Lịch sử chứng minh, khi thay đổi tư duy hay đổi mới tư duy, mỗi cá nhân hoặc một tập thể, dân tộc luôn tạo ra động lực to lớn và phương pháp mới vượt qua cản trở, thách thức, gặt hái thành công mà nếu trên nền tảng tư duy cũ khó có thể tưởng tượng được.
Câu chuyện đổi mới tư duy kinh tế
Người ta vẫn thường nghe cụm từ “Công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam”… Vậy nguồn gốc, bản chất của nó xuất phát từ đâu?
Thực tế lịch sử đầu thế kỷ XX ở Liên Xô và giữa thế kỷ XX ở Việt Nam đều cho thấy mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mà nòng cốt là thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là mô hình cực kỳ hiệu quả phục vụ cho thời kỳ chiến tranh và thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập quốc gia.
Khi miền Bắc Việt Nam đã được giải phóng khỏi sự lệ thuộc của nước ngoài, từ những năm 60 thế kỷ XX, ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú bấy giờ đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam với vai trò là nhà lãnh đạo địa phương khởi xướng đề ra văn bản triển khai khoán hộ, một hình thức kinh tế tư nhân, phát huy tiềm năng lợi ích cá nhân để thúc đẩy sản xuất phát triển, khởi đầu trong nông nghiệp. Ông nhận thấy, mô hình hợp tác xã – đang triển khai rầm rộ lúc đó – đã bắt đầu làm triệt tiêu động lực lao động, làm bần cùng hóa xã viên, khi họ những người lao động ai cũng như ai chỉ được được 2 đến 3 lạng thóc/1 công. Cơ chế kinh tế tập thể ở nông thôn lúc đó khiến cho nông nghiệp đình đốn, hợp tác xã tan rã, đời sống nông dân khó khăn, thiếu cái ăn trầm trọng.