NÂNG CAO SỰ “MIỄN DỊCH TÂM LÝ” CHO THANH THIẾU NIÊN TRƯỚC CÁC THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
1. Thông tin xấu độc trên không gian mạng - mối hiểm họa đối với thanh thiếu niên
Theo thống kê, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và Youtube cao nhất thế giới. Người dùng Internet ngày càng trẻ hóa, đa phần trong độ tuổi thanh thiếu niên, họ có nhiều cơ hội tham gia vào thế giới thông tin và kết nối trên mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích đem lại, mạng xã hội được ví như “con dao hai lưỡi” tiềm ẩn hiểm họa khó lường bởi những thông tin xấu độc đang ngày càng tràn lan.
Thanh thiếu niên là lứa tuổi đang trong giai đoạn phát triển mạnh cả về thể
chất và tinh thần, cả sinh lý và tâm lý. Các em thường ưa khám phá, học hỏi thế
giới xung quanh và muốn thể hiện bản thân; tâm lý nghĩ mình đã trưởng
thành nên sẽ tự cho mình “quyền làm chủ” được mọi thông tin từ mạng xã hội. Tuy
nhiên, nhiều em còn thiếu kinh nghiệm, khả năng làm chủ bản thân thấp nên nhận
thức chưa đầy đủ về các vấn đề chính trị - xã hội, dễ bị kích động, lôi kéo, a
dua. Nếu các em thiếu cảnh giác thì dễ bị “đầu độc”, bị “tổn thương” bởi các
thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Thông tin xấu độc là những thông tin sai trái, bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc
sự thật, đúng sai, thật giả lẫn lộn hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin
với dụng ý xấu, thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ
chức; thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, soi mói, kích
động, bạo lực, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức,
văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ngày nay, do sự phát triển của công nghệ thông tin,
sự mở rộng các trang mạng xã hội, thông tin xấu độc trên không gian mạng đã trở
thành mối hiểm họa đối với thanh thiếu niên như sau:
Thứ nhất, sự tác động
của thông tin xấu, độc trên không gian mạng có thể làm lệch lạc nhận thức của
thanh thiếu niên về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của
Nhà nước.
Các thế lực thù địch, phản động luôn xem thanh thiếu niên là đối tượng đặc
biệt để thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình” do thanh thiếu niên là lực
lượng rất nhạy cảm, thường rất dễ bị lôi kéo và kích động. Chúng lợi dụng sự
phát triển của công nghệ thông tin, Internet để phát tán tài liệu có nội dung
phản động, thông tin xấu độc, ấn phẩm văn hóa đồi trụy để dần dần “chuyển hóa”
giới trẻ, hòng tạo ra một thế hệ trẻ sống theo chủ nghĩa thực dụng, vụ lợi, vị
kỷ, sẵn sàng xét đoán quá khứ và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.
Nắm bắt đặc điểm của thanh thiếu niên, các thế lực phản động tập trung tấn
công vào sinh viên, học sinh nhằm “tẩy não”, “gieo cấy” quan niệm “tự do”, “dân
chủ”, “nhân quyền” để chuyển hóa tư tưởng, đạo đức, dẫn tới quá trình “tự diễn
biến” ở thanh niên. Bằng những thay đổi tinh vi về thủ đoạn, các thế lực chống
phá cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và phản động trong nước đang thực hiện ý đồ
“chiến thắng không cần chiến tranh”. Những thông tin xấu độc nếu không kịp thời
ngăn chặn sẽ tác động tiêu cực đến tư tưởng, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm
sút lòng tin của thế hệ trẻ đối với Đảng, Nhà nước.
Thực tế, các thế lực phản động đã lập ra hàng trăm tài khoản giả mạo bịa
đặt nhiều thông tin sai lệch, khoét sâu vào những vụ việc tham nhũng, tiêu cực
trong xã hội nhằm kích động giới trẻ tỏ thái độ bất mãn với đời sống xã hội và
sự phát triển của đất nước. Một số người đã bị kích động, thông qua mạng xã hội
Facebook và các trang blog, diễn đàn đề cao quan điểm dân chủ tư sản, nói xấu
chế độ, vu cáo, soi mói đời tư nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng,
Nhà nước. Những vấn đề mới nổi lên vài năm gần đây trong những người trẻ, nếu
không được giải quyết sẽ tạo ra lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, gây hậu
quả hết sức khó lường.
Thứ hai: thông tin xấu
độc có thể gây nhiễu, làm khủng hoảng đời sống tâm lý của thanh thiếu niên
Các thông tin giả mạo, các phát ngôn thù ghét, nói xấu, phỉ báng, bịa đặt,
kỳ thị dân tộc, tôn giáo, kỳ thị giới tính, các hành vi gây hấn, tấn công trên
mạng có sức “tàn phá” ghê gớm đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm và hành vi của
thanh thiếu niên. Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thường có xu
hướng quan tâm, thích (like), chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực,
trái chiều hơn thông tin tích cực. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo,
không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó
cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông
xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng
càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm.
Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra, hiện tượng tin xấu độc đang trở nên đáng
báo động do chúng làm khủng hoảng đời sống cá nhân, có cá nhân đã lựa chọn cái
chết làm lối thoát. Thực tế đã có nhiều cô gái, nữ sinh rất trẻ tuổi bỗng nổi
tiếng trên Facebook vì bị đăng tải clip nóng, hoặc bị ghép hình, tung thông tin
sai sự thật. Những cô gái ấy đã rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần, cuối
cùng đã chọn kết cục bi thương là cái chết. Một số người đã trở thành nạn nhân
phải chịu áp lực quá khủng khiếp từ dư luận, đặc biệt là từ mạng xã hội. Những
cư dân mạng thiếu trách nhiệm với những thông tin chia sẻ, những lời bình luận
đã vô tình tiếp thêm nỗi đau cho nạn nhân và để lại những hậu quả khôn lường.
Thứ ba, những thông tin
xấu, độc tác động, làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của thanh thiếu
niên, dẫn tới hậu quả khôn lường
Ngày nay, giới trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để tìm kiếm tài
liệu phục vụ học tập, trao đổi thông tin hữu ích, chia sẻ, kết nối bạn bè. Tuy
nhiên trên mạng hiện nay có vô số thông tin, hình ảnh nội dung xấu độc, bạo
lực, kích động tác động, làm lệch lạc về hành vi, nhân cách sống của thanh
thiếu niên. Đáng lo ngại, một bộ phận thanh thiếu niên dễ chạy theo những “trào
lưu” xã hội tiêu cực như “ăn chơi, hưởng thụ”, “xếp hạng giang hồ”, “tự tử tập
thể, “muốn nếm trải cái chết”, “bạo lực” tập thể, …mà không biết rằng mình đang
“nuôi dưỡng” tình trạng sai lệch chuẩn mực xã hội. Điều này góp phần giải thích
vì sao hiện tượng thanh thiếu niên phạm tội, tình trạng bạo lực học đường, xâm
hại lẫn nhau trong giới trẻ đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam.
Thực tế hiện nay trên Internet, mạng xã hội và ngay cả trên các báo điện
tử, trang thông tin điện tử, dường như để tăng tính hấp dẫn đối với người đọc,
tần suất xuất hiện của các tin, bài về các vụ án, hiện tượng lệch lạc khá dày
đặc; thông tin được mô tả khá chi tiết diễn biến sự việc và hành vi thực hiện. Hơn
nữa, thông tin nào xuất hiện nhiều, tần suất lớn, gây tò mò, sát với cuộc sống
đời thường thì người trẻ tuổi sẽ lao vào đọc, xem, tìm hiểu. Người trẻ có khi
dành thời gian cả ngày, "lang thang" trên mạng xã hội Facebook,
Youtube, Twitter và các trang thông tin của các tờ báo lớn như BBC, CNN, Time,
Foxnews, The New York Times... để tìm hiểu, chia sẻ thông tin. Như vậy, thay vì
đạt được mục đích cảnh báo và định hướng dư luận xã hội, cách đưa thông tin quá
cụ thể vô hình chung đã tạo nên hệ quả ngược và trở thành “cơ hội” người trẻ
bắt chước theo hành vi đó.
Thứ tư, thông tin xấu,
độc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh
thiếu niên
Với đặc tính hấp dẫn, lôi cuốn của thông tin xấu, độc trên các trang mạng
xã hội rất dễ làm cho người tham gia bị sa đà vào “biển thông tin” hỗn loạn đó
lúc nào mà không hay biết, làm cho các bạn thanh thiếu niên sao nhãng việc học
hành, giảm năng suất lao động, tinh thần uể oải, sa sút, đắm chìm vào thế giới
ảo trong đời sống thực. Đây chính là tác nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến
sức khỏe, tâm sinh lý của giới trẻ.
Thực tế, đã có những trường hợp các em “lướt mạng” thâu đêm suốt sáng, dẫn
đến bỏ bê công việc, trầm cảm, sống thu mình, hạn chế giao tiếp với bên ngoài,
ít ăn, ngủ kém, có triệu chứng rối loạn vận động, hay cáu gắt, phản ứng thái
quá khi bị “tước” mất máy tính, điện thoại thông minh hay bị cắt nguồn
internet, wifi…Không ít bậc phụ huynh do bận công việc mà quên kiểm soát con
cái sử dụng mạng xã hội, dẫn đến gánh hậu quả đau lòng.
2. Quan niệm, yêu cầu nâng cao sự “miễn dịch tâm lý” cho thanh thiếu niên
trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng
Sự “miễn dịch tâm lý” là
phẩm chất tâm lý tổng hợp của thanh thiếu niên, tạo ra khả năng tự phòng ngừa,
ngăn chặn tác động tiêu cực của các thông tin xấu độc đến tâm lý, tư tưởng,
hành vi của họ.
Sự “miễn dịch tâm lý” có vai trò rất quan trọng, bảo đảm khả năng tự “đề
kháng”, tự giữ vững về tâm lý, tư tưởng, hành động trước các thông tin xấu độc
trên không gian mạng. Sự “miễn dịch tâm lý” sẽ giúp cho thanh thiếu niên, trước
tác động của các thông tin xấu độc, vẫn luôn có nhận thức đúng về các sự kiện,
hiện tượng, về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà
nước; giữ vững được bản lĩnh, đời sống tâm lý lành mạnh; biểu hiện thái độ,
hành vi, phẩm chất nhân cách phù hợp, đúng đắn; duy trì thể chất, tinh thần
khỏe mạnh.
Có nhiều yếu tố tạo thành sự “miễn dịch tâm lý”, nhưng quan trọng nhất là:
Thế giới quan khoa học, khả năng tư duy sâu sắc, trình độ phân tích, tổng hợp;
kinh nghiệm, vốn sống, sự hiểu biết về các lĩnh vực đời sống xã hội; thái độ,
tình cảm tích cực, trách nhiệm xã hội; ý chí tự chủ, tự kiềm chế, ý thức tổ
chức kỷ luật; kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội…Những yếu tố này là
một thể thống nhất, phẩm chất tâm lý tổng hợp, tạo ra sức đề kháng của mỗi
thanh thiếu niên trước các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Thanh thiếu niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn,
xung kích, đi đầu, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, một trong những nhân tố quan trọng quyết định vận mệnh và tương lai của
dân tộc. Thanh niên là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những
công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khoẻ và sáng tạo. Trong quá trình lãnh
đạo đất nước, Đảng luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh
niên là lực lượng xung kích của cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
là đội dự bị tin cậy của Đảng và đã đề ra nhiều chủ trương giáo dục, đào tạo,
bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự
nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, Đảng cũng xác định công tác
thanh niên, đặc biệt là giáo dục thanh niên luôn giữ vai trò quan trọng, góp
phần bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.
Tuổi thanh thiếu niên là thời kỳ phát triển mạnh về tâm - sinh lý, nhất là
phát triển về các chức năng tâm lý, thuộc tính, phẩm chất tâm lý. Do đó, các em
thường ham hiểu biết, thích tìm tòi; có sự phát triển phong phú về nhu cầu,
trong đó có nhu cầu tự khẳng định chính kiến, quan điểm bản thân; thích ứng
nhanh với Internet, mạng xã hội…Tuy nhiên, các em còn hạn chế về khả năng làm
chủ bản thân, thiếu vốn sống, kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sống nên dễ bị tin xấu
độc tác động thao túng…
Ngày nay, mạng xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp, mở rộng mà các
thế lực thù địch lợi dụng để thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt
Nam. Thông tin xấu độc trên không gian mạng tác động tiêu cực đến tình hình, tư
tưởng, dư luận xã hội, tiếp tay cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ
nghĩa, đặc biệt là thanh thiếu niên. Do đó, cần có giải pháp nâng cao sự
“miễn dịch tâm lý” giúp thanh thiếu niên “đề kháng” trước thông tin xấu, độc trên
mạng xã hội góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực
thù địch.
3. Một số giải pháp nâng cao sự “miễn dịch tâm lý” cho thanh thiếu niên
trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng
3.1. Tăng cường giáo
dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên
Trước tiên, tập trung giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước để trang bị cho thanh thiếu niên thế giới quan, phương pháp luận đúng
đắn, căn bản. Đó là cơ sở để thanh thiếu niên có thể luận giải những vấn đề
thực tiễn đặt ra, nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ; giữ vững lập
trường trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá của các thế lực thù
địch trên không gian mạng.
Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần đầu tư đúng mức cho công tác
bồi dưỡng, giáo dục thanh thiếu niên; triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải
pháp đã được xác định trong chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
khoá XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng
cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, NQTW
4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến”
và “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Quán triệt và thực hiện quan điểm Nghị quyết
Đại hội XII (2016) của Đảng: “Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng,
truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống, tạo điều kiện học tập, lao động,
giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ”.
Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giáo dục
chính trị, tư tưởng, truyền thống cho thế hệ trẻ; sử dụng nhiều hình thức phong
phú, đa dạng, với sự tham gia, phối hợp có trách nhiệm của ngành giáo dục, gia
đình, đoàn thể và toàn xã hội. Đổi mới nội dung và cách thức học tập lý luận
chính trị phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, thanh niên. Gắn việc giáo dục
đạo đức, lối sống văn hoá với triển khai sáng tạo chỉ thị 05 của Bộ Chính trị
về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”,
trong đó đề cao sự nêu gương của cán bộ Đoàn, định hướng cho thanh niên rèn
luyện theo tiêu chí “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”.
Đoàn Thanh niên Cộng sản tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ
động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong thanh
niên, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm. Phối hợp với các cấp,
các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn
nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Cần xác định được những tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp về lý tưởng cách mạng, đạo
đức, lối sống, ước mơ hoài bão để giáo dục thanh thiếu niên, nâng cao ý thức
trách nhiệm của họ khi tham gia mạng xã hội.
Hai là, phát huy vai
trò của các phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng
cho thanh thiếu niên
Hiện nay, các
thế lực thù địch đã tận dụng triệt để
một số phương tiện truyền thông xã hội để reo rắc những thông tin bịa đặt hòng
hướng lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, nhất là nhằm vào tầng lớp thanh
thiếu niên, gây hoài nghi, hoang mang, kích động, lôi kéo. Nguyên nhân của tình
trạng trên một phần do nhận thức của thanh thiếu niên còn hạn chế, mặt khác là
do việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội đôi lúc còn chưa được kịp
thời, việc quản lý thông tin trên không gian mạng có lúc, có nơi còn chưa chủ
động, thiếu hiệu quả. Vì vậy, thông qua các phương tiện truyền thông xã
hội, cần nhận diện sớm những vấn đề xã hội có thể nảy sinh, chủ động cung cấp
thông tin chính thống, định hướng tư tưởng, hành động cho thanh thiếu niên
trước những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc trên mạng xã hội.
Cần nghiên cứu, khai thác tốt các phương tiện truyền thông xã hội (social
media), nhất là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian
trực tuyến (online spaces) trên nền tảng internet và các công nghệ truyền thông
hiện đại khác nhằm truyền tải thông tin, kết nối xã hội. Chủ động cung cấp
thông tin chính thống, chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản chất của vấn đề
xã hội trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là các vấn đề liên quan
đến lợi ích, mối quan tâm của đông đảo công chúng, góp phần hình thành dư luận
xã hội tích cực, định hướng tư tưởng, hành động cho thanh thiếu niên.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà
nước trong nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông
xã hội. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin
trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại,
xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong
mỹ tục. Các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện
nghiêm Luật An ninh mạng; đẩy mạnh công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ nền
tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; nâng cao nhận thức của thanh thiếu
niên trong việc tham gia các phương tiện truyền thông xã hội; tăng cường rà
soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật
trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội.
Ba là, bồi dưỡng, nâng
cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội cho thanh thiếu niên
Kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội là yếu tố quan trọng tạo thành sự “miễn
dịch tâm lý” của thanh thiếu niên trước các thông tin xấu độc. Bởi vậy, việc
bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội là vấn đề rất cần thiết.
Gần đây, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà giáo cho rằng, “cần đưa kỹ năng
ứng xử mạng xã hội thành môn học bắt buộc trong nhà trường, vì hiện con cháu
chúng ta sử dụng thường xuyên mà không có người hướng dẫn”. Thực tế, cho thấy, mạng
xã hội đang trở thành “xã hội mạng”, chứ không còn là không gian mạng nữa. Lực
lượng nào chủ động tiếp cận, sử dụng, phát triển không gian mạng sẽ giành được
lợi thế; ngược lại, mọi sự chậm trễ trong nhận thức và hành động, sự thiếu hụt
kỹ năng ứng xử trên không gian mạng sẽ gây ra hậu quả bất lợi khôn lường.
Các cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường, tổ chức Đoàn thanh niên, trước
hết cần tuyên truyền, giáo dục làm cho thanh thiếu niên nắm được quyền lợi,
nghĩa vụ, trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội; hiểu rõ việc thực hiện đúng
luật, nghĩa là bảo vệ chính mình, người thân và gia đình; đồng thời, góp phần
bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Tổ chức các buổi trao đổi về mạng xã hội; mở các
lớp tập huấn, tọa đàm chuyên đề; thành lập hội, nhóm, câu lạc bộ; tổ kỹ thuật,
tư vấn thao tác trên các trang mạng xã hội để hình thành những kỹ năng cần
thiết khi tham gia mạng xã hội, như: kỹ năng giao tiếp, tương tác, kết bạn; kỹ
năng lắng nghe, đóng góp, chia sẻ; kỹ năng bình phẩm, nhận xét; kỹ năng blook
tài khoản ảo và chặn những cá nhân spam, quảng cáo tin nhắn rác; kỹ năng kiểm
soát, bảo vệ thông tin; kỹ năng đối phó với dư luận và kỹ năng vượt qua khủng
hoảng trên mạng xã hội.
Hướng dẫn thanh thiếu niên thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã
hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, có các hành vi, ứng xử phù hợp
với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử
dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn
giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm
danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá
nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung
tin giả, tin sai sự thật,... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến
trật tự, an toàn xã hội. Khuyến khích thanh thiếu niên sử dụng mạng xã hội để
tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam,
chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
Thông tin xấu độc trên không gian mạng đã và đang trở thành
mối hiểm họa đối với thanh thiếu niên. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải
pháp phù hợp để nâng cao sự “miễn dịch tâm lý”, giúp thanh thiếu niên “đề
kháng” trước thông tin xấu độc trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù
địch hiện nay./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, NXB CTQGST, Hà Nội, tập I.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng trung
ương Đảng, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), NQTW 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự
diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
4. Luật số: 24/2018/QH14, Luật An ninh mạng.
5. Quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày
05/3/2022, Phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối
sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai
đoạn 2022-2030”.
Thông tin xấu độc trên không gian mạng đã và đang trở thành mối hiểm họa đối với thanh thiếu niên. Do đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp để nâng cao sự “miễn dịch tâm lý”, giúp thanh thiếu niên “đề kháng” trước thông tin xấu độc trên mạng xã hội
Trả lờiXóa