuyên truyền tư tưởng, định hướng hành động thống nhất trong toàn Đảng về vấn đề này:

Một là, theo V.I. Lênin, thanh đảng là vấn đề tất yếu khách quan, là quy luật vận động, phát triển của mọi tổ chức, đặc biệt là với đảng cộng sản. Trong bài viết “Về vấn đề thanh đảng”. Người chỉ rõ: Thanh đảng đã trở thành vấn đề nghiêm túc, đặc biệt quan trọng. Tiến hành việc đó phải dựa vào kinh nghiệm của công nhân, quần chúng ngoài Đảng, dựa vào các tổ chức Xô-viết.

Hai là, theo V.I. Lênin, các thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên thường bộc lộ trong những giai đoạn lịch sử có tính chất bước ngoặt, trước những yêu cầu mới của tình hình nhiệm vụ. Vì vậy, để làm trong sạch đảng trong những giai đoạn, những thời khắc lịch sử này nhất thiết phải tiến hành thanh lọc đảng viên.

Ba là, địa vị của Đảng Cộng sản Nga thay đổi sau Cách mạng Tháng Mười. Sức hấp dẫn của đảng ngày càng lớn, nhiệm vụ, trọng trách và phương thức lãnh đạo của Đảng cũng thay đổi. Các phần tử cơ hội, thực dụng rất dễ tìm mọi thủ đoạn để chui vào Đảng, mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc chống phá Đảng. Bên cạnh đó, khi đảng cầm quyền, Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ nảy sinh tham nhũng, quan liêu, xa rời quần chúng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, phải tiến hành thanh đảng để loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất và giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh những đảng viên khác trong toàn Đảng.

Mục đích tiến hành thanh đảng

Theo V.I. Lênin, tiến hành thanh đảng nhằm làm trong sạch đội ngũ đảng viên, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức trong các tổ chức đảng và bộ máy Nhà nước; giữ nghiêm kỷ luật Đảng, khẳng định vị thế, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm nhiệm vụ, cụ thể:

Thứ nhất, tiến hành thanh đảng để loại trừ những đảng viên thoái hóa biến chất, bọn phiêu lưu, bọn khiêu khích, những phần tử cơ hội, xét lại ra khỏi Đảng. Người chỉ rõ: “Tôi muốn nêu ra một nhiệm vụ đặc biệt, tức là nhiệm vụ thanh trừ những phần tử Men-sê-vích cũ ra khỏi đảng. Theo tôi, trong tất cả những người Men-sê-vích tham gia đảng từ sau thời gian đầu năm 1918, ta có thể lưu lại trong đảng, chẳng hạn, nhiều lắm là một phần trăm; và cũng còn sẽ phải thẩm tra từng người một trong số những người được lưu lại đó, ba hay bốn lần”[1]. Phải thanh lọc những phần tử này trong Đảng, vì “trong thời kỳ từ 1918 đến 1921, những người Men-sê-vích đứng về mặt trào lưu chính trị mà nói, thì họ đã biểu lộ rõ hai đặc tính của họ: một là, khôn khéo thích ứng, “chui” vào trào lưu đang thịnh hành trong công nhân; hai là, hết lòng hết dạ phục vụ bọn bạch quân một cách còn khôn khéo hơn nữa, và thực tế phục vụ bọn bạch quân, mà miệng thì cứ tuyên bố là từ bỏ bọn chúng. Hai đặc tính đó đều do từ trong toàn bộ lịch sử của chủ nghĩa Men-sê-vích mà ra”[2].

Thứ hai, tiến hành thanh đảng nhằm nâng cao chất lượng đảng viên, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức; khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng cầm quyền; lãnh đạo và tổ chức thực hiện chính sách NEP, khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh và nội chiến, đồng thời xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, tiến hành thanh đảng để đặc trị các “căn bệnh”, các loại tội phạm, các sai phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước như: bệnh kiêu ngạo, bệnh mù chữ, và bệnh hối lộ; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố tăng cường mối liên hệ giữa Đảng - Nhà nước - Nhân dân, củng cố liên minh công - nông. “Cuộc thanh đảng tới đây sẽ nhằm vào những người cộng sản lên mặt là quan cai trị”[3].

Đối tượng của thanh đảng

Theo V.I. Lênin có nhiều đối tượng đảng viên phải tiến hành xem xét, điều tra, thử thách trong các đợt “thanh lọc” làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Tuy nhiên, thanh đảng không có nghĩa là “loại bỏ hoàn toàn vô nguyên tắc” mà phải xem xét thận trọng, kết luận rõ ràng, tùy theo từng đối tượng mà có đối sách phù hợp. Song tựu chung lại có mấy nhóm đối tượng cần chú ý:

Một là, những kẻ bè phái chống Đảng như bọn Men-sê-vích, Tơ-rốt-kít, những người Men-sê-vích gia nhập Đảng Cộng sản Nga sau giai đoạn 1918 khi cách mạng đã thành công. Bởi lẽ, phần lớn những người này có biểu hiện cơ hội, lúc cách mạng khó khăn thi né tránh, khi cách mạng thành công thì khẩn thiết tham gia. Do đó, “phải thanh trừ ra khỏi đảng độ chừng chín mươi chín phần trăm những người Men-sê-vích đã tham gia Đảng Cộng sản Nga sau năm 1918”[4].

Hai là, những người thuộc các đảng phái khác ra nhập Đảng Cộng sản Nga sau Cách mạng Tháng Mười. Theo V.I. Lênin, phải thẩm tra, xem xét lại tư cách và động cơ của họ trước khi thanh lọc “những người thuộc các đảng khác gia nhập đảng sau tháng Mười năm 1917”[5].

Ba là, “những người gia nhập đảng xuất thân từ tầng lớp quan lại và viên chức đã làm việc cho các chính phủ cũ”[6].

 Bốn là,những người đã giữ những chức vụ gắn liền với những đặc quyền đặc lợi nào đó”[7].

 Năm là, những người thuộc viên chức Xô viết và những đảng viên quan liêu, thoái hóa, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt, bọn tham ô, ăn cắp, “bọn người lập ra hết ban này ban nọ, mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào”.

V.I. Lênin yêu cầu thẩm tra, điều tra, kết luận, xử lý hoặc “đuổi ra khỏi Đảng” những đảng viên không đủ tiêu chuẩn, hoặc trước đây là đảng viên nhưng nay đã không còn kiên định, bấp bênh, dao động hoặc đã lộ rõ bản chất gian giảo, nhu nhược, không trung thực, xu nịnh, ăn cắp, quan liêu, tha hóa, trong đó có cả những đảng viên thiếu năng lực.

Hình thức và biện pháp tiến hành thanh đảng

Xác định rõ mục đích, chỉ rõ đối tượng thanh đảng là những việc hệ trọng, khó khăn, phức tạp, song để tiến hành thanh đảng đạt hiệu quả, theo V.I. Lênin, toàn Đảng, từng tổ chức đảng và mỗi đảng viên phải có nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm trong lựa chọn và sử dụng các hình thức và biện pháp khác nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực trong nội bộ và sức mạnh ngoại lực từ các tổ chức, các lực lượng, nhất là quần chúng nhân dân.

Một là, Đảng phải có đường lối đúng, tuân thủ nghiêm ngặt Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.

Hai là, tiến hành đăng ký lại đảng viên, kết hợp với thẩm tra, điều tra, xác minh, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, kết luận đúng người, đúng việc, khách quan, công bằng, minh bạch.

Ba là, dựa vào những kinh nghiệm và ý kiến của quần chúng nhân dân, của giai cấp công nhân và các tổ chức quần chúng. Lẽ dĩ nhiên theo V.I. Lênin, không thể nghe theo tất cả mọi ý kiến của quần chúng, không theo đuôi quần chúng, nhưng cần lưu ý những ý kiến nhận xét, đánh giá của quần chúng về bọn quan liêu hóa, bọn làm quan cách mạng đôi khi lại rất quý báu. “Thanh đảng bằng cách chú trọng đến những lời chỉ dẫn của người lao động ngoài đảng là một việc lớn. Công việc đó sẽ mang lại cho chúng ta những kết quả đáng kể. Nó sẽ làm cho đảng trở thành một đội tiên phong cả giai cấp vô sản”[8].

Bốn là, tiến hành thử thách rèn luyện, sàng lọc đảng viên trong thực tiễn, thông qua việc phân công, giao nhiệm vụ, động viên họ ra mặt trận, tham gia lao động cộng sản chủ nghĩa...

Năm là, chấn chỉnh hệ thống tổ chức cơ sở đảng; thanh lọc đảng viên toàn diện, từ thấp đến cao, từ cấp tối cao xuống đến cơ sở, “không vị nể cá nhân”; đồng thời, nâng cao chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn và bảo đảm đúng các thủ tục nguyên tắc trong kết nạp đảng viên; quản lý, giáo dục và rèn luyện đảng viên, kết hợp với sàng lọc đội ngũ đảng viên.

Sáu là, tiến hành thanh đảng phải gắn liền với cải cách, cải tiến bộ máy chính quyền nhà nước, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Đặc biệt, theo V.I. Lênin, dù không hề mong muốn song ở những nơi mà bọn đê tiện “lẩn lút vào trong Đảng ức hiếp quần chúng thì cần có những biện pháp quyết liệt”, “Thanh trừ bằng khủng bố, xử ngay tại chỗ, hành hình ngay tức khắc” những phần tử phản đảng, hại dân, không còn khả năng cải tạo,...

2. Vận dụng quan điểm về thanh đảng của V.I. Lênin trong xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng và chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam

Đảng ta là một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, dù khi thuận lợi hay lúc khó khăn đều kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, trong đó có quan điểm của V.I. Lênin về vấn đề thanh đảng để xây dựng đội ngũ đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.

Đại hội IV (1976) của Đảng tổng kết về công tác xây dựng Đảng đã khẳng định, phải coi trọng cả 04 nội dung trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên: Thứ nhất, công tác quản lý đảng viên; thứ hai, công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên; thứ ba, công tác phát triển đảng viên; thứ tư, công tác sàng lọc đảng viên. Theo đó: Công tác phát triển đảng viên phải coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần, phát triển Đảng đi đôi với củng cố Đảng. Một mặt, kết nạp những người ưu tú đủ tiêu chuẩn vào Đảng; mặt khác, đưa ra khỏi Đảng những phần tử thoái hoá, biến chất và những người không đủ tư cách đảng viên; cảnh giác với những phần tử cơ hội và phản động chui vào Đảng. Đại hội X của Đảng (2006) tiếp tục chỉ rõ: “Việc kết nạp đảng viên phải coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt tiêu chuẩn giác ngộ lý tưởng của Đảng, đạo đức, lối sống, năng lực hoàn thành nhiệm vụ”[9]; đồng thời kiên quyết: “Khai trừ những đảng viên thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cố tình vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước”[10]. Đại hội XI của Đảng (2011) tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm về xây dựng đội ngũ đảng viên theo hướng: “Đổi mới, tăng cường công tác quản lý, phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của Điều lệ Đảng”[11]; “Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định phương hướng, mục tiêu và quyết tâm hành động: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tập trung thực hiện mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”[12]. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, “nói không đi đôi với làm”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng tiếp tục chỉ ra 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để tùy theo mức độ mà các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể xem xét, điều tra, kiểm tra, kết luận, xử lý nghiêm minh “đúng người, đúng việc” các trường hợp và mức độ sai phạm của đảng viên. Kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không xứng đáng; đồng thời, xử lý những người vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, “không có vùng cấm”, “không có biểu hiện nhẹ trên, nặng dưới”, làm kiên quyết, triệt để, không có hiện tượng “đánh trống bỏ rùi”.

Những nhận thức và quan điểm, phương châm của Đảng ta qua các thời kỳ, các kỳ đại hội, các văn bản, nghị quyết, quy định,… đều nhất quán trước sau như một khẳng định Đảng ta trung thành và vận dụng sáng tạo quan điểm của C. Mác - Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản về xây dựng đội ngũ đảng viên, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, những quan điểm của V.I. Lênin về vấn đề thanh đảng được Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.

Trong điều kiện tình hình hiện nay, việc vận dụng tư tưởng của V.I. Lênin vào công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là công tác sàng lọc đảng viên cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, quán triệt, nghiên cứu, học tập nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, những nội dung tư tưởng về xây dựng Đảng của giai cấp công nhân, trong đó có quan điểm, tư tưởng thanh đảng của V.I. Lênin để vận dụng vào công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là công tác sàng lọc đảng viên bảo đảm đúng hướng, chặt chẽ và có chất lượng.

Hai là, tiến hành tốt công tác phát triển đảng viên, kết hợp chặt chẽ với công tác quản lý đảng viên, giáo dục, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên ở tất cả các cấp bộ đảng, nhất là đảng viên ở cơ sở, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương quản lý; đảng viên là cán bộ chủ trì, chủ chốt trong các cơ quan của hệ thống chính trị; đảng viên công tác trong các lĩnh vực trọng yếu, cơ mật, lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm. Đồng thời, điều tra, thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý nghiêm các đảng viên sai phạm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa ra khỏi đảng những đảng viên thiếu năng lực, mất uy tín, giảm sút uy tín nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới thanh danh của Đảng. Đặc biệt, cần quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đảng viên. Chủ động nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh; tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch”[13]. Đồng thời, “tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách”[14].

Ba là, gắn kết chặt chẽ cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động, các phong trào hành động cách mạng của các tổ chức, các lực lượng, các tầng lớp nhân dân. Động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ đảng viên, giám sát, góp ý, phê bình, khiếu nại, tố cáo các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, đảng viên.

Bốn là, tích cực đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai, trái, thù địch, phản động bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; làm tốt công tác tổ chức, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ danh dự, uy tín, sức khỏe, tính mạng, tài sản của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá, đe dọa, mua chuộc, lôi kéo, khủng bố, ám sát… của các thế lực thù địch./.

Phan Văn Lương

#SQCT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, Hà Nội, 2022.

(7) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005.

(8) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005.

(9) V.I. Lênin, Toàn tập, tập 45, Nxb CTQG, Hà Nội, 2005.



[1] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 44, tr. 152 - 153.

[2] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tập 44, tr. 153.

[3] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 45, tr. 19.

[4] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, tr. 153.

[5] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 43, tr. 433.

[6] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 43, tr. 433.

[7] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 43, tr. 433.

[8] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tập 44, tr. 152.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 301.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 301.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 260.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr. 202.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII “Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, Hà Nội, 2022, tr. 08.

[14] Sđd, tr. 08.

1 nhận xét:

  1. Thanh đảng để loại trừ những đảng viên thoái hóa biến chất, những phần tử cơ hội, xét lại ra khỏi Đảng là việc làm rất cần thiết

    Trả lờiXóa