Gần đây, Đảng, Nhà nước ta ban hành các chủ trương, chính
sách, luật pháp nhằm kiểm soát quyền lực, đặc biệt là Quy định số 205-QĐ/TW của
Bộ Chính trị về việc “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy
chức, chạy quyền”. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao còn các
thế lực thù địch cho rằng “không thể kiểm soát được quyền lực, không thể có dân
chủ nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không từ bỏ độc quyền lãnh đạo”. Có thực như vậy
không?
Để góp phần bác bỏ luận điệu võ đoán nêu trên, trước hết
phải có sự thống nhất trong quan niệm về dân chủ. Dân chủ (tiếng Anh là
Democracy) có gốc từ tiếng Hy Lạp; nghĩa gốc của từ cũng là nghĩa cơ bản của
khái niệm “chính quyền của dân, thực hiện quyền lực của dân”. Dân chủ là một
hình thức (cách thức, kiểu) tổ chức nhà nước mà trong đó “quyền lực phải thuộc
về số đông, phục vụ cho nhu cầu của số đông và vì quyền lợi của số đông”(1).
Hiện nay, khi định nghĩa về dân chủ, hầu hết các nhà lý luận, chính khách và
các nhà hoạt động xã hội đều ưa thích sử dụng cách diễn đạt của Abraham
Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ: “Dân chủ là chính quyền của dân, do dân
và vì dân”. Người vạch rõ bản chất của một xã hội được coi là dân chủ, chỉ rõ
nguồn gốc quyền lực thuộc về nhân dân chính là Các Mác. Ông viết: “Dưới chế độ
dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp mà luật pháp tồn tại vì
con người; ở đây, sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới
những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy
định bởi luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”(2).
Quan niệm này đặc biệt sâu sắc, theo đó, con người trong cuộc sống hiện thực
của nó không phải là cái được quy định bởi luật pháp mà ngược lại, chính luật
pháp phải là cái phù hợp với sự tồn tại của con người.