Social Icons

Pages

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

PHẢI CHĂNG “THAM NHŨNG LÀ “CON ĐẺ” CỦA CHẾ ĐỘ MỘT ĐẢNG NÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG THỂ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG THÀNH CÔNG"?
Các thế lực thù địch không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó, chúng đã lợi dụng, xuyên tạc công cuộc phòng, chống tham nhũng - một vấn đề thường xuyên được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bài viết phân tích, luận giải để bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch khi chúng cho rằng “tham nhũng là “con đẻ” của chế độ một đảng nên Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công”.

Trước những thành tựu không thể phủ nhận của cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch đã không ngừng thực hiện âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Để chống phá, chúng đã không từ mọi thủ đoạn, lợi dụng mọi vấn đề mà dư luận quan tâm, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Chúng cố tình xuyên tạc công cuộc “đốt lò” của Đảng ta, rêu rao rằng “tham nhũng là “con đẻ” của chế độ một đảng nên Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công”. Đây hoàn toàn là luận điệu sai trái của những kẻ có mưu đồ chính trị xấu xa.

Nhận diện luận điệu xuyên tạc

Trong lúc Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta kiên quyết đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng và từng bước đạt được những thành công, thì những thế lực chống đối lại đưa ra luận điệu: Tham nhũng là “con đẻ”, là cái “phổ biến”, “tất yếu”, là “căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền” (!); xảo biện “tham nhũng là sản phẩm của thể chế chính trị ở Việt Nam” (!). Từ việc chắp vá một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thời gian gần đây, rồi quy chụp hiện tượng thành bản chất, quy chụp những sự vụ đơn lẻ thành lỗi hệ thống, chúng suy diễn một cách vô căn cứ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực chất chỉ là “cuộc chiến nửa vời”, là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian” (!), và rêu rao “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng thành công” (!), thậm chí, vấn nạn này ngày càng gia tăng, bởi “bới” chỗ nào cũng ra tham nhũng, sờ đến đâu thì kỷ luật cán bộ đến đấy (!).

Vậy, thực hư của luận điệu trên như thế nào? Đó là lời “gan ruột”, “tâm huyết” của những người tự xưng là “công dân yêu nước”, những “lý luận gia”, “chính trị gia” hay là dụng ý thâm độc của những kẻ phản bội, có nợ máu với nhân dân, những kẻ cơ hội, trở cờ, vong ân, bội nghĩa? Đó là sự phiến diện, lệch lạc của những người non kém về chính trị hay là sự lọc lừa, xảo trá của những kẻ núp bóng cái gọi là “dân chủ”, “nhân quyền”? Đó có phải là sự nham hiểm, tinh vi của các thế lực thù địch, phản động nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối hay là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ? Thật khó để phân biệt rõ ràng ranh giới của những giả định trên. Song dù là thế nào, thực chất đó đều là quan điểm lệch lạc, luận điệu sai trái, xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, nhằm vẽ ra bức tranh tối màu về công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, phủ nhận mọi cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong việc đẩy lùi vấn nạn tham nhũng; gieo rắc tâm lý bất an, gây ra sự hoài nghi về các chủ trương, quyết sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tác động để cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; hạ thấp uy tín để phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; bài xích chế độ một đảng cầm quyền, mưu đồ xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây tiếp tục là trò “rượu cũ bình mới” trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tấn công vào Đảng và chế độ ta.

Sự thật liệu có phải như lời rêu rao của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị?

Chúng ta có đẩy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để khẳng định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và bác bỏ luận điệu sai trái nêu trên của những kẻ tự xưng là “công dân”, “người yêu nước”, “nhà báo”, “nhà dân chủ”, “trí thức”, “học giả” và của những “anh hùng bàn phím”.

Thứ nhất, có thật tham nhũng là “con đẻ” của chế độ một đảng cầm quyền?

Sự thật là, tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Tham nhũng xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới, ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không phụ thuộc vào chế độ chính trị “đa đảng” hay “một đảng”.

C.Mác đã từng chỉ ra rằng: những chức năng thống trị của giai cấp lên cầm quyền ở bất cứ xã hội nào cũng thường bị một số người đại diện của giai cấp chiếm đoạt lấy và biến thành của riêng. Cả khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền, nguy cơ ấy vẫn còn. Ông cho rằng tham nhũng là một căn bệnh “thâm căn cố đế” của các bộ máy nhà nước mà giai cấp công nhân cần phải khắc phục nếu muốn xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, khi mà chủ nghĩa xã hội còn đang trong thời kỳ “thoát thai, quá độ”, thì những mảnh đất nảy sinh các hành vi tham nhũng của các viên chức nhà nước vẫn còn. Khi đó, V.I.Lênin đã chỉ rõ nạn tham nhũng đang tồn tại, không những trong các cơ quan Xô-viết, mà trong cả các cơ quan của Đảng. Người cho rằng, tham nhũng là kẻ thù bên trong, kẻ thù nguy hiểm nhất.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều quan niệm về tham nhũng. Ở Đức, “Tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành”[1]. Các học giả Thụy Sĩ cho rằng: “Tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng, sự vô tổ chức của tầng lớp có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích cá nhân”[2]. Pháp luật Xingapo chỉ rõ: tham nhũng là “tiền hay mọi hình thức quà biếu, tiền vay mượn, tiền thưởng, tiền hoa hồng, các bảo đảm có giá trị tài sản, lợi tức của tài sản dưới hình thức động sản hay bất động sản; chức vụ, công việc hay hợp đồng, mọi hình thức trả tiền, thanh toán hay miễn trả nợ…mọi hình thức cung phụng, thực hiện hay hứa hẹn sẽ cung cấp về một khoản tiền nào đó”[3]. Theo R.Stapenhurst, nhà tư vấn của Viện phát triển Kinh tế, Ngân hàng thế giới thì “Tham nhũng, theo nghĩa đơn giản nhất là sự lạm dụng quyền lực, đa phần là để đạt được lợi ích của một nhóm mà người ta phải trung thành với nó”[4]. Trong khi đó, Công ước Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng cho rằng, tham nhũng là sự lợi dụng quyền lực của nhà nước để trục lợi riêng.

Ở Việt Nam, Từ điển tiếng Việt định nghĩa tham nhũng là “lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân và lấy của”[5], còn Luật Phòng, chống tham nhũng xác định: “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”[6].

Như vậy, có thể thấy, mặc dù có những cách hiểu và diễn đạt khác nhau, nhưng đều có một điểm nhất quán là: tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực và lợi ích cá nhân. Tham nhũng là căn bệnh đồng hành và tồn tại ở mọi nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị. Chế độ chính trị khác hay giống nhau không thể quyết định sự xuất hiện của tham nhũng cũng như quyết định mức độ tham nhũng nhiều hay ít.

Kẻ nào quy chụp tham nhũng là “con đẻ” của chế độ một đảng cầm quyền, hãy nhìn vào chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố hằng năm, cung cấp cái nhìn tổng quát về mức độ tham nhũng tương đối của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng. Nhìn vào bảng xếp hạng CPI hằng năm, đến nay, chưa có một quốc gia đạt được 100/100 điểm (những nước đứng đầu bảng xếp hạng như Phần Lan, New Zealand, Đan Mạch cũng chỉ đạt từ 88-90 điểm), hay nói cách khác, quốc gia nào cũng có tham nhũng, chỉ khác ở mức độ nghiêm trọng mà thôi.

Nếu vẫn còn nghi ngờ, hãy nhìn sang các nước tư bản chủ nghĩa thực hiện chế độ đa đảng, ở đó, tham nhũng vẫn tồn tại và trở thành một vấn nạn nhức nhối, thậm chí, không ít nguyên thủ quốc gia cũng dính vào tội tham nhũng (như cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac (bị cáo buộc năm 2011), cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị tuyên phạt 3 năm tù vì tham nhũng vào năm 2021; Pavlo Ivanovych Lazarenko là Thủ tướng Ukraine đã biển thủ 200 triệu USD từ ngân sách nhà nước (tương đương nửa triệu USD/ngày) trong thời gian làm Thủ tướng từ 1996-1997; Luiz Inacio Lula da Silva - Tổng thống thuộc tầng lớp lao động đầu tiên ở Brazil, nắm quyền trong giai đoạn 2003-2011 bị kết án gần 10 năm tù giam vào năm 2007 vì tham nhũng; Arnoldo Aleman - Tổng thống Nicaragua từ năm 1997-2002, bị bị kết án 20 năm tù giam vào năm 2002; Joseph Estrada- Tổng thống Philippines từ 1998-2001 bị cáo buộc có hành vi tham nhũng và phải nhận án tù chung thân; Park Geun Hye - Nữ Tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất vì cáo buộc tham nhũng và phải thụ mức án 24 năm tù; Roh Tea Woo - Tổng thống Hàn Quốc giai đoạn 1980-1988, Chun Do Hoan - Tổng thống thứ 11 của Hàn Quốc cũng phải ngồi tù vì tham nhũng…).

Rõ ràng, tham nhũng diễn ra ở mọi đất nước, dù đất nước đó theo thể chế chính trị nào, ở mọi quốc gia, dù quốc gia đó theo chế độ một đảng cầm quyền hay nhiều đảng thay nhau cầm quyền. Điểm khác biệt chỉ là ở mức độ tham nhũng nhiều hay ít. Do vậy, tham nhũng là “con đẻ” của chế độ một đảng cầm quyền chỉ là sản phẩm của “trí tưởng tượng phong phú” của những kẻ mang mưu đồ chính trị xấu xa!

Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể phòng, chống tham nhũng thành công?

Sự thật là, phòng, chống tham nhũng là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhưng với tinh thần không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tránh tha hóa về quyền lực, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng và thực hiện thường xuyên công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là từ khi trở thành đảng cầm quyền. Việc tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu do biển thủ, ăn chặn của công năm 1950 dù hết sức đau xót, nhưng “dẫu có đau cũng phải cắt bỏ” để làm trong sạch bộ máy, góp phần giữ vững uy tín và thanh danh của Đảng.

Những năm đầu đổi mới, Đảng ta xác định “đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân”[7], góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua 20 năm đổi mới, Đảng ta xác định phải gắn chống tham nhũng với chống lãng phí và coi đây là một vấn đề quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta càng thấy rõ đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[8]. Từ đó, trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận để cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về phòng, chống tham nhũng[9]. Đặc biệt, năm 2013, lần đầu tiên vấn đề phòng, chống tham nhũng được ghi trong Hiến pháp: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải... kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”[10].

Nghiêm túc nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan, đã có những khoảng thời gian, hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở nước ta còn thấp. Nhưng, với quyết tâm chính trị cao, chưa khi nào, công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo được thực hiện ráo riết, quyết liệt như hiện nay. Chúng ta tiến hành chống tham nhũng toàn diện, không có “vùng cấm”, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, gắn liền với tăng cường chỉnh đốn Đảng và đã xử lý nhiều cán bộ cao cấp, tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Đảng; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài... Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh “để chiến thắng chính mình”, xứng đáng với vị thế lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Có một sự thật luôn luôn đúng, đó là: Thực tiễn là chân lý cao nhất. Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang diễn ra quyết liệt, hiệu quả là lời đáp trả mạnh mẽ, không thể phủ nhận về thành công của công cuộc phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác phòng, chống tham nhũng đã có một bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và “trở thành phong trào, xu thế” trong toàn xã hội. Trong 10 năm (2012 - 2022), chúng ta đã “xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”[11]. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng trong năm 2022, có gần 540 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cũng đã được tiến hành một cách “kiên quyết, kiên trì, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình. Từ năm 2012-2022, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ, 5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ, 6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ, 5.647 bị cáo về tội tham nhũng”[12]. Những con số thống kê trên là minh chứng sống động về sự quyết tâm, nói đi đôi với làm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước – vấn đề mang tính căn cốt, nền tảng, sức mạnh nội sinh- được củng cố và không ngừng nâng cao. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Những kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không chỉ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao mà còn được quốc tế ghi nhận. Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ) viết: “Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng một cách có hệ thống và bền vững. Những nỗ lực của họ đã cải thiện đáng kể Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012. Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã nhận được sự chú ý của quốc tế”[13]. Tờ Le Monde của Pháp đưa tin: “Cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ và giờ đây không loại trừ ai, từ các đại gia ở khu vực kinh tế tư nhân cho tới các đảng viên là quan chức cấp cao”[14]. Đài Bắc Kinh khẳng định: “Cường độ chống tham nhũng của Việt Nam là chưa từng có. Đối với một số vụ án tham nhũng lớn và quan trọng, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp chỉ đạo và giám sát điều tra. Trong số những kẻ tham nhũng bị xét xử có lãnh đạo cấp cao trong Bộ Chính trị, bộ trưởng, tướng lĩnh đã về hưu; các “vùng tối” và “vùng cấm” trong công tác chống tham nhũng trước đây dần bị loại bỏ. Các cơ quan như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ... đang kết hợp với nhau, siết chặt mạng lưới chống tham nhũng”[15]. Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam – Ông Kamal Malhotra nhấn mạnh: “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam là một điểm sáng đáng chú ý, cả nhận thức và trải nghiệm thực tế của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng đều được cải thiện đáng kể”[16]… và nhiều ghi nhận của các chính trị gia, nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn báo chí uy tín khác. Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam năm 2021 đạt 39/100 điểm (với 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất), đứng thứ 87/180 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 46 bậc so với năm 2012); đến năm 2022, Việt Nam tiếp tục tăng thêm 10 bậc nữa, đứng thứ 77/180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đó là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực, quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Thực tiễn đó cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam – đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam hoàn toàn có thể đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả.

Sẽ là khiếm khuyết nếu chỉ đề cập đến những kết quả đã đạt được mà không phân tích những yếu tố thuận lợi - điều kiện hết sức quan trọng góp phần bảo đảm chắc chắn cho thành công Đảng Cộng sản Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.

Thứ nhất, chúng ta tin tưởng vào thành công của công tác phòng, chống tham nhũng bởi nó được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một đảng mang bản chất giai cấp công nhân, có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc, không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, trước sau như một, luôn tuyệt đối trung thành và làm hết sức mình để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; luôn “ra sức học tập tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”[17], luôn dũng cảm vượt lên chính để xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”; luôn là một khối thống nhất ý chí và hành động. Mọi quyết sách của Đảng, trong đó có phong, chống tham nhũng, đều vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Trong phòng, chống tham nhũng, Đảng ta có quyết tâm cao, có phương châm, sách lược, bước đi đúng đắn; tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ hai, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đang được “cầm trịch” bởi “người đốt lò vĩ đại” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thực tế, có những giai đoạn tưởng chừng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng như bị chùng xuống, khiến người dân hoài nghi sự “nguội lạnh”, nhưng với sự nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và nêu gương, quan điểm và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, chắc chắn nhưng kịp thời, nhân văn, giáo dục nhưng hết sức răn đe; vừa bài bản trong chỉ đạo, vừa kiên quyết trong hành động, hơn hết, chính sự nêu gương của bản thân Tổng Bí thư, của gia đình và những người thân Tổng Bí thư đã thực sự bắt nhịp và quy tụ được ý chí của toàn dân. Tổng Bí thư đã kịp thời thắp lên ngọn lửa niềm tin bằng tất cả dũng khí và mưu lược của mình, với những câu nói đầy “chất thép”: “Cử tri và nhân dân cứ yên tâm, Trung ương không bao giờ nhụt chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, “nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, “việc xử lý cán bộ có sai phạm, trước nói đánh từ vai đánh xuống, nhưng giờ đánh từ trên đầu nhiều hơn”, “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn”... Đó không chỉ là mệnh lệnh của người đứng đầu của Đảng và Nhà nước mà đồng thời là thông điệp, là lời tuyên chiến đanh thép của Đảng và Nhà nước, tỏ rõ sự không khoan nhượng với nạn tham ô, tham nhũng.

Thứ ba, chúng ta đang có sức mạnh và động lực to là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Chúng ta đều biết, tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rõ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo quần chúng ủng hộ. Thực tiễn cho thấy, liên hệ mật thiết với quần chúng là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta. Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hiện nay, có thể nói, chưa khi nào lại nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân đến như vậy. Theo số liệu điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện năm 2020, có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Chính điều đó tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc “đốt lò” không ngừng, không nghỉ của Đảng ta.

Thứ tư, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sẽ thành công do tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Không khó để nhận thấy tham nhũng đang là vấn nạn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; phòng, chống tham nhũng không còn là trách nhiệm của riêng đất nước nào. Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng đã chỉ rõ: “Tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết; ngăn ngừa và xoá bỏ tham nhũng là trách nhiệm của các quốc gia”. Rất nhiều quốc gia trên thế giới coi tham nhũng là một vấn đề nhức nhối và đã chủ động phòng, chống quyết liệt. Kết quả và kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đi đầu về hiệu quả phòng, chống tham nhũng như Xingapo, Đan Mạch, Niu Dilân, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… sẽ đem đến những gợi mở cho Đảng Cộng sản Việt Nam tham khảo để có sách lược đúng đắn, bảo đảm chắc chắn cho thành công trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Sự thật vẫn luôn là sự thật và bản thân nó chứa đựng chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt, chà đạp lên nó. Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả; thành tựu “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[18] là lời đáp trả đanh thép đối với luận điệu hoàn toàn ngụy biện, sai trái, xuyên tạc về công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam với ý đồ hạ thấp uy tín, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt hơn nữa; tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” vào năm 2045./.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 55, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội,

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tập II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Kim (2003), Pháp luật chống tham nhũng của các nước trên thế giới, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

5. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội.

6. Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng, số 36/2018/QH14, ngày 20/11/2018 của Quốc hội khóa 14, Hà Nội.

7. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.26

8. Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng.

9. https://www.lemonde.fr/economie/article/2022/06/21/au-vietnam-la-lutte-anticorruption-bat-son-plein_6131306_3234.html

Nguyễn Văn Thưởng
#SQCT

[1] Nguyễn Văn Kim (2003), Pháp luật chống tham nhũng của các nước trên thế giới, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tr.10.

[2] Nguyễn Văn Kim (2003), Pháp luật chống tham nhũng của các nước trên thế giới, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tr.10.

[3] Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.11.

[4] Nguyễn Văn Kim (2003), Pháp luật chống tham nhũng của các nước trên thế giới, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, tr.10.

[5] Viện Ngôn ngữ học (2003), Từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr.965

[6] Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018), Luật Phòng, chống tham nhũng, số 36/2018/QH14, ngày 20/11/2018 của Quốc hội khóa 14, Hà Nội, tr.1.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 55, tr.237

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.193

[9] Giai đoạn 2012 – 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng

[10] Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp năm 2013, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, tr.3

[11] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.26

[12] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.27

[13] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.25-26.

[14]https://www.lemonde.fr/economie/article/2022/06/21/au-vietnam-la-lutte-anticorruption-bat-son-plein_6131306_3234.html

[15] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.600.

[16] Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tr.598-599

[17] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 11, tr.600

[18] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập II, tr. 322.

1 nhận xét: