Social Icons

Pages

Thứ Năm, 8 tháng 6, 2023

 NHẬN DIỆN VÀ PHÒNG CHỐNG THỦ ĐOẠN “THAO TÚNG TÂM LÝ” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG HIỆN NAY

“Thao túng tâm lý” là một trong những thủ đoạn chống phá tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động. Thủ đoạn này tác động tiêu cực và để lại những hệ lụy nguy hiểm trong đời sống tinh thần của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Nhận diện và phòng chống thủ đoạn “thao túng tâm lý” có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động hiện nay.

Để thực hiện mưu đồ chính trị của mình, các thế lực thù địch, phản động sử dụng “trăm phương, ngàn kế” tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Hướng chính diện là trực tiếp xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Song tinh vi, xảo quyệt và thâm hiểm hơn là hướng “vu hồi”, đánh vào lĩnh vực tâm lý xã hội, vào đời sời sống tâm lý, tinh thần của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Với mục tiêu làm “mục ruỗng” tâm lý xã hội, “đảo lộn” đời sống tâm lý, tinh thần của nhân dân, các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi khác nhau, ở mọi lúc, mọi nơi, len lỏi vào từng người, từng nhóm để “lung lạc” nhận thức, “gặm nhấm” tình cảm, điều khiển ý chí và hành động, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. “Thao túng tâm lý” là một thủ đoạn điển hình như vậy. Thủ đoạn này được các thế lực thù địch, phản động tiến hành bằng nhiều phương pháp, cách thức tác động khác nhau nhằm điều khiển nhận thức, cảm xúc, hành động của cá nhân, nhóm xã hội theo hướng có lợi cho chúng. Đặc biệt hiện nay, với sự gia tăng “chóng mặt” các nền tảng, ứng dụng xã hội trên không gian mạng, thông tin đến người con người ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn, khó kiểm soát hơn thì thủ đoạn “thao túng tâm lý” lại càng tinh vi và nguy hiểm hơn. Để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cần nhận diện được những biểu hiện thủ đoạn “thao túng tâm lý”, thấy rõ những tác động của thủ đoạn này đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, từ đó đề xuất những giải pháp phòng chống hữu hiệu.

1. Nhận diện thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch, phản động

Thao túng tâm lý là cách thức tác động tâm lý nhằm ảnh hưởng, chi phối, kiểm soát nhận thức, cảm xúc, hành vi của người khác theo một mục đích nào đó. Nhờ triệt để lợi dụng các quy luật, đặc điểm tâm lý, cách này có thể kiểm soát, điều khiển tâm lý con người diễn biến theo chiều hướng nhất định. Cơ chế “thao túng tâm lý” diễn ra theo nhiều kênh tác động khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là kênh thông tin. Bằng số lượng, nội dung và cách đưa thông tin đến người tiếp nhận có thể kiểm soát, điều khiển được nhận thức, cảm xúc, hành vi của người đó. Ở nước ta, theo thống kê đến tháng 02/2022, có 76.95 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78,1% dân số, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên, trong đó người dùng Facebook là 70.4 triệu người. Theo đó, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng cơ chế này và đặc tính của mạng xã hội để thao túng, kiểm soát tâm trí con người. Thủ đoạn “thao túng tâm lý” được các thế lực thù địch, phản động tiến hành bằng nhiều cách khác nhau nhằm thực hiện mưu đồ “đen tối” của chúng. Có thể chỉ ra một số biểu hiện của thủ đoạn “thao túng tâm lý” mà các thế lực thù địch, phản động đã và đang tiến hành, như:

Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt. Thông qua các trang web, blog, các trang mạng xã hội facebook, youtube…, diễn đàn, báo điện tử, chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc là thanh trừng nội bộ, là chuẩn bị ghế nhân sự cho đại hội Đảng hòng hạ bệ uy tín của cán bộ, phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân. Không những thế, chúng còn tạo lập các trang blog để thu hút lượng truy cập, như “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Ba Sàm”, “Chân dung quyền lực”, “Tạp chí sự thật”, “Lỗi hệ thống”… thường xuyên dựng chuyện, thổi phồng những sai lầm, thiếu sót của một số cán bộ, đảng viên, qua đó gây hoang mang, tạo bức xúc trong dư luận xã hội, kích động người dân gây mất an ninh, trật tự. Các đối tượng thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”.

Giả mạo thông tin. Chúng lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các website giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội…; qua đó đưa tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm. Lợi dụng những nền tảng, ứng dụng xã hội có nhiều người tham gia, chúng cố tình giả mạo, bịa đặt thông tin, nhằm vu cáo, bôi nhọ, hạ uy tín của một số đồng chí lãnh đạo, đưa tin kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ, bôi xấu hình ảnh đất nước, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên tổ chức đăng tải, tán phát các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video phỏng vấn theo hướng kích động những nhân sĩ, trí thức trong nước có quan điểm trái chiều, phản động…. Chúng tung lên các trang mạng đủ loại thông tin giả mạo, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chế độ ta, Đảng ta. Họ phát tán nhiều tài liệu kích động phản đối đường lối, chủ trường, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trên internet xuất hiện nhiều trang mạng núp bóng "truyền thông xã hội", đưa tin, giật tít rầm rộ nhưng chỉ là những thông tin mang tính chủ quan cá nhân, thông tin không đúng sự thật.

Định hướng, dẫn dắt thông tin. Chúng sử dụng các website, dịch vụ thư điện tử (e-mail) và các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Twitter, Youtube, TikTok, MySpace... để đưa thông tin, định hướng, dẫn dắt thông tin. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Cùng với đó là những phân tích, bình luận tưởng như khách quan tạo ra “bẫy thông tin” khiến người tiếp nhận dễ bị “mắc mưu”, bị dẫn dắt theo mưu đồ “xấu xa” của chúng.

Tung tin đồn, gây kích động, chia rẽ. Lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, tranh chấp Biển Đông, ô nhiễm môi trường, hay những vấn đề liên quan đến công tác cứu trợ bão lụt, công tác phòng chống covid 19, công tác chống tham nhũng, cải cách hành chính… chúng tung tin thất thiệt trên các trang mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận, tạo nên sự hiểu nhầm của người dân, sự hoài nghi vào cấp ủy, chính quyền các cấp. Các tin đồn tác động mạnh vào mặt tâm lý, kích động những nhóm đối tượng thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ để tạo sức mạnh chống phá. Chúng sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Các thế lực thù địch tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng kêu gọi “cách mạng màu trực tuyến” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối tạo ra hiệu ứng đám đông, người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối, những người lập trường tư tưởng không vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.

2. Tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý” đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân

“Thao túng tâm lý” là thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta một cách gián tiếp, thông qua lĩnh vực tâm lý xã hội. Bằng cách đánh vào lòng người nhằm làm “mục ruỗng” tâm lý xã hội, “đảo lộn” đời sống tâm lý, tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng cơ chế thao túng, kiểm soát tâm lý con người và đặc tính của mạng xã hội để hiện thực hóa mục tiêu “đen tối” đó. Với những biểu hiện trên, thủ đoạn “thao túng tâm lý” tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Một là, tác động đến nhận thức, quan điểm, lập trường chính trị. Do triệt để lợi dụng tính tò mò, tâm lý “thích giật gân” và các quy luật thuần tâm lý như: cảm nhiễm, a dua, ám thị, bắt chước…, thủ đoạn thao túng tâm lý dễ tác động đến nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt đến “dồn dập”, những phân tích, bình luận xuất hiện như “nấm mọc sau mưa” dễ đưa người ta vào trạng thái hỗn loạn thông tin. Trạng thái đó khiến nhận thức của con người có thể đi từ phân vân, đắn đo đến hoài nghi, mơ hồ, từ đó làm “xói mòn” quan điểm, lập trường chính trị. Điều nguy hiểm ở đây là khi cá nhân rơi vào trạng thái “mơ hồ về nhận thức chính trị” sẽ khó lòng phân biệt được thật, giả; đúng, sai. Đó là trạng thái ý thức thuận lợi cho việc xâm nhập những quan điểm chính trị lệch lạc, sai trái, phản động. Thực tế cho thấy, dưới tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”, một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh đã rơi vào trạng thái “mơ hồ về nhận thức chính trị”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trở thành các phần tử cơ hội chính trị, thậm chí “quay xe” chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Hai là, tác động đến cảm xúc, thái độ và niềm tin. Thông tin xuyên tạc, bịa đặt thường liên quan trực tiếp đến nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của người dân và triệt lợi dụng tác động của dư luận xã hội nên thủ đoạn “thao túng tâm lý” dễ tác động đến cảm xúc, thái độ và niềm tin của quần chúng nhân dân. Những thông tin xấu độc, xuyên tạc, những tin đồn thất thiệt dễ gây nên cảm xúc tiêu cực, ảnh thưởng đến thái độ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị. Dưới tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”, thái độ của con người có thể chuyển biến từ hoài nghi, hoang mang, dao động đến bất bình, phẫn nộ, phản đối, thậm chí là chống đối, bất hợp tác, mất niềm tin. Thực tế cho thấy, đã có những người do nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, từ đó bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế để làm việc phục vụ cho mưu đồ của chúng. Lợi dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch đã phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động một bộ phận nhân dân tiến hành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.

Ba là, tác động đến hành vi, hành động. Khi đã kiểm soát được nhận thức, cảm xúc, thái độ, thủ đoạn “thao túng tâm lý” còn trực tiếp kích thích, thúc đẩy những hành vi, hành động tiêu cực của con người. Các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tổ chức đăng tải, tán phát các thông tin, tài liệu, hình ảnh, video phỏng vấn theo hướng kích động những nhân sĩ, trí thức trong nước có quan điểm trái chiều, phản động. Đối với quần chúng nhân dân, chúng triệt để lợi dụng bộ phận do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, mua chuộc, nhất là dân tộc ít người, đồng bào tôn giáo nhẹ dạ, cả tin bị chúng kích động, lừa gạt, thúc ép buộc phải tham gia các cuộc tụ tập gây rối, biểu tình, tạo thành lực "lượng đối trọng”, gây áp lực với hệ thống chính trị các cấp; nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương trên phạm vi cả nước; đòi tự do lập hội để đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp lực lượng, thành lập các hội, nhóm bất hợp pháp.

Với những tác động trên, “thao túng tâm lý” là một thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng hết sức tinh vi, thâm độc và nguy hiểm. Tính chất tinh vi và xảo quyệt của thủ đoạn này chính là không trực tiếp xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng mà gián tiếp thông qua đời sống tâm lý xã hội. Về mặt triết học, hệ tư tưởng và tâm lý xã hội tuy là hai trình độ, hai phương thức phản ánh khác nhau của ý thức xã hội, nhưng chúng có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Cả hai đều có nguồn gốc từ tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội. Nhưng trong đó, tâm lý xã hội tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây trở ngại cho sự hình thành, sự truyền bá, sự tiếp thu của con người đối với một hệ tư tưởng nhất định. Tâm lý xã hội, với sự sinh động phong phú của đời sống thực tiễn sẽ giúp cho hệ tư tưởng bớt xơ cứng, giảm sai lầm. Theo đó, khi tâm lý xã hội bị “mục ruỗng”, “đảo lộn” thì ảnh hưởng to lớn đến hệ tư tưởng, thậm chí “kéo sập” cả hệ tư tưởng. Đó chính là mục tiêu cuối cùng của thủ đoạn “thao túng tâm lý”. Tính chất thâm độc và nguy hiểm của thủ đoạn này còn thể hiện ở chỗ: so với hệ tư tưởng, tâm lý xã hội là lĩnh vực dễ “tổn thương”, “mềm” hơn so với hệ tư tưởng. Vì vậy, tác động vào tâm lý xã hội dễ “che đậy” hơn, dễ “thay đổi” hơn, theo đó là khó nhận biết hơn, hiệu quả cao hơn.

Mọi cách thức tiến hành “thao túng tâm lý” đều “hội tụ” ở điểm cuối cùng là nhằm thực hiện mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch, phản động. Bằng nhiều chiêu trò, cách thức khác nhau, ẩn dưới những ngôn từ hào nhoáng, những “viên đạn thông tin bọc đường” là các mưu đồ chính trị đen tối, phản nhân văn. Xét đến cùng, mục tiêu của thủ đoạn “thao túng tâm lý” là gieo rắc sự hỗn loạn, sự hoài nghi, sự bi quan, mất phương hướng chính trị... vào cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Như vậy, mục tiêu của thủ đoạn “thao túng tâm lý” dù xem xét dưới góc độ nào: tâm lý hay chính trị, trước mắt hay lâu dài, ngấm ngầm hay công khai đều mang tính chất phản nhân văn, đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của con người. Thực chất đó là một trong những thủ đoạn của cuộc chiến tranh tâm lý, cuộc chiến chống lại con người, cuộc chiến phản nhân văn.

3. Giải pháp phòng chống thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch hiện nay

“Thao túng tâm lý” là thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Thủ đoạn này diễn ra trên phạm vi rộng, “len lỏi” vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ đến tâm lý, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Do đó, để phòng chống có hiệu quả thủ đoạn này, cần phải có hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trên cơ sở nghiên cứu những biểu hiện, tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”, có thể đề xuất một số giải pháp tâm lý - xã hội thể phòng chống thủ đoạn này như sau:

Thứ nhất, xây dựng sự “vững vàng tâm lý” cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước các tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý”.

“Vững vàng tâm lý” là một trong những phẩm chất chính trị tư tưởng, phẩm chất tâm lý quan trọng để vô hiệu hoá và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch, phản động. Với cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, đó là yếu tố bên trong để tránh sự “thao túng tâm lý”. “Vững vàng tâm lý” thể hiện ở kiến thức, quan điểm và niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ; là khả năng vững vàng, nhất quán, nhạy cảm kịp thời nhận diện, phản bác thông tin xấu độc, bịa đặt, thủ đoạn tuyên truyền chính trị của kẻ thù; khả năng nắm vững quan điểm chính trị trong ứng xử các vấn đề xã hội. “Vừng vàng tâm lý” hoàn toàn khác với các hiện tượng “đứng ngoài chính trị”, “thờ ơ chính trị”.

Trong “vững vàng tâm lý”, cần phải hình thành “tâm lí đối kháng” và “tâm thế chống trả” với những âm mưu, thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch, phản động.  Đây là điều kiện tiên quyết để phòng chống thủ đoạn “thao túng tâm lý” trong điều kiện hiện nay. Trong hoàn cảnh vừa có đấu tranh vừa có hợp tác, thật không dễ phân biệt đâu là những động cơ chân thành cùng nhau đạt tới tiến bộ, phát triển, phồn vinh, vì lợi ích chung, đâu là những ý đồ không lành mạnh, những mưu ma chước quỷ nhân danh mọi điều tốt đẹp để truyền bá quan điểm, tư tưởng, lối sống tiêu cực, xấu độc nhằm lung lạc ý thức hệ, lôi kéo mua chuộc làm biến chất con người. Nhưng sự phân biệt này lại rất cần thiết để không rơi vào “đa nghi Tào tháo” đóng cửa giữ mình, đồng thời lại không mơ hồ, mất hết cảnh giác chính trị, trở thành trò chơi và tù binh tư tưởng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị .

Với thủ đoạn “thao túng tâm lý”, các thế lực thù địch luôn tiến công vào những nơi mà ý thức của con người mù mờ nhất, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tâm lý xã hội và tâm lý cá nhân, đánh vào những nhu cầu, mong muốn, ước vọng không được thoả mãn của con người. Do đó, để có được sự “vững vàng tâm lí”, cần hạn chế, thu hẹp đến mức nhỏ nhất những “mảnh đất màu mỡ” cho thủ đoạn này. Không tích cực ngăn chặn, bài trừ tệ nạn và tiêu cực xã hội, làm lành mạnh môi trường xã hội hiện nay, thì các nọc độc “thao túng tâm lý” sẽ lan truyền hết sức nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho thế lực thù địch, phản động lợi dụng, reo rắc sự hoài nghi, sự dao động, hoang mang, bi quan, mất niềm tin. Chúng đang chờ đợi quá trình “tự tha hoá”, “tự biến chất”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tiếp tục gia tăng những tác động “thao túng tâm lý”. Khắc phục nhanh hay chậm sự nhức nhối này có ảnh hưởng quyết định đến niềm tin của dân vào Đảng, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, quyết định đến hình thành, củng cố sự “vững vàng tâm lý”. Trên thực tế: “Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”[1].

Việc xây dựng các phong trào quần chúng ở cơ sở, tích cực tuyên truyền gương người tốt việc tốt, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh ở các đường phố, xóm, thôn, trường học, đơn vị quân đội có ý nghĩa quan trọng, tạo ra sự “vững vàng tâm lý”. Thật là nghịch lí khi biết bao phong trào tích cực của quần chúng, biết bao con người đang lao động quên mình chưa được tuyên truyền cổ vũ đẩy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi những thông tin tự phát về tiêu cực, về tệ nạn xã hội lại ra sức lấn át. Nhiệm vụ quan trọng của các cấp từ Trung ương đến cơ sở là phải khơi dậy mạnh mẽ các phong trào trong quần chúng, thay đổi phương thức hoạt động cho phù hợp, ra sức tạo được những phong trào mới, đặc biệt là trong thanh, thiếu niên.

Thứ hai, chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng, kiểm soát thông tin và định hướng dư luận xã hội

Việc chậm trễ thông tin và sự thiếu chủ động trong việc định hướng dư luận xã hội đã làm cho nhân dân có những biểu hiện bất lợi về tâm lý, tư tưởng; ở mức độ đơn giản là nảy sinh những đồn đoán tùy tiện, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân vào luật pháp, vào Đảng, chế độ và chính quyền; ở mức độ phức tạp còn làm cho một số người có thái độ ngờ vực, thậm chí thay đổi về quan điểm chính trị. Mặt khác, sự chậm trễ về thông tin còn bị coi là “bưng bít thông tin”, “tước đi quyền được thông tin” của người dân. Bởi vậy, để chủ động hơn nữa về thông tin, trước hết cần có sự thay đổi về nhận thức. Những sự kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... nhất là những sự kiện lớn và nhạy cảm, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, cần được thông tin cho công chúng và định hướng suy nghĩ, hành động của công chúng một cách kịp thời, hiệu quả. Thông tin sớm, chính xác, minh bạch không hề làm giảm đi vai trò của người cung cấp thông tin (cá nhân, hay tổ chức) và người được cung cấp thông tin, được quyền chuyển tải thông tin ra công chúng (các cơ quan quản lý báo chí và các tờ báo đã được cấp phép hoạt động); trái lại, nó càng làm tăng giá trị của thông tin, càng sớm định hướng dư luận xã hội theo hướng có lợi cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ngược lại, nếu thông tin chậm, định hướng dư luận xã hội chậm thì đó thường là kẽ hở để các thế lực thù địch sử dụng “thao túng tâm lý”,  “phản tuyên truyền” nhằm “lái” suy nghĩ và hành động của công chúng sang một hướng khác có lợi cho chúng để tăng hiệu quả chống phá ta về chính trị, tư tưởng. Nói cách khác, thiếu chủ động về thông tin và định hướng dư luận xã hội thì xem như chúng ta đã nhường quyền thông tin cho kẻ địch.

Tuy vậy, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ mục đích chính trị, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân. Sự chủ động trong vấn đề này đòi hỏi người được cung cấp thông tin và đưa thông tin (báo chí) phải tìm mọi cách tiếp cận nguồn tin, khai thác tin; tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phải tạo mọi điều kiện cho báo chí, để sao cho thông tin chính thống đến với nhân dân càng sớm càng tốt. Với những vấn đề, sự kiện nhạy cảm, phức tạp thì bên cạnh việc đưa tin phải chú trọng công tác truyên truyền, giáo dục nhằm định hướng suy nghĩ, thái độ và hành động của nhân dân, ngăn ngừa ngay từ đầu các hành động tuyên truyền mang dụng ý xấu của các phần tử chống phá cách mạng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm soát, quản lý thông tin, phòng chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người sử dụng mạng khi cung cấp, sử dụng thông tin trên không gian mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng để cùng chung tay xây dựng không gian mạng lành mạnh, an toàn. Nghiên cứu, có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng.

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Ngày nay, khi mà mục tiêu đầu độc và chiếm lĩnh tâm hồn con người đang và sẽ là mục tiêu chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động khi tiến hành thủ đoạn “thao túng tâm lý” thì việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Môi trường văn hoá lành mạnh đủ sức chống lại những tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý” cần phải đáp ứng được những yêu cầu sau: Thường xuyên có tác động tích cực tới các thành viên; tạo được những rung động, những trạng thái cảm xúc tích cực ở từng thành viên của cộng đồng; nâng cao nhận thức về văn hoá nghệ thuật cho mọi thành viên, xây dựng lòng tự hào của mỗi người về nền văn hoá truyền thống của dân tộc, làm cho họ biết cảm nhận, phê phán rõ ràng, biết hướng theo những thái độ, hành vi có văn hoá, lên án, loại bỏ những thái độ, hành vi thiếu văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hoạt động chung, phán xét nghiêm túc, rõ ràng với các yếu tố văn hoá ngoại lai, tiếp thu chọn lọc các yếu tố đó. Khắc phục mặc cảm tự ti về văn hoá dân tộc, các thiên hướng sùng ngoại và bắt chước một cách lố bịch mọi yếu tố văn hoá phương Tây.

Trên cơ sở những yêu cầu về môi trường văn hoá cần tiến hành xây dựng: Hệ thống các chuẩn mực giá trị văn hoá, trong đó các nhân tố dân tộc, giai cấp, nhân loại hoà quyện nhau, tạo nên nhiều tầng văn hoá; tích cực hoá các quan hệ người- người trong từng cộng đồng xã hội, làm cho các quan hệ này luôn thấm đợm tinh thần nhân văn sâu sắc. “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân; xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước”[2].

Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh để chống lại những tác động của thủ đoạn “thao túng tâm lý” là một vấn đề phức tạp trong bối cảnh giao lưu văn hoá sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ không thể đạt được hiệu quả nếu chúng ta thụ động, xuôi chiều hoặc lại đóng cửa, khép kín. Cần nghiên cứu một cách đầy đủ về môi trường văn hoá và hiểu rõ các nội dung của nó khi đó mới có thể tạo dựng được một môi trường văn hoá lành mạnh.

Thứ tư, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vốn quý giá, là cẩm nang thần kì, là thẻ căn cước đáng tin cậy để chúng ta có thể hội nhập mà không bị hoà tan. Nó là chất liệu tốt để mỗi người Việt Nam có khả năng miễn dịch, “vững vàng tâm lý” trước những thông tin xấu độc trong thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch, phản động.

Yêu cầu của giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là: Giữ gìn và phát huy những giá trị tiêu biểu của văn hoá dân tộc, nhằm chống lại sự xâm thực, đồng hoá của văn hoá ngoại lai; kế thừa và phát triển những truyền thống tốt, tích cực có tác dụng đối với xã hội và thế hệ trẻ; kiên quyết đấu tranh với xu hướng coi nhẹ truyền thống, phủ nhận quá khứ để gieo rắc lối sống tư sản thực dụng vào thanh niên; đổi mới nội dung giáo dục truyền thống cách mạng trong tình hình hiện nay. Ngoài những giá trị của truyền thống tốt đẹp phản chiếu rất rõ cốt cách, bản lĩnh độc đáo cũng như đạo lí sống của con người Việt Nam như: Tinh thần yêu nước thương nòi, quý trọng độc lập tự do, ý chí quật cường, tinh thần nghĩa hiệp thuỷ chung, cần xây dựng những giá trị mới phù hợp với thời đại hội nhập, phát triển. “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”[3].

Trong điều kiện hiện nay, việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc tạo ra một động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo sức mạnh nội sinh phòng chống có hiệu quả tác động xấu độc của thủ đoạn “thao túng tâm lý” của các thế lực thù địch, phản động./.

Lưu Trung Tình

#SQCT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1. Hoàng Đình Châu (2008), Những vấn đề tâm lý để phát huy nhân tố con người trong chiến tranh hiện đại, Nxb QĐND, Hà Nội.

          2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội.

          3. Bài phát biểu của Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, Hà Nội.

          4. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội

          5. Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự (2020), Phòng, chống “Diễn biến hòa bình” ở Việt Nam trong tình hình mới, Nxb QĐND, Hà Nội.



[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb CTQGST, Hà Nội, tr.14.

[2] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

[3] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

1 nhận xét:

  1. Để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cần nhận diện được những biểu hiện thủ đoạn “thao túng tâm lý”; từ đó có các giải pháp đấu tranh phù hợp

    Trả lờiXóa