NHẬN THỨC VỀ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA KINH TẾ NHÀ NƯỚC THEO TINH THẦN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nhĩa xã hội, Đảng ta lựa chọn mô hình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nên có những hướng phát triển khác nhau. Để đảm bảo nền kinh tế thị trường phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta xác định kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo. Đây là quan điểm thống nhất, xuyên suốt của Đảng từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Quan điểm này được nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc và hoàn thiện hơn qua các kỳ Đại hội của Đảng. Bài viết tập trung phân tích nhận thức về kinh tế nhà nước, nội dung, tiêu chí đánh giá, sự cần thiết và thực trạng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Từ đó, tác giả khuyến nghị một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong thời gian tới.
Bắt đầu công cuộc đổi mới (1986) cho đến 10 năm sau, bộ phận kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước trực tiếp quản lý kinh doanh được gọi là kinh tế quốc doanh (KTQD). Văn kiện Đại hội VI (1986) chỉ rõ: KTQD phải đổi mới cơ chế quản lý… thật sự chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa (XHCN)[1]. Văn kiện Đại hội VII (1991) viết: KTQD được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt[2]. Tại Đại hội VIII (1996) thuật ngữ KTQD đã chính thức được thay bằng thuật ngữ kinh tế nhà nước (KTNN). Văn kiện Đại hội VIII khẳng định, các thành phần kinh tế ở nước ta gồm: “kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước”[3]. Kể từ Đại hội VIII đến nay, thuật ngữ KTNN đã được Đảng ta sử dụng thống nhất trong các Văn kiện Đại hội và luôn xác định KTNN giữ vai trò chủ đạo. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt, ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn qua các kỳ Đại hội của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII (2021) ghi rõ: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”[4]. Việc nhận thức rõ KTNN và vai trò chủ đạo của KTNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng là vấn đề có ý nghĩa to lớn hiện nay.
1. Nhận thức về kinh tế nhà nước
Kể từ Đại hội VIII của Đảng, thuật ngữ KTNN đã được sử dụng thống nhất.
Nhưng nội hàm KTNN trải qua thời gian dài vẫn có những cách hiểu khác nhau,
chưa được xác định rõ và chưa thống nhất. Có những ý kiến đã đồng nhất KTNN với
khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Do đó, trong quá trình đổi mới, có không
ít các DNNN làm ăn không hiệu quả, thua lỗ… thì họ đã vội vàng phủ nhận vai trò
chủ đạo của KTNN. Có những ý kiến cho rằng, KTNN bao gồm cả các DNNN và các lực
lượng vật chất của Nhà nước. Có những ý kiến lại cho rằng, KTNN còn bao gồm cả
bộ máy nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động bằng ngân sách nhà nước.
Qua quá trình nhận thức cả về lý luận và thực tiễn, đến nay KTNN được hiểu
một cách thống nhất theo quan điểm của Đảng như sau:
KTNN là thành phần kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất
(dưới hình thức sở hữu toàn dân) mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Cơ cấu KTNN
bao gồm: các doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước, các
quỹ dự trữ quốc gia, các quỹ bảo hiểm nhà nước và các tài sản thuộc sở hữu nhà
nước. Nếu KTQD chỉ bao hàm các DNNN, thì KTNN ngoài khu vực DNNN còn bao gồm
khu vực phi kinh doanh của Nhà nước (ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước,
các quỹ dự trữ quốc gia, các tài sản thuộc sở hữu nhà nước). Trong đó, DNNN là
lực lượng nòng cốt của KTNN. Như vậy, KTNN có nội hàm rộng hơn KTQD. Chúng ta cần
phải hiểu nội hàm của KTNN bao gồm hai bộ phận cấu thành: thứ nhất là bộ phận
DNNN: gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các doanh
nghiệp mà Nhà nước nắm phần chi phối; thứ hai là bộ phận phi doanh nghiệp: gồm
ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước, các quỹ dự trữ quốc gia, các tài sản
thuộc sở hữu nhà nước.
2. Nội
dung và tiêu chí đánh giá vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam
2.1. Nội
dung vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
Thuật ngữ vai trò chủ đạo có thể hiểu một cách
khái quát nhất đó là vai trò dẫn dắt, điều tiết, chi phối và có tính chất quyết
định đến sự vận động, phát triển của các hiện tượng sự vật. Vận dụng vào kinh tế,
đó chính là vai trò dẫn dắt, điều tiết, chi phối và có tính chất quyết định đến
sự vận động, phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Trên cơ sở kế thừa, phát triển
tư tưởng các kỳ Đại hội từ khi đổi mới, Đại hội XIII chỉ rõ: “Kinh tế nhà nước
là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định
hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các
khuyết tật của cơ chế thị trường”[5].
Theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi hiểu nội dung vai trò chủ đạo của
KTNN như sau:
Thứ nhất,
KTNN là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định nền
kinh tế vĩ mô.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi
hỏi phải xây dựng được một cơ cấu kinh tế hợp lý, phát triển hài hòa giữa các
ngành, các vùng, miền của đất nước. Tuân theo quy luật của thị trường, các chủ
thể kinh doanh hoạt động đều vì mục đích lợi nhuận tối đa, do đó ở đâu, khi
nào, hàng hóa nào đầu tư có lợi nhuận cao thì ở đó, khi đó các doanh nghiệp sẽ
tập trung đầu tư vào kinh doanh ở những nơi đó, những mặt hàng đó và ngược lại,
thì các doanh nghiệp sẽ bỏ kinh doanh các mặt hàng đó. Như vậy, dễ dẫn đến nguy
cơ mất cân đối nền kinh tế vĩ mô, nguy cơ sinh ra khủng hoảng, thất nghiệp, lạm
phát. Để chống lại nguy cơ đó Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế
bằng nhiều công cụ khác nhau. Trong đó lực lượng KTNN được coi là một công cụ
quan trọng để Nhà nước Việt Nam điều tiết, quản lý và ổn định nền kinh tế vĩ
mô. Điều này được thể hiện: ở đâu, vùng nào (đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa,
vùng khó khăn), khi nào, ngành nào, mặt hàng nào cần phải đầu tư phát triển mà
các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không muốn hoặc không đủ khả
năng đầu tư thì ở đó, khi đó các DNNN sẽ đứng ra đảm nhận.
Thứ hai,
KTNN là lực lượng vật chất định hướng, điều tiết, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đầu
tiên của mọi nền kinh tế nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đều nhằm
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ, nền kinh tế có tăng trưởng mới có điều kiện
để thực hiện các mục tiêu chính trị, văn hóa, xã hội. Để nền kinh tế nước ta
tăng trưởng, phát triển ổn định, cần phải có một lực lượng có sức mạnh kinh tế
làm đòn bẩy. Lực lượng đó ở nước ta ngoài KTNN ra không còn có một thành phần
kinh tế nào khác đảm nhận được. Bởi vì KTNN bao gồm cả bộ phận DNNN và bộ phận
phi doanh nghiệp, KTNN thuộc sở hữu toàn dân nắm giữ những ngành, những lĩnh vực
kinh tế then chốt, trọng yếu, là xương sống của nền kinh tế, nên nó có sức mạnh
tổng hợp vừa chi phối nền kinh tế vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng và phúc lợi
xã hội. Bộ phận DNNN có khả năng ứng dụng được những công nghệ hiện đại, những
phương pháp sản xuất tiên tiến, thu hút lực lượng lao động có trình độ cao,
luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng năng suất lao động,
nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế, làm đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế - xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ ba,
KTNN tạo điều kiện, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát
triển và xây dựng nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Do sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật
và công nghệ, làm xuất hiện những ngành, lĩnh vực kinh tế mới có vai trò quan
trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng các lĩnh vực này lại cần
nhiều vốn đầu tư, sinh lời thấp, thu hồi vốn chậm, có hàm lượng khoa học cao,
nên các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư hoặc
không đủ sức đầu tư, thì DNNN tất yếu phải đảm nhận để đảm bảo cho các thành phần
kinh tế và cả nền kinh tế cùng phát triển. Khi các doanh nghiệp thuộc các thành
phần kinh tế khác muốn và có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực đó, thì các DNNN
có thể rút khỏi, nhường chỗ cho các doanh nghiệp khác đầu tư và DNNN tiếp tục
thực hiện vai trò của mình trong việc đầu tư vào những lĩnh vực mới khác. Đây
chính là thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt của KTNN. Hơn nữa, trong nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa KTNN và các thành phần kinh tế
luôn có mối quan hệ tác động qua lại nhau, vừa hợp tác vừa cạnh tranh nhau
không phải để triệt tiêu nhau mà để thúc đẩy nhau cùng phát triển. Các thành phần
kinh tế khác càng phát triển thì đóng góp vào ngân sách càng lớn, làm cho bộ phận
phi doanh nghiệp của KTNN càng mạnh. Vì vậy, KTNN càng tạo điều kiện, mở đường,
thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển. Sự phát triển năng động, hiệu
quả của khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng là nhân tố thúc đẩy khu vực KTNN
phát triển hơn.
Thứ tư,
KTNN là công cụ quan trọng để Nhà nước chống lại các khuyết tật của cơ chế thị
trường.
Nền kinh tế
thị trường là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, mà cơ chế thị trường
mặc dù “đem lại những điều kỳ diệu xung quanh ta”, nhưng cơ chế thị trường cũng
nảy sinh không ít những mặt khuyết tật, như: xu hướng xuất hiện độc quyền tư
nhân (gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội); tăng ô nhiễm môi trường;
không tránh khỏi khủng hoảng, thất nghiệp, lạm phát; phân hóa giàu nghèo,... Những
khuyết tật này là đối lập với xã hội mà Đảng và nhân dân ta chủ trương xây dựng.
Vì vậy, Nhà nước phải sử dụng các công cụ hữu hiệu để khắc phục những khuyết tật
của cơ chế thị trường, trong đó có công cụ quan trọng nhất là KTNN. Nhà nước sử
dụng KTNN để chống lại xu hướng phát triển độc quyền tư nhân; kiểm soát, điều
tiết cả quá trình sản xuất và lưu thông, thúc đẩy các loại thị trường phát triển,
tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng thu ngân sách. KTNN còn đi đầu trong phát triển
kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các
vùng, miền; nâng cao mức sống của những tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, tạo sự
công bằng xã hội; điều hòa cung cầu tiền tệ trên thị trường nhằm kiềm chế lạm
phát, chống khủng hoảng, thất nghiệp. KTNN vừa đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa đi đầu trong cuộc chiến chống
đói, nghèo và tụt hậu.
Tóm lại,
trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, KTNN giữ vai
trò chủ đạo được thể hiện một cách toàn diện trên cả ba phương diện: kinh tế,
chính trị, xã hội.
2.2.
Tiêu chí đánh giá vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
Vai trò chủ đạo
của KTNN có thực hiện được hay không, được đánh giá thông qua các tiêu chí cơ bản
sau:
Một là,
kinh tế vĩ mô hoạt động ổn định, tránh được khủng hoảng, thất nghiệp và kiềm chế
được lạm phát.
KTNN nắm giữ
cả hệ thống ngân sách nhà nước, các tài sản thuộc sở hữu nhà nước,... đó chính
là sức mạnh vật chất mà Nhà nước sử dụng để chống đỡ khủng hoảng, tạo việc làm,
chống thất nghiệp, điều hòa cung cầu tiền tệ, chống lạm phát..., đó cũng chính
là công cụ quan trọng để Nhà nước chống lại những khuyết tật của cơ chế thị trường.
Do đó, nền kinh tế vĩ mô hoạt động càng ổn định và có hiệu quả; khủng hoảng
kinh tế càng được ngăn chặn; tỷ lệ lao động thất nghiệp càng thấp; lạm phát
càng được kiềm chế thì vai trò chủ đạo của KTNN càng được thể hiện.
Hai là, nền
kinh tế không ngừng tăng trưởng, phát triển.
KTNN nắm giữ
những ngành, những lĩnh vực kinh tế trọng yếu, then chốt chi phối nền kinh tế
quốc dân. KTNN lại tạo điều kiện, mở đường thúc đẩy các thành phần kinh tế khác
cùng phát triển. KTNN có khả năng ứng dụng những công nghệ hiện đại, những
phương pháp sản xuất tiên tiến để tăng năng suất lao động... Do đó, vai trò chủ
đạo của KTNN phải được thể hiện thông qua sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế càng cao biểu hiện vai trò chủ đạo của KTNN càng được
thực hiện tốt và ngược lại, nền kinh tế tăng trưởng thấp hoặc thậm trí không
tăng trưởng thể hiện vai trò chủ đạo của KTNN càng yếu kém hoặc vai trò chủ đạo
của KTNN sẽ không được thể hiện.
Ba là, các
doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động có hiệu quả.
DNNN là lực
lượng nòng cốt của KTNN, nên KTNN giữ vai trò chủ đạo thì DNNN không phải thể
hiện ở việc chiếm tỷ trọng cao về số lượng mà là phải hoạt động có chất lượng,
hiệu quả. DNNN phải phát triển thành các tập đoàn kinh tế mạnh, có khả năng cạnh
tranh trong nước và quốc tế; phải nắm giữ được những ngành, những lĩnh vực kinh
tế then chốt, trọng yếu của nền kinh tế; phải ứng dụng được những công nghệ hiện
đại, áp dụng những phương pháp quản lý tiên tiến, thu hút, sử dụng, phát huy có
hiệu quả lực lượng lao động chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động, tăng
năng lực cạnh tranh, hoạt động có năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các
hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bốn là,
thu nhập, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao và sự bất bình đẳng xã
hội phải ngày càng được thu hẹp.
KTNN giữ vai trò chủ đạo, thì phải thể hiện ở kết
quả phát triển cả về mặt xã hội, tức là thu nhập của dân cư ngày càng tăng; đời
sống vật chất của các tầng lớp dân cư phải không ngừng được cải thiện; y tế,
giáo dục, trình độ dân trí, sức khỏe, tuổi thọ của cộng đồng phải ngày càng được
nâng cao; khoảng cách chênh lệch về đời sống kinh tế, xã hội giữa các tầng lớp
dân cư, giữa các vùng, miền phải ngày càng được thu hẹp, tiến bộ và công bằng
xã hội phải ngày càng được đảm bảo.
3. Kinh tế
nhà nước giữ vai trò chủ đạo là tất yếu khách quan trong nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Cơ cấu kinh tế
nhiều thành phần là đặc trưng phổ biến của mọi nền kinh tế thị trường. Nhưng
trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam thì KTNN giữ vai trò chủ đạo đó là tất
yếu khách quan, vì những lý do như sau:
Thứ nhất, do bản chất, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa quy định.
Đại hội XIII tiếp tục khẳng định:
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của
nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường
hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh
tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng
cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn
của đất nước”[6]. Như vậy, nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu kinh tế thị trường mới
trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; là nền kinh tế vừa tuân theo
những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi
phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt:
sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Bản chất của nền kinh tế ở Việt Nam là
kinh tế thị trường, nhưng mục tiêu là đi lên chủ nghĩa xã hội. Để đảm bảo nền
kinh tế thị trường Việt Nam phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa
thì KTNN phải giữ vai trò chủ đạo. Vì KTNN là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu
toàn dân về tư liệu sản xuất, mà sở hữu toàn dân là cơ sở kinh tế của xã hội xã
hội chủ nghĩa. Vì vậy, chỉ có KTNN giữ vai trò chủ đạo thì mới có thể điều tiết,
chi phối và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, xây dựng nền
kinh tế theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Không có vai trò chủ đạo của KTNN thì
không thể nói đến định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể nói đến con đường đi
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thứ hai, vì một trong những đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa là tăng trưởng kinh tế gắn với sự tiến bộ và công bằng
xã hội.
Một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam là phải gắn tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ
và công bằng xã hội. Bởi vì thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ở nước ta “mỗi chính sách kinh tế
đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm
tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải
đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững”[7](Nguyễn
Phú Trọng, 2021). Chúng ta không phải thúc đẩy kinh tế phát triển đến trình độ
cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không thể bỏ qua sự tiến
bộ và công bằng xã hội để chạy theo sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần như nền
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế
thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách
kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ
và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá
trình phát triển. Do bản chất của chế độ công hữu, nên trong phát triển nền
kinh tế thị trường, chỉ có KTNN giữ vai trò chủ đạo thì mới có thể thực hiện được
tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện sự tiến bộ và công bằng xã hội. Bởi vì
trong KTNN, bộ phận phi doanh nghiệp thực hiện cả chức năng kinh tế, chính trị
và xã hội; bộ phận DNNN ngoài việc hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng
theo nguyên tắc của thị trường còn có chức năng đảm bảo cả về chính trị, xã hội;
đầu tư vào những ngành, những địa bàn khó khăn có ý nghĩa chính trị, xã hội to
lớn mà các thành phần kinh tế khác không muốn đầu tư.
Thứ ba, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam chỉ kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế có đủ khả năng giữ được vai trò
chủ đạo.
Như đã phân tích, KTNN là thành phần kinh tế dựa trên sở hữu toàn dân về
tư liệu sản xuất, là chế độ sở hữu phù hợp với tính xã hội hoá ngày càng cao của
lực lượng sản xuất. KTNN là khu vực kinh tế có sức mạnh về kinh tế, nắm giữ những
ngành, những lĩnh vực kinh tế then chốt, trọng yếu của nền kinh tế; nắm giữ các
lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế
- xã hội, các lĩnh vực vừa chi phối nền kinh tế vừa đảo bảo an ninh, quốc phòng
và phúc lợi xã hội. Do đó chỉ có KTNN mới là lực lượng có khả năng liên kết, tạo
điều kiện cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; là lực lượng bảo đảm
cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế, có khả năng can thiệp, điều tiết, dẫn
dắt, chi phối toàn bộ nền kinh tế nhằm hướng nền kinh tế phát triển theo mục
tiêu đã định - mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội.
4. Một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước
thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, củng cố, phát triển một số tập đoàn,
tổng công ty nhà nước mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Bộ phận DNNN phải
thực sự nắm giữ những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế. Không coi
nặng về tỷ trọng, về số lượng doanh nghiệp, mà phải chú trọng về chất lượng, áp
dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao trình độ công nghệ, nâng
cao tính hạch toán, chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh
của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Muốn vậy phải đẩy
mạnh hiệu quả công cuộc tái cấu trúc DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước.
Thứ hai, phân định rõ tính chất kinh doanh và tính chất công ích của bộ phận DNNN trong từng điều kiện, hoàn cảnh để xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Khắc phục sự mập mờ, lẫn lộn giữa nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động vì mục tiêu phi lợi nhuận. Vì sự mập mờ, không rõ ràng này là một trong những nguyên nhân sinh ra những tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí lớn vốn và tài sản của Nhà nước trong DNNN thời gian qua.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ, thoái vốn và cổ phần hóa các DNNN. Đẩy mạnh việc xử lý nợ các DNNN đúng đắn và hiệu quả, không gây thiệt hại cho Nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động thoái vốn của các DNNN ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác đầu tư kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa các DNNN, nhưng phải tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội, dễ gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.
Thứ tư, quản lý và sử dụng tốt hơn nữa bộ phận phi DNNN để KTNN thực
sự trở thành công cụ có hiệu quả hơn nữa của Nhà nước trong hỗ trợ, dẫn dắt, định
hướng phát triển doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế và trong giải
quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế. Chú
ý hơn nữa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong bộ
phận phi DNNN tinh thông nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp cao và có phẩm chất đạo
đức trong sáng. Điều đó đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng
chuyên nghiệp hóa.
Thứ năm, khẳng định KTNN giữ vai trò chủ đạo không có nghĩa là hạn
chế sự phát triển các thành phần kinh tế khác, mà ngược lại tạo điều kiện, khuyến
khích các thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng trước pháp luật. Bởi vì,
trong nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế đều có mối quan hệ tác động
qua lại nhau. Sự hoạt động hiệu quả của thành phần kinh tế ngoài nhà nước là
nhân tố thúc đẩy KTNN phát triển theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các DNNN. Thời gian qua do cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các DNNN còn sơ hở, thiếu chặt chẽ và có lúc còn buông lỏng. Hơn nữa, DNNN vừa có mục tiêu kinh tế vừa có mục tiêu chính trị, xã hội, dựa vào đó lãnh đạo doanh nghiệp dễ lợi dụng để chiếm đoạt, gây thất thoát, lãng phí lớn về vốn và tài sản nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò chủ đạo của KTNN. Vì vậy, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ đối với hoạt động của các DNNN và xử lý nghiêm, kịp thời, không có vùng cấm đối với các sai phạm của lãnh đạo DNNN và những thế lực bao che, bảo vệ cho các sai phạm đó.
Xét trên quan điểm toàn diện và phát
triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, có thể khẳng định,
KTNN là lực lượng vật chất quan trọng nhất để Nhà nước điều tiết, chi phối, dẫn
dắt, tạo môi trường, điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát
triển và hướng nền kinh tế phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Nếu xa rời quan
điểm KTNN giữ vai trò chủ đạo thì thực chất chính là xa rời định hướng xã hội
chủ nghĩa cũng như xa rời con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tiễn
phát triển đất nước với những thành quả kinh tế - xã hội to lớn trong suốt 35
năm qua là những minh chứng hùng hồn khẳng định việc Đảng ta nhất quán giữ vững
quan điểm KTNN giữ vai trò chủ đạo là duy nhất đúng trong quá trình phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để tăng cường vai
trò chủ đạo của KTNN trong những năm tới cần phải: “Đẩy nhanh việc xử lý nợ,
thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới,
nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để
nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh
nghiệp không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước[8].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm
2020, Nxb Thống kê, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ X, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
10. Nguyễn Phú Trọng, Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
ở Việt nam.
Nguyễn Văn Hoàng
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.65
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.68
[3]
Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
VIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.81
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr128,
129
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội,
tr.129
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.,
tr.128 - 129
[7]Nguyễn Phú Trọng, Chủ nghĩa xã hội và
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, https://nld.com.vn/.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
tr.133, 134.
Nếu xa rời quan điểm KTNN giữ vai trò chủ đạo thì thực chất chính là xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như xa rời con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Trả lờiXóa