Cách đây 400 năm, ông tổ của nền giáo dục cận đại J.Comenxki đã
từng phát biểu: "Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy
học". Có thể thấy dù trong xã hội nào, thời đại nào, người giáo viên vẫn
luôn được kính trọng và yêu mến. Giáo viên là trung tâm của Nhà trường, cũng là
nhân vật trung tâm của sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Người giáo viên có sứ mệnh thiêng liêng và cao cả. Ngoài việc
truyền bá tri thức, họ còn là tấm gương mẫu mực về nhân cách và ứng xử. Trân trọng
điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi: "Có gì vẻ vang hơn là đào tạo
những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng
sản. Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên
báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh
hùng vô danh". Ý thức được vị trí, trọng trách của mình đối với sự nghiệp
giáo dục - đào tạo mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, người giáo viên luôn
dành nhiều tâm huyết cho "sản phẩm" đặc biệt có ích cho xã hội, đáp ứng
yêu cầu đòi hỏi mới của Đất nước.
Nhận thấy rõ, sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân
Việt Nam, có công lao đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo quân đội trong các học
viện, nhà trường. Đó là những người trực tiếp tiến hành các hoạt động sư phạm,
là nhân tố trung tâm, lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo.
Thầy giáo "mặc áo lính" ngoài truyền bá tri thức còn có xứ mệnh
thiêng liêng là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối,
quan điểm của Đảng đến các học viên. Giúp các học viên hình thành thế giới quan
khoa học, phương pháp luận Mác-xít; bồi dưỡng năng lực thực hành, phẩm chất đạo
đức, lối sống, lý tưởng, tác phong công tác phù hợp với cương vị, chức trách được
giao.
"Sản phẩm" người
thầy làm ra là người sĩ quan tương lai phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo
đức trong sáng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tiên phong trên các mặt trận
tư tưởng, lý luận, quân sự, góp phần làm thất bại chiến lược "Diễn biến
hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Với "sản phẩm" làm ra như vậy,
đòi hỏi người thầy trong Quân đội không được phép sai lầm trong quy trình sản
xuất. Giáo sư Nguyễn Văn Lê từng viện dẫn: "Nếu người thợ kim hoàn làm hỏng
một đồ vàng bạc thì anh ta có thể đem ra nấu lại. Nếu một viên ngọc quý bị hư
thì có thể phá bỏ… Làm hư một con người là một tội lớn, một lỗi lầm lớn không
thể nào chuộc được". Nếu "sản phẩm" của nhà giáo quân đội mà sai
lầm sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an nguy của Đất nước, tồn vong của chế độ.
Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh dự to lớn của mình đối
với sự nghiệp dạy "chữ", dạy "người", người thầy giáo quân
đội phải thực sự là những người có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững
vàng, có trình độ cao về văn hóa, học vị, kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp; có
lối sống mẫu mực, tác phong khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển vững chắc của
Nhà trường. Trong các hoạt động sư phạm, cần kết hợp tốt giữa việc dạy chữ, dạy
nghề với dạy người; giữa trang bị tri thức, kỹ năng với hình thành thế giới
quan, nhân sinh quan khoa học. Mặt khác, bằng sự sáng tạo của người thầy, vận dụng
linh hoạt phương pháp sư phạm, khai thác tiềm năng trí tuệ tổ chức cho người học
những phương pháp học tập tích cực, hình thành các kỹ năng hoạt động, thiết thực
góp phần đào tạo đội ngũ chính trị viên tương lai có đầy đủ phẩm chất, năng lực,
hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân
cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại./.
ĐH./.
Chúng ta cần trân trọng những người thầy mang trên mình bộ đồ màu xanh này
Trả lờiXóaĐúng vậy
Xóa