VỀ CÁI GỌI LÀ “ĐÀI CHÂU Á TỰ DO” (RFA)
Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vào những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội coi đây là thời cơ thuận lợi để thúc đẩy chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tấn công toàn diện vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại với tham vọng loại bỏ chủ nghĩa xã hội hiện thực khỏi đời sống chính trị thế giới như cựu tổng thống Mỹ R.Ních-xơn từng tuyên bố năm 1999 - “chiến thắng không cần chiến tranh”. Trong cuộc chiến mới, kẻ thù sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, lực lượng và phương tiện mới tấn công trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để làm chuyển hóa chế độ chính trị các nước xã hội chủ nghĩa theo hướng tư bản chủ nghĩa, thực hiện phương châm “không đánh mà thắng”. Một trong nhưng phương tiện mà các thế lực thù địch sử dụng đó là các đài Việt ngữ có trụ sở ở nước ngoài, trong đó có đài RFA (Radio Free Asia - Đài Châu Á tự do). Chúng sử dụng RFA như một công cụ hữu dụng để tuyên truyền xuyên tạc những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động tư tưởng chống phá cách mạng của các thế lực phản động lưu vong cũng như các thế lực phản động trong nước.
Ngược dòng lịch sử, khi nói tới chế độ độc tài phát xít dưới thời Đức Quốc
xã, mọi người hẳn còn nhớ tới bộ máy tuyên truyền đầy mị dân với người đứng đầu
là Paul Joseph Goebbels
- Bộ trưởng Bộ Thông tin quần chúng và Tuyên truyền (được thành lập vào
tháng 3 năm 1933). Bộ máy tuyên truyền đội dưới cái ô văn hóa này đã gần như
kiểm soát toàn bộ đời sống thông tin công cộng của nước Đức. Goebbels đã từng
nói rằng: “Một sự việc dầu sai, không
đúng sự thật nhưng chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần, lúc đầu dân không
nghe, còn bán tín bán nghi, nhưng nhắc mãi thì dân tin đó là sự thật”.
Đài RFA không những “kế thừa” tư tưởng của bọn phát xít
mà còn biến hoá trong thời đại thông tin điện tử toàn cầu một cách tinh vi, thủ
thuật ngày càng đa dạng. Chúng thường xuyên đưa tin theo kiểu “tung hỏa mù”, xuyên
tạc, bóp méo thông tin, dựng chuyện, để bội nhọ chính phủ và dân tộc Việt Nam.
Tại sao đài RFA lại có kiểu đưa tin hằn học như vậy?
Đài RFA (Radio Free Asia) được thành lập trong thời gian
Chiến tranh lạnh (năm 1950), dưới sự quản lý của CIA (Central Intelligence Agency - Cơ quan Tình báo trung
ương), với mục tiêu chính là tuyên truyền đường lối của Mỹ
bằng tiếng địa phương đến các quốc gia mà Mỹ xem là kẻ thù. Đến năm
1971 CIA chuyển quyền điều hành đài RFA sang cơ quan có tên là BIB (Board
of International Broadcasting - Ban Phát thanh truyền hình quốc tế) do tổng
thống Mỹ bổ nhiệm và chỉ đạo.
Đến năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật truyền
thông quốc tế, và RFA chính thức trở thành một công ty tư nhân, bất vụ lợi. Tuy
trên danh nghĩa là một công ty tư nhân, nhưng ngân sách của RFA lại được Quốc
hội Mỹ tài trợ dưới sự phân phối của Hội đồng quản trị truyền thông hay
BBG (Broadcasting Board of Governors). Hiện nay, RFA phát thanh 9 thứ tiếng qua
làn sóng ngắn và internet đến các nước như: Trung Quốc, Mianma, Lào, Campuchia,
Việt Nam, và CHDCND Triều Tiên.
Bộ phận phát thanh tiếng Việt của RFA mà nhân sự chủ
yếu là những người của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũ và “hậu duệ” của họ được Mỹ
đào tạo thành những “chiến binh” trên mặt trận truyền thông, phục vụ cho quyền
lợi của Mỹ. Cho nên các “chiến binh” này vẫn còn mang trong đầu tư tưởng chống
chính quyền hiện tại ở Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vì được Mỹ đào tạo
nên RFA có vẻ “nhà nghề” hơn rất nhiều so với các đài Việt ngữ non nớt khác do
các nhóm người Việt ở Mỹ điều hành. RFA cố gắng tỏ ra có vẻ chuyên nghiệp hơn,
như có cử phóng viên về Việt Nam “khảo sát” các địa điểm được gọi là đang nóng
“lấy tin” và “xào nấu, pha trộn”. Với lối làm truyền thông theo kiểu Chiến
tranh lạnh đã được “gom góp” cả mấy chục năm, không ngạc nhiên khi phần lớn các
chương trình phát thanh của RFA hoàn toàn tập trung vào mục tiêu gây bất ổn
định cho Việt Nam. Có thể kể ra một số vụ việc trong thời gian vừa qua mà RFA lợi dụng
vào đó để chống phá chế độ ta như: vụ đất đai ở Tiên Lãng, Văn Giang, bô xít ở
Tây Nguyên, vụ dân đánh bắt cá bị Trung Quốc bắt tịch thu tàu…, và rất
nhiều vấn đề khác nữa đã và đang được RFA coi như những “nguồn thực phẩm quý”
để “xào nấu”. Nhưng vấn đề mà RFA đặc biệt chú trọng khai thác đó chính là
vấn đề “tự do - dân chủ - tôn giáo”. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là ở
chỗ ngôn từ mà RFA sử dụng là ngôn từ thông dụng mà báo chí trong nước
thường dùng, nghe có vẻ “chính thống” và luôn biết “đổi màu” theo hoàn
cảnh.
Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã
có nhiều thay đổi, cục diện thế giới có nhiều biến động nên RFA cũng đã điều
chỉnh “liều lượng đầu độc” trên mặt trận truyền thông cho hợp
lý. Các “khách mời” thường xuyên được “ưu ái” của RFA là những
tổ chức khủng bố, những tổ chức chống cộng cực đoan chống phá Việt Nam
trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, đó là những thành phần lưu manh và
cơ hội chính trị, trục lợi, những kẻ ăn bám xã hội Mỹ, được dán những
cái mác bóng bẩy - “nhà dân chủ”, “nhà nhân quyền”… như Võ
Văn Ái, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Đình Thắng, Trần Khuê,
Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Đỗ Nam Hải,
v.v… Các vị “khách mời” này sẽ được RFA phỏng vấn và đưa ra những nhận định méo
mó về tình hình đất nước, bình luận dự báo bi đát về tình hình ở Việt Nam
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Rất dễ nhận thấy rằng, ngay trong lời nói và hành động, RFA đã
có sự mâu thuẫn, thiếu trung thực và đúng là “tiền hậu bất nhất”. Trong khi họ đang
làm những việc tuyên truyền chống phá, nói xấu Việt Nam, đặt điều, vu khống
Việt Nam không có tự do báo chí, vì tất cả các cơ sở truyền thông đều do Nhà
nước quản lý, thì cũng chính họ lại cao giọng rằng nước Mỹ có
nền báo chí tự do nhất thế giới, rằng nước Mỹ không bao giờ kiểm soát báo
chí. Trên thực tế, nếu mới nghe qua và không hiểu cặn kẽ thì mọi người sẽ rất
dễ bị những luận điệu kiểu như thế này của RFA đánh lừa. Đúng là ở Mỹ có
nhiều đài báo tư nhân, nhưng đài báo phản ánh quyền lợi của các công ty
tài phiệt, nhóm chính trị tài phiệt. Mà quyền lợi của các các công ty tài phiệt
cũng chính là quyền lợi của chính phủ của Mỹ. Vậy thì liệu có phải “nước Mỹ có
nền báo chí tự do nhất thế giới”?
Thực ra, mục đích hoạt động của RFA và các đài tư nhân
khác trên đất Mỹ cũng đều là phục vụ cho chính sách tuyên truyền của Mỹ
và các thế lực chống cộng - sản phẩm của chế độ Sài Gòn cũ. Nhận định về vai
trò và cách làm việc của RFA, Catharin Dalpino thuộc Brookings Institution,
người từng giữ chức phó thứ trưởng phụ trách nhân quyền trong Bộ ngoại giao
dưới thời Clinton, gọi RFA là “một
sự phí tiền”. Bà Dalpino viết rằng: “Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy có một kẻ
thù ý thức hệ, chúng ta thành lập một cơ sở phát thanh với cái tên Đài Tự Do
Cái Gì Đó…”. Bà Dalpino từng duyệt qua các chương trình phát thanh của RFA và
cho rằng đài này thiếu khách quan - “Họ nghiêng nặng về các bản tin và báo cáo
của những người bất đồng chính kiến, những tổ chức phản động lưu vong. Nó chẳng
có tin gì từ trong nước”.
Trước đây, bài học về vũ khí huỷ diệt phát hiện tại Iraq đã làm giới truyền thông Mỹ phải xấu hổ. Tháng 5-2004, tờ New York Times, đã đăng lời cáo lỗi độc giả do đã thông tin sai lệch về vũ khí huỷ diệt của Iraq. Tờ báo vẫn được coi là có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên toàn nước Mỹ thú nhận rằng, chính phủ Mỹ đã gây áp lực khiến họ phải đăng tải những cáo buộc vô căn cứ nhằm biện minh cho cuộc chiến tranh Iraq. Vào thời điểm đó, không chỉ riêng New York Times, hàng loạt các tờ báo đã đăng tải thông tin dối trá này để làm người dân Mỹ ủng hộ một cuộc chiến tranh tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Và sau đó, kịch bản này lại được lặp lại khi mà nước Mỹ đã viện cớ “chính phủ Sirya sử dụng vũ khí hóa học giết hại nhiều dân thường” để can thiệp quân sự vào nước này.
Thông tin đăng tải trên báo chí được chuyển đến rất nhiều
người và có thể gây ra những tác động xã hội to lớn. Dù được chọn để trở thành
những người đưa thông tin đúng sự thật, nhiều phương tiện truyền thông đã bỏ
qua đạo đức nghề nghiệp để trở thành công cụ phục vụ cho những mưu toan chính
trị. Sự thật sẽ được phơi bày nhưng dưới những ngòi bút bị bóp méo, hậu quả
khôn lường xảy ra mà không thể kiểm soát mới là điều đáng
nói. Hành động chống phá, gây mất ổn định đối với
Việt Nam của đài RFA trong thời gian dài, cho dù được núp dưới chiêu
bài thời thượng là “dân chủ - nhân quyền - tôn giáo”, cũng chẳng nằm ngoài mục
tiêu chống phá của Mỹ và các thế lực thù địch. Trong thời đại thông tin toàn
cầu như hiện nay, thiết nghĩ, mỗi độc giả phải tự tạo được cho mình những “màng
lọc” để tiếp nhận thông tin một cách chính xác và khách quan. Trên cơ sở đó có
nhận thức đúng đắn đối với các quan điểm, đường lối của Đảng, đấu tranh có hiệu
quả làm thất bại âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù
địch, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyễn Thành Long
Việc chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” cần có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và của quần chúng nhân dân.
Trả lờiXóa