Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

PHẢI CHĂNG HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ  THẶNG DƯ CỦA C.MÁC ĐÃ LỖI THỜI TRONG THỜI ĐẠI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 ( Industry 4.0) ngày càng trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi, tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Lẽ đương nhiên các nhà tư tưởng tư sản ra sức bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư, coi đó là một trong những hướng trọng điểm tấn công trên mặt ý thức hệ. Công nghiệp 4.0 có tính hợp lý trên nhiều phương diện nhưng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn không hề thay đổi bản chất, máy móc dù có hiện đại cũng không thể thay thế con người và học thuyết của C.Mác về giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên ý nghĩa phương pháp luận trong việc phân tích chủ nghĩa bản hiện nay

Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, lợi dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, chủ nghĩa tư bản đã có những bước tiến mới, diện mạo của nó cũng có nhiều thay đổi, và đặc biệt có những biểu hiện mới về đặc điểm so với những năm đầu của thế kỷ XX, do kinh tế phát triển, chủ nghĩa tư bản ngày nay có điều kiện chăm lo đời sống của người lao động hơn. Ở những nước tư bản phát triển, một bộ phận công nhân còn có cổ phần trong các hãng, các công ty lớn, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện hơn so với trước... Tất cả những biến đổi thích nghi đó đã tạo lên một bức màn làm thay đổi một số quan niệm thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, các thế lực thù địch và chủ nghĩa tư bản cho rằng quan niệm về sự bóc lột của ông chủ và người công nhân đã không còn, vì vậy học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác không còn giá trị. Phải chăng vấn đề có thực sự như vậy?

Trước tiên chúng ta hãy nhận diện về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Những năm gần đây, công nghiệp 4.0 ( Industry 4.0) ngày càng trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi. Mặc dù chỉ là một khái niệm mới được giới thiệu lần đầu tại triển lãm công nghiệp hannover diễn ra ở Đức năm 2011 nhưng nó đã nhanh chóng được đưa vào kế hoạch “Chiến lược công nghệ cao của Đức năm 2020” ở cấp độ quốc gia của Đức năm 2013. Tên gọi khoa học hơn của Công nghiệp 4.0 phải là Công nghiệp Đức 4.0, nó là một loại chiến lược quốc gia sử dụng biện pháp công nghệ cao để đảm bảo địa vị dẫn đầu của sản xuất công nghiệp nước Đức, không phải là tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Mặc dù vậy, nó đã thu hút sự quan tâm cao độ của các nước lớn và cường quốc chế tạo như Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Mỹ, nghiễm nhiên trở thành lựa chọn thực tiễn và kim chỉ nam định hướng cho một thời kỳ chuyển đổi nâng cấp mới của ngành sản xuất thế giới.

Như chúng ta biết, thành tựu chủ yếu của Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất là phát minh ra máy hơi nước, mở ra thời đại mới trong công nghiệp cơ khí thay thế cho công xưởng thủ công; Cách mạng công nghiệp lần thứ hai với thành tựu chủ yếu là phát minh ra điện năng, mô hình điện khí hóa và dây chuyền sản xuất đã nâng cao đáng kể hiệu quả sản xuất; Cách mạng công nghiệp lần thứ ba gắn với sự nổi lên của công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển logic và kiểm soát thông tin được lập trình đã tạo nên công nghệ sản xuất tự động hóa. Có thể nói, mỗi cuộc cách mạng trong lịch sử phát triển công nghiệp đều gắn với đặc trưng công nghệ nào đó.

Vậy đặc trưng công nghệ của Công nghiệp 4.0 là như thế nào?

Thực ra, nền tảng của Công nghiệp 4.0 chính là ba lần cách mạng công nghiệp trước đó. Đặc trưng chủ yếu của nó là vận dụng một cách tổng hợp “hệ thống vật lý” do Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và thứ hai tạo nên và “hệ thống thông tin” đang ngày một hoàn thiện do Cách mạng công nghiệp lần thứ ba đem lại, thông qua sự dung hợp của hai hệ thống này để tạo ra công nghệ sản xuất thông minh hóa.

Sự khác nhau giữa thông minh hóa và tự động hóa ở chỗ, tự động hóa là việc của công nhân thông qua chương trình máy tính điều khiển máy móc, hoàn thành sản xuất tự động, đây là loại chỉ lệnh một chiều. Thông minh hóa là một loại “giao lưu” đa chiều, giữa công nhân, máy móc, sản phẩm, nguyên liệu, lưu thông, khách hàng và các khâu liên quan tới sản xuất, cung ứng và sử dụng luôn luôn duy trì thông tin tương tác hai chiều, làm tối ưu hóa tổ hợp sản xuất và dịch vụ. Hay nói khác là, trong thời đại “Công nghệ 4.0”, thông qua sự tích hợp những công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây và mạng lưới vạn vật kết nối internet, xây dựng một mô hình sản xuất hàng hóa và dịch vụ được đặc trưng và số hóa với mức độ linh hoạt cao, ngành chế tạo sẽ tạo ra hiệu quả kỹ thuật, tính linh hoạt cao hơn và thời gian ra mắt sản phẩm nhanh chóng hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. 

Một số học giả có quan điểm lạc quan cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời với sự hậu thuẫn của vốn đầu tư, sẽ làm thay đổi hoàn toàn quá trình sản xuất hàng hóa, biến mục tiêu hàng hóa không tồn kho, sản xuất độc đáo, kết nối trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất thực sự trở thành hiện thực. Phương thức sản xuất mới với giá thành phẩm thấp, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, vì lợi ích của người dân này sẽ hạ thấp tối đa chi phí của cải xã hội, giảm thời gian lao động, nâng cao trải nghiệp sản phẩm, tính công bằng xã hội sẽ nhanh chóng được cải thiện...

Công nghiệp 4.0 thực sự thần kỳ như vậy sao?

Nó rốt cuộc là thuốc tiên giải phóng sức lao động ra khỏi logic tư bản, hay xiềng xích mới của công nghệ mà tư bản áp đặt lên sức lao động?  Điều đó đặt ra là vũ khí phê phán của C.Mác đó là học thuyết giá trị thặng dư có còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay?

Học thuyết giá trị thăng dư là phát kiến vĩ đại của C.Mác và Ăngghen, nhờ phát kiến đó mà chủ nghĩa xã hội đã từ những trào lưu không tưởng trở thành khoa học. Lẽ đương nhiên các nhà tư tưởng tư sản ra sức bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư, coi đó là một trong những hướng trọng điểm tấn công trên mặt ý thức hệ. Họ thường viện dẫn đến thực tiễn của chủ nghĩa tư bản hiện đại ở Âu- Mỹ, để nói rằng xã hội hiện nay không còn giống xã hội thế kỷ XIX và đầu thể kỷ XX như C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin mô tả nữa; rằng cái quy luật tuyệt đối với những hậu quả xã hội ghê gớm của nó không còn nữa; rằng nhân loại sẽ sống trong trật tự vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại sẽ thay thế các cuộc cách mạng xã hội, trực tiếp tổ chức lại đời sống các cộng đồng cũng như từng con người.

Để bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư, từ hàng chục năm nay, nhân danh những phát triển mới của các xã hội hiện đại, người ta tuyên bố học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác đã cáo chung, rằng chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành một cái không còn là nó nữa. Người ta nói đến một xã hội “hậu tư bản”, một “chủ nghĩa tư bản nhân dân” hay “chủ nghĩa tư bản xã hội”, trong đó phúc lợi ngày càng được chia đồng đều cho mỗi người và thay cho sự phân cực của sự giàu có và bần cùng thì những tầng lớp trung gian hữu sản trở nên những nhân vật trung tâm của xã hội hiện đại. Điều đó có nghĩa là xã hội hiện nay không còn phân chia ra kẻ bị bóc lột và người bóc lột và quy luật giá trị thặng dư không còn là quy luật tuyệt đối của thời đại công nghiệp 4.0 nữa.

C.Mác đã sớm chỉ ra rằng, cách mạng công nghiệp không chỉ là sự nâng cao nhanh chóng lực lượng sản xuất, đồng thời còn là sự biến đổi quan hệ sản xuất. Hiển nhiên, “Công nghiệp 4.0” cũng không ngoại lệ. Nó không chỉ đồng nghĩa với sự chuyển đổi về công nghệ, chuyển đổi về quá trình sản xuất, mà còn là sự điều chỉnh toàn bộ cơ cấu tổ chức và quản lý, đồng nghĩa với sự chuyển biến về quan hệ xã hội. Ngày nay, tuy giữa các nhà tư bản vẫn diễn ra cuộc đấu để cướp giật, ăn chặn tài sản của nhau, nhưng xét cho cùng, toàn bộ xã hội tư bản vẫn nhằm săn đuổi giá trị thặng dư do công nhân, những người lao động làm thuê sáng tạo ra để tồn tại và phát triển. C.Mác đã có một nhận xét tinh tế rằng, những nhà tư bản không thể làm giàu trên lưng giai cấp của mình được. Chẳng qua là những biến đổi nào đó trong quan hệ sở hữu, trong tổ chức quản lý, trong quan hệ phân phối của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại đã làm cho quan hệ bóc lột giá trị thặng dư trở nên phức tạp hơn, khó thấy hơn cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 đã và đang diễn ra như vũ bão. Cuộc cách mạng đó đã làm khoa học ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp làm cho nền kinh tế hiện đại ngày càng trở thành một nền kinh tế tri thức. Các nhà tư tưởng kinh tế tư sản đã lợi dụng cái thực tế khách quan này để tấn công vào học thuyết giá trị thặng dư từ một phía khác.

Ai cũng biết rằng học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác lên án sự bóc lột tư bản chủ nghĩa và chỉ ra nguồn gốc kinh tế của sự bóc lột đó là chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về các tư liệu sản xuất. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, với một nền kinh tế thị trường hiện đại, mọi thứ đều là hàng hoá, các phát minh khoa học và công nghệ cũng là hàng hoá, cũng có chủ sở hữu. Xuất hiện khái niệm “sở hữu trí tuệ”. Những kẻ biện hộ lập tức rêu rao rằng, ngày nay vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất chẳng còn đóng vai trò quan trọng như nó đã từng đóng trong các thế kỷ trước, rằng sở hữu trí tuệ đã thay thế vai trò của sở hữu tư liệu sản xuất trong việc đưa loài người tiến lên. Họ cho rằng ngày nay chủ thể của sự phát triển và tiến bộ xã hội là các nhà khoa học, tầng lớp quản lý chứ không phải là các ông chủ tư sản.

Chắc chắn rằng phát minh khoa học và công nghệ nảy sinh từ đầu óc một nhà phát minh nào đó, chỉ anh ta biết mà thôi và thuộc sở hữu của anh ta. Nhưng một trí tuệ ở trạng thái như vậy chỉ có thể là một tiềm năng sản xuất mới chứ chưa thể là một lực lượng sản xuất mới. Ai cũng biết rằng trong thực tế, một ý tưởng công nghệ mới muốn trở thành một công nghệ mới thực sự phải trải qua một quá trình ứng dụng, thử nghiệm đi thử nghiệm lại, trước khi có thể sản xuất đại trà. Tất cả quá trình đó đều đòi hỏi đầu tư tư bản, nhiều khi rất tốn kém. Nếu nhà phát minh tự mình có tiền, tự mình làm thử nghiệm, công bố kết quả của mình, đăng ký sở hữu trí tuệ rồi đứng ra lập các sản nghiệp theo nguyên lý công nghệ mới của anh ta thì anh ta sẽ là chủ sở hữu trí tuệ theo nghĩa kép: Vừa là người phát minh, vừa là nhà tư bản.

Người ta thường dẫn ra trường hợp ông Bill Gates với công ty Microsoft của ông ta như một điển hình thành đạt của trí tuệ. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những thành đạt như vậy không nhiều. Còn trong đa số các trường hợp, các nhà khoa học, các nhóm phát minh thường phải đi chào hàng, để bán các phát minh đó cho các công ty tư bản. Nhà khoa học và công nghệ do không có tư bản, chỉ có cái sản phẩm trí tuệ của mình phải bán cái sản phẩm đó như một hàng hoá cho nhà tư bản; nhà tư bản sử dụng cái hàng hoá đó như một công cụ hữu hiệu để tăng năng suất lao động, để tăng giá trị thặng dư (giá trị thặng dư tương đối và giá trị thặng dư siêu ngạch) cho nhà tư bản. Như vậy là thoạt kỳ thuỷ, sáng kiến phát minh do ai nghĩ ra thuộc sở hữu người ấy. Thế nhưng trên thương trường, thông qua hành vi mua và bán, rút cục sáng kiến phát minh vẫn lại trở thành của tư bản và chỉ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp dưới hình thức là tư bản mà thôi! Trong trường hợp mà nhà sáng chế phát minh bán bản thân khả năng phát minh, tức bán hàng hoá sức lao động trí óc của mình cho nhà tư bản và được kết hợp với các thiết bị nghiên cứu trong các xí nghiệp khoa học do nhà tư bản tổ chức thì sáng chế phát minh ngay khi mới ở trong đầu nhà phát minh đã thuộc sở hữu của tư bản rồi. Như vậy, huyền thoại về việc với chủ nghĩa tư bản hiện đại, sở hữu trí tuệ sẽ thay thế cho sở hữu tư liệu sản xuất sẽ không còn lý do tồn tại.

Vấn đề không chỉ có như vậy! Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Người ta còn cho rằng, ngày nay quyền lực của nhà tư bản đối với công nhân giảm đi bởi vì công nhân cũng có trí tuệ của mình và sở hữu nó như là một đối trọng với sở hữu tư bản. Người ta cho rằng, quan hệ giữa chủ và thợ bình đẳng hơn và chưa chắc là chủ sở hữu tư liệu sản xuất có ưu thế hơn chủ sở hữu trí tuệ, mà có khi lại phụ thuộc vào chủ sở hữu trí tuệ. Phải thừa nhận rằng, trong nền kinh, tế hiện đại, trình độ văn hoá và nghề nghiệp của người công nhân cao hơn trước nhiều và đó là một đòi hỏi khách quan của sự phát triển các lực lượng sản xuất hiện đại. Cũng rất có thể là do tính chuyên nghiệp đặc thù của một khâu sản xuất do người công nhân nào đó đảm trách mà anh ta có thế mặc cả hơn với ông chủ. Thế nhưng từ đó mà khái quát lên rằng, ngày nay, giai cấp công nhân là chủ sở hữu trí tuệ, bình đẳng, thậm chí ưu thế hơn so với chủ sở hữu tư liệu sản xuất thì đó là một sự xuyên tạc mối quan hệ giữa giữa chủ và giới thợ. Chừng nào các xã hội hiện đại vẫn là xã hội tư sản thì mọi quyền lực chi phôi vẫn thuộc về giai cấp nào nắm giữ tư bản, chứ không phải là ngược lại. Ngày nay, với sự xuất hiện những nhà máy tự động hoá cao đã xuất hiện huyền thoại mới về “nhà máy không người”. Lý luận giá trị thặng dư của C.Mác lại bị đặt thành vấn đề từ một góc độ tiếp cận khác.

Một trong những phát kiến quan trọng của C.Mác trong lĩnh vực khoa học, kinh tế chính trị là tìm ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất: Lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Vận dụng lý luận đó vào quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác cũng đồng thời phát hiện ra tư bản bất biến và tư bản khả biến. C.Mác nhận thấy rằng, trong quá trình sản xuất, tư bản chủ nghĩa, để sản xuất ra sản phẩm hàng hoá mới, có những giá trị được chuyển nguyên vẹn vào hàng hoá mới, đồng thời có những giá trị mới được sinh ra. Điều quan trọng là ở chỗ vẫn chỉ là một quá trình lao động mà thôi nhưng với tính chất là lao động cụ thể, lao động của người công nhân đã chuyển nguyên vẹn các giá trị cũ vào sản phẩm lao động mới và làm cho sản phẩm đó có một giá trị sử dụng xác định; trong khi đó, cũng vẫn chỉ là quá trình lao động đó thôi nhưng với tính chất là lao động trừu tượng, người công nhân đã sáng tạo ra một giá trị mới trong đó có giá trị thặng dư. Ngày nay, trong các nhà máy tự động hoá, dù cho giá trị của lao động sống có giảm đi một cách tương đối so với lao động quá khứ và dù cho máy móc, các tư liệu lao động có vai trò cực kỳ quan trọng mà nếu không chúng thì quá trình sản xuất không thể diễn ra thì giá trị thặng vẫn chỉ do lao động sống của công nhân sản xuất ra chứ không phải do máy móc sản xuất ra chủ nghĩa tư bản hiện đại tạo ra một sự cạnh tranh tích cực, cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ. Những nhà máy có cấu tạo hữu cơ tư bản cao, dùng ít lao động sống không phải nhất loạt xuất hiện đồng thời ở tất cả các xí nghiệp mà chỉ xuất hiện ở một số xí nghiệp dẫn đầu. Ở đây máy móc hiện đại đắt tiền hơn, tuy tự nó không tạo ra giá trị mới mà vẫn chỉ chuyển giá trị của nó vào sản phẩm mới nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo ra một giá trị mới cao hơn trước nhiều, cao hơn năng suất của các nhà máy cùng sản xuất ra hàng hoá tương tự. Như vậy là, nhà máy áp dụng công nghệ mới có một giá trị cá biệt hàng hoá thấp hơn giá trị xã hội của hàng hoá; trong khi đó lại bán hàng hoá theo giá trị xã hội của hàng hoá. Chính trong điều kiện đó, các nhà máy áp dụng công nghệ mới có lợi nhuận siêu ngạch. Lợi nhuận này của các nhà máy áp dụng công nghệ mới được người ta gắn cho công lao của máy móc, máy móc thay thế vai trò của lao động sống hoặc chí ít cùng với lao động sống tạo ra giá trị mới. Thực ra, hiện tượng nhà máy áp dụng công nghệ mới có lợi nhuận cao là một hiện tượng bất bình thường của kinh tế thị trường, của quy luật giá trị, của sự cạnh tranh tư bản chủ nghĩa. Lợi nhuận siêu ngạch của nhà máy áp dụng công nghệ cao chính là do nhà máy có năng suất lao động cao hơn, đã thu hút phần giá trị thặng dư từ các nhà máy có năng suất lao động thấp hơn. Lợi nhuận siêu ngạch không tồn tại vĩnh viễn với một nhà máy. Cạnh tranh tư bản chủ nghĩa và sự bình quân hoá lợi nhuận sẽ làm cho trình độ công nghệ chung của nền kinh tế tiên lên và lại xuất hiện lợi nhuận siêu ngạch ở một nơi khác.

Đúng là so với các giai đoạn kỹ thuật trước của chủ nghĩa tư bản: Giai đoạn hợp tác giản đơn, giai đoạn công trường thủ công, giai đoạn công nghiệp thì trong giai đoạn tự động hoá này, lao động sống được giảm thiểu một cách đáng kể; máy móc không những thay thế lao động cơ bắp của con người mà còn thay thế cả một phần lớn lao động trí óc của con người. Tuy nhiên, cũng cần giải toả một ảo tưởng cần khẳng định rằng nền sản xuất tự động hoá không phải dùng ít lao động sống đến mức như người ta tưởng. Chẳng qua là việc phân bố lao động sống trong nhà máy tự động hoá thay đổi khác trước mà thôi. Chẳng phải là trên thực tế, trong xã hội hiện đại, tuy rất tiết kiệm trong sử dụng lao động sống, thì tổng số người lao động làm thuê ăn lương vẫn cứ tăng lên, thậm chí người ta có thể ước tính được mỗi năm phải tạo thêm bao nhiêu công ăn việc làm mới thì mới giữ cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức có thể chấp nhận được với xã hội. Chẳng phải là một mối lo trong tính toán kinh doanh của nhà tư bản hiện đại là lo về chi phí tiền lương cho công nhân quá lớn đến mức không chịu nổi và một trong những tiêu chí để lựa chọn nơi đầu trên thế giới là đầu vào nơi công nhân vừa có tay nghề cao, lại vừa trẻ.

Cách mạng khoa học công nghệ “nhà máy không người” là một hình tượng được cường điệu một cách có dụng ý. Thực ra máy móc không tự nó chạy mà phải có người cho nó chạy, phải theo dõi quá trình vận hành của nó để xử lý những sự cố trục trặc về kỹ thuật... Nói một cách khác, tuy tự động hoá nhưng vẫn phải có lao động sống của công nhân làm nhiệm vụ giám sát, điều hành, điều mà C.Mác đã tiên đoán một cách thiên tài chức năng lao động con người trong tương lai. Hơn thế nữa, để cho dây chuyền tự động hoạt động, xí nghiệp cần phải có một bộ máy nhân viên lo đầu vào của sản xuất, tiếp liệu đúng thời hạn và chất lượng... lo đầu ra của sản phẩm, quảng bá, tiếp thị, tiêu thụ. Nếu các bộ phận này làm không tốt thì nhà máy này cũng không thể hoạt động tốt được. Nói một cách khác, với nhà máy tự động hoá, sự phân bổ lao động trong nội bộ nhà máy thay đổi theo hướng phần lao động trực tiếp đứng máy, sản xuất ra sản phẩm giảm đi nhưng phần lao động dịch vụ cho việc sản xuất sản phẩm tăng lên.

Tiến sĩ Wolfgang, giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Đức chỉ ra rằng: “Cho dù là thời đại Công nghiệp 4.0, thì nhà máy của chúng ta cũng không phải là hoàn toàn vắng bóng người. Chỉ có điều, nội dung công việc của con người trong sản xuất sẽ không giống như hiện nay, lao động chân tay sẽ giảm hẳn” [2]. Điều này chứng minh cho những gì C.Mác từng nói: “Một sản phẩm phân công của công trường thủ công, là lao động trí óc trong quá trình sản xuất vật chất trở thành tài sản của người khác và thành lực lượng thống trị công nhân, đồng thời đối lập với công nhân... Công trường thủ công sẽ khiến công nhân phát triển dị thường, biến thành công nhân cục bộ, đại công nghiệp sẽ tách khoa học vốn là một loại lực lượng sản xuất độc lập ra khỏi lao động, và buộc khoa học phục vụ cho tư bản”. Có thể nói tình hình đó hiện nay vẫn chưa thay đổi, Công nghiệp 4.0 vẫn với danh nghĩa là tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp tục đẩy dần công nhân cổ xanh ra bên lề công nghiệp một cách danh chính ngôn thuận.

Dù khẩu hiệu Công nghiệp 4.0 coi tính hợp lý về công năng và hiệu quả môi trường làm nguyên tắc trọng tâm, đóng góp ý nghĩa tích cực trong việc ứng phó và giải quyết một số thách thức mà thế giới hiện nay phải đối mặt (như phương diện hiệu suất sử dụng tài nguyên và năng lượng, phương diện biến đổi kết cấu dân số), tuy nhiên trong “Sự khốn cùng của triết học”, C.Mác đã sớm chỉ ra rằng: “... những quan hệ sản xuất trong đó giai cấp tư sản vận động không có một tính chất nhất trí, một tính chất đơn, mà là một tính chất kép, rằng trong cùng những quan hệ ấy, sự giàu có được sản sinh ra thì sự khốn cùng cũng được sản sinh ra; trong cùng những quan hệ ấy, có sự phát triển của các lực lượng sản xuất thì cũng có một lực lượng sản sinh ra áp bức...”[1]. Trên thực tế, công nghiệp 4.0 vẫn là công cụ mưu lợi của chủ nghĩa tư bản sử dụng công nghệ và điều động vốn, nó mượn chiêu bài mê hoặc cảm giác ý nghĩa, tồn tại của con người, khoác lên mình tấm áo choàng hư ảo với đặc trưng là biểu hiện tự thân và thỏa mãn tự thân, nhưng rốt cục là sụp đổ, không thể gắn kết được toàn xã hội.

Trước làn sóng Công nghiệp 4.0, đông đảo các nước đang phát triển tỏ ra phấn khích, như thể nhìn thấy phương hướng phấn đấu nhằm chuyển đổi nâng cấp doanh nghiệp của nước nhà, như thể nhìn thấy tương lai mới phồn vinh và phát triển cho thị trường toàn cầu, thậm chí còn có nước ráo riết vẽ ra những bản kế hoạch tươi đẹp về nền sản xuất thông minh và tiêu dùng cá tính hóa. Có thể nói, những tư tưởng công nghệ lạc quan chủ nghĩa này chính là điều mà những nhà đại tư bản và những nhà dẫn dắt công nghệ ưa thích, trên thực tế nó cũng là điều họ ra sức cổ xúy. Công nghiệp 4.0 không giải thoát cho con người, thậm chí còn thu hẹp hơn nữa thời gian thư giản của con người. Tuy vậy, điều đáng sợ hơn nữa là, chúng ta đã bị chói chặt, thế hệ sau của chúng ta gần như cũng bị chói chặt, vì đời sống mạng internet của họ còn vượt xa chúng ta, mạng xã hội, công nghệ truyền thông 3G/4G/5G cũng khiến khối lượng công việc càng nhiều âm thầm vươn rộng tới thời gian và không gian đời sống của người lao động, sự lao lực “cấp tính” này thậm chí nguy hại tới sức khỏe, hạnh phúc và sinh mạng của họ.

Không thể phủ nhận rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ngày nay đã có những biến đổi to lớn, không chỉ so với thời đại của C.Mác, mà còn so với thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Nhưng chỉ cần hệ thống kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa không có sự biến đổi căn bản, thì sự tiến bộ mới về công nghệ ra đời dưới logic tích lũy tư bản như Công nghệ 4.0 cũng không thể giúp toàn thể người lao động trên thế giới có được sự giải phóng thực sự. Thời đại Công nghiệp 4.0 vẫn là “đất diễn” của số ít các nước sở hữu “quyền lực công nghệ” và “quyền lực tư bản”, tức các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, thực chất đều chỉ là chính sách ứng phó nhằm bước ra tình trạng suy thoái kinh tế sau khủng hoảng tài chính, những quốc gia này đều thấy rõ, chỉ có thông qua cách mạng công nghiệp mới với sự chủ đạo của công nghệ và tư bản, mới có thể tái tạo lợi thế cạnh tranh và bảo đảm địa vị dẫn đầu trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Công nghiệp 4.0 có tính hợp lý trên phương diện hiệu quả và năng suất của nó, nhưng rốt cuộc nó vẫn chỉ là giai đoạn mới của phân công lao động tư bản chủ nghĩa hoặc quan hệ giữa người với máy móc mà thôi, trên thực tế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn không hề thay đổi bản chất, máy móc dù có hiện đại cũng không thể thay thế lao động sống tạo ra giá trị mới và học thuyết của C.Mác về giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên ý nghĩa phương pháp luận trong việc phân tích chủ nghĩa bản hiện nay.

 Lương Ngọc Khánh

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vận mệnh lịch sử của chủ nghĩa tư bản, Nxb Chính trị quốc gia H.2004.

2. Tư liệu khoa học lý luận và thực tiễn thế giới, số tháng 1/2017 Tr.1-Tr13.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1 nhận xét:

  1. Học thuyết của C.Mác về giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên ý nghĩa phương pháp luận trong việc phân tích chủ nghĩa tư bản hiện nay

    Trả lờiXóa