Kiểm soát quyền tư
pháp là vấn đề nan giải và phức tạp cả trên góc độ lý luận và thực tiễn, điều
này xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại của bản thân đời sống xã hội và tính
đặc thù của quyền tư pháp - đó là sự độc lập trong mối quan hệ với quyền lập
pháp và hành pháp. Quyền tư pháp là quyền xét xử mà nhân dân giao cho Tòa án,
đây là quyền bảo vệ ý chí chung của quốc gia bằng việc xét xử các hành vi vi
phạm hiến pháp, pháp luật từ phía công dân và cơ quan nhà nước; cơ quan, tổ
chức và cá nhân không được can thiệp vào hoạt động của cơ quan tư pháp. Bảo vệ
pháp luật, công lý, tự do của công dân là trách nhiệm hàng đầu của tư pháp. Có
thể có nhiều cách khác nhau trong tổ chức thực thi quyền lực nhà nước nhưng tư
pháp độc lập là một trong những nguyên tắc quan trọng mang tính quyết định của
Nhà nước pháp quyền (NNPQ).
1. Quan niệm về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền.
Ngay từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại các nhà tư tưởng chính trị
- pháp lý cho rằng ở đâu có pháp luật thì ở đó phải có một hệ thống các thiết
chế nhằm đảm bảo cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh. Các thiết chế này là
hệ thống các cơ quan tư pháp. Thuật ngữ “quyền tư pháp” lần đầu tiên được xuất
hiện trong tác phẩm Tinh thần pháp luật của Montesquieu (xuất bản lần đầu vào
năm 1748). Tại quyển XI, Montesquieu đã giải thích quyền lập pháp là quyền “làm
ra luật,... sửa đổi hay hủy bỏ luật”, còn quyền hành pháp là quyền “quyết định
việc hòa hay chiến, gửi đại sứ đi các nước, thiết lập an ninh, đề phòng xâm
lược” và quyền tư pháp là quyền “trừng trị tội phạm, phân xử tranh chấp giữa
các cá nhân”(1).
Nối tiếp những tư tưởng của Mongtesquieu, trong tác phẩm Bàn
về khế ước xã hội (1762), Rousseau đã viết: “Khi người ta không thể định rõ một
tỷ lệ chính xác giữa các bộ phận cấu thành của nhà nước, hoặc khi mà những
nguyên nhân khách quan làm suy yếu không ngừng mối quan hệ giữa các bộ phận ấy,
thì người ta phải đặt một cơ quan đặc biệt, không tham dự vào bất cứ một bộ
phận nào. Cơ quan này đặt mỗi bộ phận vào đúng vị trí của nó, làm mối dây liên
lạc và yếu tố trung gian giữa Chính phủ với nhân dân, hoặc giữa Chính phủ với
cơ quan quyền lực tối cao, hoặc giữa cả ba vế ấy khi cần. Cơ quan này tôi gọi
là cơ quan tư pháp”(2). Quan niệm của Rousseau về cơ quan tư pháp cũng không có
nhiều khác biệt với Montesquieu, theo ông khi nói đến cơ quan tư pháp phải hiểu
đó là tòa án, là hoạt động xét xử của tòa án. Như vậy, cả Montesquieu và
Rousseau đều coi quyền tư pháp là quyền áp dụng các quy định của pháp
luật có liên quan để xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, hậu quả
pháp lý của các bên tham gia tranh chấp dựa trên những tình tiết khách quan của
vụ việc. Thông qua việc thực hiện quyền tư pháp, pháp luật được áp dụng, tôn
trọng và chấp hành bởi các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Nói cách khác, một
trong những “đầu vào” khi thực hiện quyền tư pháp chính là pháp luật - sản phẩm
của quyền lập pháp.
Chịu ảnh hưởng tư tưởng của các luật gia thời Khai sáng, khi
xây dựng bản Hiến pháp năm 1787, các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã quy định ở Điều
III, khoản 1 như sau: “Quyền lực tư pháp Hoa Kỳ sẽ được trao cho Toà án tối cao
và những toà án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp”.
Và hầu hết các hiến pháp của các nước tư bản như Nhật, Pháp, Đức, Thụy Điển...
sau này khi quy định về quyền tư pháp đều coi đó là hoạt động của các toà án.
Như vậy, quan niệm có tính chung nhất theo nghĩa hẹp về quyền tư pháp từ lý
thuyết đến xây dựng hiến pháp thành văn của các nước có lịch sử lập hiến lâu
năm đều được hiểu là quyền xét xử của các toà án.
Quan niệm về quyền tư pháp trong thời kỳ Khai Sáng có ảnh
hưởng lớn đến sự hình thành tư duy chính trị - pháp lý hiện đại. Theo định
nghĩa của Black’s Law Dictionary thì, quyền tư pháp (judicial power)
là “thẩm quyền được trao cho tòa án và các thẩm phán xem xét và quyết định
các vụ việc và đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các vụ
việc ấy; quyền giải thích và áp dụng pháp luật khi có tranh cãi phát sinh từ
việc một điều gì đó có phù hợp hay không phù hợp với pháp luật điều chỉnh việc
ấy”(3). Trên phương diện lý luận cũng như trong thực tiễn tổ chức hệ thống bộ
máy ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta thường xem tư pháp là một trong
những nhánh quan trọng của hệ thống quyền lực nhà nước, thường đồng nhất tư
pháp với hoạt động xét xử của tòa án. Ngày nay, ở các nước, quyền tư pháp được
nhìn nhận từ nhiều giác độ, song tựu trung, đó là quyền xét xử, là việc nhân
danh công lý giải quyết tranh chấp, giải quyết xung đột xã hội bằng việc xét
xử, thông qua thủ tục xét xử do luật định.
Ở Việt Nam, theo Từ điển Tiếng Việt thì “tư pháp” có nghĩa
là “việc xét xử các hành vi phạm pháp và các vụ kiện tụng trong nhân dân”(4).
Còn quyền tư pháp theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp)
có nghĩa là: “quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân, kinh tế, lao
động, hành chính... Quyền tư pháp được giao cho tòa án nhân dân thực hiện”(5).
Còn tác giả Võ Khánh Vinh cho rằng: “quyền tư pháp là khả năng và năng lực
riêng của các cơ quan tòa án, chiếm vị trí đặc biệt trong bộ máy nhà nước thực
hiện để tác động đến hành vi con người, đến quá trình xã hội”(6).
Ở Việt Nam, kể từ khi có Hiến pháp năm 1946 đến nay, cơ quan
xét xử là TAND các cấp, tòa án quân sự và có thể thêm tòa án đặc biệt. Một số
thiết chế như trọng tài, tổ chức hòa giải ở cơ sở tuy thực hiện chức năng gần
giống với xét xử, nhưng không thể gọi là cơ quan xét xử. Hiện nay, quyền tư
pháp đã được làm rõ về mặt thẩm quyền, theo quy định Hiến pháp năm 2013 thì
“Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1, Điều 102).
Tuy nhiên, ở đây cũng cần có sự phân biệt cơ quan tư pháp
với quyền tư pháp. Xuất phát từ những điểm đặc thù của thể chế chính trị - pháp
lý, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến
năm 2020” cho rằng các cơ quan tư pháp không chỉ là tòa án, mà còn bao gồm cả
viện kiểm sát, các cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án. Ở Việt Nam, ngoài hệ
thống tòa án, còn có các cơ quan khác tuy không thực hiện quyền tư pháp, nằm
ngoài hệ thống tư pháp nhưng vẫn được gọi, được coi là cơ quan tư pháp. Bộ Tư
pháp (thuộc Chính phủ), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngay cả cơ quan điều tra,
cơ quan công tố, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án cũng được liệt vào danh
sách cơ quan tư pháp(7).
Từ những nét đặc thù về thể chế chính trị, pháp lý và hành
chính Việt Nam cho thấy sự tham gia của các cơ quan điều tra và công tố trong
việc thực thi quyền tư pháp là cần thiết, bởi một mình tòa án không thể tiến
hành toàn bộ các hoạt động từ tìm chứng cứ, xác minh, đánh giá chứng cứ đến xét
xử. Trên thế giới cũng không có nước nào tổ chức hệ thống tòa án với tất cả
chức năng và nhiệm vụ đó. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, các cơ quan
điều tra, cơ quan công tố chỉ tham gia ở các mức độ nhất định vào quá trình
giải quyết và bảo vệ công lý. Tòa án với chức năng xét xử của mình luôn luôn là
chủ thể bắt buộc của quan hệ tố tụng. Với vị trí đó, tòa án là cơ quan đóng vai
trò trung tâm trong hệ thống cơ quan thực thi quyền tư pháp.
Như vậy có thể hiểu, quyền tư pháp theo nghĩa hẹp chỉ giới
hạn ở tòa án với chức năng xét xử, nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết đối với
các hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quyền, lợi ích của công dân, tổ
chức; áp dụng pháp luật; phán xét hành vi hợp pháp của các cơ quan, công chức
nhà nước.
Quyền tư pháp theo nghĩa rộng được thực hiện thông qua hoạt
động của hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật như cơ quan điều tra, cơ quan
công tố và tòa án. Trong hệ thống các cơ quan đó, tòa án với chức năng xét xử
có vai trò trung tâm và thể hiện rõ nhất quyền tư pháp. Hoạt động điều tra có
thể được thực hiện bởi các cơ quan hành pháp nhưng thực hiện chức năng tư pháp
hoặc do cơ quan công tố hoặc tòa án đảm nhiệm. Thi hành án xét về bản chất
không phải là hoạt động tư pháp thuần túy mà mang tính chất hành chính - tư
pháp. Thi hành án là giai đoạn sau của xét xử, không có sứ mệnh xác định sự
thật của vụ án mà chỉ thực thi phán quyết của tòa án.
Với cách tiếp cận quyền tư pháp mà trọng tâm là quyền xét xử
các vụ án của tòa án thì quyền tư pháp có các đặc điểm chính sau đây:
- Về mặt pháp lý: Quyền tư pháp là quyền đưa ra phán quyết
có giá trị bắt buộc thi hành của cơ quan công quyền (mà cụ thể là tòa án) về
tính đúng/sai, hợp pháp/bất hợp pháp của một hành vi nhất định. Cơ sở pháp lý
của việc thực hiện quyền tư pháp (để tòa án ra phán quyết) chính là pháp luật
và chỉ là pháp luật. Sản phẩm của việc thực hiện quyền tư pháp là các phán
quyết có hiệu lực pháp luật của tòa án, buộc mọi cá nhân, tổ chức, trong đó có
cả các cơ quan nhà nước phải tuân thủ và chấp hành. Quyền tư pháp, vì vậy,
chính là quyền buộc hành vi của các bên tranh chấp phải chịu sự phán xét của
pháp luật. Thực hiện quyền tư pháp (xét xử) là một dạng của hoạt động áp dụng
pháp luật và thông qua đó, pháp luật được tôn trọng và bảo vệ. Quyền tư pháp,
vì vậy, cũng chính là quyền buộc các chủ thể trong xã hội phải đặt mình dưới
pháp luật, thượng tôn pháp luật.
-Về mặt xã hội: Với ý nghĩa là quyền giải quyết các tranh
chấp pháp lý, quyền tư pháp, khi được thực hiện một cách đúng đắn sẽ góp phần
làm dịu hoặc giải tỏa những mâu thuẫn, căng thẳng trong xã hội.
- Về mặt kỹ thuật: Thực hiện quyền tư pháp (xét xử) là một
quá trình tòa án ra quyết định để giải quyết các tranh chấp về quyền, lợi ích
hợp pháp của các bên. Quá trình ra quyết định này khá đặc biệt so với các quá
trình ra quyết định của các cơ quan lập pháp hoặc cơ quan hành pháp. Trong quy
trình ra quyết định này, chất lượng của quyết định không chỉ phụ thuộc vào năng
lực chuyên môn của người ra quyết định, mà còn phụ thuộc vào lượng và chất
lượng thông tin mà các bên tham gia tranh chấp cung cấp cho tòa án(8).
2.Tính tất yếu, mục đích của kiểm soát quyền tư pháp trong nhà
nước pháp quyền.
Quyền lực nhà nước là quyền lực ủy quyền, mang tính đại
diện, do đó vấn đề đặt ra ở đây là làm sao ủy quyền nhưng không mất quyền; hạn
chế việc dùng quyền lực công để sử dụng vào các mục đích tư... Tóm lại, làm sao
giải quyết được vấn đề không để cho quyền lực nhà nước bị tha hóa, sử dụng
không đúng mục đích, đây là câu hỏi hết sức khó khăn cả trên phương diện lý
luận chính trị và pháp lý trong một thời gian rất dài. Lý luận và thực tiễn
chính trị - pháp lý ở cả phương Đông lẫn phương Tây hàng ngàn năm qua đều cho
thấy việc tìm kiếm cơ chế thực thi quyền lực nhà nước là cần thiết. Lịch sử
phát triển của nhà nước có khoảng hơn 3.000 năm, nhưng lịch sử của bộ máy nhà
nước được phân quyền mới chỉ có khoảng gần 300 năm, kể từ khi có cách mạng tư
sản. Tư pháp ở phương Tây được hiểu đồng nghĩa với xét xử, là hoạt động của Tòa
án để tìm ra công lý, công bằng cho tất cả mọi người. Ở phương Tây, tư pháp
được xem xét như là một nhánh quyền lực, cân bằng với lập pháp và hành pháp.
Quá trình tìm kiếm mô hình và phương thức thực thi quyền lực nhà nước chính là
quá trình hoàn thiện và tối ưu hóa tổ chức quyền lực nhà nước nhằm làm cho tổ
chức đó được thể hiện quyền lực một cách tốt nhất, đáp ứng yêu cầu sự phát
triển của xã hội. Tính tất yếu kiểm soát quyền tư pháp trong nhà nước pháp
quyền được thể hiện ở những lý do sau:
+ Quyền tư pháp là quyền lực được ủy nhiệm: Quyền lực nhà
nước nói chung và quyền tư pháp nói riêng là quyền lực do người dân ủy nhiệm.
Sự ủy nhiệm này diễn ra khi một chủ thể do những rào cản khách quan nên không
thể tự mình giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực hiện quyền
làm chủ của mình, và họ phải thông qua một chủ thể khác để thực hiện công việc
này. Sự ủy quyền này được thực hiện thông qua hợp đồng hay còn gọi là “khế ước
xã hội”. Người được ủy quyền thực thi quyền lực nhân danh chủ thể đã ủy quyền
cho mình theo hợp đồng, chủ thể ủy quyền giữ vai trò chi phối người được ủy
quyền, người được ủy quyền chỉ được hành động trong khuôn khổ được ủy quyền.
Tuy nhiên, khi đã ủy quyền thì xuất hiện nguy cơ quyền lực bị lạm dụng. Thực
tiễn lịch sử cho thấy, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng bị lạm dụng, bị “tha
hóa” bởi những người thực thi. Để Nhà nước thực hiện đúng những điều mà mình đã
ủy nhiệm, đã thỏa thuận; đảm bảo cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục
đích và phát huy hiệu quả trong thực tế đòi hỏi phải có sự phân công, phối hợp
và kiểm soát quyền lực.
+ Quyền tư pháp do đội ngũ thực thi pháp luật nắm giữ nên
xuất hiện nguy cơ bị thao túng, dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân. Để đảm bảo thực
thi, quyền lực nhà nước cần phải tập trung để tạo nên sức mạnh chung, nhưng
điều này dẫn tới hệ quả bản thân những người cầm quyền cũng có nhu cầu thỏa mãn
lợi ích cá nhân của mình. Điều này xuất phát từ bản tính vị kỷ, sự tham lam
cũng như khát vọng thỏa mãn quyền lực của con người(9). Xét về bản chất, con
người luôn có sẵn bản tính tư lợi, chịu ảnh hưởng bởi các loại tình cảm, dục
vọng khác nhau. Trên danh nghĩa những người được ủy quyền thực thi quyền tư
pháp đại diện cho ý chí, nguyện vọng chung của số đông, sử dụng quyền lực để
điều hành công việc chung theo sự thỏa thuận trong các bản “khế ước”. Nhưng
trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, ranh giới giữa lợi ích cộng đồng và
lợi ích cá nhân; lợi ích chung và lợi ích riêng nhiều khi không được phân biệt
rạch ròi. Điều này dẫn đến nguy cơ quyền lực chung (quyền lực được ủy nhiệm) bị
thao túng, dẫn dắt và bị chi phối bởi các lợi ích cá nhân. Do đó, nếu không có
cơ chế tổ chức hợp lý thì việc sử dụng quyền lực chung phục vụ cho lợi ích
riêng rất dễ xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, trong cơ cấu tổ chức quyền
lực, người ta đều tính đến việc thiết lập cơ chế phân công, phối hợp và kiểm
soát quyền lực nhằm chống lại sự tha hóa, chống lại xu hướng quyền lực nhà nước
bị sử dụng vì mục đích cá nhân.
+ Kiểm soát quyền tư pháp phải là điều kiện cần thiết
để cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng đắn, đảm bảo các quyền tự do của
công dân. Công lý và quyền lực có mối quan hệ với nhau hết sức chặt chẽ, “công
lý không dựa vào quyền lực thì bất lực; quyền lực không đi đôi với công lý thì
tàn bạo. Vì vậy cần phải kết hợp giữa công lý và quyền lực, và nhằm mục đích
này, phải làm thế nào cho những điều hợp công lý phải có đủ quyền lực; hay
những điều dựa vào quyền lực phải hợp với công lý”, đây là điều mà đại văn hào
người Pháp Pascal đã khẳng định từ năm 1662.
Nhà nước là chủ thể duy nhất được thực hiện quyền cưỡng chế,
nó liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo các quyền cơ bản của công dân. Quyền tư
pháp là quyền xét xử của tòa án, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do,
quyền tài sản, quyền nhân thân của cá nhân, tổ chức. Nếu quyền này được thực
hiện nghiêm chỉnh, đúng đắn sẽ tạo ra niềm tin của người dân vào công lý; ngược
lại, nó sẽ vi phạm nghiêm trọng đến các quyền cơ bản của công dân. Xuất phát từ
tính nhạy cảm và tính dễ bị lạm dụng, quyền tư pháp cần được đặt dưới sự giám
sát thường xuyên để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn trong quá trình xét
xử nhằm tạo ra cơ chế bảo vệ các quyền của công dân, tạo ra niềm tin của người
dân vào công lý.
3. Hình thức kiểm soát quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền
Thứ nhất, giám sát (supervision) là thuật ngữ dùng để chỉ
một hoạt động xem xét có tính bao quát của chủ thể bên ngoài hệ thống đối với
khách thể thuộc hệ thống khác. Theo Từ điển Bách khoa thì: “Giám sát là một
hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nhằm bảo đảm pháp
chế hoặc sự chấp hành những quy tắc chung nào đó”(10). Từ điển Hán -Việt do Đào
Duy Anh biên soạn giải thích: “Giám sát là xem xét và đàn hạch”(11). Theo
quan niệm này thì giám sát là xem xét, kiểm tra ngoài ra đối tượng bị giám sát
phải chịu sự chất vấn của chủ thể giám sát. Còn từ điển Tiếng Việt do Nguyễn
Như Ý biên soạn thì cho rằng: “Giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực hiện
nhiệm vụ”(12).
Dưới góc độ pháp lý, theo Từ điển Luật học thì: “Giám sát là
sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục và
sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động đi
đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ
trước, đảm bảo cho pháp luật được tuân theo nghiêm chỉnh”(13). Còn theo
quan niệm của khoa học hành chính thì: “Giám sát dùng để chỉ hoạt động của các
cơ quan quyền lực nhà nước, tòa án, các tổ chức xã hội và công dân nhằm bảo đảm
sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong quản lý xã hội”(14). Như vậy, quan
niệm của khoa học hành chính quan niệm giám sát rất rộng, bao gồm hệ thống giám
sát trong nội bộ của bộ máy nhà nước và hệ thống giám sát nằm ngoài bộ máy nhà
nước.
Giám sát là theo dõi, xem xét hoạt động của chủ thể thực
hiện những quy định đúng hay sai. Vì vậy, hoạt động giám sát có chủ đích nhằm
hướng đối tượng hoạt động phải thực hiện đúng những quy định và thực hiện những
giải pháp do chủ thể giám sát đề ra. Việc giám sát đó cần: “phải có tính độc
lập và phải bảo đảm yêu cầu khách quan”(15). Còn trong cuốn Tìm hiểu một số
thuật ngữ trong văn kiện Đại hội X của Đảng, các tác giả cho rằng: Giám sát là
“theo dõi, kiểm tra, phát hiện, đánh giá của cá nhân, tổ chức, cộng đồng người
đối với cá nhân, tổ chức, cộng đồng người khác trong lĩnh vực hoạt động kinh tế
- xã hội, trong việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, đường lối, quan điểm của
Đảng, chính sách của Nhà nước, các quyền, nghĩa vụ của công dân, của tổ chức
chính trị - xã hội và kiến nghị phát huy, ưu điểm, thành tựu, xử lý đối với cá
nhân, tổ chức có những hành vi sai trái”(16).
Mặc dù có những quan niệm khác nhau, nhưng nội hàm của giám
sát có những điểm chung: là theo dõi, xem xét, quan sát của một chủ thể với một
đối tượng nào đó bị giám sát. Có thể hiểu, giám sát là theo dõi, xem xét hoạt
động của chủ thể có thẩm quyền thể hiện tính chủ động, liên tục, thường xuyên
và tác động bằng các biện pháp tích cực nhằm hướng hoạt của khách thể (đối
tượng) thực hiện đúng những điều đã quy định.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam hiện hành,
hệ thống giám sát bao gồm hai loại: giám sát bên trong thể chế nhà nước (mang
tính quyền lực nhà nước) và giám sát xã hội (giám sát của báo chí, truyền
thông, xã hội dân sự...). Giám sát mang tính quyền lực nhà nước gồm có: giám
sát của các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND); giám sát của VKSND đối với hoạt
động tố tụng tư pháp của TAND và cơ quan điều tra(17). Sự giám sát của các cơ
quan này nhằm bảo đảm pháp chế, sự đúng đắn trong bản án và các quy định của
tòa án.
Giám sát xã hội đối với quyền tư pháp là sự giám sát của các
thiết chế ngoài Nhà nước mang tính xã hội như: giám sát của công dân qua thực
hiện quyền khiếu nại, tố cáo; giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên; giám
sát của báo chí, truyền thông trong thực hiện quyền tư pháp. Hoạt động giám sát
của các chủ thể này không mang tính quyền lực nhà nước mà nó tạo ra áp lực, dư
luận xã hội buộc các cơ quan tư pháp phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo công lý,
sự nghiêm minh của luật pháp khi đưa ra bản án và các quyết định xét xử. Những
chủ thể giám sát này không có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế mang tính
quyền lực nhà nước.
Thứ hai, thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra. Kiểm tra được
hiểu là “xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”(18). Kiểm tra là xem
xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân xem có phù hợp với pháp
luật hay không và áp dụng các biện pháp bảo đảm và khôi phục sự phù hợp đó.
Hoạt động kiểm tra mang tính chất nội bộ, là hoạt động của chủ thể nhằm tiến
hành xem xét, xác minh một việc gì đó của đối tượng bị quản lý xem có phù hợp
với trạng thái định trước hay không. Kiểm tra là hoạt động có tính thường
xuyên, liên tục.
Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra thực hiện chức năng của mình
trên cơ sở quy định pháp luật, có thể kiểm tra định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất.
Chủ thể tiến hành kiểm tra có quyền theo dõi để hoạt động của cơ quan, tổ chức
được diễn ra theo đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao; có quyền yêu cầu đối
tượng bị kiểm tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vấn đề kiểm
tra; có quyền đề xuất các phương hướng, thời hạn và cách khắc phục những thiếu
sót.
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa