Một trong những thói quen ứng xử của người Việt
là ưa thích sự mềm mỏng, khéo léo, nhã nhặn. Thói quen ứng xử đó có mặt tích
cực là dễ tạo thiện cảm với những người trò chuyện, tiếp xúc với mình, nhưng quá
coi trọng việc giao tiếp, ứng xử nhã nhặn, nhún nhường theo kiểu “Nói ngọt cũng
lọt đến xương” cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho tệ nói dối, nói hão nảy sinh.
Đây chính là mầm mống của bệnh giả dối, một trong những mối nguy
hại làm mọt ruỗng phẩm giá cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát
triển lành mạnh của văn hóa chính trị, văn hóa công vụ.
“Con ma" bệnh giả dối đục thấu, khoét vào cốt tủy con người
Người Việt Nam có nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng cũng còn không ít
thói hư tật xấu. Một trong những tật xấu đáng quan ngại là thói giả dối. Theo
nghiên cứu của GS, TSKH Trần Ngọc Thêm, Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước
KX.04.15/11-15 “Hệ giá trị con người-Hệ giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn
mới”, qua khảo sát trên phạm vi cả nước với hơn 5.600 phiếu điều tra, người
Việt có 18 phẩm chất tốt (đạt hơn 30% số phiếu trả lời). Cũng theo kết quả điều
tra, điều rất đáng suy ngẫm là trong số những tật xấu của người Việt, bệnh giả
dối xếp hàng đầu, chiếm tỷ lệ 81% số phiếu điều tra.